Các quốc gia “Stan” bí ẩn xứ Trung Á
Khi nghe tên dài dài khó đọc của các nước ''stan'', người ta có thể ngờ vực phần nào vì chúng nghe hơi giống Afghanistan, xứ sở nguy hiểm bị chiến tranh tàn phá. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng các nước ''stan'' của khu vực Trung Á không chỉ tuyệt đối an toàn mà còn đầy những công trình kiến trúc cổ kính và phong cảnh đẹp mê hồn: chúng là một trong những điểm đến đẹp cuối cùng chưa bị cuốn vào vòng xoáy của quá trình du lịch hóa.
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi ở khu vực Trung Á là Uzbekistan.
Uzbekistan là một quốc gia khép kín có chế độ chuyên chế, được cai trị bởi tổng thống Karimov từ năm 1990 (cho đến khi ông này qua đời năm 2016). Hiện rất ít du khách chọn Uzbekistan vì các phiền phức của quan liêu kiểu Xôviết, tham nhũng và các dịch vụ du lịch chưa phát triển. Điều tiện lợi là người dân của các quốc gia ''stan'' vẫn biết tiếng Nga (dù mỗi quốc gia có một ngôn ngữ bản địa riêng) cho nên tôi đã có thể giảm bớt sự rắc rối phần nào.
Tôi vội rời thủ đô Tashkent đông đúc và bụi bặm để đến thăm thành phố lừng lẫy nhất khu vực Trung Á: Samarkand. Từng bị chinh phục bởi Alexander đại đế và đế chế Ba Tư, Samarkand trở thành một trung tâm thương mại thịnh vượng trong thời Con đường tơ lụa. Thời đại hoàng kim của Samarkand rơi vào thế kỷ 14 khi nó trở thành thủ đô của đế chế của Timur (Thiếp Mộc Nhi), nhà vua có dòng dõi Mông Cổ bị Ba Tư hóa. Nhiều công trình hoành tráng và tuyệt tác của kiến trúc Hồi giáo được xây dựng dưới thời Timur vẫn có thể được nhìn thấy ngày nay.
Trái tim của khu phố cổ Samarkand là Registan, quảng trường mênh mông được bao quanh bởi ba học viện Hồi giáo đồ sộ đầy vẻ đẹp huyền bí với những cổng và tháp được trang trí tinh xảo. Tôi đứng một mình giữa quảng trường và ngước nhìn lên, ngẩn ngơ giữa thế giới hùng vĩ như vừa lọt vào bộ phim cổ xưa Aladin.
Vẻ đẹp và kích thước tuyệt đối của Rajistan có thể so sánh với Taj Mahal ở Ấn Độ hay các nhà thờ Hồi giáo vĩ đại của Istanbul, thế nhưng điều đập vào mắt tại nơi này là tôi gần như là khách du lịch duy nhất! Tôi đưa mắt nhìn xung quanh: không có nhóm tour huyên náo hay đám đông khách du lịch chen chúc. Những bóng người duy nhất mà tôi nhìn thấy là người bản địa vội rảo bước đi đâu đó và không hề để tâm đến kỳ quan kiến trúc trước mắt.
Sau đó tôi tới Bukhara, thành phố nghìn tuổi nằm trong sa mạc về phía Tây, đẹp nao lòng chẳng kém gì Samarkand. Tại Bukhara, khu phố cổ được bảo tồn và nguyên vẹn đến nỗi tôi có cảm giác vừa quay ngược về quá khứ và thời Trung cổ đúng theo những gì ta thấy trong các phim lịch sử. Các công trình của Bukhara được nhuộm màu vàng óng ả như để hòa nhập với khung cảnh sa mạc bao quanh.
