Cơn đói thời gian bên trong vòng lặp xoắn ốc

10:17 27/08/2022

Nhìn đồng hồ đeo tay, thấy hai chiếc kim đuổi nhau trong vòng tròn khép kín, chúng ta lại thở dài vì chẳng có đủ thời gian cho bất cứ điều gì. Khi ấy, tâm trí chợt nhớ lại mấy lời răn dạy của Horace - nhà thơ của thế kỷ vàng trong văn học La Mã - rằng hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay, và đừng bao giờ trì hoãn hạnh phúc của hiện tại.

Sương mù của sự bận rộn

Trong guồng quay cuộc sống hiện đại, chúng ta dường như bị "bóp nghẹt" bởi áp lực, bởi tham vọng tiền bạc cho cuộc đời sung túc nhấn chìm bản thân trong làn sương mù của sự bận rộn. Chúng ta phải thừa nhận chỉ một phần rất nhỏ có thể sống tốt với tiêu chuẩn 8 tiếng công việc mỗi ngày, còn đâu phần đông phải làm nhiều hơn thế, không việc này thì việc khác. Người bán hàng ăn thức giấc từ tinh mơ cho tới tối mịt, những gánh hàng vỉa hè rong ruổi cả ngày dài. Cứ như thể chúng ta sống trên đời này chỉ là để làm việc.

Trong guồng quay cuộc sống hiện đại, chúng ta dường như bị "bóp nghẹt" bởi áp lực, nhấn chìm bản thân trong làn sương mù của sự bận rộn.

Benjamin Franklin là người đầu tiên truyền bá câu nói nổi tiếng "thời gian là tiền bạc", tin rằng sử dụng thời gian thông minh là điều cần thiết để làm giàu. Càng sung túc, chúng ta càng có nhiều đam mê được tự do theo đuổi. Dĩ nhiên, muốn có được thứ này, chúng ta phải đánh đổi bằng chính thời gian dành cho thứ kia. Quả thực, sự trù phú về vật chất, những tưởng sẽ giải phóng tinh thần, vậy mà lại gián tiếp dẫn tới cảm giác thiếu thốn thật kì quặc.

Mỗi sáng thức dậy, cô sinh viên Catherine Shainberg tự ước một ngày nhiều hơn 24 tiếng. Giấc mơ bận rộn không chỉ đeo bám cô trong suy nghĩ, mà trở thành gia vị "hắc và đắng" cho lối sống, khiến não bộ loay hoay với nhiệm vụ cảm nhận hương vị cuộc sống "thơm và ngọt" đang dần bị lấn át. Catherine Shainberg tin rằng tồn tại cơn đói thời gian, tức là con người dù vẫy vùng trong một đại dương giây phút mênh mông, nghĩ mình có nhiều thời gian để suy tính, cuối cùng lại không biết cách ngụp lặn để tận dụng từng giây phút ấy.

Cơn đói thời gian đánh đồng sự bận rộn với tính hiệu quả nên chúng ta lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian. Vòng tròn đồng hồ là biểu tượng cho nỗi bế tắc của biết bao người, mà ở đó Catherine Shainberg lặp lại sự nhàm chán trong cuộc sống 24 tiếng, 7 ngày, rồi 4 tuần. Hết một vòng đôi lần còn thú vị, nhưng về lâu dài lại mở đường cho chuyến tàu căng thẳng chầm chậm dịch chuyển tới sân ga trầm cảm. Căng thẳng là nguyên nhân lớn nhất gây ra các bệnh về thể chất và tâm thần, đồng thời rút ngắn tuổi thọ.

Vòng lặp hay xoắn ốc

Trong tư duy của một sinh viên triết học, Catherine Shainberg cho rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ ngu ngốc đi cùng nhau trên một chuyến tàu thời gian. Sau khi thưởng thức hương vị của "trái hiểu biết" về thiện và ác, nhiều người tin rằng thời gian, vất vả và đau đớn là bạn đồng hành trên con đường trở thành cát bụi và tro tàn. Thời gian cứ trôi dần đi, đời sống càng thêm áp lực. Theo lịch Do Thái, chúng ta đang ở năm 5782, sắp chạm mốc thiên niên kỷ thứ bảy sau 218 năm nữa. Bên trong cuộc đua vô hình ấy, chúng ta vẫn loay hoay tìm kiếm bản chất thực sự của thời gian.

