Napoleon sai lầm hay sáng suốt khi bán Louisiana?

14:09 17/01/2021
Đừng nhầm lẫn với bang Louisiana trong lãnh thổ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ hiện tại. Phần đất mang tên Louisiana mà Hoàng đế Napoleon Bonaparte của nước Pháp bán cho chính phủ Mỹ năm 1803 ấy là cả một dải lãnh thổ rộng lớn, bao gồm đến 15 tiểu bang Mỹ cùng 2 tỉnh của Canada trên bản đồ hiện đại.

Và rất nhiều người quan tâm đến lịch sử đã thở ngắn than dài khi lướt mắt qua sự kiện này. Họ nghĩ rằng, cũng như việc Nga bán tiểu bang Alaska cho Mỹ, Hoàng đế Pháp đã sai lầm trầm trọng.

Mỹ chẳng sốt sắng mua

Đó là sự thực. Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ khi đó, Thomas Jefferson - tổng thống thứ ba và cũng là bậc khai quốc công thần của nước Mỹ, không hề mặn mà với việc mua lại từ nước Pháp toàn bộ vùng lãnh thổ mang cái tên "đặc Pháp" đó.

Địa danh duy nhất mà ông quan tâm là New Orleans - cảng quan trọng để chuyên chở nông sản đến và đi từ khắp các phần đất Hoa Kỳ nằm ở phía tây dãy núi Applachian. Ông đã cử một phái viên quan trọng của mình là Robert R.Livingston đến Paris để xúc tiến việc thương thảo mua New Orleans từ năm 1801, nhưng lúc ấy đề nghị này bị từ chối.

Cuộc thỏa thuận chóng vánh đưa diện tích nước Mỹ thời điểm đó tăng gần gấp đôi.

Sau đó, một quân bài bí mật xuất hiện: Pierre Samuel du Pont de Nemours, một nhà quý tộc có quan hệ gần gũi với cả tổng thống Mỹ lẫn các thế lực chính trị tại Pháp. Ông tiếp xúc với Napoleon trong những chuyến vượt đại dương đến Paris, và rồi nhận ra rằng thay vì chỉ mua New Orleans, nước Mỹ có thể đề nghị Hoàng đế Pháp bán cho họ toàn bộ vùng lãnh thổ mang tên Vua Mặt trời (Le roi Soleil) Louis XIV của nước Pháp.

Nhưng Thomas Jeffeson ngại ngần với ý tưởng đó. Theo ông, đầu tiên, điều này không được quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ, về quyền lực của tổng thống. Thứ hai, nếu làm như vậy, quyền hành pháp liên bang sẽ đè nén sự độc lập của các tiểu bang. Thứ ba, mua Louisiana từ tay Napoleon Bonaparte cũng có nghĩa là thừa nhận rằng nước Pháp có chủ quyền đối với vùng đất này, điều mà Jefferson đang nghiền ngẫm phương án né tránh.

Cần phải nhấn mạnh: Cho dù Pháp là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh chống lại đế quốc thực dân Anh nhằm đòi độc lập cho 13 tiểu bang ban đầu, thì một nước Mỹ đang nỗ lực bành trướng cũng chẳng thích thú gì với việc có một "nước Pháp thuộc địa hải ngoại" với diện tích khá rộng lớn nằm ngay cạnh mình trên bản đồ Bắc Mỹ. Chính vì vậy, Thomas Jefferson luôn theo sát những hoạt động quân sự của quân đội Pháp tại đây.

Lãnh thổ Louisiana trên bản đồ hiện đại.

Nhưng Pháp buộc phải bán.

Napoleon Bonaparte có muốn xây dựng một cường quốc thuộc địa của nước Pháp tại trung tâm lục địa Bắc Mỹ không? Chắc chắn là có.

