Tự do hay tất định

13:40 01/12/2020
Tựa sách “Khoa học của sinh mệnh” ví con người như một cỗ máy vi diệu, lấy mọi thông tin từ ngoài đời để xử lý cặn kẽ trên não bộ, từ đó dẫn truyền xung thần kinh đến các giác quan, dần hình thành hành vi và tích lũy hành vi theo thời gian.

Từ đây, tác giả đặt ra câu hỏi về một trong những bí ẩn lớn nhất: Khả năng tự do lựa chọn của mỗi cá nhân. Trong khi nhiều người tin rằng ý chí tự do thực sự tồn tại, số khác lại phủ nhận khái niệm này. Tranh cãi bùng nổ mạnh mẽ từ thuyết định đoạt, cho rằng tất cả các hành động ở hiện tại đều bị chi phối bởi những sự kiện khác đã và đang diễn ra, thậm chí trước khi con người ra đời.

Những tranh cãi

Không ít người coi ý chí tự do như một loại ảo giác, bởi kết quả thí nghiệm của họ đều hướng đến một mẫu số chung: não bộ quyết định hành vi trước nhận thức. Nhà thần kinh học người Mỹ Benjamin Libet gây tranh cãi với thí nghiệm trở thành biểu tượng của khoa học nhận thức. Ba giá trị trong thí nghiệm của ông (bao gồm cử động cổ tay, hoạt động não bộ và thời điểm cử động chính xác) đều được quan sát và ghi chép cực kỳ cẩn thận. Điều gây chấn động là mức chênh lệch khoảng nửa giây, từ lúc não ra tín hiệu quyết định cho đến khi con người nhận thức được việc thực hiện hành động.

Nhiều thí nghiệm tương tự sử dụng công nghệ hiện đại như chụp cộng hưởng từ chức năng và điện não đồ cho thấy kết quả của các quyết định cân nhắc giữa hai lựa chọn có thể dự đoán trước được khoảng vài giây trước khi xuất hiện tín hiệu của nhận thức.

Con người luôn bị chi phối bởi nhiều thứ trong cuộc sống, từ gene cho đến các cơ chế ngoại di truyền.

Có vẻ như giới khoa học thần kinh đang dần đi đến kết luận rằng ý chí tự do không tồn tại. Họ giải thích não bộ đang cố gắng “che đậy” việc đưa ra quyết định trong một khoảng thời gian nhất định mà không hề tiếp nhận đầu vào của ý thức, nhưng cuối cùng lại ra tín hiệu khiến bản thân tin rằng quyết định đó có ý thức.

Vậy nhưng, nhiều quan điểm viện dẫn nguyên lý bất định của cơ học lượng tử để khẳng định ý chí tự do thực sự tồn tại, tin rằng lý thuyết lượng tử thiết lập lại khái niệm về ý chí tự do. Theo họ, một định nghĩa thông dụng là khả năng tự đưa ra lựa chọn của riêng mình, đồng thời ám chỉ bất cứ điều gì giải thích năng lực của con người, và cách thức con người chịu trách nhiệm cho hành vi của chính mình.

Trong quá khứ, các triết gia như Aristotle, D’Aquinas, Descartes, và Kant xác nhận ý chí tự do, còn thời hiện đại thì cố triết gia người Pháp Jean Paul Sartre có lẽ là nhân vật bênh vực mạnh mẽ nhất cho sức mạnh của tự do. Họ chia sẻ chung quan điểm những hành vi của một con người bắt nguồn từ sự chủ động và chọn lựa của riêng nó, khi con người tuyệt đối tự do thoát khỏi mọi ảnh hưởng để tự đưa ra lựa chọn. Tranh cãi ngày càng thú vị với sự xuất hiện của thuyết định đoạt.

Những người ủng hộ thuyết này, hay nhà tất định, phản pháo về kích thước nguyên tử siêu nhỏ của hiệu ứng lượng tử, quá ít để giải thích ý chí tự do quy mô “cuộc sống khổng lồ” của loài người. Sigmund Freud chẳng hạn, phản đối và bác bỏ ý chí tự do, coi đây là sự hư cấu khi mọi khát vọng của loài người đều tất định.

Những người tất định coi con người là một phần của tự nhiên, chịu chi phối bởi các chuỗi sự kiện hay nguyên nhân trong tự nhiên. Điều này khiến nhà tâm lý học người Mỹ Peter Van Inwagen băn khoăn, rằng nếu thuyết định đoạt là thật, mọi quy luật của tự nhiên cùng với các chuỗi dữ kiện của quá khứ sẽ khiến một người phải cử động cổ tay.

Thế nên, nếu con người có năng lực dừng chuyển động cổ tay, chắc chắn khả năng thay đổi quá khứ hay tự nhiên sẽ tồn tại. Đây là điều hoàn toàn hoang tưởng, khiến quan niệm “định đoạt” trở nên vô nghĩa. Từ đây, các nghiên cứu mới chuyển dịch theo giả thuyết sự tự do và sự định đoạt tồn tại đồng thời, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình hình thành hành vi ở con người. Tức là, có thể tin vào tự do của ý chí trong khi vẫn thừa nhận rằng tự do hành động của một người bị hạn chế bởi những hoàn cảnh nhất định.

Điều gì chi phối hành vi?

