Bí mật thành phố cổ Petra bị bỏ hoang 500 năm

12:16 12/12/2023

Thành phố cổ Petra được khắc vào đá (nằm ở Tây Nam Jordan) được gọi là “Thành phố đã mất” vì bị bỏ hoang hơn 500 năm không có người ở và được tái phát hiện vào năm 1812…

Một tuyệt tác kiến trúc và lịch sử

Petra là một kỳ quan quốc tế độc đáo, được khắc vào đá màu hồng của vách đá Jebel al-Madbah. Petra từng là thủ đô của vương quốc Nabatea từ thế kỷ X trước Công nguyên (TCN), khi đó những người du mục Ả Rập Nabataean (có niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ II TCN) đã biến địa điểm nằm gần các tuyến đường thương mại này trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực.

Người Nabataean có mặt hàng buôn bán chính là hương. Hương đã làm cho người dân trở nên giàu có và thịnh vượng. Họ cũng rất giỏi về nông nghiệp và nhiều nghề thủ công khác nhau. Tộc người này quen sống trong điều kiện sa mạc khắc nghiệt và có thể chống chọi được với bất kỳ cuộc xâm lược nào. Vào thế kỷ I, dân số Petra đạt đỉnh điểm 20.000 người và Al Khazneh, lăng mộ của vua Nabatea Aretas IV, được xây dựng. Ngay cả sau khi bị Đế chế La Mã chinh phục, vương quốc Nabatea vẫn không mất đi nền độc lập và duy trì như vậy cho đến năm 106. Petra lúc bấy giờ là một đô thị phát triển với hệ thống cấp nước và tưới tiêu được thiết kế rất hợp lý. Người Nabataean đã sử dụng thành công lũ quét để lấp đầy các hồ chứa, đập và kênh rạch, ngay cả trong thời kỳ hạn hán kéo dài, họ vẫn đủ nước.

Nhà hát Petra được khắc vào đá màu hồng của vách đá Jebel al-Madbah.

Petra nổi tiếng với kiến trúc Hy Lạp hóa, là đại diện cho sự đa dạng của nền văn hóa mà người Nabataean tương tác. Ngoài ra còn có nhiều ngôi mộ cổ của các vị vua Nabatea. Kho bạc Petra (El-Khazneh) rộng 24 mét và cao 37 mét gợi nhớ đến kiến trúc Alexandria. Phía dưới là tượng của hai vị thần song sinh Hy Lạp Pollux và Castor tương truyền có khả năng bảo vệ du khách. Ngoài ra còn có một tượng nữ, người ta cho rằng đó là Tyche hay Isis - nữ thần may mắn ở Hy Lạp cổ đại và Ai Cập. Nguồn sáng duy nhất trong tòa nhà là lối vào cao 8 mét. Trong thời kỳ Byzantine, các nghi lễ Kitô giáo đã được tổ chức ở đây và ngày nay nó là thánh địa hành hương.

Những bí mật của Petra

Al Khazneh là tòa nhà được bảo tồn tốt nhất ở Petra. Trên tường rất nhiều lỗ đạn, thứ còn sót lại từ các bộ lạc Bedouin địa phương muốn cướp bóc kho báu của thành phố cổ. Xa hơn một chút có một nhà hát lớn nằm ở vị trí có thể mang lại tầm nhìn thuận tiện ra các ngôi mộ, được thiết kế cho 8.500 chỗ ngồi,  để tổ chức các buổi đọc thơ và biểu diễn cũng như các trận đấu của các đấu sĩ. Nhà hát bị hư hại nặng nề do trận động đất ở Galilee vào năm 363. Cũng tại Petra, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một khu vườn sang trọng với hồ bơi lớn, gian hàng trên đảo và hệ thống thủy lực phức tạp. Phía trước khu phức hợp này có một con phố gọi là "Phố mặt tiền" - đây là một trong số ít hiện vật của Petra được xây dựng chứ không phải được chạm khắc vào đá.

