Khi văn chương Việt đối mặt cái ác
- Tiểu thuyết lịch sử: Niềm hy vọng mới của văn chương Việt?
- Người nông dân đang vắng bóng trong văn chương Việt
- Diễn giải văn chương Việt từ bên kia chân trời
Tuy vậy, nếu chừng nào văn chương chưa dấn sâu vào cái ác như nhu cầu sáng tạo đích đáng, thì có lẽ, chừng đó, văn đàn vẫn còn khuyết thiếu một tri nhận nhân tính.
1. Trong sáng tác cũng như tiểu luận, Nguyễn Huy Thiệp nhiều lần nỗ lực thức nhận về cái ác. Theo ông, "bản chất đời sống con người có sự ác" (Sang sông), và vì thế, ông tỏ ra “khó chịu với những câu thơ đầu môi chót lưỡi về lòng nhân từ bản năng, tính thiện bản năng hoặc là trò ngâm ngợi thứ lòng tốt nhỏ kiểu từ thiện xã hội” (Con đường của các nhà thơ).
Trong truyện ngắn được đặt theo tên một tiểu thuyết lớn của F. Dostoiveski, Tội ác và trừng phạt, Nguyễn Huy Thiệp chỉ ra nguyên nhân gây tội ác nằm ở “sự mông muội tinh thần”, bao gồm cả “khát vọng về miếng ăn và nhà ở”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: LG |
Ông phân biệt "cái ác có lý" giải thích được, "cái ác vô lý" không giải thích được và đi đến kết luận: "đời sống tinh thần tăm tối cùng với hoàn cảnh quẫn bách vật chất tạo ra tội ác". Điều nguy hiểm là "tội ác sinh ra tội ác […] Tội ác cứ nhân thêm" nên "cái ác phổ biến đến nỗi người ta không biết đó là ác nữa". Đây chính là lúc, khác với nỗi e dè sợ hãi trong đời thực, nhà văn phải kể được câu chuyện mà cái ác nằm ở vị trí bùng vỡ khả năng cải tạo đời sống bớt đi những mông muội, quẫn bách, thú tính.
Nhưng không phải nhà văn nào cũng đủ bản lĩnh để viết về cái ác. Trong những ghi chép và trả lời phỏng vấn, Nguyễn Minh Châu từng thú nhận rằng ông và nhiều cây bút khác đã từng "khiếp hãi trước cái xấu và cái ác", khi không làm được thì "coi như không có nó-cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không còn oan khiên, oan khuất”.
Theo ông, viết về cái ác phải là nhà văn mạnh mẽ, khác với bản thân ông "khi đọc sách đến đoạn mô tả cảnh giết người, tôi đã nhảy qua. Cái tạng của mình nó yếu ớt đến nỗi tiếp nhận đã ghê sợ, huống hồ làm ra". Không thể “làm ra” một phần vì trước đó, khi đề cập đến con người, văn chương không được phép nói đến cái ác, cái phi đạo đức.
Cho nên, mặc dù đã là người mở đường tinh anh của văn học Đổi mới nhưng rõ ràng, qua lời tự thú và thực tiễn văn chương của Nguyễn Minh Châu, ta thấy ông chưa phải là ngòi bút đi sâu nhận diện cái ác, chưa chiếm lĩnh cái ác như một cảm hứng triết luận để thúc đẩy những phân tích kĩ lưỡng về bản chất đời sống.
Tính chất chuyển tiếp từ Nguyễn Minh Châu sang Nguyễn Huy Thiệp cũng có thể coi là sự đi tới cùng một đề tài văn học - viết về cái ác mà giai đoạn Đổi mới nóng lòng chờ đợi để cắt nghĩa rốt ráo các thực tế xã hội, các góc khuất nhân tính khó nắm bắt trong con người. Dĩ nhiên, viết về cái ác không thể chiều lòng mà đòi hỏi độc giả phải thay đổi khẩu vị văn chương “người tốt việc tốt” án ngữ lâu nay.
Khi xã hội nảy sinh cái ác, người ta thường đòi hỏi hỏi pháp luật lên tiếng. Mỗi hệ thống pháp luật, khi đối mặt với tội ác, đều có những khung hình phạt để đền bồi, cải tạo và răn đe. Thiết chế nhà lao, trại cải tạo hay án tử hình sẽ tham gia vào quá trình trừng phạt với mục đích cao nhất là ngăn chặn tái phạm.
Thế nhưng, dù chúng ta đang vận hành thiết chế đó thì thực tế vẫn có nhiều vụ án mạng kinh hoàng mà đa số phạm nhân còn rất trẻ, cá biệt, là người trẻ có học, có hiểu biết tối thiểu về thiện ác ở đời. Bởi vậy, khác pháp luật, văn chương thường bắt đầu từ việc thức tỉnh tình thế phạm tội ác của bất kì ai và nói với họ, một cách đồng cảm và sáng suốt, rằng đó là tình thế đau khổ, khốn cùng và tuyệt vọng nhất của con người. Raskolnikov trong Tội ác và trừng phạt của F. Dostoievki là ví dụ điển hình.
