Nữ chiến binh amazon: Thần thoại và sự thật

10:47 20/12/2018
Những cảm hứng từ hình tượng đoàn nữ chiến binh mạnh mẽ không bị gò bó trong khuôn phép đã tạo nên tộc Amazon đầy chất huyền sử trong kho tàng văn hóa nhân loại. Dẫu vậy, từ thực tế đem vào thần thoại, người Hy Lạp đã vẽ nên những nét khác biệt một trời một vực.


Tự do sống, tự do yêu, và tự do chết

Nhà sử học cổ đại Herodotus từng kể một câu chuyện ly kỳ.

Vài ngàn năm trước, một nhóm chiến binh người Hy Lạp đã đánh bại tộc Amazon tại sông Thermodon thuộc vùng Pontus, tức là phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Kết cục của phe chiến bại không có gì khác biệt so với thông thường: Hoặc chết trận, hoặc bị bắt. 

Những người Hy Lạp cố mang càng nhiều tù binh trở về quê nhà càng tốt. Họ nhốt tất cả vào ba chiếc tàu và căng buồm ra khơi, không biết rằng, những "chiến lợi phẩm" mà họ vừa có được, đang âm thầm chờ đợi cơ hội.

Vốn là người tộc Amazon, những cô gái này đương nhiên không tầm thường cả về ý chí lẫn sức vóc. Hiểu rằng nếu tàu về đến Hy Lạp, họ sẽ chẳng còn cơ hội trở lại với cuộc sống tự do như trước kia, cuộc quật khởi được tiến hành. Những nữ chiến binh nhanh chóng tìm thấy kho vũ khí, sát hại tất cả người Hy Lạp và chiếm quyền kiểm soát cả ba chiếc tàu.

Vấn đề là, "làm sao để lái tàu trở về nhà?". Những nữ chiến binh này vốn sống trên lưng ngựa, chưa từng chạm đến bánh lái, cũng chưa từng căng buồm chứ đừng nói đến chuyện thông thuộc thuỷ tính. May thay, nhờ vào gió và sóng của Biển Đen, những con tàu vẫn tìm thấy đất liền, chính là Crimea ngày nay.

Người Hy Lạp cổ đại từng nhiều lần giao tranh với các nhóm nữ chiến binh.

Không lâu sau khi lên bờ, người Amazon nghe thấy những âm thanh quen thuộc: tiếng vó ngựa. Người Amazon không thể thiếu ngựa. Vì thế, họ không từ chối cơ hội chiếm lấy bầy ngựa đang được chăn thả nơi đây. 

Có ngựa rồi, những nữ chiến binh xem như tìm lại đầy đủ phương tiện thiết yếu trong cuộc sống. Họ bắt đầu rong ruổi, khám phá vùng đất mới và đương nhiên là sống như cách họ vẫn sống ở quê nhà Pontus: Săn bắn, hái lượm, kể cả cướp bóc.

Sự xuất hiện của một nhóm người lạ mặt khiến những cư dân bản địa chú ý. Họ vốn là người Scythia, bộ tộc cũng sống theo kiểu du mục. Nhưng người Scythia nơi đây thì sống thịnh vượng hơn nhờ việc giao thương. 

Để bảo vệ thành phố nhỏ của mình, người Scythia đáp trả. Sau vài lần giao tranh, họ nhận ra những kẻ lạ mặt hoàn toàn là phụ nữ. Điều này khiến họ phải thay đổi kế hoạch.

Người Scythia không muốn giết những nữ chiến binh lạ mặt mà muốn thu phục họ. Trước kia, tộc Scythia cũng từng có những phụ nữ mạnh mẽ như thế. Nhưng cuộc sống càng thịnh vượng, vai trò của phụ nữ trong tộc càng mờ nhạt dần. Họ lùi về hậu phương, chăm sóc con cái và gia đình, vì thế, ngày càng trở nên yếu mềm.

