Sắc tộc, và còn gì nữa?

08:06 20/05/2021
Ba ngày giao tranh dữ dội trên biên giới Tajikistan – Kyrgyzstan cuối tháng Tư vừa qua đã tạm khép lại, với những nỗ lực ngoại giao cần thiết của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng lớn trong khu vực như Nga hay Uzbekistan. Tuy nhiên, nguyên nhân đích thực và cốt lõi của mối hiềm khích cũng như lần xung đột này là gì, dường như vẫn chưa có một câu trả lời rõ ràng.


Di sản của một thời

Không thể phủ nhận, những gì đã và đang xảy ra trong mối quan hệ giữa Tajikistan với Kyrgyzstan cũng như trong không ít mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên của Liên bang Xôviết năm xưa, có liên quan rất nhiều đến cách quản trị hành chính thời đó. 

Việc Liên Xô tan rã quá nhanh chóng vào năm 1991 khiến cho quá trình phân chia và chuyển giao các phần “tài sản thừa kế” không thể đủ thời gian để diễn ra theo cách êm đẹp nhất, san lấp được nhiều khiếm khuyết nhất. Ngược lại, có rất nhiều vấn đề tồn tại và trở thành những nỗi nhức nhối trên bản đồ địa chính trị hiện đại, mà bán đảo Crimea là một thí dụ điển hình.

Với Tajikistan và Kyrgyzstan – hai trong số năm nước cộng hòa Trung Á, hai “người anh em thù hận”, vấn đề chính có lẽ cũng không phải là ngoại lệ. Như tờ Sputnik đăng tải, chuyên gia Andrei Grozin – người phụ trách Ban Trung Á và Kazakhstan của Viện Các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập – Tổ chức thành lập sau khi Liên Xô tan rã) nhận xét: “Bên nào cũng có sự thật riêng, ai cũng dựa theo bản đồ của mình và khẳng định là mình đúng. Thời Liên Xô, các đường biên giới chỉ thuần tuý mang tính chất hành chính. Chúng không mang nhiều tính thực tế, và chúng có thể thay đổi thường xuyên. Do vậy, ai cũng có thể tìm thấy sự khẳng định quan điểm của mình, theo những bản đồ riêng về địa điểm này hay vị trí kia”.

Mặc dù vậy, khi được hỏi sâu thêm, Andrei Grozin cũng khẳng định: “Theo cách nhìn của tôi, sở dĩ như vậy là do đã mấy thế hệ cư dân không còn sống chung trong Liên bang Xôviết, không còn biết thế nào là tình hữu nghị giữa các dân tộc vốn hình thành và được xây đắp ở Liên Xô. Cư dân đã quen coi những người ở bên kia đường biên giới tưởng tượng là kẻ lạ. Tôi cho rằng chính sự cạnh tranh giữa các cộng đồng sắc tộc là cơ chế chính của mọi xung đột”.

Rõ ràng, ông có lý khi đưa ra đánh giá ấy. Thời Liên Xô còn tồn tại, cho dù vẫn có những mối hiềm khích âm ỉ (như tại Nargonyi Karabakh, giữa Armenia và Azerbaijan), chính quyền trung ương Moskva vẫn quản lý khá tốt những vùng lãnh thổ mênh mông của mình, và điều phối tương đối “nhịp nhàng” mối quan hệ giữa những cộng đồng dân cư có nhiều khác biệt về màu da, lịch sử, truyền thống văn hóa, tập tục, tôn giáo, tín ngưỡng… 

Từ Baltic đến dãy Kavkaz, từ Biển Đen đến rặng Thiên Sơn, họ vẫn luôn là một khối thống nhất, đủ để có thể “nhường nhịn” nhau, hoặc không cần phải nghĩ đến chuyện cạnh tranh với nhau.

Lần va chạm này, hai quốc gia đã thực sự có một cuộc xung đột quân sự ngắn ngủi nhưng đúng nghĩa.

Một cách ngắn gọn, trong thời kỳ ấy, xung đột giữa hai nước xung quanh vấn đề biên giới không gay gắt. Đó là bởi mâu thuẫn giữa họ vẫn thuộc về công việc nội bộ của Liên Xô, biên giới của các nước thành viên là địa giới hành chính của các nước trong nội bộ Liên Xô, có thể dễ dàng giải quyết dưới sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền trung ương. 

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, trọng tài bị mất đi, các ranh giới hành chính trở thành ranh giới quốc gia thực thụ, kéo theo các tranh chấp lãnh thổ.

Và khi ấy, khi những mối dây ràng buộc đã bị cắt đứt, khi tất cả mọi thành viên đã tuyên bố độc lập, mỗi nước cộng hòa cũ, mỗi cộng đồng dân cư cũ lại bắt đầu nghĩ nhiều hơn và làm tất cả, vì lợi ích của riêng mình.

Trung Á, với bản sắc truyền thống của những dân tộc du mục thiếu gắn bó chặt chẽ với nhau trên thảo nguyên mênh mông, với lịch sử liên tục bị chia cắt, giành giật và thống trị bởi đế quốc Ba Tư, đế quốc Mông Cổ, đế quốc Nga hay đế quốc Ottoman, lại càng dễ trở thành những cộng đồng biệt lập.

Và rồi, đến cuối tháng 4-2021, từ ném đá đến đấu súng, đấu pháo, hai nước cộng hòa có quy mô dân số nhỏ nhất trong 5 nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ (bên cạnh Uzbekistan, Kazakhstan và Turmenistan) đã cùng chia sẻ với nhau 46 người thiệt mạng, cùng hàng trăm người bị thương.