Một số coi thời gian thuộc hệ tuyến tính, "chảy" dọc theo con sông ký ức qua ba cánh cửa lớn quá khứ - hiện tại - tương lai, trùng khớp với tư duy toàn bộ lịch sử nhân loại đều hướng về một phán xét cuối cùng. Đây chính là cách nhìn nhận phổ biến về thời gian của phần lớn người theo đạo Thiên Chúa. Như sách Khải Huyền đã ghi, trong khi tiên đoán về những thời khắc kết thúc của nhân loại, Chúa Jesus chính là "Alpha và Omega, khởi đầu và kết thúc, đầu tiên và cuối cùng" của sử thi.

Trái lại, lần theo dấu vết của nhiều nền văn hóa cổ, người Maya, Inca và Hopi đều nhìn thời gian theo tư duy tuần hoàn. Từ thời xa xưa, họ dựa trên hiểu biết về thời gian theo tính chu kỳ của các hành tinh và ngôi sao trên bầu trời để tạo ra nhiều nghi lễ tôn giáo. Ngày sau đêm và mùa xuân nối tiếp mùa đông. Mặt trời mọc ở phía đông và lặn ở phía tây. Nguyệt thực và trăng tàn ảnh hưởng đến thủy triều, đồng thời cũng tác động đến tâm trạng con người.

Isaac Newton từng hỏi, liệu vũ trụ có phải là chiếc đồng hồ cơ học khổng lồ? Ở đó, một đường tròn cho phép chúng ta hình dung về sự vĩnh cửu, không có điểm nhất định nào là khởi đầu hay kết thúc. Khi chúng ta hình dung thời gian như một đường thẳng, cuối cùng ta lại thấy lạc lối, không thể tự lý giải chuyện gì xảy ra trước khi thời gian bắt đầu, hay làm cách nào một đường thẳng kéo dài tới vô tận. Có vẻ như khởi đầu và kết thúc luôn là một bởi vì bản chất thời gian là tuần hoàn.

Triết gia Heraclitus từng nói chẳng ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Chúng ta ngầm hiểu vạn vật đều biến động. Vì thế, ở đây các yếu tố con người, dòng sông đều thay đổi, thậm chí kể cả yếu tố thời gian cũng không bất biến. Phải chăng sự tuần hoàn thời gian không hẳn là một vòng tròn, mà cuộc sống con người, các hành tinh và thiên hà thực chất vận động theo mô hình xoắn ốc? Xoắn ốc đảm bảo chúng ta không bao giờ có thể bước vào cùng một dòng sông hai lần, cũng như không bao giờ thực hiện hai việc theo những cách hoàn toàn giống hệt nhau.

Chúng ta vẫn loay hoay tìm kiếm bản chất thực sự của thời gian, theo tư duy tuyến tính, cảm giác tuần hoàn hay mô hình xoắn ốc.

Sự công bằng tuyệt đối

Chúng ta không nhận ra tầm quan trọng của thời gian bởi nó thực sự là thứ duy nhất công bằng tuyệt đối trên đời. Bất cứ ai, dù nghèo khổ hay sang giàu, dù nam hay nữ, già hay trẻ, đều có 60 giây cho 1 phút, 60 phút cho 1 tiếng, 24 tiếng cho 1 ngày, 30 ngày cho một tháng và 12 tháng cho 1 năm. Sự công bằng khiến chúng ta thờ ơ, chấp nhận như một lẽ tất nhiên, mà không hề biết rằng tư tưởng đó đã khiến bản thân đi sau người khác cả nghìn cây số trong cuộc đời.

