Cung đấu trong vương triều Lý

10:06 01/09/2021

Nhiều bạn trẻ Việt, xem nhiều phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, mê mẩn với các câu chuyện “cung đấu” ly kỳ mà các nhà làm phim sáng tạo ra, vẫn hay thắc mắc: “Ở nước ta thời xưa, có các chuyện cung đấu như vậy không?”.

Thực ra, thời nào cũng vậy, có hậu cung, có cảnh chồng chung là sẽ có những tranh chấp giữa các bà. “Máu ghẻ, hờn ghen”, các bà trong hậu cung triều đình Việt cũng có những màn ghen tuông ghê gớm, mà sử sách ghi lại nhiều nhất ở triều Lý.

Ghen vì địa vị

Nổi bật nhất trong các cuộc tranh chấp trong cung đình nhà Lý, chính là cái chết của Thượng Dương hoàng hậu, mẹ đích của vua Lý Nhân Tông. Thái hậu vốn là vợ cả của Lý Thánh Tông. Nhà vua đã 40 tuổi vẫn chưa có con trai nối dõi, nhân đi chơi khắp các chùa quán để cầu tự, xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy khi qua làng Thổ Lỗi (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay), thấy một người con gái hái dâu cứ nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Sau bà có mang, sinh ra hoàng tử Càn Đức tức vua Nhân Tông sau này.

Sau khi vua Thánh Tông băng hà, thái tử Càn Đức lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thái Ninh. Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự. Dù đã có địa vị cao quý nhưng vẫn chưa phải cao nhất, Hoàng thái phi đã thể hiện quyền uy bằng màn đánh ghen còn được sử sách nhắc mãi.

Ảnh: L.G

Bộ chính sử lớn nhất nước ta, “Đại Việt sử ký toàn thư”, chép: “Năm Quý Sửu, niên hiệu Thái Ninh năm thứ 2 (1073), vua Nhân Tông giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu”. Các nhà chép sử cũng giải thích nguyên nhân: “Linh Nhân thái hậu có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông”.

Viết sử đến đoạn này, sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê bình luận: “Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bấy giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to”.

Sau này, Linh Nhân Thái hậu dựng rất nhiều chùa thờ Phật, có đến hơn trăm sở và tục truyền rằng thái hậu hối hận về việc Thượng Dương Thái hậu và các thị nữ không tội mà bị chết nên mới xây nhiều chùa để sám hối và rửa oan.

Vụ ngoại tình của Lê Thái hậu

Sang đến thời Lý Anh Tông, thì xảy ra vụ lộn xộn trong hậu cung nổi tiếng của Đỗ Anh Vũ. Do nhà vua lên ngôi khi mới 3 tuổi, mẹ họ Lê được tôn làm Cảm Thánh Hoàng thái hậu, được giúp vua nghe chính sự. Đỗ Anh Vũ là em của Đỗ Thái hậu, một người vợ khác của Lý Thần Tông, được Lê Thái hậu tin dùng, cho làm Cung điện lệnh tri nội ngoại sự, rồi thăng đến Thái úy. Khi có loạn Thân Lợi từ Thái Nguyên vây kinh thành, Đỗ Anh Vũ cầm quân đánh giặc thắng lợi nên Anh Vũ ngày càng có thế lực.

Lúc vua mới lên ngôi, còn trẻ thơ, chính sự việc lớn, việc nhỏ đều ủy cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô Thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, do đó mà ông ta tư thông với Lê Thái hậu. Có được sự sủng ái của thái hậu, Đỗ Anh Vũ lại càng kiêu ngạo, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói. Thấy vậy, các tướng như Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Đái, Hỏa đầu đô Quảng Vũ Lương Thượng Cá, Hỏa đầu đô Ngọc Giai Đồng Lợi, Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh vương, Bảo Ninh hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh mưu bắt giam Anh Vũ vào ngục nhưng nhờ có sự bao che của Lê Thái hậu, Anh Vũ vẫn thoát được. Bởi vì Thái hậu sai người mang cơm rượu vào ngục cho Anh Vũ nhưng lại giấu vàng vào trong đồ đựng món ăn để Anh Vũ đút lót cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hỏa đầu ở đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương muốn giết Anh Vũ nhưng Dương Tự Minh ngăn lại nên Nguyễn Dương phải tự tử.

Đến khi vua xét án của Anh Vũ, cũng chỉ đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi (tội nhân cày ruộng công ở Cảo Xá, Thái Bình ngày nay). Thái hậu lo buồn, cố nghĩ làm thế nào để phục hồi chức cho Anh Vũ, mới nhiều lần mở hội lớn để xá tội cho tội nhân, mong Anh Vũ được tham dự vào danh sách xá tội. Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại làm Thái úy phụ chính như cũ, càng được yêu dùng hơn, do đấy tha hồ báo thù, bắt Vũ Đái giam vào ngục để trị tội, rồi xin vua giáng Trí Minh Vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước minh tự, những người cùng dự mưu đều bị đem chém hoặc đày đi nơi xa cả.

