Khi nước Mỹ tuyên chiến với chính mình

10:36 08/05/2021
Tròn 150 năm trước, ngày 20-4-1871, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật cực kỳ cứng rắn, nhằm trấn áp những lực lượng khủng bố hay cực hữu đang từng ngày đào sâu hố chia rẽ giữa các công dân Mỹ: Đạo luật Ku Klux Klan - hay còn gọi là Đạo luật Thực thi thứ ba (Third Enforcement Act).

Song, 150 năm sau, không hiểu sao, trên những đường phố tại các đô thị lớn nhất của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, những cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề kỳ thị chủng tộc vẫn liên tiếp diễn ra. Và dường như, đất nước ấy còn đang bị chia rẽ một cách sâu sắc hơn…

Chưa từng có tiền lệ

Đó là lần đầu tiên, một tổng thống Mỹ được Quốc hội Mỹ trao quyền sử dụng vũ lực một cách toàn diện, để ngăn cản và đàn áp các lực lượng cực hữu. Trong trường hợp cụ thể này, tổ chức Ku Klux Klan bị "điểm mặt chỉ tên" như mối đe dọa hàng đầu đối với quyền lực nhà nước trung ương Hoa Kỳ, và cần phải bị trấn áp bằng mọi giá.

Theo nghị quyết thông qua Đạo luật Ku Klux Klan ấy, đương kim tổng thống Hoa Kỳ khi đó - Ulysses S. Grant - được trao quyền tuyên bố tình trạng thiết quân luật, được phép áp dụng các hình phạt nặng nề với các tổ chức khủng bố, và được sử dụng quân đội để đối phó với Ku Klux Klan.

Cho đến lúc đó, mới chỉ sau sáu năm thành lập (từ 1865), Ku Klux Klan đã kịp trở thành một bóng ma đích thực, gieo rắc những nỗi kinh hoàng và những tội ác, thông qua hàng loạt hành động khủng bố có tổ chức.

Từ một nhóm hội kín mang tính chất huynh đệ của các cựu chiến binh phe Hợp bang miền Nam vừa thất bại trong Nội chiến Mỹ, Ku Klux Klan (còn được gọi ngắn gọn là 3K) nhanh chóng phát triển thành một phong trào đẫm máu và ghê tởm, thậm chí thành một tổ chức - lực lượng bán quân sự đáng gờm. Dựa trên nền tảng là thuyết Người da trắng thượng đẳng, KKK sử dụng bạo lực như phương tiện chính để đẩy lùi công cuộc Tái thiết, cũng như các nỗ lực trao quyền bầu cử cho người Mỹ gốc Phi mà chính phủ Washington tiến hành, như ý nguyện của vị nguyên thủ lừng danh Abraham Lincoln.

Ku Klux Klan hoạt động mạnh nhất ở các khu vực mà chủng tộc tương đối cân bằng. Chúng tổ chức nhiều cuộc tấn công khủng bố vào ban đêm, nhắm vào người Mỹ gốc Phi và cả người da trắng theo Đảng Cộng hòa - những người chiến thắng đích thực trong Nội chiến Mỹ. Tổ chức này chủ trương sử dụng hành động uy hiếp, phá hoại tài sản, hành hung và giết người để giành lấy ảnh hưởng, nghĩa là đặt mục tiêu giành giật quyền lực trên cơ sở đe dọa và khủng bố - trong cuộc bầu cử sắp sửa diễn ra.

Không phải ngẫu nhiên, có những câu chuyện mang tính truyền thuyết cho rằng cái tên ấy - Ku Klux Klan - là sự mô phỏng tiếng lên đạn của những khẩu súng trường, một cách diễn giải đậm đặc màu sắc bạo lực đặc trưng của tổ chức này.

Tổng thống - Tướng quân S.Grant - người được Quốc hội Mỹ "trao thượng phương bảo kiếm" chống 3K.

Dưới "lá cờ chính nghĩa"

Và cũng như một định mệnh, người được Đồi Capitol (Capitol Hill - trụ sở Quốc hội Mỹ) trao quyền trấn áp Ku Klux Klan, không phải ai xa lạ, chính là Ulysses S.Grant.