Có vẻ như câu hỏi về ý chí tự do không hề phân rõ trắng đen, mà bao quát toàn bộ sự phức tạp của việc là con người. Không dễ gì cắt nghĩa được ý chí tự do, khi con người luôn bị chi phối bởi nhiều thứ trong cuộc sống. Gene là một điển hình, với chuỗi 3,2 tỉ những “ký tự” ADN độc đáo, không chỉ định hình chiều cao, cân nặng hay màu mắt, mà còn tham gia hình thành tính cách và chi phối hành vi.

Thí nghiệm Benjamin Libet coi cảm giác tự do quyết định chỉ là ảo tưởng.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra gene quy định sự hình thành, phân bổ và chức năng của các mạch neuron thần kinh. Gene “điều hướng” hoạt động não bộ, kích thích sự xuất hiện của các hành vi phức tạp liên quan đến lựa chọn tôn giáo, phát triển ý thức chính trị và xây dựng các mối quan hệ bạn bè trong cuộc sống.

Con người không chỉ là kết quả của sự kết hợp gene từ bố và mẹ. Các cơ chế ngoại di truyền được điều chỉnh và biến đổi bởi các tín hiệu môi trường như chế độ ăn uống, bệnh tật hoặc lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa “đóng - mở” gene.

Sự gắn kết của tự nhiên và nuôi dưỡng cho phép ký ức truyền lại qua nhiều thế hệ, khiến đời con thậm chí vẫn “cảm nhận” được ít nhiều trải nghiệm từ đời bố mẹ. Một số nghiên cứu cho thấy những người sống sót sau Thảm họa diệt chủng Holocaust diễn ra vào Thế chiến II và con cái đều mang những thay đổi di truyền học biểu sinh trong gene chi phối nồng độ cortisol - hormone vô cùng quan trọng liên quan đến chống căng thẳng. Điều này khiến thế hệ sau dễ có nguy cơ mắc phải nhiều vấn đề liên quan đến rối loạn tâm thần và lo âu.

Theo quan điểm của nhiều nhà triết học, ý chí tự do là khả năng lựa chọn giữa các con đường hành động mà không bị cản trở, liên kết chặt chẽ với các khái niệm về trách nhiệm đạo đức.

Hiển nhiên, mọi quyết định trong cuộc đời này không hẳn sẽ mãi gắn với não bộ từ ngày một cá thể ra đời, chịu chi phối 100% bởi bộ gene cha mẹ ban tặng, hay những ký ức thuở xưa từ câu chuyện của ông bà. Hành vi hoàn toàn có thể thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh sống, khi con người không ngừng học tập và tích luỹ kiến thức, từ đó phát triển những mạch liên kết mới giữa các tế bào thần kinh.

“Dấu ấn” học hỏi trở thành vết hằn trên vỏ não, và nếu được khơi gợi thường xuyên sẽ trở thành “lộ trình” của não bộ kích thích các xung thần kinh, biến các hành vi được học hỏi thành một thói quen. Ngày bé, không ai biết cách đạp xe, nhưng nhờ học hỏi và phương pháp thử và sai, cùng những tai nạn trên đường chạy xe, một đứa trẻ dần sử dụng xe đạp thành thạo.

Rõ ràng, ý chí tự do liên quan đến thử sai - một phương pháp cơ bản để giải quyết vấn đề được đặc trưng bởi các nỗ lực lặp đi lặp lại cho đến khi thành công. Nguyên tắc này xây dựng nền tảng cho nhận thức và định hướng trong cuộc sống, khi mỗi người luôn cố gắng củng cố cách mạch neuron bằng cách thu thập, giải nghĩa, lựa chọn và tổ chức các thông tin từ môi trường nhờ giác quan cũng não bộ.

Tất nhiên, sẽ có nhiều người phản đối quan điểm này, cho rằng hành vi của loài người là bản năng, thứ sinh ra đã tự có. Thuyết định đoạt coi mọi việc xảy ra là tất yếu, không thể tránh được, vì thế không có gì được gọi là sự lựa chọn. Nhưng suy cho cùng, con người vẫn muốn có được sự lựa chọn, thoát khỏi những ranh giới ràng buộc của bộ gene để thích nghi với từng hoàn cảnh.

Đa phần quyết định trong cuộc sống, như lập gia đình, tậu xe hay mua nhà, cần lên kế hoạch trước bởi chúng vốn dĩ phức tạp hơn nhiều so với các thí nghiệm kiểu Libet. Và cũng chẳng ai quan tâm đến ý chí tự do trong những bối cảnh trên, mặc dù não bộ cần hoạt động rất nhiều. Có lẽ, điều cần giải thích rõ ràng chính là khái niệm “quyết định”: đó là khoảnh khắc tạo ra một kết quả nào đó, hay toàn bộ quá trình dẫn đến kết quả này? 

Nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky không cho rằng con người có thể dễ dàng chấm dứt tranh cãi, cũng như hiểu tường tận, về ý chí tự do. Với Chomsky, con người chỉ có thể hiểu về những phạm trù mà ở đó hành vi hoặc được xác định trước (chắc chắn) hoặc là ngẫu nhiên.

Ý chí tự do nằm ngoài những phạm trù kiểu này, và bởi vậy con người sẽ có thể không bao giờ tìm được bằng chứng khoa học nào để xác nhận sự tồn tại của nó. Bất cứ ai tin lời phỏng đoán của Chomsky đều thử tự do di chuyển cổ tay của mình, đồng thời giữ trong đầu suy nghĩ hành động này đơn thuần chỉ là một sự lựa chọn mà họ có thể làm hoặc không...

Việt Dũng

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文