Tại đó, tôi đi dạo qua những phố cổ đi bộ, ngắm nhìn những tháp cổ, thánh đường và học viện Hồi giáo đồ sộ vẫn còn nguyên vẹn đến lạ lùng. Và điều tạo ra ấn tượng mạnh là tôi chỉ có thể nhìn thấy những người bản địa thong thả đi dạo chẳng mấy để ý đến các công trình choáng ngợp xung quanh. Tôi vẫn nhớ như in cái cảnh lũ trẻ con vô tư lự đá bóng ngay trên Quảng trường Po-i-Kalyan giữa lòng khu phố cổ được UNESCO công nhận là di sản thế giới - mà chẳng ai bận tâm đến việc quả bóng của họ có thể gây tổn hại cho các bức tường quý giá được xây bao thế kỷ trước!
Sau Uzbekistan, tôi bắt xe khách tới Kyrgyzstan.
Với dân số chỉ sáu triệu dân, Kyrgyzstan có địa hình cực kỳ độc đáo: núi non bao phủ 93% diện tích của đất nước và 40% của diện tích nằm ở độ cao hơn 3.000 mét. Với những dãy núi cao chót vót, 200 hồ, 600 sông băng và ba đỉnh núi cao hơn 7.000 mét, Kyrgyzstan chứa những phong cảnh đẹp ngoạn mục và là thiên đường đối với người yêu thiên nhiên.
Điểm đến đầu tiên của tôi là thủ đô Bishkek. Tôi hơi bất ngờ khi bắt gặp một thành phố giữ đậm nét Xôviết với những đại lộ, quảng trường, đài phun nước và tượng đài đồ sộ nhuốm màu xám đặc trưng của kiến trúc Liên Xô. Dù tôi khoái đi dạo qua những vỉa hè rộng thoáng và những công viên xanh mát rượi, tôi sớm rời khỏi thủ đô để đến hồ Issyk Kul và các dãy núi khổng lồ ở phía Đông đất nước.
Tôi dừng chân tại thành phố Karakol nằm ở chân dãy núi. Như hầu hết mọi du khách đến với Kyrgyzstan (tôi chỉ bắt gặp những du khách tự túc ''Tây ba lô'' chứ không thấy nhóm tour thông thường nào cả trong suốt thời gian tại đó), tôi sốt ruột muốn đi trekking, tức là leo núi và đi bộ dài ngày ở thiên nhiên. Hôm sau, tôi đi bộ cả ngày ở một thung lũng đẹp như tranh với những rừng thông và đồng cỏ núi cao nhuốm màu xanh mướt.
Ngoài lác đác dăm ba nhóm người leo núi, tôi chỉ bắt gặp những đàn gia súc thong thả gặm cỏ hay đàn ngựa hoang dã. Theo truyền thống, nhiều dân Kyrgyz sống theo cách du mục tại những căn lều yurt trải rải rác trên các đồng cỏ và thảo nguyên nên hôm đó tôi tìm đến một căn yurt và ngay lập tức ngỏ ý muốn ngủ qua đêm với họ. Tôi làm quen và dành một ngày đêm tuyệt vời cùng gia đình chủ, chứng kiến cuộc sống hằng ngày của người du mục và giao lưu với mẹ con bằng tiếng Nga.
Người du mục Kyrgyz rất mến khách và thích sống giản dị hài hòa với thiên nhiên. Vào mùa hè, họ lên thảo nguyên chăn cừu và sống tại căn lều yurt cho đến mùa rét khi họ lại xuống thành thị. Gia đình cho tôi ăn những món thông thường của ẩm thực Kyrgyz như súp thịt cừu, khoay tây, mứt, bánh mì và Kumis, một sản phẩm sữa lên men được làm từ sữa ngựa là đặc sản của dân tộc Kyrgyz và Mông Cổ. Sau một ngày vất vả đi bộ leo núi, súp nóng mà họ nấu cho tôi có vị thực sự ngon và sưởi ấm bằng củi bên trong căn lều tạo nên cảm giác ấm áp biết bao.
