Bài học từ quá khứ

10:38 18/11/2022

"Tôi hy vọng rằng trong hoàn cảnh hiện tại, Tổng thống (Mỹ) Joe Biden sẽ có thể hiểu rõ ràng hơn về chuyện ai là người ra lệnh, và ra lệnh bằng cách nào", Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov lên tiếng, ngày 30/10 - "Tình hình hiện nay rất đáng lo ngại!".

Nhà ngoại giao lão luyện ấy đã và đang, đại diện cho quan điểm của Moskva, nhắc nhở Washington về cách thế giới từng đối diện với nguy cơ chiến tranh bùng nổ trên diện rộng, tròn 60 năm về trước. Và dĩ nhiên, về cả cách mà bóng ma hủy diệt ấy được đẩy lùi.

Không quân Mỹ và tàu chở hàng Liên Xô ngoài khơi Cuba.

Phần thắng thuộc về ai?

Ngày 2/11/1962, Tổng thống Mỹ khi đó – John Kennedy – tuyên bố trên truyền hình: “Các căn cứ của Liên Xô ở Cuba đang bị tháo dỡ, tên lửa và các thiết bị liên quan của họ đang được đóng gói, và các cơ sở lắp đặt cố định tại các địa điểm này đang bị phá hủy".

Đó là chỉ dấu chính thức cho thấy cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở Cuba đã hạ màn. Và dĩ nhiên, đó cũng là thông điệp mà người đứng đầu nước Mỹ lúc ấy muốn nhắn nhủ đến các công dân cũng như các đồng minh: Liên Xô đã phải nhượng bộ, hay nói đúng hơn, đã phải lùi bước, trên lằn ranh đỏ cuối cùng. Thế giới thở phào nhẹ nhõm, sau hai tuần phấp phỏng trong tình trạng “trên miệng hố chiến tranh” – một cuộc chiến tranh hạt nhân, một nguy cơ có thể dẫn đến sự hủy diệt cả Trái Đất.

Kết quả này được tạo nên sau hai tuần đàm phán phức tạp và đầy căng thẳng, mà trong đó, một thứ “luật chơi” ngầm giữa các siêu cường đã được tái khẳng định.

Ngày 22/10/1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cảnh báo: Liên Xô phải ngừng chương trình liều lĩnh đưa vũ khí hạt nhân vào Cuba; đồng thời ông chủ Nhà Trắng tuyên bố “phong tỏa” hải quân đối với các chuyến hàng vũ khí bổ sung đang trên đường đến Cuba. Từ góc nhìn của cộng đồng quốc tế thời điểm đó, không có bất cứ giải pháp rõ ràng nào. Các lực lượng vũ trang Mỹ đã được đặt trong tình trạng DEFCON 2 – nghĩa là sẵn sàng cho chiến tranh. Ngày 24/10, hàng triệu người đã chờ đợi xem liệu các tàu Liên Xô mang theo tên lửa bổ sung tới Cuba có cố gắng phá vỡ vòng vây của hải quân Mỹ đang bố phòng chung quanh hòn đảo hay không. Vào phút cuối, các tàu này đã quay đầu và trở về điểm xuất phát.

Tên lửa đạn đạo Liên Xô ở Cuba - mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh - quốc phòng của Mỹ.

Sang ngày 26/10, theo trang History, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã gửi tới Kennedy một thỏa thuận: Các tàu Liên Xô đi Cuba sẽ “không mang theo bất kỳ loại vũ khí nào,” nếu Mỹ cam kết không bao giờ xâm lược Cuba. Ông đề xuất rằng “chúng ta hãy thể hiện sự khôn ngoan,” và kêu gọi Kennedy “hãy cân nhắc kỹ lưỡng xem những hành động hiếu chiến mà Mỹ dự định thực hiện ở các vùng biển quốc tế sẽ dẫn đến hậu quả gì”.

