Chuyện "mặc áo, đội mũ" cho tượng Khổng Tử

11:17 26/03/2024

Văn Miếu ở nước ta được dựng từ năm 1070, thời Vua Lý Thánh Tông. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: "Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học".

Thời Lê chế áo mũ tước vương cho tượng Khổng Tử

Ở Trung Quốc, từ thời Hán, Khổng Tử đã được vua Hán phong tước công (Bao Thành Tuyên Ni công), là tước vị đứng đầu trong 5 bậc quý tộc. Sang đến đời Đường, Vua Đường Huyền Tông phong ông làm Văn Tuyên vương. Đến đời Tống, Vua Tống Chân Tông gia phong thêm mỹ hiệu vào tước vương này, nâng Khổng Tử lên thành Đại thánh Văn Tuyên vương. Đời Thanh, Thanh Thế Tổ (tức Thuận Trị) còn tăng thêm mỹ hiệu cho vị thánh của đạo Nho, là Đại thành chí thánh Văn Tuyên vương Thánh sư.

Chuyện
Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Thời Lê, Văn Miếu được xây ở các trấn, sau đó là các tỉnh. Tuy nhiên, đến đầu thời Nguyễn, ngay trong năm Gia Long thứ nhất (1802), Vua Gia Long đã sai triệt bớt Văn Miếu ở cấp phủ, huyện trở xuống. Theo bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” thì khi đó, trấn thần Thanh Hóa tâu lên vua rằng, 3 phủ Hà Trung, Thiệu Thiên, Tĩnh Gia trước đã có Văn Miếu ở đây, xin theo lệ cũ triều Lê, hằng năm mùa xuân, mùa thu đến tế. Vua bảo Lễ bộ rằng: “Kính, nghĩa là chủ một, một thì phải chuyên, nhiều thì nhàm. Vậy bàn bớt đi”. Sau đó, nhà vua hạ lệnh chỉ lập một miếu ở dinh trấn (đến thời Vua Minh Mạng đổi là tỉnh) để chuyên thờ.

Về tượng Khổng Tử trong Văn Miếu ở Thăng Long, “Đại Việt sử ký tục biên” chép: Năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755), thời Vua Lê Hiển Tông, triều đình bắt đầu chế áo cổn, mũ miện mặc vào cho bức tượng Khổng Tử. Đó là theo lời bàn của Tham tụng Nguyễn Huy Nhuận rằng: “Thánh nhân là thầy của đế vương muôn đời, mà lễ phục vẫn dùng phẩm phục quan Tư khấu (tức quan coi việc hình án thời nhà Chu, Khổng Tử lúc sinh thời làm quan Tư khấu của nước Lỗ), không tỏ được lòng tôn sùng”. Triều đình bèn đổi làm mũ miện, áo cổn là phẩm phục của vương giả để thờ.

Thời Nguyễn bỏ tượng, chỉ đặt bài vị

Tuy nhiên, sang đến thời Nguyễn, Vua Gia Long không gọi Khổng Tử theo tước vương nữa, hạ lệnh bỏ mũ miện, áo cổn, đồng thời còn sai đem chôn tượng trong miếu đi, chỉ thờ bằng bài vị.

Đại Nam thực lục” chép: “Gia Long năm thứ 7 (1808), mùa hạ, tháng 4, vua tôn chuộng đạo Nho, rất chú ý việc lễ nhạc, từng hỏi Lễ Bộ rằng: “Thiên tử thân tế Văn Miếu, sau 3 tuần hiến rượu có tiết “ẩm phúc thụ tộ” (uống rượu và ăn thịt để tỏ ra được thần ban phúc) thì ở trong sách Lễ có không?”. Tham tri Bộ Lễ là Nguyễn Gia Cát thưa rằng: “Không có. Thần xem Hội điển nhà Minh, nhà Thanh thì tiết này là chỉ đặt ra cho quan đứng để thay vua mà thôi”. Vua khen phải.

