Chuyện bảo quản và “giải mật” Châu bản triều Nguyễn

12:11 05/02/2024

Tháng 11/2023, không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại” đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức với nhiều tư liệu quý lần đầu được công bố. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, hàng trăm ngàn tài liệu gốc quý giá có niên đại từ trên 200 năm đang được lưu giữ, bảo quản trong điều kiện tốt nhất tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và vẫn đang tiếp tục được “giải mật”...

“Lênh đênh” như Châu bản triều Nguyễn

Trải qua 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn đã lưu dấu ấn trong lịch sử về thống nhất giang sơn, xác lập chủ quyền, quan hệ bang giao, kiến thiết kinh đô, văn hóa giáo dục, đời sống xã hội, thiết chế hành chính, chế định luật pháp, khoa cử thư tịch, giữ gìn chủ quyền biển đảo… Tất cả các hoạt động này đều được phản ánh khá rõ nét và chính xác qua hệ thống Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ được đến ngày nay.

Triều nhà Nguyễn cũng là triều đại có các quy định về tổ chức nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách về văn thư - lưu trữ khá chặt chẽ: dưới thời vua Gia Long là Thị Thư viện, dưới thời vua Minh Mệnh là Văn Thư phòng và từ năm 1829 do Nội các quản lý. Chính vì thế, số tài liệu văn bản được hình thành trong quá trình quản lý nhà nước được sắp xếp, đóng quyển, lưu trữ tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, do những biến thiên của lịch sử, kho tư liệu Châu bản triều Nguyễn bị thất lạc, mất mát, hư hỏng nhiều và từng có những cuộc di chuyển “đường trường thiên lý” từ Huế lên Đà Lạt rồi về Sài Gòn, sau đó mới được chuyển ra Hà Nội.

Các chuyên gia từ Trung tâm Bản thảo chữ viết tay - Đại học Hamburg (Đức) hỗ trợ xử lý các Châu bản bị hư hỏng nặng.

Tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là nơi bảo quản, lưu trữ các tài liệu có từ trước năm 1945 (bao gồm khối tài liệu chữ Hán - Nôm (châu bản), khối tài liệu tiếng Pháp và khối tài liệu chữ quốc ngữ), trong đó, tài liệu hành chính cổ xưa nhất hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm là văn bản năm 1488 (thời Hậu Lê) về việc bổ nhiệm ngạch quan cho một người tên là Phạm Nam; còn Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III là nơi bảo quản, lưu giữ các tài liệu từ sau năm 1945.

Ông Trần Đăng Phương, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết: “Việc lưu trữ, bảo quản Châu bản triều Nguyễn đã trải qua một số lần chỉnh đốn vào các năm 1942, 1959. Đến năm 1961, để tránh khí hậu nóng ẩm tại Huế có thể gây hư hại cho tài liệu, toàn bộ Châu bản và một số thư tịch của Hoàng triều được chuyển lên Văn khố Đà Lạt. Cuối tháng 3/1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã di chuyển toàn bộ số Châu bản về Sài Gòn trên 2 chuyến máy bay được “thuê bao” cùng với một số tài liệu khác và có kế hoạch mang ra nước ngoài, nhưng sau đó đã không kịp chuyển đi. Năm 1978, khối tài liệu này được Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tiếp quản, sau đó giao cho Kho Lưu trữ Trung ương II (nay là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II) tại TP Hồ Chí Minh quản lý. Năm 1991 khối tài liệu Châu bản gồm 602 tập được chuyển ra Hà Nội, tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung tăng lên 735 tập vào năm 2003 và 773 tập vào năm 2012...”.

Sau khi được chuyển ra Hà Nội, đa phần Châu bản được đánh giá là bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau do các yếu tố về môi trường, chiến tranh, tài liệu bị di chuyển nhiều lần. Năm 1994, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Cứu nguy Châu bản triều Nguyễn”, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tiến hành các công việc như: phân loại, lựa chọn các tài liệu bị hư hỏng để tiến hành tu bổ, biên mục tài liệu, biên dịch nội dung thông tin và số hóa (lưu trữ bằng microfilm và đĩa CD-ROM), lập cơ sở dữ liệu để phục vụ khai thác trong mạng nội bộ, hạn chế tối đa việc sử dụng đến bản gốc. Hiện nay, các Châu bản sau khi đã xử lý, được đựng trong các hộp gỗ quý và bảo quản trong “kho Châu bản triều Nguyễn” với nhiệt độ và độ ẩm phù hợp với tài liệu giấy dó.

