Trận chiến quyết định
Thậm chí, một số chuyên gia quân sự thế giới, dù không gây ấn tượng mạnh về sự đẫm máu như Gettysburg, nhưng cuộc vây hãm Vicksburg mang lại cho quân đội Liên bang miền Bắc những thành quả thực tiễn quan trọng gấp bội.
Đài danh vọng của tướng Grant
Bắt đầu từ ngày 8-5 và kết thúc ngày 4-7-1863, muộn hơn một ngày so với chiến thắng Gettysburg vừa khép lại tại bang Pennsylvania và trùng với ngày bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ của Tổng thống John Adams được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1776 (cũng chính là Quốc khánh Hợp chúng quốc Hoa Kỳ), cuộc vây hãm Vicksburg xua tan mọi hoài nghi về tài dùng binh của tướng Ulysses S.Grant.
Khi cuộc vây hãm bắt đầu, cục diện Nội chiến Mỹ vẫn còn chưa có gì rõ ràng. Chiến tranh vẫn diễn ra ở thế giằng co, khi lực lượng Hợp bang miền Nam dưới quyền chỉ huy của tướng Robert E.Lee vẫn kiểm soát tình thế khá tốt trước những nỗ lực tấn công của Liên bang miền Bắc.
Ulysses S.Grant tiến vào Vicksburg. |
Grant, khi đó mang quân hàm Thiếu tướng, cố gắng tìm kiếm một "đột phá khẩu" - một điểm có thể tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến. Và ông chọn thị trấn Vicksburg (bang Mississippi). Ý chí cũng như dự tính của ông được thể hiện rõ ngay trong chuỗi hành động thực tế, bởi từ thời điểm đông - xuân 1862-1863, Grant đã từng đưa quân đến đó, và cũng từng thất bại ở đợt thử sức đầu tiên ấy.
Vickysburg được tổ chức phòng thủ rất kỹ lưỡng và nghiêm ngặt, với lý do chính là vị trí chiến lược của nó. Mất Vicksburg, quân đội Hợp bang miền Nam bị chia cắt thành hai phần không thể liên lạc được với nhau, khi quân Liên bang miền Bắc chiếm được cảng Hudson, qua đó hoàn toàn khống chế sông Mississippi. Điều này giải thích vì sao sau khi Liên bang miền Bắc chiến thắng, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln vui mừng nhấn mạnh: "Sông Mississippi đã một lần nữa bình yên chảy ra biển".
Không chỉ vậy, chiến thắng Vicksburg còn mang ý nghĩa biểu tượng, khi song hành với thắng lợi Gettysburg trở thành "thảm họa kép" cho quân đội Hợp bang miền Nam. Đó vừa là nguồn động lực cổ vũ tinh thần vô giá cho quân Liên minh miền Bắc, vừa là cú đánh tối tăm mặt mũi giáng vào cơ chế phòng ngự của các bang miền Nam Hoa Kỳ.
Sau thất bại này, lực lượng miền Nam không bao giờ còn giành lại được thế chủ động trên chiến trường nữa. Sau thất bại này, Ulysses S.Grant được thăng Trung tướng, trực tiếp đánh bại Robert E.Lee của phe đối địch trong hai chiến dịch Overland và Richmond-Petersburg, rồi đích thân tiếp nhận sự đầu hàng của tướng Lee ngày 9-4-1865, kết thúc Nội chiến Mỹ.
Những chiến công hiển hách trong binh nghiệp, bắt đầu từ Vicksburg đó, góp phần giúp Ulysses S.Grant củng cố uy tín để sau này tiếp tục bước lên cao thêm trên đài danh vọng, với hai lần đắc cử hai nhiệm kỳ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Pemberton - tướng quân thất trận. |
Lòng quả cảm đối đầu sự khôn ngoan
Phải khẳng định là quân dân Vicksburg đã chiến đấu cực kỳ ngoan cường, và chiến thắng đến với Ulysses S.Grant hoàn toàn không dễ dàng.
Đầu tháng 5-1863, trong khi đích thân Grant dẫn quân xuống bờ tây sông Mississipi, đóng một dải đối diện với Vickysburg và tiến về hướng thị trấn Jackson lân cận, đô đốc David Porter cũng đưa các hạm đội dưới quyền mình áp sát những tuyến phòng thủ đối diện Vicksburg.
Thủy lục cùng tiến, tạo thế gọng kìm, chỉ trong vòng ba tuần, quân của Grant hành binh 180 dặm, chiến thắng 5 trận, bắt giữ 6.000 tù binh, buộc tướng John C. Pemberton của quân đội miền Nam phải co cụm về phòng thủ Vicksburg. Và cuộc vây hãm bắt đầu.
Pemberton không còn lựa chọn nào khác. Sau hai thất bại liên tiếp ở Champion Hill và Big Black River Bridge, đoàn quân của ông đứng trước nguy cơ bị cánh quân miền Bắc do tướng William T.Sherman đánh vu hồi tạt sườn, và như vậy là sẽ rơi vào thế hợp vây do Grant giăng sẵn. Pemberton ra lệnh đốt tất cả các cây cầu trên sông Big Black, đồng thời thực hiện "vườn không nhà trống" một cách triệt để, trên đường triệt thoái về Vicksburg.