Sau đó, vua dụ bầy tôi rằng: “Trong Văn Miếu trước có tượng, hiệu là Văn Tuyên vương. Trẫm nghĩ rằng, tước vương tuy trọng, nhưng không hợp nghĩa tôn thầy, tượng tuy cổ thật, song gần như là khinh nhờn. Đó là vì khi bắt đầu gây dựng còn noi theo chế độ các đời trước, chưa rỗi chỉnh đốn lại. Nay bàn lễ xét văn là trách nhiệm ở trẫm, bọn khanh nên hiểu ý trẫm, tâu bày việc đó cho trẫm nghe”. Bầy tôi xin theo chế độ nhà Minh, đổi làm bài vị, xưng là Chí thánh Tiên sư Khổng Tử cho hợp lễ ý. Vua cho là phải”.

Tượng thờ Khổng Tử tại điện Đại Thành, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Cũng vào tháng 7 năm đó, sau khi dựng Văn Miếu ở kinh thành Phú Xuân (miếu nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây kinh thành), Vua Gia Long sai đặt thần vị Tiên sư (Khổng Tử) và rước thần tượng cũ, chọn nơi đất sạch ở trong miếu chôn đi. Các bài vị tứ phối, thập triết, tiên hiền, tiên Nho, bày theo thứ bậc thờ ở tả hữu và hai bên giải võ Đông - Tây. Bộ Lễ triều Nguyễn cũng bắt đầu chế đồ thờ ở Văn Miếu, định nhạc chương (dùng nhạc nhà Minh, tấu 6 lần).

Theo ghi chép trong “Đại Nam thực lục” thì cách bài trí các bài vị ở Văn Miếu như sau: Chính giữa miếu bày thần vị Chí thánh Tiên sư Khổng Tử. thờ phối phía Đông gồm: Phục thánh Nhan Tử, Thuật thánh Tử Tư Tử. Thờ phối phía Tây gồm: Tôn thánh Tăng Tử, á thánh Mạnh Tử. Dãy bên Đông thờ các tiên triết: Mẫn Tử, rồi đến Nhiễm Tử, Đoan Mộc Tử, Trọng Tử, Bốc Tử. Dãy bên Tây thờ các tiên triết: Nhiễm Tử, Tể Tử, Ngôn Tử, Chuyên Tôn Tử. Dải võ bên Đông thờ 31 vị tiên hiền, 17 vị tiên Nho. Dải võ bên Tây thờ 31 vị tiên hiền, 16 vị tiên Nho.

Ngoài việc dựng mới tòa Văn Miếu, Vua Gia Long cũng sai lấy ngôi miếu cũ làm đền Khải thánh (thờ cha mẹ Khổng Tử). Gian chính giữa đền là vị Khải thánh công. Thờ phối bên Đông: các tiên hiền Nhan Thị và Khổng Thị. Thờ phối bên Tây: các tiên hiền Tăng Thị và Mạnh Tôn Thị. Dãy bên Đông thờ tiên Nho: Trình Thị Hướng, rồi đến Thái Thị Nguyên Đình. Dãy bên Tây thờ tiên Nho: Chu Thị Tùng, rồi đến Chu Thị Phụ Thành.

Sau đó, Vua Gia Long hạ lệnh cho Văn Miếu các địa phương đều đặt thần vị Tiên sư để thờ. Nơi nào trước có thần tượng thì chọn chỗ đất sạch mà chôn đi.

Về bức tượng Khổng Tử trong Văn Miếu, Hà Nội ngày nay, theo Ban Quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là được sưu tầm từ huyện Từ Liêm vào thập niên 1960 đem về thờ. Phía sau bức tượng Khổng Tử này có khám thờ, trên có ngai, trước đây có bài vị cổ đề hàng chữ: “Đại thành Chí thánh Tiên sư Khổng Tử thần vị”, nhưng theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội thì bài vị từ thời xưa đã bị mất.

Phía trên tượng Khổng Tử ở Hà Nội có bức hoành phi chạm 4 chữ “Vạn thế sư biểu”, theo sử sách là do Vua Khang Hy nhà Thanh tự tay viết, ban cho sứ thần nước ta đem về khắc treo.