Trước đó, thực ra Louisiana là thuộc địa của Tây Ban Nha, từ năm 1762. Tuy nhiên, sau khi Đại quân của Napoleon đánh bại Tây Ban Nha và ký kết một hiệp ước năm 1800, dải đất mênh mông đó được chuyển thành tài sản sở hữu của nước Pháp.

Vấn đề lớn nhất ở đây là: Napoleon cũng như nước Pháp của ông không có đủ cả tiền lẫn nhân sự (binh sĩ, nhân viên, quan chức của bộ máy cai quản thuộc địa) để xây dựng Louisiana thành một vùng lãnh thổ thuộc địa cường thịnh. Chưa kể, những mối dây liên lạc giữa chính quốc và một thuộc địa to lớn như thế còn đòi hỏi có thêm nhiều hạm đội hùng mạnh để giằng giật quyền làm chủ các đại dương với Hải quân hoàng gia Anh.

Tuy nhiên, lúc đó, châu Âu mới là ưu tiên hàng đầu của Napoleon I, khi ông đang phóng tầm mắt của mình sang hành lang sông Rhine, và sẵn sàng đối đầu với bất cứ liên minh thù địch nào do "kẻ thù truyền kiếp" Anh quốc khởi xướng (bao gồm cả Áo, Phổ, Nga, Thụy Điển…). Trước sau, cho đến khi hoàn toàn bại trận, Napoleon đã phải đối diện tới bảy liên minh như thế. Trong đó, Anh quốc luôn luôn đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt và thúc đẩy mọi thành viên còn lại trên mặt trận chống bá quyền Pháp.

Do đó, nước Pháp của Napoleon Bonaparte đệ nhất buộc phải cân nhắc nặng nhẹ, và buộc phải lựa chọn. Họ không thể ôm đồm vừa lo chiến phí ở châu Âu, vừa xuất tiền xây dựng thuộc địa ở bên kia Đại Tây Dương.

Vả chăng, cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 tiểu bang Bắc Mỹ chống lại sự cai trị của Anh hẳn không thể không khiến Hoàng đế Pháp nghĩ đến một viễn cảnh tương tự, nếu ông cũng đầu tư Louisiana phát triển đến mức độ ấy. Nếu đầu tư, thì ông chắc chắn sẽ ưu tiên đầu tư cho những thương cảng thuộc địa trên biển, như Haiti, chứ thật khó để dốc túi cho vùng đất trung tâm nước Mỹ hiện đại - vốn rất khó "sinh lời" nhanh.

Vả chăng, như chính ông tuyên bố: "Sự thỏa thuận về lãnh thổ này sẽ mãi mãi khẳng định sức mạnh của Hoa Kỳ, và tôi đã cho nước Anh một đối thủ cạnh tranh trên biển, mà sớm muộn gì cũng sẽ làm cho họ (Anh quốc) phải bớt kiêu ngạo".

Tóm lại, lý do đầu tiên và cũng là lý do cuối cùng: Nước Pháp không chỉ thiếu tiền, mà còn đang cần thêm nhiều tiền. Bởi vậy, các nhà thương thảo Mỹ choáng váng khi nhận được thông điệp từ Paris: Nếu chỉ muốn mua New Orleans, hãy chuẩn bị 10 triệu USD (trị giá thời điểm đó); còn nếu muốn mua cả Louisiana, chỉ cần chuẩn bị thêm 5 triệu USD nữa, nghĩa là 15 triệu USD cho toàn bộ dải đất mênh mông ấy.

Món hời lớn của Thomas Jefferson.

Món hời của Jeffeson

Không chỉ thiếu tiền, Napoleon còn không có đủ cả quân đội để bảo vệ Louisiana. Những đoàn quân thực dân Pháp ở Bắc Mỹ trước đó vừa tiêu hao ghê gớm bởi dịch bệnh, vừa phải trấn áp cuộc nổi dậy của những người nô lệ Haiti, vừa phải đề phòng các kình địch đại dương như Anh hay Hà Lan. Trong bối cảnh đó, nếu không bán, Louisiana cũng hoàn toàn có thể bị mất vào tay Anh, hoặc chính tay Mỹ. Đến đầu năm 1803, tình thế càng rõ ràng, khi một cuộc chiến Anh - Pháp dường như là không thể tránh khỏi. Napoleon, vì vậy, đã tập trung xây dựng một hạm đội mới cho những nhiệm vụ quanh cựu lục địa.