Ông Trần Đăng Phương cho biết thêm: “Công tác tu bổ có giai đoạn gặp khó khăn vì có 22 tập Châu bản vừa và hỏng nặng, có những cuốn bị bết dính, đóng cục như gỗ. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã phối hợp với các ban, ngành và mời các chuyên gia nước ngoài đến từ Nhật Bản giúp đỡ ngay từ năm 1992. Đến năm 2016, Trung tâm cử một đoàn cán bộ sang Nhật đem theo một cuốn Châu bản bị hư hỏng nặng cùng trao đổi với các chuyên gia về cách thức khôi phục. Một năm sau, 2 chuyên gia Nhật lại sang Việt Nam cùng trao đổi và thống nhất cách làm và đã tiến hành xử lý, tu bổ được 20 tập. Hiện nay còn 2 tập Châu bản cuối cùng vẫn chưa thể tu bổ, khôi phục được do hư hỏng quá nặng vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý”.

Kho Châu bản triều Nguyễn hiện được bảo quản trong điều kiện tốt nhất.

Bảo tồn và tôn vinh giá trị đặc biệt 

Theo cố GS.NGND Phan Huy Lê, Châu bản triều Nguyễn là một di sản văn hóa mang giá trị kép, vừa là vật thể vừa phi vật thể vô giá, không những quý hiếm mà còn duy nhất, độc bản được bảo tồn đến ngày nay. Mặc dù trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, tài liệu đã bị hư hỏng, mất mát khá nhiều nhưng những di sản còn lại hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hiện nay là đặc biệt quý giá. Bởi vì đây là kho sử liệu gốc, độc bản của triều Nguyễn và là tài liệu căn bản về một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam.

“Cũng nhờ kho Châu bản mà Chính Quốc sử quán nhà Nguyễn đã khai thác để biên soạn các bộ chính sử có giá trị của vương triều như “Đại Nam thực lục tiền biên”,“Đại Nam thực lục chính biên”,“Đại Nam chính biên liệt truyền”; các bộ hội điển như “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, “Minh Mệnh chính yếu”... Giá trị tư liệu của khối tài liệu này cũng đã vượt tầm quốc gia, khu vực để trở thành Di sản tư liệu của thế giới”, GS Phan Huy Lê khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thu Hoài - Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết, sau khi Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương (năm 2014) và vinh danh là Di sản tư liệu thế giới (năm 2017), UNESCO yêu cầu các quốc gia có di sản phải có chính sách bảo tồn và phát huy giá trị của nó để công chúng và nhiều người biết đến hơn. Chính vì thế, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn”, thực hiện từ năm 2015-2025. Trung tâm đã mời các chuyên gia đến từ Trung tâm Tu bổ phục chế Tokyo (Nhật Bản) và Trung tâm Bản thảo chữ viết tay - Đại học Hamburg (Đức) hỗ trợ xử lý triệt để.

Để phát huy giá trị đặc biệt của kho tư liệu Châu bản quý giá, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã tổ chức nhiều triển lãm như: “Bút son của các Hoàng đế trên Châu bản Triều Nguyễn”, “Thuật trị quốc của Hoàng đế Minh Mạng trên di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn”, “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”; xuất bản nhiều ấn phẩm liên quan đến Châu bản như “Mục lục Châu bản triều Nguyễn”, “Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn”, “Phê trên Châu bản triều Nguyễn”, “Quốc sử quán qua Châu bản triều Nguyễn”, sách ảnh “Châu bản triều Nguyễn - Di sản thế giới”… để giới thiệu giá trị tư liệu độc đáo của Châu bản đến với công chúng.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Hoài, trong số những tập tài liệu bị hư hỏng nặng, sau khi được khôi phục đã “phát lộ” những tư liệu quý giá. Trước đây từng có 2 tập Châu bản thời Minh Mệnh có chứa các tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa nhưng do bị hỏng quá nặng không thể khôi phục được. Bằng các nguồn, các kênh thông tin khác nhau, Trung tâm đã khôi phục được 2 tập này qua bộ microfilm do người Mỹ đã làm từ những năm 1960 - khi họ nhận ra giá trị của Châu bản. Thực tế, họ đã làm được 64 tập, trong đó có 5 tập thời Gia Long và 59 tập thời Minh Mệnh. Hiện 1 bộ microfilm đang được lưu giữ tại thư viện của Đại học Harvard (Mỹ) và 1 bộ được lưu giữ tại Đại học Texas.

