Bốn chữ “Nhật Nam thế tộ” và tài ngoại giao của Phạm Khiêm Ích

10:26 28/11/2023

Theo sử sách, năm 1725, vua nhà Thanh Ung Chính (Trung Quốc) tự tay viết bốn chữ “Nhật Nam thế tộ” gửi vua nước ta, nghĩa là nước Nam giữ vững ngôi vua và vận nước truyền hết đời này qua đời khác.

Ngoài ra, vua Thanh còn ban thêm nhiều ân sủng “làm cho thế nước ta được tôn trọng”, nên khi sứ đoàn của Phạm Khiêm Ích về nước, Vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương lệnh “cho kinh đô được mở tiệc rượu ăn uống linh đình” để mừng sự kiện này.

Tài năng hiếm có

Sự kiện này được sách sử nước ta ghi chép trân trọng, coi là một thành tựu ngoại giao to lớn. Đây là một “lễ ăn mừng” rất đặc biệt, không thấy có sự kiện tương tự ghi trong sử sách.

Hoàng đế Ung Chính nhà Thanh.

Phái đoàn này được cử sang nước Thanh từ cuối năm 1723, tức năm Bảo Thái thứ 4 đời Vua Lê Dụ Tông. Theo “Đại Việt sử ký tục biên” của các sử quan triều Lê biên soạn, thì nhiệm vụ của sứ đoàn là mừng Vua Thanh Thế Tông (thường được gọi theo niên hiệu là Ung Chính, làm vua từ tháng Chạp năm 1722 đến năm 1735) lên ngôi, sau khi Vua Khang Hy qua đời.

Chánh sứ là Phạm Khiêm Ích, quê ở làng Bảo Triệu, huyện Gia Định, Kinh Bắc (nay là huyện Gia Bình, Bắc Ninh), đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Thám hoa) khoa Canh Dần 1710 (ông là người đỗ đầu, năm đó chỉ lấy danh vị Thám hoa là trên cả). Trước đó, ông giữ các chức Tả thị lang Bộ Hình, rồi Hữu thị lang Bộ Lại (trong các chức vị Thị lang ở lục bộ, thì Tả thị lang là cấp quan trọng hơn Hữu thị lang, tương đương thứ trưởng thứ nhất, thường các vị quan sẽ được bổ nhiệm Hữu thị lang rồi mới thăng lên làm Tả thị lang).

Tuy nhiên, các chức Thượng thư, Thị lang trong lục bộ ở triều đình thời Lê trung hưng hầu như chỉ là hư vị, vì lục bộ lúc đó không có thực quyền. Còn với tài năng của mình, Phạm Khiêm Ích được chúa Trịnh Cương cho làm Bồi tụng trong phủ chúa, tức Phó tể tướng. Ông được phong tước Thuật Phương hầu. 

Cùng trong phái đoàn này có hai vị Phó sứ là Nguyễn Huy Nhuận, và Phạm Đình Kính. Hai ông này đều quê ở xã Vĩnh Lại huyện Thiên Bản, Sơn Nam (tức huyện Vụ Bản, Nam Định ngày nay), ông Huy Nhuận đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1703) còn ông Đình Kính đỗ tiến sĩ khoa Canh Dần (1710) đồng khoa với Chánh sứ Phạm Khiêm Ích. Bộ sử nhà Nguyễn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết rõ hơn về nhiệm vụ của sứ đoàn là “dâng lễ tuế cống và tạ ơn việc nhà Thanh ban cho lụa hoa”.

Theo sách “Lịch triều tạp kỷ” do Ngô Cao Lãng biên soạn cuối triều Lê thì sứ đoàn này đã có những thành tựu rất vẻ vang trên mặt trận ngoại giao. Sách viết: Mùa xuân, tháng Giêng năm Bính Ngọ (1726), sứ đoàn của sứ thần Phạm Khiêm Ích về nước. Phái đoàn thể hiện rõ việc nước ta là nước văn hiến có danh tiếng, được triều đình nhà Thanh coi trọng. 