Ở Vicksburg, hệ thống phòng ngự được bố phòng cực kỳ chặt chẽ, với đầy đủ trang thiết bị cũng như các hệ thống công sự - hầm hào. Do đó, Pemberton có đầy đủ lòng tự tin rằng quân đội của ông sẽ trụ vững, dù quân số chỉ bằng nửa so với quân Liên bang miền Bắc dưới trướng Grant.
Pháo kích và xung phong, đó là những phương tiện mà Ulysses S.Grant lựa chọn để ép quân miền Nam không thể rời khỏi các tường lũy. Thậm chí, ngay từ những ngày cuối tháng 5, các cuộc xung sát giáp lá cà đẫm máu đã liên tục diễn ra. Tuy nhiên, yếu tố quyết định dẫn đến chiến thắng nằm ở một khía cạnh khác.
Hướng đến mục tiêu chiến thắng bằng mọi giá, Grant ra lệnh cho quân lính của mình, song song với các đợt tấn công, đào 15 dặm chiến hào, bao vây toàn bộ quân dân Vicksburg. Hay nói cách khác, ấn họ vào một chiếc thòng lọng không thể có lối thoát.
Đó chính là mấu chốt của hình thái công kiên chiến, cũng chính là sự phác thảo mẫu mực của "chiến tranh hào rãnh" cực kỳ thông dụng cho đến tận Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Ở khía cạnh nào đó, nó cũng gợi lên liên tưởng đến chiến thuật "vây thành diệt viện" ở Đại Việt 200 năm trước, khi quân Lam Sơn của Lê Thái Tổ vừa vây Đông Quan, vừa lần lượt đánh bại những mũi viện binh của nhà Minh đến từ phương Bắc.
Đấu pháo quanh vịnh Hudson. |
Việc Vicksburg thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian, đặc biệt là khi mọi nỗ lực ứng cứu của quân đội Liên bang miền Nam đều dễ dàng bị đánh bại, từ mọi hướng. Trong khi đó, nếu các công sự phòng ngự vẫn đứng vững, thì điều kiện sinh hoạt, nhất là lương thực thực phẩm trong thành hao hụt nhanh chóng.
Việc không có một nguồn tiếp tế nào khiến tinh thần chiến đấu của hơn ba vạn quân dân bị tổn hại nặng nề. Bên cạnh đó, rất nhiều gia đình dân thường phải chấp nhận khoét chỗ trú ẩn trong các sườn đồi, để tránh pháo kích. Họ thậm chí đã phải cố gắng sống qua ngày bằng… thịt chuột.
Nhưng, cũng phải đến tận đầu tháng 7, Vicksburg mới chính thức thất thủ. Sau đó, thị trấn này không hề kỷ niệm ngày Quốc khánh Mỹ 4-7 suốt một thời gian dài, cho đến tận đầu thế kỷ XX.
Nước Anh, vào thời điểm đó, không còn hy vọng gì nữa vào việc hỗ trợ Hợp bang miền Nam để quay trở lại áp đặt tầm ảnh hưởng của mình lên những cựu thuộc địa. Và ngày Pemberton ra hàng, tướng Lee của miền Nam cũng không còn hy vọng nào có thể tạo nên một chiến thắng mang tính đột phá nhằm xoay chuyển cục diện được nữa.
Nhưng thực ra, ông vẫn còn có thể cảm thấy may mắn. Bởi, ngay trước khi Vicksburg thất thủ, tướng Lee đã thoát khỏi vòng vây của tướng George G.Meade trong đường tơ kẽ tóc, tại trận địa Gettysburg.
Tổng thống Mỹ lúc đó - Abraham Lincoln - đã viết thư cho Meade mà không giấu được nỗi thất vọng cũng như một chút giận dữ: "Tướng quân thân mến, tôi không tin rằng ông hiểu chuyện để Lee tẩu thoát sẽ dẫn đến những hậu quả nào. Ông ta đã ở trong vòng vây của ông một cách dễ dàng, và nếu theo sát ông ta trong sự kết nối chặt chẽ hơn với một chiến thắng vang dội khác của chúng ta (ở Vicksburg), lẽ ra chúng ta đã có thể kết thúc chiến tranh".
Chiến thắng cuối cùng, bởi vậy, đã phải đợi đến tận hai năm sau…
* "Vicksburg là chìa khóa, và chúng ta nhất thiết phải nắm được chiếc chìa khóa đó" - Abraham Lincoln đã khẳng định như thế. Đáp lại mệnh lệnh của ông, Ulysses S.Grant cũng không ngại ngần "nướng quân". Ông tuyên bố: "Tôi không hối tiếc về những đợt xung phong. Tôi chỉ hối tiếc là chúng đã bị đẩy lùi". Tính từ 29-3 đến 4-7, quân miền Bắc thương vong 9.091 binh sĩ. * Với chiến thắng Vicksburg, quân Liên bang miền Bắc đã loại hẳn được một binh đoàn của Hợp bang miền Nam, quân số xấp xỉ 32.000 người khỏi vòng chiến đấu, thu giữ 172 khẩu thần công và khoảng 50.000 súng trường. |