Ở Bhutan tìm định nghĩa hạnh phúc

15:34 19/09/2019
Tôi đã bước vào hành trình qua năm ngày - bốn đêm ở Bhutan với một sự tò mò mang tính… triết học: hạnh phúc là gì, và vì sao quốc gia này được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

Tôi không phải là một người ưa xê dịch. Tính chất công việc ghì tôi vào bàn giấy và máy tính. Tình yêu dành cho thành phố mà tôi đang sống, cộng với thói quen, khiến cho mỗi cuộc đi xa của tôi là một trải nghiệm không mấy dễ chịu.

Vậy mà tôi đã trải qua năm ngày - bốn đêm ở Bhutan, kiên quyết không nạp data thêm cho điện thoại, không vào mạng xã hội, không đọc báo và lần đầu tiên trong đời: không chạm vào máy tính nhiều hơn một ngày. Tôi đã bước vào hành trình này với một sự tò mò mang tính… triết học: hạnh phúc là gì, và vì sao Bhutan được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

1. Nằm kẹp giữa hai quốc gia rộng lớn và đông dân nhất hành tinh là Trung Quốc và Ấn Độ, Bhutan hiện lên như một quốc gia cổ tích với đầy những huyền thoại. Mọi người dân Bhutan đều tin quốc gia của mình được khai sinh trên lưng của một con hổ biết bay. Trên lưng con hổ đó là Guru Padmasambhava, một đại sư Ấn Độ. Nơi con hổ đáp xuống gọi là Tiger Nest. Bhutan, vốn từ gốc Sanskrit là "Bhotant" có nghĩa là "Nơi tận cùng của Tây Tạng". Còn Padmasambhava được xem là Đức Phật Đệ Nhị. Không chinh phục Tiger Nest, xem như bạn chưa đến Bhutan vậy.

Trên con đường chinh phục Tiger Nest, bạn sẽ sớm nhận ra vì sao người dân Bhutan lại mộ đạo và hiền hòa đến thế. Trong bầu không khí trong lành nhất thế giới, với tiếng suối bên tai, ta cảm nhận rõ những mối nối không thể tách rời ở đây, những triền núi và huyền thoại, lịch sử và tôn giáo, con người và thiên nhiên, tình yêu và cuộc sống.

Hai ngày đầu, chúng tôi luôn thức dậy với mây bay trước mặt, một quang cảnh hùng vĩ và đẹp đến choáng ngợp. Nhìn cảnh sắc ấy, tôi không thể không nhớ đến mấy câu "Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn" trong thơ của Vũ Hữu Định, đã được Phạm Duy phổ thành "Còn chút gì để nhớ". Nói về thơ ca và âm nhạc, thì Bhutan rõ ràng là một quốc gia không có showbiz. Đến tận cuối thập niên 1990, Nhà nước Bhutan mới cho người dân xem tivi và tiếp cận với Internet. Âm nhạc ở đây thật thô mộc. Buổi sáng trước khi leo Tiger Nest, khách sạn đãi chúng tôi một chương trình gồm 9 tiết mục ca múa hát "đặc sắc", phản ảnh tâm tình của người Bhutan. Họ hát một loạt những bài hát với giai điệu đơn giản đến mức đơn điệu, không phân biệt nổi đâu là phiên khúc và đâu là điệp khúc.

Gu hài hước của Bhutan cũng khá giống dân ta. Trong một câu chuyện cười kinh điển, người Bhutan cho thấy họ rất thích mang anh bạn hàng xóm Ấn Độ ra trêu chọc. Dorji - người hướng dẫn viên của chúng tôi lại kể:

"Cristiano Ronaldo, Thủ tướng Ấn Độ, Đức Dalai Lama và một cô bé học sinh cùng trên một chuyến bay. Giữa đường máy bay hư động cơ, chỉ có 3 chiếc dù cho 4 người, họ phải tự xử lý. Ronaldo lấy một chiếc dù và nói: Tôi là cầu thủ được cả thế giới yêu mến, tôi còn nhiều năm phong độ, cả thế giới đang chờ tôi ghi bàn. Và anh nhảy xuống trước tiên.

Thủ tướng Ấn Độ bảo: Tôi là vị thủ tướng thông minh nhất thế giới. Sau lưng là hàng tỷ người dân Ấn Độ đang chờ tôi. Tôi phải sống. Nói xong ông đeo dù nhảy xuống.