Đó không chỉ là vị tổng thống thứ 18 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Grant còn chính là chỉ huy tối cao của quân đội Liên bang miền Bắc đánh bại và tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Hợp bang miền Nam trong Nội chiến Mỹ. Thực tế, ông là một quân nhân, và là một tổng thống bất đắc dĩ, hơn là một chính khách chuyên nghiệp. Di sản chính trị ông để lại gồm cả lời khen tiếng chê. Có điều, không ai có thể chê trách ông về những nỗ lực đẩy lùi Ku Klux Klan, và đặt những viên gạch đầu tiên cho bình đẳng sắc tộc ở Mỹ.

Grant đã bày tỏ thái độ phản đối những hành vi khủng bố của Ku Klux Klan ngay từ đầu. Vậy nên, sau khi được Quốc hội Mỹ trao quyền, ông không ngần ngại sử dụng vũ lực và quân đội để xử lý vấn đề "đến nơi đến chốn", đúng như phong cách của một vị tướng trận.

Theo dòng thời gian, vào tháng 1-1871, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Scott của Pennsylvania đã triệu tập một ủy ban quốc hội để nghe lời khai từ các nhân chứng, về những hành động tàn bạo của 3K. Sang tháng 2, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Benjamin Franklin Butler của bang Massachusetts đề xuất một dự luật chống 3K, trong đó dự định thực thi cả Tu chính án thứ mười bốn và Đạo luật về Quyền công dân năm 1866. 

Dự luật của Butler đã bị đánh bại trong gang tấc tại Hạ viện, nhưng rồi Hạ nghị sĩ Cộng hòa Samuel Shellabarger  (bang Ohio) đã giới thiệu một dự luật thay thế, chỉ nhẹ hơn một chút so với bản gốc của Butler. Dự luật này được ủng hộ, và được thông qua Hạ viện, đưa lên Thượng viện, rồi được ký thành luật vào ngày 20-4, bởi chính Tổng thống Hoa Kỳ Ulysses S. Grant.

Có được cơ sở pháp lý trong tay, Grant lập tức điều động quân đội vào cuộc, thay thế cho những nỗ lực không mấy hiệu quả của các lực lượng dân quân. Hàng trăm thành viên của Ku Klux Klan đã bị phạt tiền hoặc bỏ tù, và các nhóm khủng bố ấy bị truy quét khắp nơi. Những nỗ lực này thành công đến mức Klan xem như bị triệt hạ hoàn toàn ở "thủ phủ" South Carolina, cũng như bị tàn sát trong toàn bộ phần còn lại của Liên minh Hợp bang miền Nam cũ. Klan đã không thể "ngóc đầu dậy" dù chỉ một lần nữa, cho đến khi nó được tái sinh vào năm 1915.

Tuy nhiên, trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, "kỷ nguyên đầu tiên" Klan cũng đã đạt được nhiều mục tiêu ở miền Nam, chẳng hạn như việc gieo rắc và củng cố tư tưởng nhất quyết từ chối quyền bầu cử cho người da đen miền Nam.

Ta hãy nhớ rằng, lý do đầu tiên được nhắc đến gắn liền với Nội chiến Mỹ là quyền bình đẳng bước đầu dành cho người da đen (người Mỹ gốc Phi), nói cách khác là những nỗ lực xóa bỏ chế độ nô lệ của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Nhưng thực tế, vấn đề còn sâu rộng hơn nữa, bởi để dẫn đến nội chiến, việc các điền chủ miền Nam phải từ bỏ và trả tự do cho hệ thống nô lệ của mình vẫn còn là quá nhỏ bé, khi đặt cạnh những mâu thuẫn quyền lực thượng tầng. 

Một cách ngắn gọn, giới hào phú miền Nam "nông nghiệp" của Hoa Kỳ không muốn bị "quản thúc" quá chặt chẽ bởi tư tưởng của các đại tài phiệt công nghiệp miền Bắc. Ngược lại, họ muốn có được một khoảng cách "tự do" đáng kể với chính quyền trung ương Washington.

Ku Klux Klan, thực chất, có thể xem là một cách thách thức chính quyền và tranh giành quyền lực bằng bạo lực khủng bố.

Nhìn từ các giác độ xoay quanh vấn đề quyền lực này, và đặc biệt là đặt câu chuyện về Đạo luật Ku Klux Klan vào bối cảnh cụ thể thời điểm ấy, có thể thấy những khía cạnh khác. Xung đột giữa chính quyền tổng thống Grant với Ku Klux Klan cũng có thể xem là xung đột giữa nỗ lực áp đặt của kẻ thắng lên cố gắng phá hoại của kẻ bại trong Nội chiến, mà câu chuyện về quyền bình đẳng bước đầu của người da đen vẫn tiếp tục được sử dụng như một công cụ tranh giành quyền lực. 

