Kia
Mobifone

Bản sắc Tết Trung thu Việt

Thứ Hai, 02/10/2023, 08:13

Tết Trung thu là một hội lễ truyền thống của nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á. Ở Trung Quốc, tục thờ trăng có từ thời Tây Chu (1045-770 TCN) và Tết Trung thu chính thức có từ thời Tống (960-1279).

Còn ở Việt Nam, theo văn bia chùa Đọi (1121), nhà Lý đã tổ chức Tết Trung thu ở kinh thành Thăng Long với các tục múa rối nước, đua thuyền và rước đèn.

Tết Trung thu Việt thời Đông Sơn

Tết Trung thu thời Lý là một sự phục hưng Tết Trung thu thời Đông Sơn bởi thời Lý cũng là thời phục hưng của nhiều phong tục Đông Sơn như xăm mình thờ Thần Trống đồng, dùng mộ thạp…

Có thể thấy bốn loại con rối chính trong múa rối nước thời Lý gồm Rùa Vàng, các nàng tiên, chim quý và hươu lành có gốc từ bốn biểu tượng lớn có trên mặt trống Ngọc Lũ, chiếc trống đồng Đông Sơn cổ và đẹp nhất hiện còn, được đúc thời An Dương Vương (221-179 trước Công nguyên).

image001.jpg -0
Thuyền chim và thuyền rồng trên thạp Đào Thịnh

Thực tế, Tết Trung thu chỉ là hội lễ chính trong tổng thể các hội lễ mùa Thu, mùa đánh dấu sự kết thúc của mùa mưa, mở đầu của mùa khô, cũng là thời của các hội lễ cầu mùa, cầu duyên, cầu phúc...

Trong các hội lễ đó, người Đông Sơn tiến hành một loạt các nghi lễ, thực chất là các ma thuật mô phỏng, dạng ma thuật phổ biến nhất thời Đông Sơn và là cốt lõi của văn hóa Đông Sơn. Ma thuật đó dựa trên niềm tin rằng con người có thể có được những điều mình mong muốn bằng cách chủ động tạo ra các biểu tượng tương tự hay tương ứng với những điều đó trong hội lễ (ví dụ đánh trống đồng có tiếng trống tương tự tiếng sấm trong lễ cầu mưa).

Trong tục múa rối nước Tết Trung thu, sự nổi trội của các con rối nàng tiên - chim, chim và hươu thể hiện sự chiến thắng của các biểu tượng chim - mặt trời - lửa -nắng - mùa khô đối với các biểu tượng rồng - rùa, mặt trăng, nước - mưa - mùa mưa.

Cùng mục đích đó, trong tục đua thuyền hình chim và hình rồng Tết Trung thu, con người cũng chủ động cho thuyền chim thắng thuyền rồng.

Tục rước đèn rất có thể cũng đã có vào Tết Trung thu thời Đông Sơn bởi đèn là một biểu tượng cho mặt trời - lửa. Người Đông Sơn đã có nhiều dạng đèn đồng hình động vật, nên không khó để có các dạng đèn tương tự.

Ngoài Tết Trung thu vào ngày rằm, người Đông Sơn còn có nhiều lễ hội khác vào mùa thu.

Sách “Thái Bình hoàn vũ ký” của một tác giả nhà Tống (thế kỷ X) viết “Người Lạc Việt cứ mùa Thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý thì lấy nhau”.

 Lạc Việt là tên gọi phổ biến trong cổ thư, chỉ người Việt cổ thời Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn xưa được gọi là trống đồng Lạc Việt. Hội trai gái giao duyên vào mùa thu tháng Tám thời Đông Sơn chính là gốc của hội hát trống quân của người Việt sau này, cũng thường tổ chức vào mùa thu - mùa trăng - mùa cơm mới. Các cô gái chàng trai trong hội là một cặp biểu tượng âm -dương, và tiếng hát đối đáp giao duyên của họ trong tiếng trống đất cũng là một dạng ma thuật cầu mưa thuận, nắng hòa, người an vật thịnh.

