Shakespeare làm gì khi dịch bệnh?

14:47 01/07/2021
William Shakespeare đã phải chứng kiến sự hoành hành của dịch bệnh từ khi mới lọt lòng. Rồi những năm sau này, khi đã trở thành một nhà soạn kịch và một diễn viên nổi tiếng ở London, dịch hạch vẫn không buông tha ông...


“Hic incipit pestis” (kể từ đây bệnh dịch bắt đầu). Mấy chữ đó được viết bên cạnh dòng ghi chú về cái chết của một người thợ học việc tại thị trấn Stratford bên dòng sông Avon, năm 1564. Cũng trong cuốn sổ đăng kí giáo xứ trong nhà thờ Chúa Ba Ngôi, rà lên vài tháng, ta sẽ thấy vị mục sư ghi chép việc làm lễ rửa tội cho con trai của John Shakespeare, một người buôn bán đồ thuộc da và găng tay. Đứa bé là con thứ ba của gia đình nhà Shakespeare, hai đứa trước đã qua đời vì bệnh dịch hạch, chẳng có dấu hiệu nào là đứa bé này sẽ vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo đang quét qua thôn xóm. Ấy vậy mà William, tên đứa bé, vẫn sống sót.

William Shakespeare đã phải chứng kiến sự hoành hành của dịch bệnh từ khi mới lọt lòng. Rồi những năm sau này, khi đã trở thành một nhà soạn kịch và một diễn viên nổi tiếng ở London, dịch hạch vẫn không buông tha ông. Những đợt bùng phát liên miên khiến các sân khấu đóng cửa và nghệ sĩ thất nghiệp, Shakespeare lại phải khăn gói về quê lánh nạn. Một nhà nghiên cứu về ông đã nói: “Dịch bệnh là sức mạnh lớn lao nhất định hình đời ông và những người cùng thời với ông”.

Một bức tranh mô tả dịch hạch. 

Cái gì không giết được bạn thì càng làm bạn mạnh mẽ hơn. Câu nói ấy đúng với William Shakespeare hơn ai hết. Sống sót thần kỳ qua nhiều cơn sóng thần dịch hạch, Shakespeare không chỉ đã miễn nhiễm với nó mà còn biến nó thành ngọn lửa hừng hực cho đam mê sáng tạo của mình.

Bạn có nhớ vì sao Romeo và Juliet đi đến cái kết thảm kịch không? Hẳn rồi, họ sinh ra trong hai gia tộc căm hận nhau. Romeo giết Tybalt, người đáng ra sẽ kết duyên với Juliet, điều sẽ chỉ khoét sâu vào mối thâm thù. Romeo bị trục xuất, Juliet rối bời. Nàng tìm đến thầy tu Lawrence và ông lên một kế hoạch giúp đôi bạn trẻ, trong đó Juliet uống một loại giả dược khiến nàng ngủ say đến mức gia quyến tưởng nàng đã lìa trần. Cùng lúc đó, vị thầy tu sẽ gởi một lá thư cho Romeo, người đang ở thị trấn Mantua, hòng lý giải sự tình, Thế rồi Romeo sẽ trở về và mang Juliet đi. Nàng sẽ là của chàng mãi mãi. Đến đây hẳn ai cũng biết, ai cũng nhớ rồi.

Thế nhưng, vì nguyên do gì mà lá thư đã không bao giờ tới tay Romeo ở Mantua, khiến chàng không hay một chút nào về sự tình và cuối cùng vì nghĩ Juliet đã tuyệt mệnh, chàng cũng quyết sinh. Chi tiết này phần lớn chúng ta đều bỏ qua khi đọc vở kịch bi tình nổi tiếng nhất của William Shakespeare. Vậy ta cùng giở lại một chút cảnh II, hồi V của tác phẩm, để nghe người đưa thư, giáo sĩ John, trần tình với thầy tu Lawrence:

John: Ngu đệ có đi tìm một bạn đồng đạo đi chân đất thuộc dòng chúng ta để đi cùng. Thầy đó đang đi thăm người ốm ở ngay trong thành đây. Nhưng, khi tìm thấy, thì lính tuần nghi là hai chúng tôi ở trong một cái nhà đã bị dịch nên niêm phong luôn cửa, không cho chúng tôi ra. Bởi vậy mà ngu đệ không đi Mantua được.