Ngày 27/10, tiếp tục có một thông điệp khác được gửi đi, theo đó Liên Xô sẵn sàng loại bỏ các tên lửa khỏi Cuba, nếu phía Mỹ cũng loại bỏ các tên lửa hạt nhân của họ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Mỹ Kennedy và các quan chức đã tranh luận, nhằm tìm ra phản ứng thích hợp của Mỹ đối với lời đề nghị này. Cuối cùng, Tổng Chưởng lý Robert Kennedy đã nghĩ ra một kế hoạch có thể chấp nhận được: Tiếp nhận lời đề nghị đầu tiên của Khrushchev và bỏ qua lá thư thứ hai.

Dù Mỹ đã xem xét việc loại bỏ các tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian, nhưng việc chấp thuận yêu cầu của Liên Xô và loại bỏ chúng có thể khiến người Mỹ có vẻ trở nên “yếu thế” trong mắt dư luận quốc tế. Tuy nhiên, ở hậu trường, các nhà ngoại giao Liên Xô đã được thông báo rằng các tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được dỡ bỏ sau khi các tên lửa của Liên Xô ở Cuba được đưa đi. Thông tin này kèm theo lời “đe dọa”: Nếu các tên lửa của Cuba không được dỡ bỏ trong hai ngày, Mỹ sẽ dùng đến hành động quân sự. Lúc bấy giờ, đến phiên Khrushchev phải cân nhắc lựa chọn hợp lý.

Một tiền lệ sắc nét

Ở khía cạnh quan trọng nhất, rõ ràng, sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Liên Xô đã không thực hiện được mục tiêu đề ra ban đầu. Trong khi đó, Washington lại vừa xóa bỏ được một mối hiểm họa hạt nhân uy hiếp trực tiếp đến an ninh – quốc phòng đối với lãnh thổ của mình, vừa gián tiếp bảo toàn được sự cứng rắn của “Học thuyết Monroe” – chính sách đối ngoại không chấp nhận bất cứ mối đe dọa quân sự nào hướng về phía nước Mỹ từ khu vực Mỹ Latin (hay nói cách khác, Mỹ Latin vẫn là “sân sau” của nước Mỹ).

Song, ngược lại, chuyện tác động được để Tổng thống Mỹ John Kennedy đẩy nhanh hơn tiến trình tháo dỡ các giàn tên lửa hướng về Liên Xô, trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng xứng đáng được xem là một thành công đáng kể của Moskva.

Hơn hết, có thể nói một cách hình tượng: Cuối cùng, khi những cái đầu tỉnh táo ở cả hai siêu cường nghiêm túc “nhập cuộc”, chiến thắng thuộc về toàn nhân loại, khi tránh được “vực thẳm của sự hủy diệt (abyss of destruction – từ được dùng bởi chính ông chủ Nhà Trắng).

Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba cũng khắc sâu thêm một thông lệ hành xử, trong mối quan hệ riêng của các cường quốc, vốn đã luôn hiện hữu suốt dòng lịch sử loài người: Không đại cường nào chấp nhận nền an ninh – quốc phòng của mình bị đe dọa, đặc biệt là ngay tại khu vực ảnh hưởng truyền thống. Nước Mỹ hiển nhiên không thể ngồi yên, khi Liên bang Xôviết đặt những hệ thống tên lửa hạt nhân tại Cuba, nhưng đó lại cũng là hệ quả của việc Liên Xô bất an, khi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ triển khai 15 tên lửa tầm trung PGM-19 Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ. Những tên lửa này có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, cũng như có thể dễ dàng tấn công Moskva, cùng hầu hết các trung tâm công nghiệp và hành chính của Liên Xô.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi hạ nhiệt khủng hoảng.

Đến đây, có lẽ chúng ta lại nên trở về hiện tại, và đặt thông điệp của Điện Kremlin vào cạnh bài học lịch sử 60 năm trước: Việc phương Tây gạt bỏ những lo ngại của Nga về an ninh ở biên giới phía tây của mình thời hậu Liên Xô, và đặc biệt là việc mở rộng liên minh quân sự NATO về phía đông là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến xung đột tại Ukraine.