Một lễ hội khác cũng được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn là lễ hiến tế trâu hay bò, gốc của các tục “đâm trâu” và “chọi trâu” sau này.

Trâu với đặc tính ưa nước, với bộ sừng hình trăng khuyết, vào thời Đông Sơn cũng được coi là một biểu tượng của thần nước -thần trăng.

Tục chọi trâu ở Đồ Sơn ngày 9/8 Âm lịch hàng năm thường kết thúc với cảnh một trâu bỏ chạy, ông trâu chiến thắng được hiến tế thần linh. Đó cũng là một ma thuật mô phỏng sự ra đi của mùa mưa, mùa bão lũ để đón chào mùa nắng, mùa đánh bắt cá của cư dân ven biển.

Nhà dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết (1922-2012) từng cho rằng lễ hội thể hiện trên trống Đông Sơn là lễ hội mùa thu, mùa lau ra bông, vì thế người trên trống đồng đã hóa trang một phần bằng bông lau và cầm bông lau chứ không chỉ hóa trang bằng lông chim và cầm lông chim như nhiều người vẫn tưởng.

Quan điểm đó có lý bởi với vẻ đẹp và màu trắng gần gũi với màu lông của loài cò trắng, bông lau đã được người Đông Sơn dùng thay cho lông chim, một biểu tượng của Bà Tổ Chim thời Đông Sơn nhưng vốn là vật quý hiếm thường dành cho các thủ lĩnh và giới quý tộc.

Thực vậy, ở thạp Đào Thịnh, trên con thuyền chim là các chiến binh người - chim đội mũ cắm bông lau, tay cầm cờ lau hay lao có cán buộc bông lau được thể hiện cách điệu và cường điệu nhảy múa trong tiếng vỗ cánh dạt dào của đàn chim trên đầu.

Truyền thuyết về Thánh Gióng có đoạn kể: khi Thánh hóa thành người khổng lồ, dùng bao nhiêu vải cũng không đủ để che kín thân nên Thánh đã phải lấy bông lau thay thế. Từ đó, trong hội Gióng có nghi thức giắt bông lau che kín mình cho Thánh.

 Truyền thuyết về Vua Đinh Bộ Lĩnh có đoạn kể: thuở nhỏ, khi chơi trò đánh trận giả, vua đã dùng bông lau làm cờ hiệu chỉ huy và nghi trượng trong lễ rước vua giả.

Các nghi thức và truyền thuyết trên là dấu tích của việc dùng bông lau trong lễ phục của người Việt xưa.

Đinh Bộ Lĩnh hồi trẻ dùng bông lau làm nghi trượng của vua giả. Nhưng các vua thật của Ai Cập hàng ngàn năm trước đã dùng bông lau để tạo ra một dạng vương trượng. Trong văn hóa Ai Cập cổ, bông lau là một biểu tượng cho sinh sản, cho sức mạnh của mặt trời, tức rất gần gũi với tính biểu tượng của lông chim trong văn hóa của người Bách Việt thời Đông Sơn có tín ngưỡng thờ Bà Tổ Chim - Mặt Trời.

Mùa thu, đó cũng là mùa lau trổ bông, báo hiệu mùa bão lũ đã qua và mùa thu hoạch lúa, mùa đánh bắt cá sẽ tới. Người Việt gọi cây lau là “cây ngự thủy” với một cách giải thích rằng do cây có bộ rễ ăn sâu khiến đất không bị nước làm xói mòn. Tuy nhiên, không loại trừ, tên gọi này còn phản ánh tính biểu tượng trên của bông lau.

Tết Trung thu Việt - Tết thiếu nhi

Về nguồn gốc và bản chất, Tết Trung thu là một hội lễ thờ Thần Mặt Trăng, trong tâm thức người Bách Việt xưa cũng là thần mưa - thần nước.

Thời Đông Sơn là thời mẫu hệ. Người Bách Việt thời Đông Sơn thờ Nữ thần Mặt Trời được đồng nhất với Bà Tổ Chim cùng với Nam thần Mặt Trăng được đồng nhất với Ông Tổ Rồng.