Lawrence: Thế ai mang thư của ta cho Romeo?

John: Thưa, thư đây. Ngu đệ không gửi đi được, mà tìm người mang về trả đạo huynh cũng không tìm được ai, vì ai cũng sợ dịch.

Lawrence: Thật là đại bất hạnh! Trời, không phải thư thường đâu, mà là một lá thư tối quan trọng. Sự chậm trễ này có thể gây tai vạ lớn. [...]

(Theo bản dịch của Đặng Thế Bính)

Hóa ra, chẳng gì khác, chính dịch bệnh là thủ phạm gây nên bi kịch tang thương bậc nhất trong lịch sử văn chương. Chính nó là nguồn gốc của xa cách, của chia ly, của sự mất liên hệ và ở điểm nhìn này, có lẽ những con người thế kỷ 21, những con người từng quen thuộc với một quảng cáo di động đời đầu giễu nhại rằng, nếu như Romeo và Juliet mà có một chiếc điện thoại thì họ đã không đi đến tai họa đó, sẽ chợt thoáng đồng cảm với cặp tình nhân vài trăm năm trước, bởi ta bấy nay ngỡ rằng công nghệ đã xóa tan khoảng cách, cho đến khi dịch bệnh đánh úp ta và ta nhận ra không một cuộc chuyện trò qua mạng nào có thể thay thế được một cuộc gặp gỡ mặt đối mặt trong đời thực.

Có một điều mà những học giả sớm phát hiện ra trong kho tàng kịch của Shakespeare, đó là ông có 2 giai đoạn sáng tác rất riêng biệt, một giai đoạn tươi sáng, vui nhộn và giai đoạn sau đó thì đen tối, u ám. Nhưng, tại sao lại có một bước chuyển hướng như vậy? Có chuyện gì đã xảy ra khiến Shakespeare hài hước của thời trai trẻ bỗng chốc muốn giày vò những nhân vật của mình trong những hoài nghi, những cơn điên, những cơn thịnh nộ?

Hẳn là phải có một sự kiện đau đớn diễn ra. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đó có thể chính là sự bùng phát trở lại của dịch bệnh vào những năm 1600. Shakespeare trải qua nhiều trận dịch bệnh đến và đi. Nhưng, vào năm 1593-1594, ông dành thời gian cách ly để viết thơ. Bài “Venus và Adonis” là một truyền thuyết lý giải tại sao xúc cảm yêu đương lại luôn vẩn đục bởi sự nghi kỵ, nỗi sợ hãi và niềm buồn đau qua câu chuyện tình buồn của Venus và chàng Adonis điển trai.

Còn bài “Vụ cưỡng hiếp Lucrece” là câu chuyện về một tình bạn bị phản bội và một người vợ bị làm ô uế. Nhìn chung, cả hai bài thơ đều đã phảng phất mùi vị thương đau. Nhưng, phải đến năm 1600, khi một lần nữa đôi cánh thần chết lại phủ bóng nước Anh với dịch bệnh, Shakespeare mới trút vào các sáng tác của mình toàn bộ những gì tối ám nhất. Chỉ trong một năm về quê lánh dịch, ông viết 3 kiệt tác “Antony và Cleopatra”, “Macbeth” và “Vua Lear”.

Cảnh trong phim “Ran”, phiên bản “Vua Lear” do đạo diễn Akira Kurosawa chuyển thể.