Ấn tượng nhất ở Petra là những ngôi mộ hoàng gia - một ví dụ về tay nghề thủ công cao nhất của người Nabataean. Một ngôi mộ được gọi là Cung điện và được coi là nơi chôn cất những người cai trị Petra. Gần đó là lăng mộ Corinthian, được làm theo phong cách Hy Lạp giống như Kho bạc Petra. Trước một ngôi mộ từng có một khu vườn rộng lớn, một nhà thờ và các buổi lễ đã được tổ chức tại đây trong thời kỳ truyền bá Kitô giáo.

Năm 2016, các nhà khảo cổ sử dụng máy bay không người lái đã phát hiện gần trung tâm thành phố có một công trình khổng lồ, một nền tảng lớn, chiều dài 184 mét, rộng 56 mét và cao 49 mét. Nền tảng này bao quanh một nền tảng khác, nhỏ hơn, được bao bọc bởi một cấu trúc cao 8,5 mét, hướng về phía đông và có một cầu thang bên cạnh. Tòa nhà này có quy mô thứ hai chỉ sau khu phức hợp Tu viện và rất có thể đã từng có ý nghĩa nghi lễ.

 Khu vực này là nơi sinh sống của người Edomite từ thế kỷ XIII đến thế kỷ VII TCN. Trong thời gian này họ đã bị dân Israel đánh đuổi hai lần. Sau cái chết của vua Solomon, vào năm 928, Israel bị chia cắt thành hai vương quốc riêng biệt - Judah và Israel. Người Edomite đã sử dụng một cách khôn ngoan mọi lợi thế về vị trí của thành phố. Những người du mục đã cố gắng chinh phục họ nhiều lần, cuối cùng, vua Amaziah của Judah (796–767 TCN) đã đánh bại và đuổi họ ra ngoài. Người ta nói rằng 10.000 người sau đó đã bị ném khỏi núi Umm el-Biyar. Cho đến nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào về điều này.

Người Nabatean là một trong nhiều bộ tộc du mục Bedouin băng qua sa mạc Arập để tìm cỏ và nước cho đàn gia súc của họ. Bằng chứng ngôn ngữ và khảo cổ học cho thấy họ là một bộ tộc  Arập đến từ phía Bắc. Theo các bài viết của nhà sử học người Do Thái Josephus, khu vực này là nơi sinh sống của người Midianite vào thời Moses, các vùng lãnh thổ được cai trị bởi 5 vị vua. Người Midianite đã bị người Edomite đánh bại và sau khi họ bị người Do Thái trục xuất, người Nabataean đã định cư trong khu vực. Năm 1964, các công nhân dọn dẹp đống đổ nát ở lối vào hẻm núi đã phát hiện ra 7 tảng đá chôn cất, được khắc bằng chữ Nabataean. Vào năm 106, khi thành phố nằm dưới ảnh hưởng của Đế chế La Mã, triều đại địa phương rơi vào tình trạng suy tàn. Người La Mã bắt đầu cai trị Petra, khi ảnh hưởng của họ ngày càng mở rộng, Petra bắt đầu mất đi tầm quan trọng và ảnh hưởng của mình. Trong thời kỳ này, các tòa nhà, đền thờ và tượng thần La Mã xuất hiện trong thành phố. Các nhà khảo cổ đã phát hiện trong các ngôi mộ những đồng xu bạc có khuôn mặt của hoàng đế La Mã Septimius Severus, cũng như đồ gốm từ thời ông trị vì.

Thời kỳ Byzantine

Năm 363, một trận động đất xảy ra đã phá hủy phần lớn thành phố cùng với cơ sở hạ tầng quan trọng. Nó bắt đầu suy tàn từ thế kỷ VIII, có rất ít cư dân còn lại, thành phố thực tế đã bị bỏ hoang.

Khi quân Thập tự chinh đến Petra (thế kỷ XII), họ đã xây dựng các công sự, chẳng hạn như Lâu đài Alvaeira. Có hai lâu đài nữa trong và xung quanh thành phố từ thời Thập tự chinh: Al Wuayra, nằm ngay phía bắc Wadi Musa, và lâu đài còn lại trên đỉnh Al Habis ở trung tâm Petra.