Do đó, khi sứ đoàn mới tới Hán Khẩu (tỉnh Hồ Bắc), Vua Ung Chính đã sai đạo quan tuyên đọc chỉ dụ ban thêm ân điển, ra lệnh cho những địa phương mà sứ đoàn đi qua, phải tăng thêm mọi thứ cung cấp. Khi sứ đoàn đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay), các quà dâng biếu đều được nhận cả, chỉ trừ các đồ hàng tấm thì vua Thanh sai trả lại. Sự ban thưởng của vua Thanh cho sứ đoàn so với các phái đoàn trước đều hậu hĩnh hơn. Sau đó, Vua Ung Chính vời sứ bộ đến yết kiến ở cung Càn Thành, thăm hỏi chu đáo.

Sách “Tạp kỷ” nhấn mạnh: “Vua Ung Chính đặc biệt ban cho bốn chữ “Nhật Nam thế tộ” do chính tay nhà vua viết, cùng các đồ dùng bằng ngọc báu. Lại ban thưởng bạc và đoạn (để may áo) cho các sứ thần theo mức độ nhiều ít khác nhau”. Việc này cũng được chép trong bộ “Thanh sử cảo” cùa nhà Thanh.

Sự kiện thể hiện rõ nhất về tài năng của sứ đoàn được sách “Cương mục” ghi rằng: “Năm ấy, viên quan thế sử (quan giữ việc suy tính thiên văn, làm lịch) tâu lên vua nhà Thanh là mặt trời, mặt trăng hợp bích, năm vì sao liên châu. Nhân đấy, bọn Khiêm Ích dâng thơ chúc mừng; vua nhà Thanh ngợi khen”. Các sử quan triều Nguyễn cũng chú giải rằng, “ngũ tinh liên châu” là một cơ hội hiếm có. Sách "Lịch chí" trong “Tân Đường thư” chép: “Căn bản làm lịch, phải suy tính năm thượng nguyên, vì năm nào nhằm đúng năm thượng nguyên thì mặt trời, mặt trăng hợp bích, năm vì sao như liên châu”. Sách “Ngũ đại sử” chép: “Viên quan giữ về thiên văn suy xét, nhằm tiết Đông chí, lúc nửa đêm ngày mồng 1 thuộc năm Giáp Tý, hễ thấy mặt trời, mặt trăng và năm vì sao đều hội họp ở Tý, thì năm ấy là thượng nguyên”.

Còn trong bộ “Tạp kỷ”, Ngô Cao Lãng miêu tả chi tiết hơn: “Bọn Khiêm Ích yết kiến viên đề đốc nhà Thanh, nói chuyện về mặt trời, mặt trăng và năm sao ngũ hành (gồm Kim tinh, Mộc tinh, Thủy Tinh, Hỏa tinh và Thổ tinh) đều liên lạc với nhau như chuỗi hạt châu, nhân đó dâng 3 bài thơ, nhờ viên đề đốc kính chuyển đạt lên nhà vua. Vua Thanh ngợi khen và dụ bảo, lấy cớ rằng quốc vương (tức vua Lê) yêu chuộng văn học, tôn trọng đạo Nho, nên thưởng cho 3 bộ sách (gồm các bộ “Bội văn vận phủ”, “Uyên giám loại hàm”, “Cổ văn uyên giám”). Vua Ung Chính lại châu phê khen thưởng về lòng thành của sứ giả trong việc dâng thơ chúc mừng”.

Học giả Phan Huy Chú, trong sách “Nhân vật chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, cho biết thêm, 3 bài thơ của sứ bộ lấy tên là “Nhật nguyệt hợp điểm, ngũ tinh liên châu”. Khi sứ đoàn tạ từ ra về đến Nam Kinh, đã sai người phi ngựa về nước trước để dâng khải trình cho chúa biết. Đọc tin này, chúa Trịnh Cương bằng lòng lắm.

Bộ “Đại Việt sử ký tục biên” của nhà Lê chỉ viết vắn tắt rằng “Mùa xuân, tháng Giêng năm Bính Ngọ (1726), bọn sứ thần Phạm Khiêm Ích từ Yên Kinh về nước”. Sau đó, bộ sử này chép tiếp về việc khen thưởng các sứ thần: “Mùa hạ, tháng tư, thăng sứ thần Phạm Khiêm Ích lên làm Tả thị lang Bộ Hộ, phong từ tước hầu lên tước công, danh hiệu là Thuật quận công, vẫn làm Bồi tụng ở phủ chúa; Nguyễn Huy Nhuận chức Tả thị lang Bộ Hình, tước Triệu quận công; Phạm Đình Kính chức Hữu thị lang Bộ Binh, tước Lại Khê hầu”.

