Chủ nghĩa “khuôn mẫu” trong mỗi chúng ta

09:55 29/08/2021

Một lần, thấy tôi đang cạo râu với những bọt cạo râu trắng xóa quanh miệng, cậu con trai 4 tuổi thốt lên: "Ôi! Bố đang tô màu". Trong suy nghĩ của cậu bé 4 tuổi, bọt cạo râu là màu sắc và gương mặt bố có thể là một bức tranh.

1. Chuyện chỉ có thế nhưng làm tôi chợt khựng lại suy nghĩ: mình có nên đính chính lại với cháu rằng đây không phải "tô màu", mà là "cạo râu" không? Phải đính chính là bởi cả thế giới gọi đó là hành động cạo râu, tức nó là một quy ước tất yếu, không thể khác. Nhưng, không nên đính chính ở chỗ, nếu cứ nắn, chỉnh mọi ý nghĩ, mọi hành động của một đứa bé theo những quy ước, khuôn mẫu của người lớn thì những chân trời sáng tạo ấu thơ có bị khai tử một cách tội nghiệp cũng nên. Động vật người giao tiếp với nhau bằng những quy ước, hẳn nhiên rồi.

Ngôn ngữ là một hệ quy ước, luật pháp là một hệ quy ước và cao nhất, văn hóa là một tập hợp của những hệ quy ước nhỏ hơn. Thiếu những hệ quy ước như thế, cái gọi là "xã hội" của động vật người sẽ không có tính tổ chức, mà nếu không còn tính tổ chức thì con người đã không còn là con người nữa. Nhưng, chìm đắm vào những quy ước và tuyệt đối hóa "chủ nghĩa quy ước" con người không những không thể sáng tạo, mà còn trở thành những bản sao tội nghiệp mà những hệ quy ước chứa đựng mình sinh ra. Vừa chấp nhận những quy ước mang tính tất yếu - cái căn cốt để tạo nên xã hội người, vừa có năng lực vượt thoát khỏi những quy ước mang tính kìm hãm để sinh tồn và sáng tạo là cách ứng xử khôn ngoan mà con người tiến bộ luôn hướng đến.

 

Đứa con 4 tuổi của tôi hôm nay có thể trầm trồ với phát hiện đầu đời của nó "bố đang tô màu". Nhưng, chỉ cần 3-4 năm nữa, nó tất yếu sẽ biết loài người không gọi đấy là "tô màu", mà là "cạo râu". Vậy thì nếu tôi không đính chính, cái quyền được nghĩ về chuyện "tô màu" ít ra sẽ kéo dài 3-4 năm trong đời một đứa trẻ. Còn nếu tôi đính chính thì ngay từ bây giờ nó đã mất đi cái quyền rất trẻ con và lý thú ấy. Mà nếu nó đã sớm bị đánh cắp đi cái quyền ấy, cái năng lực suy nghĩ và tưởng tượng của riêng mình thì sau này nó rất dễ bị chủ nghĩa quy ước cám dỗ và đánh quỵ.

Nhà nghiên cứu triết học Ngô Tự Lập có lần hỏi tôi: Cậu thấy không, đứa trẻ nào cũng luôn có những câu hỏi rất lạ lùng, trong đó có những câu làm người lớn chúng ta phải bất ngờ, sửng sốt. Nhưng rồi càng lớn lên, càng đi học, càng trưởng thành, chúng càng ít đi những câu hỏi như thế. Trái lại, chúng nghĩ giống nhau, hỏi giống nhau và phần lớn đều hỏi những điều chúng ta đoán trước được.