Một dấu tích của quan niệm đó là câu ca dao “Ông Trăng mà lấy bà Trời/ Tháng 5 ăn cưới tháng 10 nộp cheo”. Bà Trời ở đây chính là Bà Mặt Trời hay Nữ thần Mặt Trời. Tên gọi Bà Trời tương tự tên gọi Bà Hỏa chỉ Thần Lửa, hiện vẫn được người Việt thờ cúng ở nhiều nơi. Tháng 5, tháng 10 là thời điểm đầu và cuối của vụ lúa mùa, vụ lúa  duy nhất thời Đông Sơn.

Trong khi đó, các xã hội phụ hệ phương Bắc thờ Nữ thần Mặt Trăng, sau trở thành nàng Hằng Nga trong truyền thuyết của người Hoa.

Truyền thuyết kể Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ, người anh hùng đã bắn rụng 9 mặt trời cứu loài người. Vì nuốt trọn viên thuốc trường sinh, nàng bị bay lên trời, tới cung trăng và ở lại đó cùng với một con thỏ ngọc. Hằng Nga, thỏ ngọc trở thành hai biểu tượng của mặt trăng và Tết Trung thu của người Hoa.

Trong khi đó, một biểu tượng của mặt trăng và Tết Trung thu của người Việt lại là chú Cuội.

Truyền thuyết kể một chàng trai làm nghề đốn củi tên Cuội nhờ cơ duyên mang được cây đa lá có phép cải tử hoàn sinh về trồng vườn nhà. Vợ Cuội do đãng trí quên lời chồng dặn tiểu tiện vào gốc đa khiến cây bay lên trời, Cuội dùng rìu móc vào gốc đa giữ lại không được, bị bay lên trời cùng cây tới mặt trăng.

Trong ca dao Việt, Cuội trở thành thằng Cuội chăn trâu ngồi gốc cây đa, vì lười và đãng trí, “để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”.

Có vẻ, truyền thuyết chú Cuội của người Việt là một biến thể của một truyền thuyết phương Bắc cũng về một chàng trai làm nghề đốn củi tên là Ngô Cương, bị ám ảnh về sự bất tử nhưng lười học nên bị ông trời đày tới cung trăng. Muốn xuống, chàng ta phải chặt được cây quế lớn ở đó, nhưng mỗi lần chặt cây, do đãng trí và lười biếng, chàng dừng tay, cây liền lại như cũ và chàng đành phải ở lại chặt tiếp...

Tuy nhiên, rất có thể, cả hai truyền thuyết trên đều có chung một nền tảng tâm thức về Ông - Trăng của người Bách Việt. Do bị nữ thần Hằng Nga lấn át, Ông Trăng đã chuyển hóa thành chàng đốn củi, chặt cây, thành trẻ trâu, còn tính thiêng của Ông chuyển sang hai loài cây cổ thụ gắn với mặt trăng: cây quế đỏ và cây đa, trong đó cây đa là loài cây rất gần gũi với làng nước Việt.

Có vẻ chính sự chuyển hóa của Ông Trăng thành chú Cuội đã góp phần chuyển hóa Tết Trung thu thành Tết Thiếu nhi ở người Việt. Một bài khấn Ông Trăng xưa cầu mong có một cuộc sống đầy đủ đã hóa thành bài đồng dao cho trẻ em với nhiều chữ Có: “Ông Giẳng ông Giăng/ Xuống chơi với tôi/ Có bầu có bạn/ Có ván cơm xôi/ Có nồi cơm nếp/ Có tệp bánh chưng/ Có lưng hũ rượu…”. Một số nghi lễ - ma thuật của Tết Trung thu thời Đông Sơn xưa cũng dần chuyển hóa thành các trò vui dành cho trẻ em như phá cỗ, múa sư tử, rước đèn ông sao…

Đó chính là một bản sắc của Tết Trung thu Việt.

Tạ Đức

.
.