10-4-1803, Bộ trưởng Tài chính Pháp - hầu tước Francois de Barbe-Marbois được biết là Napoleon muốn từ bỏ Louisiana. 11-4-1803, ông nói với "đại sứ" Mỹ Livingston điều đó. 30-4, thỏa thuận mua bán được ký kết. Ngày 4-7 (quốc khánh Mỹ) năm đó, Tổng thống Thomas Jefferson thông báo các điều khoản với người dân Mỹ. Ngày 20-10, Thượng viện Mỹ thông qua thỏa thuận. 20-12-1803, nước Pháp trao cho Mỹ New Orleans. 10-3-1804, mọi thủ tục hoàn tất, toàn bộ Louisiana trở thành lãnh thổ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Thomas Jefferson thực sự nhận được một món hời. Ngay sau khi chính thức nhận Louisiana, diện tích nước Mỹ (vào lúc đó) tăng lên gần gấp đôi, để trở thành một cường quốc thực thụ. Cũng nhờ vậy, Mỹ tạo được bàn đạp vững chắc để tiếp tục đẩy biên cương của mình sang phía Tây, mở rộng Viễn Tây cho đến khi dừng lại bên bờ Đông Thái Bình Dương.

Nhưng còn Napoleon Bonaparte? Lẽ nào ông không thể thở phào mãn nguyện, sau khi đã tạm trút đi được không ít những cơn đau đầu?

* Lousiana mà Hoàng đế Pháp bán cho nước Mỹ chiếm tới 23% lãnh thổ Hoa Kỳ hiện tại, bao gồm các tiểu bang: Arkansas, Missouri, Iowa, Oklahoma, Kansas, Nebraska, một phần bang Minesotta ở phía nam sông Missisipi, phần lớn bang North Dakota, gần như toàn bộ bang South Dakota, phần đông bắc bang New Mexico, miền bắc bang Texas, một phần các bang Montana và Wyoming, Colorado cùng những phần đất căn bản của bang Lousiana.

Bên cạnh đó, lãnh thổ này còn liên quan đến hai tỉnh Alberta và Saskatchewan của Canada hiện nay (đã được phân định lại sau một số hoạt động ngoại giao). Một cách ngắn gọn, Louisiana ấy trải dài từ sông Missisipi ở phía đông đến dãy Rocky ở phía tây, từ Vịnh Mexico ở phía nam đến biên giới giáp Canada phía bắc.  

* Thực tế, Pháp còn không nhận được đủ 15 triệu USD cho vụ mua bán này. Điều này có nguyên nhân là do Napoleon muốn có tiền càng sớm càng tốt, để phục vụ các mục tiêu chiến tranh của mình. Chính phủ Hoa Kỳ dùng số lượng vàng có giá trị 3 triệu USD để đặt cọc và các trái phiếu cho phần tiền còn lại phải trả cho Pháp. Vì chiến tranh sắp xảy ra với Anh, các ngân hàng của Pháp không mua bán số trái phiếu ấy.

Nước Pháp phải bán trái phiếu lại cho hai công ty tài chính Baring (có trụ sở tại Luân Đôn) và Hope (có trụ sở tại Hà Lan) với giá rẻ hơn. Chưa hết, một phần số tiền đó còn bị khấu trừ cho Mỹ, bởi những khoản Pháp còn nợ. Cuối cùng, theo thống kê chính thức, nước Pháp và Napoleon nhận 8.831.250 USD, và không còn Louisiana.

Phi Hồ

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文