2. Nhưng ngoái lại một điều như thế, chỉ tính trong văn học Việt Nam hiện đại, lại không có nhiều kết quả rõ ràng. Nếu coi gốc gác của hình phạt đối với Raskolnikov bắt nguồn từ một truyền thống tự thú lâu dài trong Thiên chúa giáo phương Tây mà vì thế, sẽ khó đòi hỏi kiểu nhân vật tương tự ở văn học Việt Nam thì đáng lưu ý, là ngay ở tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên, Truyện thầy La-za-rô Phiền (1887) đã có mô hình tự thú, sám hối sơ khai.
Chỉ có điều, mô hình đó đã không được triển khai lâu dài và may mắn được giới cầm bút lưu tâm. Những biến động xã hội, nhất là hai cuộc chiến tranh nối tiếp đã không cho phép chúng ta dò thấu tình thế tội ác trong chính con người mình ngoại trừ tố cáo tội ác kẻ thù.
Trường hợp Thoạt kì thủy của Nguyễn Bình Phương được viết như một luận đề “nhân chi sơ tính bản ác” và Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh như một bản cáo trạng tự thú, hay cách đặt vấn đề thiện ác trong truyện Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là những suy tư ít ỏi về nhu cầu tự trừng phạt, tự phán xét của người Việt, điều cũng đưa ta gần với nhân loại không kém cần cù chịu khó yêu thương.
Bởi sự ít ỏi ấy, nên “mùi vị của tội lỗi”, một ham muốn kì quái dưới hành vi tội lỗi như lời của thánh Augustine trong cuốn Tự thú (Confessions) vẫn chưa bao giờ được xuất hiện đích đáng, bàn luận thấu đáo trong văn học Việt Nam. Nhưng ở đời thực, ngạc nhiên thay, không ít người có chút say mê nhất định khi được “ném đá” người khác, khi sẵn sàng chia sẻ những hành vi bạo lực, gây án, giết người.
Sự vô cảm trước tình cảnh của tha nhân hay sự ngang nhiên đến lộng hành của tội phạm, xét cho cùng, không chỉ chiểu theo sự phán xử của luật pháp, mà còn cần đến sám hối, cần đến một thứ văn chương tạo nên trạng thái “hành xác để sám hối” (nghĩa gốc của chữ nhà lao, “penance”) thì mới gợi nên những hi vọng đổi thay.
Dễ nhận thấy trạng thái “ngược đời” của báo điện tử hoặc mạng xã hội trong khả năng tô đậm những vụ án mạng theo hướng giật gân, rùng rợn, thoạt tiên đầy vẻ cảnh báo nhưng thực chất là mánh lới chữ nghĩa chèo kéo người đọc. Tấn bi hài của một bộ phận người đọc đã hiển thị ở việc tìm kiếm tên một sát thủ ngang với tên một diễn viên, người mẫu…, đồng nhất nhu cầu giải trí với hiếu kì tội ác.
Thực chất, họ quan tâm đến tội ác hay lâm vào vòng xoáy buôn tin tội ác? Tính chất ngấm ngầm lan truyền của thứ trải nghiệm rất chủ quan này là không gian để các thí nghiệm tội ác có dịp len vào đo mức phản ứng của xã hội, đến khi độ khó, phức tạp của các phát súng, nhát dao, đánh hội đồng, gậy gộc dằn mặt…, mà lời răn dạy đạo đức không thể giải quyết thì mới ngã ngửa rằng chính bản thân là một hiện hữu tội ác.
Đối diện với thực trạng này, rất có thể giới nghiên cứu văn chương Việt Nam sẽ đồng cảm hơn với G. Bataille khi ông đã mở rộng phạm vi nghiên cứu văn chương với các vấn đề loạn luân, tính dâm, vấn đề quyền lực, xã hội tiêu thụ, trong chuyên khảo Văn học và cái ác.
3. Đi chậm, đến sau hoặc không thể tri nhận về tội ác thì văn học vẫn còn đó những khoảng trống nhân tính một cách đúng nghĩa. Khi các thể loại trinh thám, điều tra xử án đang có dấu hiệu sôi động trên văn đàn Việt hôm nay, tưởng có thể bổ khuyết ngay những kiểu mẫu công lí, chứng thực tâm thế nhà văn không thờ ơ trước tội ác thì chúng ta cũng nên ngoái lại một vài chủ ý của Trần Dần, vào 1965, trong Những ngã tư và những cột đèn, rằng: “TỘI và PHẠT phải đi kèm, như bóng với hình, bao giờ cũng phải đi kèm”.
Trần Dần muốn trinh thám nhưng là một kiểu trinh thám Dostoievski, của “một cứu vớt sâu thẳm”, của Tội “đòi phải được trừng phạt” để “thằng phạm tội có thể vui vẻ, trên bản đồ cuộc đời vui vẻ”.
Ông không muốn văn chương chỉ chạy theo các vụ án, các tội ác, mà phải làm thế nào để, “tội phạm, và các thứ tội phạm, phải tự gánh lấy tội lỗi của mình”. Nhưng những lí lẽ đáng kính ấy, vì phát ra từ thân phận “con sâu đo”, nên phải đến hơn bốn mươi năm sau, mới được trở lại rộng rãi trong chúng.
Quả thật, văn chương của chúng ta đang trễ muộn song vẫn may mắn vì các điểm xuất phát, trong đó có con đường suy tư về tội ác và hình phạt, thật ra, còn rất mênh mông để các tài năng đích thực tự tin bước vào.