Mong ước của Catherine Shainberg chẳng thể thành hiện thực. Nếu một ngày dài hơn 24 tiếng, nó sẽ giống một chiếc thẻ tín dụng. Chúng ta sẽ không tiêu thời gian mình có, mà đang sống trên thời gian đi... vay mượn. Vì lẽ đó, để trị cơn đói thời gian, chúng ta cần cố gắng xóa bỏ ám ảnh thời gian, gạt bớt nỗi tuyệt vọng để trở nên khôn ngoan trong từng giây phút hữu hạn, bước vào không gian của "cây sự sống" là nơi hiểu rõ nhất mình cần gì, và phải làm gì.

Mọi thứ trong xã hội đều là "mỳ ăn liền", từ những bữa ăn, đến truyền thông, rồi sản phẩm công nghệ, hay thậm chí cả một cuốn sách. Khi cảm thấy bị thời gian kiểm soát, thay vì kiệt sức vì luôn luôn vội vã, chúng ta cần dừng lại một chút để thở. Bởi vội vã là biểu hiện của nỗi lo sợ, và dừng lại chính là một cách tĩnh tâm cân bằng cảm xúc. Sự bình tĩnh sẽ giúp ta nhìn nhận tình huống một cách khách quan và không gây áp lực quá lớn lên chính mình.

Chuyển đổi từ một kẻ nghèo đói thành ông hoàng sung túc còn phụ thuộc vào cách bản thân nhìn nhận thời gian. Khác với ba cánh cửa tuyến tính, Catherine Shainberg khẳng định thời gian xoắn ốc bốn vòng quay cho nhiều trải nghiệm cùng một lúc: Quá khứ - khởi đầu mạch truyện, Hiện tại - diễn biến khó đoán định, Tương lai - ngập tràn ước vọng đam mê, và Không thời gian - kho chứa khoảnh khắc vĩnh cửu ở mọi vòng lặp. Rõ ràng, thời gian là thứ chúng ta bám vào để nắm bắt hành trình của đời mình, chứ không phải điều vay mượn.

Sự ra đời của đồng hồ cơ từ khoảng thế kỷ 14 châm ngòi cho "cuộc ly hôn" giữa loài người và môi trường xung quanh. Chúng ta quên dần nhịp sinh học cơ thể, các chu kỳ trên bầu trời, chịu sự trói buộc của "thời gian nhân tạo" để trở nên đói từng phút giây. Để đánh lừa đồng hồ, chúng ta phải di chuyển ra khỏi ma trận số khô khan trên mặt đồng hồ. Đó là thời điểm Catherine Shainberg nhận ra giá trị của thời gian phụ thuộc rất nhiều vào cảm thức. Việc dành thời gian giúp đỡ người cao tuổi ở viện dưỡng lão hay dạy học miễn phí cho trẻ em khu ổ chuột giúp cô cảm thấy cuộc đời có ích hơn việc ngồi một chỗ, tính toán chi li, như thể đang trong một cuộc đua nước rút đầy căng thẳng và bị động.

Ý nghĩa cuộc sống gắn liền với thực tế là thời gian tồn tại. Nếu con người không ở trong không gian xoắn ốc thì lựa chọn tự do sẽ không tồn tại, và con người sẽ không bao giờ phát triển. Mục đích sáng tạo, vốn là hơi thở trong tiến trình phát triển, sẽ chẳng thể xuất hiện. Bộ phim “Ngày chuột chũi” là minh chứng cho tư duy ấy, với câu chuyện về anh chàng mắc kẹt trong vòng lặp của một ngày, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về ý niệm trân trọng thời gian, trải nghiệm điều mới mẻ và đừng bỏ quên những giá trị đích thực mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta...

Việt Dũng

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân của vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Theo đánh giá lúc nhập viện, cả 4 nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.

Ngày 20/12,  ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thông tin về vụ việc thu hồi 238 sổ đỏ xuất phát từ một vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của của Nhà nước. Qua đó, Đà Nẵng đã có phương án xử lý có lợi nhất cho người dân.

Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi nhận được trình báo vụ cướp tài sản xảy ra tại khu vực nghĩa trang trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lập chiến công xuất sắc, nhanh chóng xác định và bắt giữ được thủ phạm gây án.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文