2. Thật ra, bản thân giáo dục cũng là một hệ quy ước với những mức độ và các tính chất quy ước tăng - giảm khác nhau. Giáo dục theo lối lễ trị, văn trị của xã hội phong kiến phương Đông quy ước người học phải thuộc làu sách thánh hiền, lấy những tư tưởng trong sách thánh hiền làm kim chỉ nam cho mọi nhận thức và hành động của cuộc đời mình. Khổng Tử nói gì, Mạnh Tử nói gì là phải cúc cung tận tụy, lễ giáo tuân theo. Vượt khỏi Khổng - Mạnh là phạm húy và chắc chắn sẽ bị vứt bên lề xã hội. Tuy nhiên, ngay trong chính cái trường giáo dục mang nặng tính khuôn mẫu quy ước, đôi khi chúng ta vẫn bắt gặp những trường hợp vượt quy ước.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Nguyễn Quốc Vương kể rằng, mặc dù vẫn rất tôn thờ Khổng - Mạnh nhưng một vị thầy Nhật Bản từng đặt cho học trò câu hỏi: Giả dụ như có một ngày Khổng Tử cầm quân tấn công đất nước chúng ta thì chúng ta phải làm gì? Câu trả lời là: Phải vung gươm đánh lại. Những khoảnh khắc vượt quy ước như thế cho thấy người ta học những tinh thần tốt đẹp của Khổng - Mạnh, tìm cách áp dụng vào mình, chứ không lụy hết vào Khổng - Mạnh, coi đấy như khuôn vàng thước ngọc muôn đời bất biến.

Một ví dụ nhỏ trong một câu chuyện nhỏ ít nhiều cũng hé lộ sự sáng tạo trong cách học của người Nhật và có thể cũng hé lộ lý do vì sao trong nhiều thời điểm mang tính bước ngoặt của lịch sử sau này, người Nhật đã tìm ra cách chuyển mình để vươn lên.

Do ảnh hưởng của lối giáo dục phương Đông cổ truyền mà nền giáo dục Việt Nam nói riêng và nền giáo dục Đông Á nói chung thường coi trọng những khuôn mẫu. Làm được như mẫu, viết được theo mẫu, nhắm mắt lại cũng thực hành đúng mẫu là mục tiêu của người học kéo dài từ hết thế hệ này sang thế hệ kia. Trong những giai đoạn phát triển nào đó và ở những hoàn cảnh nào đó, cách học này không phải không có lý. Bởi thực tế cho thấy nó đã tạo ra sự ổn định và tính trật tự cao. Mặt khác, nhìn vào các khuôn mẫu đã được tổng kết, đôi khi người ta có thể tìm ra đáp số cho những vấn đề mới. Rất nhiều thế hệ học sinh chuyên toán nói rằng trước một bài toán khó, bao giờ họ cũng được dạy phải tìm cách đưa nó trở về những bài toán mẫu, những công thức mẫu. Việc tìm ra những công thức mới, những lối đi mới không phải là không được khuyến khích nhưng cái quán tính "đưa về mẫu" quá lớn và khi quán tính quá lớn cứ lặp đi lặp lại thì nó định hình một phương thức giải quyết vấn đề mang tính đương nhiên, tất yếu. Cũng như thế, rất nhiều thế hệ học sinh chuyên văn được dạy phải viết văn theo mẫu. Phải viết theo mẫu mới đủ ý, phải viết theo mẫu mới "chuẩn phom", phải "theo mẫu" thì mới có điểm cao. Nhà nghiên cứu giáo dục Giáp Văn Dương nói rằng dạy học sinh viết theo văn mẫu có nghĩa là dạy "đạo văn", mà từ nhỏ đã được dạy "đạo văn", quen với "đạo văn" thì lớn lên chuyện đạo đề tài, đạo luận án, đạo công trình khoa học lại là điều... logic (!?).

 Ảnh: L.G.

3. Chúng ta đang sống trong một thời đại với tốc độ thay đổi nhanh tới mức không thể nào lường trước. Chúng ta cũng đang sống trong một thời đại mà "chủ nghĩa hỗn độn" với vô vàn những sự kiện - vấn đề không thể lường trước có thể ập xuống bất cứ lúc nào. COVID-19 là một ví dụ điển hình. Nó bất ngờ ập xuống ở một nước, rồi bất ngờ lan ra nhiều nước. Nó hành hạ thế giới bằng biến chủng thứ nhất rồi lại xuất hiện những biến chủng thứ 2, thứ 3. Nó khiến những phương thức chống dịch đầu tiên trở nên "mất thiêng", khiến các nhà điều hành chính sách phải tìm phương thức mới. Một chuỗi những sự không ngờ - không lường trước - không dễ đoán biết như thế nói rằng: người ta đã không thể dựa vào bất cứ một khuôn mẫu hoặc những biến thể của những khuôn mẫu có trước để giải quyết vấn đề. Những nan đề mới đòi hỏi những cách thức giải quyết mới, chưa từng có. Những nội hàm thời đại mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi những kiểu tư duy mới, chưa từng xuất hiện Trong một thời đại như vậy, nếu không thể vượt thoát khỏi những khuôn mẫu, phá bỏ những quy ước để sáng tạo thì có thể chúng ta sẽ trở thành những kẻ lạc thời.