Phạm Khiêm Ích sinh năm 1679. Ông vốn là họ Nguyễn, là cháu nội của tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài, quê ở xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội; thời Vua Lê Hy Tông từng làm Thượng thư các Bộ Công, Bộ Lễ, rồi làm Tham tụng (Tể tướng) trong phủ chúa 6 năm. Khiêm Ích được người dượng (chồng của cô ruột) là tiến sĩ Phạm Công Thiện ở xã Bảo Triệu huyện Gia Định nhận làm con nuôi, nên đổi sang họ Phạm theo họ cha nuôi.

Tháng 10/1728, Vua Lê Dụ Tông tổ chức kỳ thi Đông các. Theo “Đại Việt sử ký tục biên”: “Lấy trúng cách bọn Phạm Khiêm Ích, Vũ Công Trấn, Nguyễn Công Thái 3 người, thưởng bạc và ban áo mũ, đai bạc như người đỗ tam khôi”. Như vậy sau khi đỗ đầu kỳ thi đình năm 1710, lúc này ông lại đỗ đầu kỳ thi Đông các, nên “Tục biên” viết: “Phạm Khiêm Ích được vua cho cưỡi voi vinh quy về làng như người đỗ trạng nguyên”. Theo Phan Huy Chú thì kỳ thi đó do nhà vua đích thân ra đề. Bài thi của ông có tiêu đề là “Năm được mùa to”, rất được khen thưởng. Sách “Nhân vật chí” có chép nguyên văn toàn bài. Sau kỳ thi này, ông được cho kiêm chức Đông các đại học sĩ.

Những bước thăng trầm

Cuộc đời của Phạm Khiêm Ích gặp nhiều sóng gió từ sau khi chúa Trịnh Cương qua đời cuối năm 1729. Chúa Trịnh Giang lên nối, vì những ân oán cũ đã phế Vua Vĩnh Khánh đế, đưa Vua Lê Thuần Tông lên ngôi. Thời Vĩnh Khánh đế thì Phạm Khiêm Ích được thăng làm Đô ngự sử, nhưng vẫn làm việc ở Bộ Lại. Đến thời Lê Thuần Tông, năm 1732, ông được thăng lên làm Thượng thư Bộ Binh và gia hàm Thiếu bảo, đồng thời giữ chức Tham tụng trong phủ chúa. Lúc đó, ông đã 54 tuổi. Nhưng, chỉ được ít lâu, ông bị giải chức, rồi sau được chúa xét công ban ơn, cho đổi làm Thượng thư Bộ Lễ, vẫn giữ chức Tham tụng. Năm 1736, Phạm Khiêm Ích được chúa Trịnh Giang tặng cho hiệu là A bảo tá lý công thần, thăng Thượng thư Bộ Lại. Nhưng, đến năm 1738, ông lại bị bãi chức Tể tướng. Thời gian ông giữ chức Tể tướng được người đương thời rất khen ngợi.

Tên của Phạm Khiêm Ích đứng đầu bia tiến sĩ khoa Canh Dần, năm 1710.

Năm 1739, ông bị chúa đẩy ra làm Đốc phủ Thanh Hóa. Đến năm 1740, Phạm Khiêm Ích bị bệnh mất ở trấn Thanh Hóa, thọ 62 tuổi, được triều đình tặng chức Đại tư không, cho hiệu là Thuần Đạo.

Theo đánh giá của Phan Huy Chú, thời vua Lê, chúa Trịnh, đặc biệt trong khoảng thời gian trị vì của Vua Lê Hy Tông, có các vị tể tướng giỏi là Nguyễn Mậu Tài, Nguyễn Quán Nho, Nguyễn Quý Đức. Thời Vua Lê Dụ Tông, các bậc tể tướng giỏi là các ông Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, tuy “không thẹn với nhiệm vụ tể tướng, nhưng trong lúc cải cách, lòng dân vẫn chưa được thỏa”. “Còn Nguyễn Hiệu ở Lan Khê và Nguyễn (Phạm) Khiêm Ích ở Kim Sơn nối nhau làm tể tướng, biết thời vụ, rõ chính thể, lại đem chính sách khoan rộng để nắn lại, một đằng thì giương ra, một đằng thì buông chùng, đều là lúc nên làm. Tất cả các vị này đều là bậc tể tướng có tiếng, tài mưu đức vọng nổi trội đáng chép”.