Bà Nguyễn Thu Hoài thông tin thêm: “Khi Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin - Truyền thông khai thác các tài liệu liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, Trung tâm đã cung cấp bản microfilm này. Đó là những văn bản khá quan trọng như Văn bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh 17 (1836) do Bộ Công phúc trình về việc cho thuyền đi Hoàng Sa đóng cọc gỗ làm mốc giới đã thể hiện và là bằng chứng không thể chối cãi về việc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và triều Nguyễn đã có rất nhiều hoạt động để thực thi chủ quyền đó. Nhược điểm của bản microfilm được làm từ giữa thế kỷ trước là chỉ gồm 2 màu đen trắng nên không hiện lên được các bút phê màu đỏ của nhà vua nhưng về tính tư liệu thì vô cùng quý giá”.

Nguyệt Hà

Theo thông tin từ Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đoàn kiểm tra của Bộ đang xem xét hồ sơ để làm rõ căn cứ tiến hành đấu giá đất, xác định giá khởi điểm và phương án đấu giá. Từ đó xác định xem có hay không sai phạm trong tổ chức đấu giá đất ở 2 huyện Thanh Oai, Hoài Đức (Hà Nội) trong tháng 8 vừa qua.

Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới.

Cơ quan Công an đã tiến hành bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với bị can Đoàn Đức Thiều (SN 1978, trú tại thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) - Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký (VPĐK) đất đai huyện Đông Hưng (Thái Bình) để tiếp tục điều tra, xử lý hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vài ngày trước thềm diễn ra cuộc tranh luận quan trọng giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã tiết lộ về vũ khí bí mật giúp ông có thể thu hút sự ủng hộ của các cử tri trẻ thuộc thế hệ Gen Z (18-27 tuổi).

Ngày 5/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án Lương Minh Anh (SN 1997, trú tại thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đến Viện KSND tỉnh Hải Dương, đề nghị truy tố đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau nhiều năm được cấp phép, hiện có không ít mỏ khoáng sản ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã hết thời hạn khai thác. Thay vì cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định thì một số đơn vị doanh nghiệp là chủ mỏ lại chây ỳ, không chấp hành việc đóng cửa mỏ và có các hành vi vi phạm Luật Khoáng sản.

Hôm 5/9, CEO Telegram Pavel Durov đã sử dụng chính ứng dụng này để lên tiếng về việc bị bắt tại Pháp hồi cuối tháng 8. Trong lần đầu lên tiếng, CEO Telegram bày tỏ sự ngạc nhiên khi ông phải chịu trách nhiệm cho nội dung đăng tải của người khác.

Hồ Tuấn Tài, cậu em họ của "thần đồng" Văn Quyến thuở nào vừa bị CLB TP.HCM bất ngờ nói chia tay. Nguyễn Trọng Hùng, nhà vô địch SEA Games 2021 không được CLB Thanh Hoá đăng ký cho mùa giải mới 2024/25. Những niềm hy vọng của từng giai đoạn nhất định đang mắc kẹt với sự nghiệp quần đùi áo số, dù cho họ đang ở độ tuổi đẹp nhất của nghề.

 Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) vừa nhận được thông tin về kết quả chính thức của Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Tin học quốc tế (IOI) năm 2024. Theo đó, đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 4 học sinh dự thi, kết quả 4/4 học sinh đoạt Huy chương, gồm: 2 Huy chương Vàng (HCV), 1 Huy chương Bạc (HCB), 1 Huy chương Đồng (HCĐ).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá quan hệ giữa Bắc Kinh và châu Phi đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, đồng thời thông báo Trung Quốc sẽ cung cấp hàng chục tỷ USD giúp các nước "lục địa đen" phát triển kinh tế để "cùng nhau đạt những thành tựu mới và to lớn hơn trên con đường hiện đại hóa".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文