Nếu Ku Klux Klan sẵn sàng tấn công cả những người da trắng có tư tưởng cấp tiến, thì ngược lại, Hạ viện Mỹ cũng không dễ dàng chấp nhận những đề đạt mang quá nhiều tính đột phá, về quyền của người da đen. Bên cạnh đó, khi phát triển thành một lực lượng bán quân sự đủ sức khuynh đảo rất nhiều khu vực nông thôn, Ku Klux Klan thực sự trở thành "nhóm phiến quân" cần phải bị trừ diệt, để bảo vệ tính tôn nghiêm cũng như uy quyền của nhà nước.

Và bởi vậy, bởi dưới lá cờ chính nghĩa đó còn chất chứa bao nhiêu toan tính, nên dù Lincoln kêu gọi "bình đẳng giữa những người anh em khác màu da" từ trước Nội chiến Mỹ, thì những hố sâu ngăn cách vẫn chưa từng hoàn toàn bị lấp đầy. Cho đến hiện tại, năm 2021, các đường phố nước Mỹ vẫn có thể bị xé đôi bởi thù hận và khác biệt về màu da, từ đó tạo nên rất nhiều hệ lụy. Cũng như, để lại khá nhiều câu hỏi, nếu nhìn nhận vấn đề không chỉ từ góc độ tinh thần nhân văn thuần túy.

Bình đẳng sắc tộc là đúng, nhưng việc có quá nhiều kẻ "theo đóm ăn tàn" lợi dụng phong trào Black Lives Matter để cướp bóc và gây mất trật tự trị an thì có đáng bị trừng trị? Việc cảnh sát Mỹ bắn người bừa bãi là đáng lên án, nhưng chứng kiến viên cảnh sát 28 tuổi Darian Jarrot vừa bị tội phạm bắn chết trên xa lộ, để lại người vợ với đứa con thứ tư sắp sinh, chỉ bởi không quyết liệt trấn áp ngay từ đầu, có ai lại không bùi ngùi?

Đạo luật Ku Klux Klan vẫn còn đó, nhưng nó có cần bổ sung và hoàn thiện tiếp bởi văn bản pháp luật nào không?

* Ở một số bang miền Nam, Đảng Cộng hòa đã buộc phải tổ chức các đơn vị dân quân chống lại Klan. Năm 1871, việc thông qua Đạo luật Ku Klux đã khiến 9 hạt ở bang South Carolina bị đặt dưới thiết quân luật và hàng ngàn người đã bị bắt giữ. Năm 1882, Tối cao Pháp viện ra phán quyết rằng Đạo luật Ku Klux là vi hiến, nhưng vào thời điểm đó, Tái thiết đã kết thúc và KKK đã biến mất. Tất nhiên, sau đó, bóng ma 3K còn nhiều lần trỗi dậy từ bóng tối.

* Tên gọi Ku Klux Klan bắt nguồn từ chữ kyklos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "vòng tròn," và chữ clan (gia tộc) trong tiếng Scottish-Gaelic, có lẽ đã được chọn vì điệp âm. Cựu tướng miền Nam, Nathan Bedford Forrest, là thầy pháp vĩ đại đầu tiên (the first grand wizard) của KKK, và từng thất bại khi cố gắng giải tán tổ chức vào năm 1869, sau khi ông nhận ra tính bạo lực quá mức của KKK.

Thiên Thư

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

Sáng 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người dân vẫn tiếp tục rời Hà Nội đi du lịch và về quê qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô khiến mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng cao, ùn tắc kéo dài đã xảy ra trước trạm thu phí.

Từ nhiều năm qua, hơn 60 hộ gia đình nông dân ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bức xúc vì con đường đi ra đồng đất Khu A hình thành lâu đời bỗng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một hộ dân, cất nhà trên đó; để rồi bà con không có lối đi để sản xuất, vận chuyển nông sản.

Sáng 27/4, 2 đám cháy rừng tại khoảnh 8 và khoảnh 9, Tiểu khu 18B thuộc lâm phần rừng Phòng hộ núi Dài (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và tại khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cơ bản đã được kiểm soát, khống chế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文