Những nữ chiến binh Amazon xuất hiện khiến những người đứng đầu tộc Scythia nảy sinh mong muốn khôi phục lại sự mạnh mẽ mà họ từng sở hữu. 

Tin rằng sự phối ngẫu giữa những chiến binh sẽ sinh ra những chiến binh, họ muốn những cô gái này làm vợ của những nam thanh niên trong tộc, từ đó sinh ra một thế hệ người Scythia mạnh mẽ hơn.

Bằng cách tiếp cận e dè và thân thiện, những nam thanh niên Scythia dần tiến gần đến những nữ chiến binh Amazon. Về cơ bản, họ sống khá giống nhau khi chỉ xoay quanh các hoạt động săn bắn và hái lượm. 

Vào một ngày nọ, một chàng trai Scythia vô tình bắt gặp một cô gái Amazon ở thảo nguyên. Không cần lời nào, họ quấn lấy nhau, đam mê và cuồng nhiệt. Sau cuộc vui, cả hai hứa sẽ gặp lại nhau và mỗi bên sẽ mang theo bạn bè của mình.

Kể từ đó, bất chấp những rào cản về ngôn ngữ, những người Scythia và Amazon kết đôi, hình thành nên những mối quan hệ tình cảm mật thiết. Họ bắt đầu sống chung một cách bình đẳng và tự do, cùng nhau săn bắn, cùng nhau rong ruổi trên thảo nguyên. 

Dần dần, đến khi hiểu được ngôn ngữ của nhau, những thanh niên Scythia tỏ rõ mong muốn ban đầu: Cưới những cô gái Amazon và kéo họ về với xã hội của mình. Thế nhưng, họ chỉ nhận được sự từ chối.

Phía Amazon thề không từ bỏ cuộc sống tự do. Họ hiểu rằng một khi trở thành những bà vợ Scythia, họ sẽ phải quên đi lưng ngựa và dần trở thành những bà nội trợ. 

Họ đáp trả những người đàn ông bằng một lời đề nghị khác: "Nếu muốn giữ mối quan hệ với chúng tôi và nếu các anh thực sự mong muốn công bằng, thì hãy về nhà, nhận lấy của cải thuộc về các anh và trở lại đây với chúng tôi. Rồi chúng ta sẽ rời đi, sống theo cách như lâu nay vẫn sống".

Bị thuyết phục bởi lý lẽ của phía Amazon, những người đàn ông Scythia làm đúng như vậy. Họ tiến lên phía Bắc. Họ vượt qua sông Tainais và tìm thấy một vùng thảo nguyên trù phú. 

Một cuộc sống mới bắt đầu với dòng giống mà sau này người ta gọi là người Sarmatia. Đó là bộ tộc hầu như không có sự phân biệt giới tính. Nam nữ ăn mặc giống nhau, giỏi sử dụng vũ khí cũng như cưỡi ngựa. Phụ nữ Sarmatian thường xuyên săn bắn cùng đàn ông, hoặc thậm chí là một mình.

Đó là một trong những bằng chứng hùng hồn cho thấy, tộc Amazon, hoặc chí ít, là những nữ chiến binh được gán cho tên gọi này, thực sự tồn tại ở thời cổ đại. Tại rất nhiều di chỉ khảo cổ học xung quanh Biển Đen, người ta đã tìm thấy xương và vũ khí của những nữ chiến binh ấy. 

Đa phần vũ khí thường gắn liền với dân du mục như cung tên, kiếm, giáo, dao găm, khiên và cả áo giáp. Xương của họ bị gãy, vỡ hoặc đầy rẫy những vết thương. Họ đã sống, chiến đấu, và chết như người đàn ông.

Quan trọng hơn cả, những nữ chiến binh này có tính cách và cuộc sống rất khác so với những gì được miêu tả trong thần thoại Hy Lạp. Không có chuyện cắt một bên ngực. Không có chuyện họ là những trinh nữ cực kì căm ghét đàn ông. Càng không có chuyện họ phối ngẫu với đàn ông chỉ để duy trì nòi giống cho xã hội toàn nữ. 