Quy cách dựng Văn Miếu ở các tỉnh

Cũng năm 1808, Vua Gia Long sai Lễ Bộ bàn định quy thức dựng Văn Miếu ở các thành dinh trấn. Theo đó, quy chế miếu thì chính đường 3 gian 4 chái, tiền đường 5 gian 2 chái, phía hữu dựng đền Khải thánh (thờ cha mẹ Khổng Tử) 3 gian 2 chái. Phàm nhà cửa, biển ngạch, bài vị, đồ thờ, cho đến nghi tiết tế tự, đều chép làm giáp lệnh để ban hành. Các Văn Miếu đều được cấp mấy chục phu để dọn dẹp vệ sinh, phục dịch vào dịp lễ tế.

Dù Vua Gia Long đặt lệnh chỉ lập Văn Miếu ở cấp trấn, nhưng đến cuối triều đại này, Văn Miếu được xây xuống đến cả cấp phủ, huyện. Dưới cấp tổng, xã, thôn cũng có các miếu thờ Khổng Tử, với tên gọi Văn Miếu, Thánh Từ, văn chỉ...

Ngoài ra, ở Quốc Tử Giám của triều Nguyễn cũng đặt bài vị Khổng Tử để bái vọng. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), sau khi Quốc Tử Giám làm xong, Bộ Lễ tâu rằng: “Nhà học hiệu đặt ra là để thi hành lễ nhạc, tuyên bố đức hóa, sáng tỏ văn minh, lưu hành ơn dạy, đó là điển lễ rất sáng lớn. Thế tổ (tức Vua Gia Long) lúc mới đại định, yết miếu Khổng Tử, dựng lại Văn Miếu, dựng học cung ở phía Tây, nền móng đã thành mà công việc chưa xong. Hoàng thượng ta vâng theo chí lớn, nhân nền cũ dựng nhà Quốc học, quy mô văn trị rỡ ràng. Nay đã làm xong, xin đặt vị vọng bái Tiên thánh ở nhà Di luân. Giám thần họp sinh viên đến bái yết, rồi hằng ngày ngồi ở giảng đường dạy, để mở con đường sùng Nho thịnh vượng cho muôn đời”. Nhà vua y theo lời tâu này.

Đầu xuân năm sau (1822), Vua Minh Mạng thân hành đến tế xuân ở Văn Miếu. Tế xong, vua dụ Bộ Lễ rằng: “Từ khi trẫm lên ngôi, thường vẫn muốn thân đến tế để tỏ chút lòng ngưỡng mộ, nhưng nghĩ còn đương cư tang chưa tiện cử hành. Nay đã hết quốc tang, trẫm thân đến làm lễ, phàm phẩm vật cúng tế và đồ thờ đều phải cho tinh khiết, các quan phân hiến bồi tế đều phải kính cẩn, để xứng cái ý tôn thầy trọng đạo của trẫm”.

Lệ bái yết tượng Khổng Tử và tế Văn Miếu

Tháng 4 năm Minh Mạng thứ 3 (1822), sau khi định phép thi Điện (tức thi Đình), triều Nguyễn định lệ tôn vinh các tiến sĩ như sau: Ai trúng tiến sĩ đệ nhất giáp thì cấp riêng trâm và hoa bằng chất bạc mạ vàng. Ngày hôm sau, các tiến sĩ mới dâng tờ biểu tạ ơn vua ở trước cửa điện Căn Nguyên, rồi đến Quốc Tử Giám làm lễ Thích điện bái Khổng tử. Bia đề tên tiến sĩ của triều Nguyễn cũng được dựng ở hai bên tả hữu ngoài cửa Văn Miếu ở Phú Xuân.

Ngày tế Văn Miếu (vào hai mùa xuân thu) và tế Nam giao, Xã tắc cũng được xác định là lễ lớn của đất nước, như các tiết Nguyên đán, Thánh thọ (sinh nhật hoàng thái hậu), Vạn thọ (sinh nhật vua), Thiên thu (sinh nhật hoàng hậu). Triều Nguyễn, từ đời Vua Minh Mạng, đã ban hành thể lệ treo đèn và cấm giới (sát sinh) trong những ngày này. Theo đó, tiết Thánh thọ thì vào đêm hôm ấy, nhà quan và dân ở kinh thành và trong trị sở các thành dinh trấn đều treo đèn ở trên cổng. Trước một vài ngày và ngày chính cấm xử hình và sát sinh. Tiết Vạn thọ thì trước 3 ngày và ngày chính treo đèn 4 đêm. 4 ngày ấy cấm xử hình và sát sinh. Tiết Thiên thu thì đêm hôm ấy treo đèn.