Không giống như trong “Romeo và Juliet”, dịch bệnh không đóng một vai trò rõ ràng trong cốt truyện của những vở kịch này, mặc dù từ “dịch bệnh” xuất hiện thường xuyên như một thán từ của các nhân vật. Nhưng, hẳn là tình trạng thảm sầu của đất nước trong thực tế đã để lại dấu ấn trong những dòng khi ông mô tả đất nước Scotland dưới tay vị hôn quân tàn bạo: “Than ôi, đất nước đau thương. Thác loạn sợ hãi quá hầu không còn biết mình là thế nào. Ta không còn gọi Scotland là mẹ hiền được nữa, nó chỉ còn là nấm mồ của chúng ta. Không thấy ai mỉm một nụ cười, trừ những kẻ ù lì không biết chi sự thế; không ai để ý đến những tiếng thở dài, rền rĩ, tiếng gào thét xé trời; những nỗi đau thương dữ dội nhất hầu như cũng chỉ là một cơn xúc động bình thường. Nghe tiếng chuông báo tử cũng chẳng ai buồn hỏi kẻ nào đã chết” (trích “Macbeth”, theo bản dịch của Bùi Phụng, Bùi Ý).

Vở kịch chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tâm trạng nặng trĩu của Shakespeare trước đại dịch chính là vở “Vua Lear”. Thậm chí, Greg Doran, Giám đốc nghệ thuật của Royal Shakespeare, một trong những tổ chức hàng đầu hiện nay của nước Anh trong lĩnh vực sân khấu với trụ sở chính nằm tại quê hương nhà soạn kịch vĩ đại, thị trấn Stratford, có vẻ như dịch hạch là nguyên nhân chính khiến Shakespeare quyết định thay đổi cái kết của “Vua Lear” so với vở kịch dân gian gốc của tác giả khuyết danh. “Các học giả đã suy đoán quyết định này là do những bất ổn và thay đổi chính trị, sự trỗi dậy của âm mưu thuốc súng (Một nỗ lực thất bại của một nhóm tín đồ Công giáo ở các tỉnh của Anh năm 1605 nhằm mưu sát vua James I cũng như tầng lớp quý tộc theo đạo Tin Lành) nhưng trải qua dịch bệnh năm nay, tôi mới thấy rõ điều gì nằm sau quyết định ấy. Shakespeare đơn giản là không thể tiếp tục viết một vở hài kịch thẳng thừng, hay mang tới một kết cục có hậu cho Vua Lear”.

Theo vở kịch gốc, Vua Lear vui vẻ đoàn tụ với cô con gái út Cordelia. Nhưng, Shakespeare đã tạo ra một thay đổi lớn lao: ông cho cả nhà vua và con gái đều phải chết. Với những khán giả sân khấu thời bấy giờ vốn yêu thích những tác phẩm giải trí hài hước, đây quả là một sự cải tiến khó chấp nhận. Vở kịch chịu nhiều chỉ trích trong thế kỷ 17 và thậm chí có những nhà viết kịch đi sau còn viết lại để vở kịch lạc quan hơn. Nhà phê bình nổi tiếng nhất trong giới văn học Anh ngữ, Harold Bloom, khẳng định rằng, phiên bản viết lại này đã thống trị sân khấu trong gần 150 năm trước khi nam diễn viên Edmund Kean phục hồi lại cái kết bi thương vào năm 1823.

Từ một vị vua trở thành một kẻ mù quáng, điên rồ, chết trong khốn khổ, từ một nàng công chúa bỗng bị đuổi đi và sau bị treo cổ - chưa bao giờ trong những vở kịch của Shakespeare, con người phải đối diện với những đổi thay chớp nhoáng, sự phù du của thân phận và sự mong manh giữa sống/chết đến thế.

Chúng ta cũng đang sống trong một thời điểm mong manh và bất trắc như thế. Còn lúc nào thích hợp hơn để đọc lại “Vua Lear” hơn những ngày bất an, nơm nớp lo sợ trước bóng đen dịch bệnh này? Và, ít ra, chúng ta may mắn hơn Shakespeare rất nhiều, bởi chúng ta có Shakespeare. Shakespeare đã phải tự đối phó và tìm cách giải phóng những nỗi lòng của mình, trong khi chúng ta đã có ông, vào những khoảnh khắc hỗn độn nhất, nói với chúng ta những lời minh triết, rằng: “Con người không thể chọn giây phút ra đi cũng như không thể lựa chọn giờ khắc sinh ra. Ta sống khi đến lúc và ta chết khi đến lúc. Cố lên”.
Hiền Trang

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文