Câu chuyện "không dạy văn mẫu" mà người đứng đầu ngành Giáo dục mới đề cập cần được nhìn nhận trong khí quyển này. Và phải thấy nó không chỉ là câu chuyện riêng của môn văn, cũng không phải là câu chuyện riêng của ngành Giáo dục (cho dù giáo dục là gốc của vấn đề), mà còn là câu chuyện chung của mỗi chúng ta. Làm thế nào để phá bỏ những khuôn mẫu trì trệ trong mình? Làm thế nào để nuôi dưỡng sức sáng tạo và năng lực vượt thoát quy ước cho những thế hệ con em mình? Đấy sẽ là những trằn trọc xuất hiện trong những ứng xử nhỏ nhất của chúng ta.

"Không! Bố không tô màu, mà đang cạo râu" - nếu tôi đính chính với cậu con 4 tuổi của tôi như vậy thì có nghĩa là đang dạy nó nghĩ theo mẫu, dù đấy là một cái mẫu rất chuẩn. Nhưng, một đứa trẻ 4 tuổi đã phải "chuẩn" thì có khi đấy lại là "lệch chuẩn".

Nó còn cả một cuộc đời phía trước để đi tìm những cái chuẩn theo những cách thức mà thời đại của nó đặt ra!

Phan Đăng

Những "ông sao khiếm thính" có thể khiến bạn nghĩ đến một khiếm khuyết của cơ thể nhưng thực tế, những "ông sao" của showbiz Việt có khi còn thính tai hơn bất kỳ ai. Nhưng, họ chủ động "khiếm thính" vì sự kiêu ngạo ngông cuồng của chính mình theo kiểu "mục hạ vô nhân". Chính vì thế, thay vì được quý mến như những ngôi sao, họ đã bị cộng đồng gọi là "ông sao" hoặc "sao sao".

Người Toraja là một tộc miền núi đảo Sulawesi, Indonesia. Về nguồn gốc, có quan điểm cho rằng tổ tiên họ vốn là một chủ nhân của văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam đã thiên di bằng đường biển tới vùng đảo cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.

Giữa thung lũng có một “tọa độ chết” được đánh dấu, nơi đó được gọi bằng những cái tên rất hãi hùng như “cái rốn da cam”, “vùng đất chết” khi mang trong đất sự hủy diệt của chiến tranh còn sót lại. Nhưng, nhiều nỗ lực đã giúp hồi sinh vùng đất này tươi xanh như từng có.

Kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quảng Bình hành trình khát vọng - phát triển” diễn ra tối 2/6, cùng nhiều hoạt động khác.

Ngày 26/5, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐH KTQD) đã tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh với sự tham gia của hàng ngàn thí sinh đến từ Hà Nội và nhiều tỉnh, thành. Năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là gần 7.000. Trường mở 6 mã ngành/chương trình mới, là những ngành có nhu cầu nhân lực xã hội rất cao.

Theo Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Các đường dây vận chuyển ma túy từ các nước về Việt Nam được phát hiện, bắt giữ gần đây tiếp tục cho thấy TP Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn tiêu thụ, vừa là địa bàn mà tội phạm lợi dụng để trung chuyển, vận chuyển đi các nước, các địa phương…

Các cường quốc đang trong cuộc đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động tác chiến và viễn cảnh con người để máy móc ra các quyết định khai hỏa vũ khí có thể không còn xa.

Có những lúc vào sinh ra tử, khi bị thương tích trong lúc truy bắt FULRO, có khi cận kề trước họng súng của những tên khủng bố... nhưng, Thượng tá Nguyễn Công An, Phó Trưởng Công an huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) vẫn một lòng quyết tâm với tinh thần của người chiến sĩ CAND không hề sờn lòng, nản chí.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文