Chỉ còn lại đức Dalai Lama và cô bé. Đức Dalai Lama nói: Ta già rồi, cô bé. Con còn trẻ và làm được nhiều việc. Hãy lấy chiếc dù cuối cùng và nhảy xuống đi. Cô bé nói: Không sao đâu ông, con và ông sẽ cùng nhảy xuống an toàn. Vì cái ông Thủ tướng Ấn Độ đã đeo lộn cái ba lô đi học của con rồi".

Đàn ông Bhutan cũng có máu "kính thê" trong người. Dorji hỏi chúng tôi: "Trong tiếng Anh, complete và finish nghe na ná, nhưng mọi người biết khác nhau thế nào không?"

Anh chờ chúng tôi trưng bộ mặt ngơ ngác ra rồi đáp: "Một người đàn ông lấy vợ. Nếu vợ tốt thì là completed. Nếu vợ xấu thì là finished. Nhưng lấy phải con vợ xấu mà còn mê shopping thì là completely finished".

Dorji làm gì vào những ngày không dẫn đoàn du lịch? Anh nói: "Tớ sẽ về chơi với con trai. Với người Bhutan, chơi với con cái còn quan trọng hơn đi làm. Tụi tớ là những người bạn thân nhất của nhau. Vợ tớ làm văn phòng, nên tớ chăm con hết, cho nó tắm, cho nó ăn, dẫn nó đi chơi".

Người bạn thân của Dorji, anh tài xế Jigme có những hình xăm thật đẹp và một cơ thể rắn rỏi. Anh cõng một cô bé trong đoàn chúng tôi leo núi còn nhanh hơn chúng tôi đi người không. Trên đường leo núi, anh lẫn Dorji đều lầm rầm đọc kinh trong miệng, rõ ràng là cầu bình an cho cả đoàn. Ngày về, anh chở chúng tôi đến một nơi giống như chợ đầu mối, rồi kéo cả bọn lên lầu, đến một gian hàng nông sản và xúi chúng tôi mua cho nhiều vào. Rồi Jigme chỉ vào bà chủ quầy hàng và nói: "Mẹ tao đó". Nếu ở Việt Nam, có lẽ chúng tôi đã nghĩ Jigme mang cả bọn lên thớt cho mẹ mình chém. Nhưng vì đây là Bhutan, chúng tôi hồn nhiên trả tiền và trước khi đi còn nói với cô: "You have a great son". Không cần hỏi thêm, những lúc không dẫn đoàn du lịch, nếu Dorji chơi với con thì Jigme đến đây bán hàng phụ mẹ rồi.

Khi chia tay hai người bạn Bhutan, đoàn chúng tôi rất tâm lý gửi tặng họ hai chai nước mắm Việt Nam loại xịn. Dorji bắt tay từng người, cám ơn và mỉm cười: "Tao sẽ giữ kỷ niệm vì tao… cũng ăn chay mà". Hy vọng anh sẽ không bị dị nghị khi có ai đó ghé thăm nhà và thấy chai nước có hình con cá chà bá ở trên đó.

2. Biển hiệu cấm thuốc lá mọc lên đầy đường, với những lời đe dọa cũng đầy kinh dị, "Nếu bây hút thuốc hôm nay, thì kiểu gì tương lai bây cũng chơi ma túy. Hãy ngưng hút thuốc". Dẫu vậy, những cây cần sa vẫn mọc xanh tốt bên những con suối. Nhưng thử hái coi, vô tù ngay. Mấy chục năm trước, khi Bhutan còn chưa ban hành lệnh cấm giết mổ, người Bhutan trồng cần sa ở mọi nơi để cho heo ăn. Heo - giống người phết - rất mê món này. Nó cứ ăn xong là lăn ra ngủ khì, nên tăng trọng rất nhanh. Và heo ăn cần sa lại cho thịt ngon hơn cả heo ăn cám.

Từ sau khi ban hành lệnh cấm giết mổ, đến cả một con cá cũng không được phép giết, mọi công việc tạo nghiệp Bhutan nhượng lại hết cho người bạn láng giềng Ấn Độ. Bhutan nhập khẩu từ thịt gà, thịt heo cho đến thịt bò từ Ấn Độ, để phục vụ khách du lịch đến Bhutan và những người Bhutan ít ỏi cần phải bổ sung đạm động vật vì lý do sức khỏe. Còn lại đa số dân Bhutan đều ăn chay. Mọi nghiệp báo sát sinh, Bhutan giao trả hết cho người Ấn.