Và do đó, nói như Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, nếu như Mỹ và Liên Xô năm xưa đã "tìm thấy sức mạnh để thể hiện trách nhiệm cũng như sự khôn ngoan của mình", thì hiện tại, “chúng tôi không thấy tinh thần sẵn sàng như vậy ở Washington cũng như các vệ tinh của họ".

Tất nhiên, theo Mỹ và các đồng minh châu Âu nói rằng những lo ngại của Nga đã bị thổi phồng quá mức, và không thể lấy đó làm cái cớ biện minh cho chiến dịch quân sự mà Moskva triển khai ở Ukraine. Song, ngược dòng lịch sử, chúng ta lại cũng có thể tham khảo một đoạn hồi ký của cựu Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa (tại nhiệm 1991-1993, và giữ chức vụ Tổng Giám đốc Cơ quan Kinh tế Kế hoạch Nhật Bản vào thời điểm tháng 10/1962):

“Sáng sớm ngày 23/10/1962, Đại sứ Mỹ bỗng dưng đến thăm tư gia Ikeda và trao cho Thủ tướng một bức thư viết tay của Tổng thống Mỹ Kennedy, đại ý: Mới đây, tên lửa đạn đạo kiểu tấn công của Liên Xô được liên tục chở vào Cuba. Nước Mỹ sát cạnh Cuba ở vào trạng thái bất cứ lúc nào cũng có thể bị tấn công. Để ngăn cản việc chuyên chở thêm tên lửa vào Cuba, nước Mỹ quyết định thực hành phong tỏa trên biển đối với Cuba, khi cần thiết sẽ không tiếc dùng vũ lực để khám tại chỗ các tàu biển. Quyết định này sẽ được công bố trong một ngày sắp tới. Mong nhận được sự thông cảm của Chính phủ Nhật Bản.

Lúc ấy, điều đầu tiên tôi nghĩ là mong sao đây không phải là chính sách quốc phòng quá đáng của nước Mỹ. Cho dù tình hình thế nào, luật quốc tế cũng không cho phép dùng vũ lực làm hậu thuẫn để tiến hành khám tại chỗ các tàu nước ngoài đi lại trên vùng biển quốc tế.

…Thủ tướng Ikeda đau khổ ngước nhìn lên trần nhà, khá lâu sau ông mới mở miệng: Tôi cho rằng điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế tuy đều quan trọng cả, nhưng bây giờ e rằng những thứ ấy không còn tác dụng nữa. Và sau đó, Chính phủ Nhật Bản trả lời Đại sứ Mỹ rằng họ thông cảm với quyết định của Tổng thống Kennedy”…

Luật chơi, xét cho cùng, luôn thuộc về kẻ mạnh. Và bởi vậy, bên cạnh chuyện hy vọng về cách hành xử “có trách nhiệm” từ các cường quốc nhằm tránh cho nhân loại nguy cơ hủy diệt, những nước nhỏ bị cuốn vào những vòng xoay thế sự cũng luôn cần chiêm nghiệm những lựa chọn tỉnh táo nhất, cho riêng mình.

* Phong tỏa đường biển, theo luật pháp quốc tế, được coi là hành động chiến tranh. Do đó, ngày 22/10/1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy chỉ tuyên bố quyết định “cách ly” Cuba. Theo đó, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành tuần tra khu vực xung quanh Cuba ở khoảng cách 500 hải lý nhằm “ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí đến hòn đảo này”. Moskva đã đáp trả một cách rõ ràng: Trong trường hợp đó, Liên Xô sẽ thực hiện “bất kỳ biện pháp nào” nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu của mình.

* Hệ quả của cuộc khủng hoảng này là rất đa dạng. Quan hệ giữa Cuba và Liên Xô xấu đi một thời gian, với cáo buộc Liên Xô bỏ rơi cách mạng Cuba, từ Fidel Castro. Các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng tức giận, không phải vì lập trường của Mỹ trong cuộc khủng hoảng, mà vì chính quyền Kennedy đã giữ kín tất cả mọi vấn đề liên quan đến cuộc đàm phán có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Thiên Phong

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文