Các dịp tế Nam giao, Miếu hưởng, Xã tắc và hai kỳ tế xuân thu ở Văn Miếu, thì trước một ngày cấm xử hình và sát sinh. Các ngày giỗ các vua trước thì trước một ngày đều cấm xử hình và sát sinh, duy có các tôn lăng thờ các vị chúa Nguyễn thì ngày chính cấm yến tiệc, xướng ca và mặc quần áo màu đỏ tía. Phàm những ngày cấm giới mà nhà quan hay dân có việc hiếu phải sát sinh thì không ở lệ cấm.

Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 6 (1825), Bộ Lễ triều Nguyễn cũng bổ sung thêm về lệ tế các đàn miếu. Theo đó, tế Văn Miếu được tổ chức vào tháng trọng xuân (tháng 2 âm lịch) vào ngày có thiên can là chữ Đinh ngay sau lễ tế Giao và tháng Trọng thu (tháng 10 âm lịch), cũng vào ngày Đinh. Do đó, ngày tế Khổng Tử cũng được gọi là tế Đinh.

Lê Tiên Long

Từ một cơ sở massage nằm trong tầng hầm khách sạn sang trọng giữa trung tâm Hà Nội, một đường dây tổ chức mua bán dâm tinh vi đã được dựng lên, hoạt động có tổ chức và thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Với sự vào cuộc quyết liệt, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm này.

Tháng 5/2016, ông Phạm Thế Hùng (SN 1971) được Chủ tịch HĐQT Công ty CP DV vận tải biển Hải Vân (Công ty Hải Vân, trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm, mức lương 56 triệu đồng/tháng, tương đương với 672 triệu đồng/năm. Một ngày sau khi được ký hợp đồng lao động, công ty mở tài khoản trả lương cho ông Hùng tại ngân hàng…

Để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, Cục CSGT thông báo số điện thoại tiếp nhận thông tin của các Trưởng phòng CSGT toàn quốc để tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan đến tình hình TTATGT, hoạt động của lực lượng CSGT. Các số điện thoại này đều được thiết lập Zalo, Viber…

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, thời tiết mưa nắng thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tháo dỡ công trình cũng như xây dựng nhà ở. Thế nhưng, tính đến ngày 26/7, CBCS Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Đông Bắc đã tổ chức tháo dỡ thành công 3 nhà cũ nát; vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, sửa chữa xong 3 nhà và đang tiếp tục xây 2 nhà tại bản Chằng, xã Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Chưa kịp lắng xuống sau vụ xe tải bel dừng ngay giữa đường sắt tại Đà Nẵng gây bức xúc dư luận, lực lượng chức năng lại tiếp tục nhận được phản ánh về hàng loạt xe tải nối đuôi vượt rào, tông gãy cần chắn tại địa bàn giáp ranh – tỉnh Quảng Ngãi. Đáng lo ngại, nhiều phương tiện bất chấp tín hiệu cảnh báo vẫn dừng trên đường ray tại đường ngang km898+450, đẩy nguy cơ tai nạn đường sắt lên mức báo động đỏ…

Ngay sau khi nhận được thông tin phối hợp truy bắt đối tượng bỏ trốn, Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhanh lực lượng cùng phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành bắt giữ đối tượng Trần Hải Quỳnh và thu giữ 2 súng quân dụng, nhiều tang vật liên quan đang bỏ trốn tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.

Ngày 26/7, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cục Cảnh sát Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Hãng hàng không VietNam Airlines và các đơn vị có liên quan đã chính thức triển khai giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học trên ứng dụng VNeID phục vụ hành khách làm thủ tục lên tàu bay tại Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.