Trên thực tế, họ có bề ngoài như phụ nữ ở bất kì nơi đâu. Họ cũng sống chung một cách hoà thuận với đàn ông, cũng thực hiện nghiêm túc thiên chức làm mẹ. Điểm khác biệt, có chăng, chính là đời sống tình dục có phần tự do hoặc cũng có thể xem là phóng túng.

Cảnh chiến đấu giữa Achilles và Penthesilea được vẽ lại trên bình gốm cổ Hy Lạp.

Những nữ anh hùng đều phải chết!

Có quan điểm cho rằng, nhờ quá trình giao thương, người Hy Lạp cổ đại đã gặp gỡ, thậm chí là chiến đấu với những nữ chiến binh này và rồi lấy họ làm cảm hứng cho những câu chuyện thần thoại. 

Ở đó, những nữ chiến binh với tính cách và đặc trưng khác hoàn toàn với phụ nữ Hy Lạp, dưới tên gọi chung là tộc Amazon, trở thành đối trọng tương xứng với những người hùng Hy Lạp.

Một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất về tộc chiến binh Amazon trong thần thoại Hy Lạp là cuộc chiến giữa Nữ hoàng Penthesilea và Achilles, trong bối cảnh cuộc chiến thành Troy. Vị nữ hoàng xinh đẹp không ngần ngại thể hiện sự thiện chiến của mình. 

Chuyện kể rằng nàng xuyên qua trận địa như sấm sét, lấy mạng vô số kẻ địch. Về phần Achilles, chàng bị vẻ đẹp của Penthesilea thu hút và bị lòng dũng cảm của nàng quyến rũ. 

Khoảnh khắc đối mặt nhau chiến trường cũng là khoảnh khắc người hùng của Hy Lạp sa vào lưới tình của Nữ hoàng Amazon. Nhưng đáng tiếc, tất cả đã quá muộn. Penthesilea bị Achilles đánh bại và gục chết trong chính vòng tay chàng.

Ở một câu chuyện khác, Theseus, trong thời gian cùng Heracles đến vùng đất của tộc Amazon, đã đem lòng yêu nữ hoàng Antiope. Đôi trai tài gái sắc mau chóng làm đám cưới và trở về Athens. Nhưng những người Amazon không cho phép nữ hoàng của họ bị giam cầm ở Hy Lạp. Họ kéo quân vây hãm Athens. 

Cuộc chiến gây ra rất nhiều thương vong. Antiope rất yêu chồng và cũng không muốn trở về Amazon. Vì thế nàng chọn bảo vệ Anthens thay vì đứng về phía các chị em. Không may, Antiope mất mạng vì một mũi tên đi lạc. Trận chiến kết thúc. Người Amazon kéo quân trở về cố hương trong niềm thương tiếc nữ hoàng của họ.

Thú vị là, số phận của những nữ chiến binh Amazon, qua lời kể của người Hy Lạp, thường không mấy khi có hậu. Dù cho có tài năng, có đẹp đẽ, có anh hùng như thế nào đi chăng nữa, tất cả đều phải chết. 

Càng thú vị hơn nữa, Amazon là bộ tộc ngoại bang hiếm hoi chiếm một vị trí trang trọng trong thần thoại Hy Lạp. Họ luôn thất bại nhưng thất bại ấy luôn mang màu sắc bi tráng, tiếc nuối chứ không có nét hèn mọn như những kẻ thù khác.

Phải chăng, tất cả những điều ấy xuất phát từ mâu thuẫn trong quan điểm của người Hy Lạp cổ đại đối với những nữ chiến binh? Một mặt xem họ là đối trọng của người hùng, nhưng cũng tin rằng một mối quan hệ tình cảm giữa đôi bên là không nên tồn tại. 