Phải đến năm 1158, Đỗ Anh Vũ chết, Lê Thái hậu mới trao lại quyền hành và về ở cung riêng, từ đó, Lý Anh Tông chính thức nắm lại mọi quyền vị, dựa vào Tô Hiến Thành và những hiền thần khác để tiến hành thân chính. Nhờ đó, nước Đại Việt duy trì được sự hùng mạnh và thịnh vượng kế thừa từ các thời trước.

Khi chép vào “Đại Việt sử ký”, Đỗ Anh Vũ bị sử thần Lê Văn Hưu phê phán rất gay gắt: “Đỗ Anh Vũ ra vào cấm đình, tư thông với mẫu hậu, không tội gì to bằng. Bọn Vũ Đái nên tâu bày gian trạng rồi bắt giam vào ngục mà giết đi là phải. Nay lại đem quân đột nhập cửa Việt Thành, hiếp vua nhỏ tuổi, ép lấy chiếu chỉ. Đến khi bắt được Anh Vũ rồi, lại nhận vàng của thái hậu mà không nghe lời nói của Nguyễn Dương, đến sau rốt cuộc bị Anh Vũ giết, liên lụy đến mấy mươi người, thế là nuôi hổ để họa về sau vậy”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng cho rằng “Anh Vũ là kẻ đại ác” nhưng xét đến những hành vi xáo động cả triều đình của Lê Thái hậu, ông bình luận: “Thế thì thái hậu không có tội ư? Trả lời rằng: Tội nặng lắm. Người không có tài đức quyền vị như Y Doãn, Chu Công mà muốn ngăn sửa thì khó tránh cái lỗi làm việc lớn thì hỏng”.

Giành quyền cho con

Khoảng trước năm 1174, vua Lý Anh Tông đã lập hoàng tử Lý Long Xưởng, con của Chiêu Linh hoàng hậu họ Vũ làm Hoàng Thái tử. Lúc này, lại một vụ “cung đấu” ly kì khác nổ ra. Lý Anh Tông sủng ái Từ Nguyên phi nên hoàng hậu ghen ghét, xui Long Xưởng quyến rũ Nguyên phi nhằm đổ tội cho Nguyên phi không chung thủy với nhà vua. Không ngờ Từ nguyên phi không chịu mà bẩm báo cho Anh Tông. Đó là chuyện xảy ra năm 1174 và tội này thời đó là tội chết, Thái tử Long Xưởng được vua cha tha tội chết nhưng phế làm thứ dân và bắt giam. Năm sau, vua lập hoàng tử Long Trát làm Hoàng thái tử, cho ở đông cung và phong Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, tước vương, giúp đỡ đông cung.

Khi vua Anh Tông ốm nặng, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói: "Làm con bất hiếu còn trị dân sao được", rồi di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ thái hậu vẫn muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ ông là Nữ Thị. Tô Hiến Thành biết được, nói rằng: "Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng?". Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu". Thái hậu lúc đó mới thôi.

Sử thần Ngô Sĩ Liên sau này khen rằng: Vua Lý Anh Tông khi ốm nặng, hoàng hậu xin lập lại Long Xưởng, thì lấy lễ nghĩa mà bác bẻ, không mê hoặc lời nói của đàn bà, lại cố gượng gọi Hiến Thành nhận di chiếu giúp thái tử quyền nhiếp chính sự, phó thác được người giỏi để phòng lo sau, rốt cuộc mưu phế lập của thái hậu không thể làm được, trên yên dưới thuận, không phải là sức của Anh Tông sao?

Vua Anh Tông  qua đời năm 1175. Năm 1178, hết quốc tang, Chiêu Linh hoàng thái hậu vẫn quyết tâm giành quyền lại cho Long Xưởng, bà ban yến cho các quan ở biệt điện, bảo rằng: "Hiện nay tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc cướp biên. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu, lòng dân được yên". Tuy nhiên, các quan đều chắp tay cúi đầu nói: "Thái phó nhận mệnh lệnh rõ ràng của thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái lệnh" rồi cùng lạy tạ, lui ra. Lúc này Tô Hiến Thành quản lĩnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục.

Đến năm 1181, thái tử cũ là Long Xưởng cầm đầu bọn gia thuộc nô lệ trộm cướp bừa bãi, muốn mưu làm loạn nhưng trong triều Tô Hiến Thành giúp vua đắp đàn phong tướng, lấy Ngô Lý Tín làm Thượng tướng quân, đem quân thủy bộ đi tuần bắt trộm cướp. Sau đó, ông bổ nhiệm Lý Kinh Tu làm Đế sư, trong thì hầu việc giảng sách, ngoài thì dạy dân trung hiếu. Từ đấy Chiêu Linh thái hậu mới không còn dám manh tâm mưu khác nữa.

Lê Tiên Long

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文