Một địa điểm khác mà tôi quyết định đến thăm ở Kyrgyzstan là hồ Song Kul. Tôi nghe người ta nói rằng hồ này có vẻ đẹp huyền bí đến mức như thuộc một hành tinh khác. Nằm trong một thung lũng hẻo lánh ở độ cao hơn 3.000 mét và được bao quanh bởi các ngọn núi cao, hồ Song Kul rất khó tiếp cận. Vì không có đường nhựa hay người cư trú, cách duy nhất để đến là thuê một xe ô tô và hướng dẫn viên.
Trên đường đi, chúng tôi phải vượt qua một đèo cao để vào trong thung lũng của hồ nên chúng tôi dừng chân một lát tại đỉnh đèo để ngắm cảnh (vào tháng Bảy tuyết chưa tan hẳn). Tại đó tôi cũng nhìn thấy lần đầu trong đời bầy bò Tây Tạng, một động vật cao lớn có lông dài và rậm bờm xờm sống tại những cao nguyên độ cao của Tây Tạng, Himalaya và Mông Cổ.
Chúng tôi xuống tới bờ hồ và dừng lại cắm trại có một chụp căn lều yurt. Trừ trại này, tôi không nhìn thấy dấu tích con người nào khác ở tầm nhìn xung quanh, chỉ vỏn vẹn một thiên nhiên hoàn toàn hoang dã như thể tôi vừa đặt chân tại một hành tinh hoang vu!
Tôi đưa mắt nhìn xung quanh đường chân trời vô tận và chỉ thấy những đồng cỏ xanh mướt và đàn ngựa không trói lang thang tự do qua cao nguyên. Giống ở Mông Cổ, ngựa có vai trò quan trọng trong văn hóa Kyrgyz và là niềm tự hào của cả dân tộc: người Kyrgyz học cưỡi ngựa ngay từ khi còn bé. Ngựa Kyrgyz thuộc loại ngựa nhỏ, ngoan nên khá dễ cưỡi.
Tôi trả chút tiền thuê một con và được tự do cưỡi nó tùy thích cả ngày trời! Tôi vẫn nhớ như in cảm giác siêu phàm khi tôi cưỡi ngựa phóng nước đại qua cao nguyên mênh mông giống hệt như các kỵ sĩ chiến tranh trong các phim lịch sử! Trên các cung đường quanh thế giới, tôi đã có nhiều cơ hội cưỡi ngựa như dịch vụ dành cho khách du lịch, nhưng chỉ mới ở Kyrgyzstan tôi đã có một trải nghiệm toàn vẹn vì người du mục để khách cưỡi ngựa hoàn toàn tự do khắp đồng cỏ giữa thiên nhiên vô tận.
Sau khi cuộc hành trình của tôi ở xứ Trung Á được hoàn thành, đã đến lúc tôi tìm cách để trở về châu Âu và quê hương Serbia. Vì từ xưa tôi có ước mơ đi tàu trên đường sắt xuyên Sibir huyền thoại nên tôi quyết định có một trải nghiệm tương đồng và bắt tàu hỏa ở Kyrgyzstan đi Mát-xcơ-va cách đó gần ba nghìn kilô mét! Trong trí tưởng tượng của tôi, đó chắc chắn là một chuyến đi lãng mạn và nhớ đời.
Nhưng tôi đã nhầm! Tôi khởi hành từ Bishkek sáng thứ hai và mới đến thủ đô Nga vào chiều thứ năm, tức là tôi dành hơn ba ngày đêm trên tàu! Cảnh ngoài cửa sổ chỉ là thảo nguyên bất tận xuyên Kazakhstan còn các hành khách trên tàu chủ yếu là những bà lớn tuổi Nga. Trên tàu tôi đã có dư dả thời gian đọc sách, ăn mỳ tôm và suy ngẫm lại những ngày mà tôi dành tại Uzbekistan và Kyrgyzstan, hai quốc gia đẹp bí ẩn của xứ Trung Á.