Một mặt ngưỡng mộ những nữ chiến binh ngoại bang, nhưng một mặt không hề muốn nữ giới Hy Lạp sống phóng túng và lấn át vị thế xã hội của nam giới?

Chỉ biết, thần thoại Hy Lạp cũng kể rằng, đã từng có một người phụ nữ mạnh mẽ, hoang dã và sở hữu tài năng phi thường như những nữ hoàng Amazon. Nàng tên Atalanta, đứa con gái không mong muốn của vua Iasus. Nàng lớn lên giữa rừng rậm nhờ sự nuôi dưỡng của loài gấu và nhờ khả năng chiến đấu tuyệt vời. Nàng lập nhiều chiến công hiển hách để rồi được vua cha công nhận. 

Nàng kết hôn với Hippomenes, người đàn ông thông minh và xuất sắc không kém. Họ sống một cuộc sống tự do, không bị kiềm chế bởi bất kì khuôn phép nào. Đó là hành động khiến chư thần Hy Lạp không chấp nhận. Để rồi, họ biến đôi vợ chồng thành sư tử, phải mãi mãi chia lìa…

Tử Minh

Ngày 26/12, TAND tỉnh Thanh Hóa sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Văn Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa), bị cáo Nguyễn Đình Xứng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ngày 10/12, Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa triển khai quyết định kỷ luật đảng bằng hình thức khiển trách đối với ông Lưu Văn Liêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bạc Liêu, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi.

Chiều 10/12, thông tin về kết quả điều tra, khám phá một số vụ án lớn của Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết: Công an TP Hà Nội đã điều tra, làm rõ vụ "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Chiều 10/12, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản chỉ đạo đơn vị và Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong mà Báo CAND điện tử ngày 10/11/2024 phản ánh.

Thông tin về vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Không tố giác tội phạm" và "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” tại buổi họp báo chiều 10/12, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết: đến nay, Công an TP Hà Nội đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc; đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.

Người trẻ ngày nay dễ bị cuốn vào vòng xoáy của việc xây dựng hình ảnh cá nhân hoàn hảo trên mạng xã hội. Những bức ảnh check-in tại quán cà phê sang trọng, những món đồ hiệu xa xỉ hay những chuyến du lịch đắt đỏ dường như đã trở thành tiêu chuẩn để khẳng định giá trị bản thân. Đằng sau những bức ảnh long lanh, những câu chuyện "sang chảnh" là những áp lực ngấm ngầm mà nhiều người trẻ đang phải gồng mình chịu đựng...

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố ông có kế hoạch chấm dứt chính sách “quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ” trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Meet the Press” phát sóng hôm 8/12. Nếu ông thực hiện kế hoạch đó sau khi nhậm chức, điều này sẽ liên quan đến việc hủy bỏ một chính sách đã có trong hơn 150 năm.

Nhiều năm qua, những sự kiện chính trị lớn của đất nước được đông đảo người dân quan tâm, nhất là dịp diễn ra Đại hội Đảng và các kỳ họp Trung ương có liên quan đến công tác nhân sự lãnh đạo cấp cao...

Những ngày này, cả nước đang "sôi sục" khí thế phải cải tổ bộ máy hành chính các cấp; phải thay đổi lề lối làm việc; sắp xếp lại bộ máy theo hướng "tinh - gọn - hiệu quả"; phải chấm dứt ngay tư duy "cái gì không quản được thì cấm". Và, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói trong Kết luận Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 và một số nội dung quan trọng: "Chúng ta đã đủ điều kiện để triển khai việc sắp xếp lại bộ máy hành chính; và không thể chậm trễ được nữa".

Sau khi sáp nhập xã Phú Đức vào thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Công an thị trấn Long Hồ nhận thấy sự khó khăn của một số người cao tuổi trong việc đến trụ sở để làm CCCD nên đã đề xuất lãnh đạo Công an huyện và UBND thị trấn ra mắt tổ xe đưa, rước miễn phí cao tuổi.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文