Một kịch bản đã trở thành hiện thực

Song, sự khác biệt về văn hóa hay những mâu thuẫn về sắc tộc cũng không thể xem là nguyên nhân duy nhất để thảm cảnh đẫm máu ấy diễn ra. Hay nói cách khác, phải có thêm những động lực nữa, để khoét sâu thêm những hố thù hận, và đẩy cả hai quốc gia ấy đến bờ vực chiến tranh.

Không gì khác, trên bề mặt của sự vụ, một vấn đề cực kỳ nóng bỏng hiện hữu: Nước sạch. Mười năm qua, các cư dân hai bên biên giới đã có hàng trăm cuộc xung đột lẻ tẻ, mà trọng tâm của các tranh chấp thường là các vấn đề như xây dựng cơ sở hạ tầng và sử dụng nguồn nước chung.

Trung Á nằm cách xa đại dương và đường bờ biển, khí hậu rất khô hạn, người dân chủ yếu dựa vào các hồ chứa do chính phủ xây dựng để tưới tiêu cho đất nông nghiệp. Xung đột lần này nổ ra là xung quanh việc phân chia tài nguyên nước.

Vụ xung đột nổ ra ở làng Kok-Tash ở tỉnh Batken, Kyrgyzstan, trong bồn địa Fergana, nơi xung đột sắc tộc nghiêm trọng. Trên sông Isfara trong vùng này có một hồ chứa và một trạm bơm, hai nước đã có tranh chấp từ lâu về việc sử dụng nước tưới và quyền kiểm soát trạm bơm. Hồ chứa hiện đang được Kyrgyzstan kiểm soát và cung cấp nước hàng ngày cho cả Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Từ lâu, Kyrgyzstan đã tuyên bố chủ quyền đối với hồ chứa nước này với lý do “hồ chứa nước này được Kyrgyzstan xây dựng”; trong khi Tajikistan đã sử dụng bản đồ của Tajikistan trong thời kỳ Liên Xô 1924-1927 và 1989, cũng như các tài liệu của Liên Xô, tuyên bố “hồ chứa đã được chuyển giao thuộc lãnh thổ của Tajikistan”. Đây chính là vấn đề trọng tâm mà chuyên gia Grozin nhắc tới.

Cũng đã thực sự có một cuộc chiến tranh vì nước sạch xảy ra trong lịch sử loài người.

Ngày 29-4, các nhân viên Tajikistan đã lắp camera trên cột điện thoại gần hồ chứa nước. Hành động này ngay lập tức bị Kyrgyzstan coi là xâm phạm chủ quyền của mình nên hai bên đã xảy ra va chạm rồi dẫn tới xung đột dữ dội. Trong những tiếng súng, chất chứa cả dấu ấn hằn học của tinh thần dân tộc cực đoan lẫn những đòi hỏi lợi ích thiết thân.

Và đừng quên, trong tháng 4-2021, phía Kyrgyzstan công bố kế hoạch xây dựng một hồ chứa nước trên một con sông dẫn nước cho cả hai quốc gia. Phía Tajikistan lập tức phản đối, vì cho rằng việc xây hồ sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho nhiều vùng phía bắc Tajikistan.

Rất may, cho đến hiện tại, chính quyền hai nước đã kịp “gò cương bên miệng vực”, để tránh cuộc xung đột bùng nổ và lan rộng. Nhưng dù vậy, những căn nguyên của mâu thuẫn vẫn còn đó, đòi hỏi việc xây dựng một cơ chế đối thoại và xử lý vấn đề thực sự nghiêm túc, đặc biệt là về tiến trình phân định biên giới – yếu tố cốt lõi để kiến tạo hòa bình và ổn định. 

Có điều, như từng diễn ra trong quá khứ, mọi nỗ lực đàm phán đều đã liên tục phải bắt đầu lại từ đầu, mỗi khi một phía có một chính quyền mới được bầu lên.

Và như thế, rất nhanh chóng, sau tiếng chuông cảnh báo về một “cuộc chiến tranh nước sạch” ở vùng Sừng châu Phi, quanh đập Đại Phục Hưng của Ethiopia, kịch bản ấy đã trở thành hiện thực, trên một số góc nhìn. 

Tài nguyên trên Trái Đất đang cạn dần, mà không phải than đá hay dầu mỏ, nước sạch mới chính là nguồn tài nguyên tự nhiên quan trọng nhất. Loài người đã thực sự sẵn sàng đổ máu để tranh giành nguồn tài nguyên vô giá ấy, một hiện thực thật đáng kinh hãi.

* Hiện tại, có hai vùng đất của Tajikistan là Voluch và Kayragach nằm trong lãnh thổ Kyrgyzstan. Voluch và khu vực xung quanh đã trở thành tâm điểm của các cuộc xung đột biên giới giữa hai bên trong những năm gần đây. Ngày nay, đường biên giới hai nước dài 971 km thì 471 km có tranh chấp.

* Ngày 3-8-2015 năm đó, dân làng địa phương Kok-Tah đã cắt nguồn nước cung cấp cho phía Tajikistan, vì người dân bên phía Tajikistan chặn đường dẫn vào nghĩa địa. Xung đột nổ ra, có tới 800 người dân làng hai bên tham gia ẩu đả trong vài ngày, cho đến khi quân đội và cảnh sát trấn áp.

Mây Linh

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt ưebsite, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12 do Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá mới đây là rất kịp thời, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của các lực lượng tham gia phá án.

Lê Phương Nam đã lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các Chi cục Kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng/suất; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200 - 450 triệu đồng/suất; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát có giá từ 450-700 triệu đồng/suất…

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文