Phan Huy Chú bình luận về năng lực và đức độ của Phạm Khiêm Ích như sau: “Văn chương, đức hạnh của ông làm khuôn phép cho thời bấy giờ. Khi đi sứ Yên Kinh, ông làm cho quốc thể thêm long trọng. Người ta ví ông như Phùng Khắc Khoan. Lúc ông cầm quyền chỉ chuộng khoan thứ rộng rãi. Về già, ông bị bọn tiểu nhân gièm pha, ông không thi thố hết được sở năng, trong triều ngoài nội đều tiếc”.

Sau khi qua đời, Phạm Khiêm Ích được truy phong phúc thần của làng Bảo Triện, huyện Gia Định (quê cha nuôi của ông, nay là thôn Phương Triện, xã Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh). Tác giả Phạm Đình Hổ viết trong tập ký sự “Vũ trung tùy bút” rằng, khi nhà Lê mất, hậu thần các làng thường bỏ không cúng tế nữa, duy có giỗ hậu Phạm Khiêm Ích thì làng vẫn lấy lợn thay trâu, bò cúng tế, không dám bỏ. Xem thế mới biết cái ơn của ông để lại thì đời sau vẫn nhớ mãi không quên.

Về bốn chữ “Nhật Nam thế tộ” Vua Ung Chính ban cho nước ta, rất tiếc sử sách không ghi là triều đình Việt Nam sử dụng như thế nào. Không như việc Vua Khang Hy ban cho Văn Miếu nước ta bốn chữ “Vạn thế sư biểu”, sau này vua Lê chúa Trịnh cho khắc hoành phi, treo trên tượng thờ Khổng Tử đặt trên án thờ ở chính giữa nhà Thái học. 

Lê Tiên Long

Thay vì sớm hạ màn hành trình ở vòng bảng để tập trung hướng đến vòng bán kết, ĐT Việt Nam lại tự làm khó mình khi phải gồng lên giành kết quả thuận lợi ở lượt cuối trước Myanmar.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương có bài viết "Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc". Báo CAND trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết quan trọng này của đồng chí Tổng Bí thư.

Thời tiết tại hầu khắp các tỉnh thành miền Bắc vào buổi sáng được dự báo có sương mù, trời rét với nền nhiệt ở mức 10-13 độ trước khi tăng lên mức 20-23 độ C khi đón nắng hanh vào trưa chiều.

Sự phối hợp hiệu quả giữa hai nước trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Những thành tựu này không chỉ khẳng định sự gắn kết sâu sắc giữa hai Bộ Công an mà còn góp phần làm bền chặt hơn nữa tình hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào.

Ngày 19/12, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, thực hiện đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngay trong ngày đầu tiên của đợt ra quân, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt giữ đối tượng vận chuyển ma tuý với số lượng lớn, ngụy trang trong các túi chè.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, ngày 21-22/12 dự kiến sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường mạnh, thời tiết miền Bắc chuyển nhiều mây, tuy nhiên nền nhiệt ban ngày vẫn trên ngưỡng 20 độ C, đêm giảm sâu, dao động quanh 10 độ C.

Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị "Công bố kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND năm 2024 và sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua cải cách hành chính trong lực lượng CAND 2024; sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 29/3/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ANTT đến năm 2026, định hướng đến năm 2030", chiều 19/12.

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 19/12, các đại biểu chất vấn lãnh đạo các sở, ngành và địa phương của TP Hà Nội liên quan đến những vi phạm kéo dài trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn Hà Nội.

Ngày 26/12, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Chiều 19/12, tại trụ sở Đội chữa cháy và CNCH khu vực số 2, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội, chúng tôi gặp Trung tá Nguyễn Minh Đức, Phó đội trưởng Đội chữa cháy và CNCH khu vực số 2, người trực tiếp cùng tổ công tác tiếp cận các nạn nhân, đưa người bị thương xuống đất an toàn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc sắp xếp, tinh gọn Tổng cục Thuế đang được trình theo mô hình 3 cấp: Thuế Nhà nước, Thuế khu vực và dưới nữa là cấp quận, huyện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文