Bhutan không có đèn giao thông. Người Bhutan luôn qua đường ở vạch. Không cần đèn, xe ô tô cũng dừng lại cho người bộ hành. Dorji cứ lo nơm nớp khi chúng tôi qua đường, tôi bèn phải nói với anh: "Dorji. Anh phải đến Việt Nam thôi. Chúng tôi là nhà vô địch thế giới của môn qua đường tự do mà không cần zebra crossing".

Quay trở lại câu hỏi của tôi: thế nào là hạnh phúc?

3. Năm 1972, khi vị Vua thứ tư của Bhutan trò chuyện với một vị nhà báo nổi tiếng, người này đã hỏi ngài một câu đầy châm biếm: "Thưa bệ hạ, tổng sản lượng quốc gia của Bhutan hiện tại là bao nhiêu". 

Tất nhiên ai mà không biết chỉ số này ở Bhutan là thấp thứ nhì thế giới. Câu hỏi ác ý kia chỉ nhằm mục đích buộc Vua Bhutan thừa nhận nước mình kém phát triển. Nhưng vị Vua khi ấy mới hơn 20 tuổi đã gỡ mũ ra rồi trả lời: "Tôi không thích bàn về sản lượng quốc gia, tôi quan tâm nhiều hơn đến chỉ số hạnh phúc của dân mình".

Đó không chỉ là một lời đáp mang tính chống chế, đấy thực sự là lựa chọn của người đứng đầu đất nước. Rằng Bhutan sẽ luôn chọn thiên nhiên thay cho văn minh, chọn an nhàn thay cho bận rộn, và chọn hạnh phúc thay cho tiền bạc.

Hạnh phúc ở đây không còn là một ý niệm nữa, nó thật sự là chỉ số có thể đong đếm được. Bhutan có Bộ hạnh phúc. Người dân tự hào nói về nó, dù ở một số nơi, người ta bảo "happiness" thực ra là nói trại đi của "have penis". Tức là cứ có cái ấy là có hạnh phúc.

Cái ấy quả thực là một tín ngưỡng quan trọng trong đời sống Bhutan. Người ta vẽ hình cái ấy lên mọi căn nhà tại Chimi Lhakhang. Đức Lạt Ma Divine Madman tương truyền đã đánh quỷ với cái ấy đầy sức mạnh của mình. Và ông cũng được mệnh danh là "Vị thánh của 5.000 phụ nữ". Tất nhiên 5.000 người phụ nữ ấy không phải chỉ ngồi nghe ông kể chuyện rồi!

Tuy không có showbiz, nhưng Bhutan vẫn có hai người nổi tiếng sáng rực. Đó là Vua và Hoàng hậu.

Bhutan cho phép đa thê. Nhưng Vua hiện tại của Bhutan, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, tuyên bố chỉ cưới duy nhất một người là Hoàng hậu của ông hiện nay, bà Jetsun Pema. Người Bhutan kể vào năm 7 tuổi, cô bé Jetsun lần đầu gặp chàng thanh niên Jigme Khesar hơn mình 10 tuổi, ở một bữa tiệc. Và cô bé nói: "Em yêu anh, khi lớn em sẽ cưới anh". Khi thấy cô bé đáng yêu kiên quyết quá, thanh niên 17 tuổi Jigme Khesar bảo: "Khi em đủ tuổi kết hôn, nếu chúng ta chưa có ai, anh sẽ lấy em".

Và thế là câu chuyện "Don't cry Joni" phiên bản có hậu đã kết thúc với một đám cưới. Và ở ngôi vua, ông tuyên bố mình không cần thêm một người phụ nữ nào nữa. Người dân như phát cuồng với vua và hoàng hậu của mình. Vì họ đẹp tựa như ngọc, và vì vị vua trẻ của họ cho thấy sự anh minh với những quyết định sáng suốt, giúp Bhutan ngày càng phát triển, mà vẫn giữ được thiên nhiên, lại còn giúp Phật pháp ngày càng hưng thịnh.

Đến ngày cuối cùng, tôi vẫn chưa có câu trả lời cho điều mình muốn biết: Ủa, rồi hạnh phúc là cái gì. Rồi tôi ngẩn ngơ nhìn quanh những người bạn quanh mình, những người hoàn toàn xa lạ với tôi cách đây 5 ngày. Và tôi đã thấy ở họ: Một người chồng luôn cầm tay vợ ở mọi nơi dù họ đã cưới nhau được ba năm. Một gia đình ba thế hệ: bà, hai đứa con gái và hai cô cháu gái, đã cười nói rổn rảng ở mọi nơi họ đi qua. Anh chàng làm quảng cáo đang viết postcard gửi cho người thân và hai cô bạn vong niên đang cùng nhau cười khà khà khi tranh thủ… xem phim Hàn Quốc trên điện thoại.