Vào thời Trung cổ, Petra cũng thu hút sự quan tâm của các vị vua Mamluk của Ai Cập. Họ đã chiến đấu với quân Thập tự chinh. Cuối cùng, cả hai đều buộc phải rời khỏi thành phố và Petra đã bị lãng quên trong suốt 500 năm. Petra được du khách người Thụy Sĩ Johann Ludwig Burckhardt khám phá lại vào năm 1812. Giữa thế kỷ XIX và XX, hầu hết các ngôi mộ của Petra đều bị cướp phá, nhiều hiện vật và kho báu đã bị đánh cắp.

Nhà khảo cổ học Philip Hammond của Đại học Utah (Mỹ) đã dành hơn 4 thập niên để khám phá thành phố Petra đã mất. Ông phát hiện ra rằng theo truyền thống địa phương, người ta thường chấp nhận rằng thành phố được hình thành trên địa điểm có một nguồn xuất hiện do cây gậy của Moses va vào một tảng đá, thế là nhà tiên tri đã lấy được nước cho dân Israel theo ý muốn của Chúa. Qua khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng các ống gốm được sử dụng để xây dựng hệ thống cấp nước sâu dưới lòng đất. Tháng 12/1993, một nhà thờ được khai quật gần Đền thờ Sư tử có cánh ở Petra, nơi tìm thấy nhiều cuộn giấy Hy Lạp có niên đại từ thời Byzantine. Đây là cách các nhà khoa học biết được chi tiết về cuộc sống của thành phố trong thời kỳ này.

Cổng Hadrian hay còn gọi là cổng Temenos được thiết kế theo kiến trúc Hy Lạp.

Di sản thế giới đang lâm nguy

Petra đang bị đe dọa bởi sự sụp đổ của các tòa nhà lịch sử do một số yếu tố. Điều này bao gồm xói mòn do lũ lụt và thoát nước mưa không đủ, tích tụ muối ở các lớp trên của đất do thời tiết, sửa chữa các tòa nhà cũ không đúng cách, cũng như hậu quả của việc du lịch không được kiểm soát. Thật không may, việc khai quật khảo cổ cũng có hại cho môi trường. Nhiều di sản văn hóa Nabataean đã bị phá hủy. Số lượng lớn các phát hiện, tòa nhà và đồ tạo tác đòi hỏi các phương pháp bảo tồn phải tính đến mối quan hệ giữa di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.

Sự quan tâm đến Petra tăng lên nhờ danh sách Bảy kỳ quan thế giới mới được công bố trực tuyến vào năm 2007. Vào năm 2018, một bộ phim được thực hiện về cơn khát lợi nhuận từ khách du lịch và sự tò mò quá mức của họ dẫn đến điều gì. Bộ phim chiếu cảnh những con vật gầy gò buộc phải chở những du khách nặng nề đến Petra hàng ngày, các chủ xe đánh đập không thương tiếc khi chúng nhanh chóng yếu đi và không chịu đi. Sau đó, chính phủ Jordan đã kiểm soát vấn đề này.

Cho đến ngày nay, không phải tất cả bí mật của nền văn minh Nabataean đều đã được giải đáp. Nhưng chúng là một phần trong vị thế của Petra với tư cách là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

Tường Chi

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Cao (SN 1962), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 767 (địa chỉ tại số 670 đường Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) và 2 nhân viên công ty này về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 4 bị can là nhóm thiếu niên trú tại tỉnh Thái Nguyên có hành vi dùng kiếm chặt biển số xe máy, cướp tài sản trên địa bàn.

Chiến thắng của ông Donald Trump trên đường đua trở lại Nhà Trắng những ngày qua được giới chuyên gia nhận định là vô cùng ngoạn mục. Vẫn với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Donald Trump giành được sự ủng hộ lớn từ người dân xứ cờ hoa. Tuy nhiên, khi tiếp tục những chính sách gắn với khẩu hiệu này thì các “điểm nóng” khác của thế giới có sự can thiệp của Washington sẽ tăng hay hạ nhiệt?

Trong quá trình điều tra, truy tố và trước khi đưa vụ án ra xét xử, các cơ quan tố tụng đã nhiều lần thông báo cho các bị hại đến cung cấp thông tin về vụ việc và số tiền bị thiệt hại. Đồng thời thông tin công khai về số tài sản kê biên, phong tỏa để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của Trương Mỹ Lan và đồng phạm ngay từ khi kết thúc điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文