Rồi tôi nghĩ về những người khác mà tôi đã tình cờ gặp và nói chuyện suốt hành trình này. Rồi nghĩ về sự lựa chọn của hai Đức Vua Bhutan, một người đã hồi đáp gã nhà báo và một người đã nguyện ý chỉ yêu một người trong đời dù là bậc đế vương.

Họ là những lãnh đạo duy nhất trên thế giới hiểu rằng: một nông dân làm việc trên đất của mình lãnh mức lương 5 USD/năm, không xem Premier League, không biết showbiz, không đọc tin tức về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn có thể hạnh phúc hơn so với CEO của một công ty lãnh năm nghìn đô/tháng.

Và tôi có lẽ đã lờ mờ nhận ra: hạnh phúc không phải là đích đến, có khi chả phải hành trình.

Đó là cảm nhận hiện tại! 

Trần Minh

Trong những cửa hàng tiện lợi nhỏ bé ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hay Tokyo (Nhật Bản), vài sạp báo vẫn lặng lẽ hiện diện như những kỷ vật của một thời đã qua. Báo in, dù ngày càng ít dần trong nhịp sống hiện đại, vẫn giữ một vị trí riêng, đặc biệt với những người trân trọng cảm giác lật trang giấy mỗi sáng. Trên khắp châu Á, báo in đang dần nhường bước cho công nghệ số, nhưng câu chuyện về nó vẫn chưa khép lại.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (21/6), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa nhiều nơi trên 110mm như: Vạn Mai (Hòa Bình) 251,2mm, Khuôn Hà (Tuyên Quang) 177,8mm, Minh Lập (Thái Nguyên) 157,9mm, Quảng Ngần (Hà Giang) 126,6mm, Thác Bà (Yên Bái) 114,8mm, Lóng Luông (Sơn La) 112,8mm, Bằng Luân (Phú Thọ) 111,6mm…

Một trong những nhiệm vụ mới của Bộ Công an bắt đầu từ ngày 1/3/2025, đó là công tác đảm bảo an ninh hàng không - nhiệm vụ được Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an tiếp nhận.

OECD đánh giá, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng và bước tiến đáng kinh ngạc về kinh tế trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030 cũng như trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần có bước nhảy vọt mới trong sản xuất.

Tối 20/6, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 10 Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Việt Nam đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp là thành viên của Ủy ban liên chính phủ Công ước. Kỳ họp diễn ra từ ngày 18-20/6 tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris (Pháp).

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, báo chí luôn giữ một vai trò quan trọng với đời sống xã hội và tùy vào bối cảnh cụ thể, có tác động ở mức độ khác nhau, ít hoặc nhiều, thậm chí sâu sắc tới chính trị - xã hội, chính trường quốc gia, quốc tế. Vụ Watergate là một điển hình trong tác nghiệp báo chí, đã làm chao đảo chính trường Mỹ dẫn tới việc Tổng thống Nixon phải từ chức vào năm 1974.

Ngày 20/6, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam chính thức khởi động chuỗi hoạt động “30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam” nhằm kỷ niệm ba thập kỷ quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, đồng thời tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương và mở rộng hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Trong những ngày luyện tập liên tục trên thao trường trong cái nắng gắt mùa hè, các cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an nhân dân bất ngờ nhận được một món quà đặc biệt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là việc mặc dù còn nhiều khó khăn trong tình hình hiện nay nhưng là định hướng lớn rất cần phải làm, nên làm. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các đơn vị chức năng sẽ chuẩn bị chương trình để hướng dẫn, các địa phương cũng tích cực chủ động, hy vọng sẽ từng bước tổ chức tốt điều này.

Ngày 20/6, Công an thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Cà Mau khống chế, bắt giữ đối tượng Bùi Minh Lợi (SN 1995, cư ngụ khóm 5, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) vì đã dùng dao đâm trọng thương 1 đồng chí thuộc Tổ bảo vệ ANTT thị trấn Năm Căn. 

Hàng chục Cảnh sát PCCC ứng cứu dập tắt đám cháy bên trong trung tâm tiệc cưới ở Hóc Môn, nhiều người hoảng hốt chạy tán loạn,  đoạn đường qua khu vực này bị phong tỏa phục vụ chữa cháy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.