Klemens Von Metternich – Kỳ nhân nước Áo

09:30 17/07/2022

Ngày 2-12-1805, kỷ niệm tròn một năm đăng quang ngôi hoàng đế, Napoleon Bonaparte đệ nhất của nước Pháp đánh tan nát liên quân Nga - Áo tại Austerlitz, trong chiến công hiển hách nhất đời cầm quân của mình. Đế quốc Áo không còn sức chống đỡ, phải ký một hòa ước nhục nhã ngày 26-2 ở Pressburg.

Song, 9 năm sau, tại hội nghị "Tứ quốc liên minh" (Anh - Nga - Áo - Phổ) chiến thắng Đế chế Pháp, nước Áo vẫn có mặt, và ngồi ở hàng đầu. Thành quả đó gắn liền với tên tuổi một chính khách lẫy lừng, một nhà ngoại giao kiệt xuất của hoàng gia Habsburg Áo - Hung: Klemens Von Metternich (115/5/1773 - 11/6/1859).

Trụ vững giữa ba đào

Vào thời điểm thảm bại Austerlitz diễn ra, Metternich chưa phải là một nhân vật quan trọng. Là hậu duệ của một dòng họ quý tộc lâu đời, là con của một đại thần nước Áo, nhưng tuổi thơ và thời thanh xuân của ông trôi qua khá phẳng lặng.

Năm 1788, Klemens Von Metternich đến học ngành ngoại giao ở Đại học Strassbourg, nước Pháp. Một năm sau, Đại cách mạng Tư sản Pháp bùng nổ, khiến ông phải dạt về Mainz lánh nạn, và tiếp tục học hành. Quân cách mạng Pháp áp sát Mainz, Metternich lại chạy về Brussels (lúc đó vẫn thuộc lãnh thổ đế quốc Áo), trước khi cùng cha rút hẳn về Wien.

Từ thời điểm đó đến năm 1805, Metternich bắt đầu hoạt động trong ngành ngoại giao, và như trang Britanica đánh giá, "thể hiện cái nhìn sâu sắc về nước Pháp, về sự sụp đổ của quân đội Phổ trước Pháp - được dẫn dắt bởi thiên tài quân sự Napoleon, cũng như về tình hình địa chính trị châu Âu.

Những kiến thức vô giá này tiếp tục được tích lũy dày thêm, khi vào năm 1806 (nghĩa là sau lúc Áo đã bị đánh quỵ ở Austerlitz và phải đầu hàng Pháp), Metternich được bổ nhiệm làm Đại sứ Áo tại Pháp. Ông kết thân với giới tinh hoa chính trường Pháp, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Talleyrand. Ông tiếp cận trung tâm quyền lực của triều đình Napoleon. Ông cố gắng phác thảo những kế hoạch có lợi cho sự tồn vong của nước Áo.

Không phải nỗ lực nào của Metternich cũng thành công, nhất là trong thời điểm uy thế của Napoleon Đại đế như mặt trời chính ngọ. Tuy vậy, trong lúc cả châu Âu đang bị cuốn đi bởi cơn sóng triều chinh phạt dưới tay hoàng đế nước Pháp, Metternich lại có thể giúp nước Áo an toàn, bằng một phương thức khá cổ điển.

Không gì khác, ông là nhân tố quan trọng thúc đẩy cuộc hôn nhân giữa Napoleon với công chúa Áo Marie-Louise (con gái của Hoàng đế Áo Francis I), qua đó bảo đảm cho nước Áo kiệt quệ và hoang tàn vẫn có thể tồn tại, như một thực thể địa chính trị. Dĩ nhiên, đổi lại, nước Áo khi ấy rơi xuống vị thế không khác gì một phiên thuộc yếu ớt của Pháp. Thậm chí, Napoleon còn thuận cho Áo được tự do, không phải gia nhập Liên bang sông Rhine - cơ cấu mà hoàng đế Pháp dựng lên ở các phần đất Đức, với những nghĩa vụ tham gia chiến đấu cùng Đại quân (Grande Armee) đi kèm.

"Tôi làm nên lịch sử, nên tôi không có thời gian viết về nó!".

Náu mình chờ thời

Cũng phải nói rằng, chiến thắng của Tứ quốc liên minh sau này được xây dựng trên rất nhiều lòng quả cảm và sự quật cường, nhưng là từ những quốc gia khác, ngoại trừ Áo.

Sau trận Austerlitz, người Nga không bỏ cuộc. Họ lui về phía Đông, củng cố lại lực lượng ở Ba Lan, và chỉ chịu cầu hòa với Pháp sau khi cùng Phổ chịu thất bại nặng nề Friedland (tháng 6-1807). Ở hòa ước Tilsit năm đó, Pháp lấy của Phổ gần một nửa lãnh thổ, và giằng những phần đất Ba Lan cũ khỏi sự cai trị của Nga hoàng, thành lập công quốc Varsovie - một kiểu quốc gia Ba Lan bán độc lập.

Tuy vậy, ngoài khơi Đại Tây Dương, sau đại thắng ở trận hải chiến Trafalgar, nước Anh vẫn là bá chủ trên biển, đủ để duy trì một mối đe dọa thường trực đối với "hệ thống lục địa" mà Napoleon hướng đến. Ở bán đảo Iberia, nước Anh tiếp sức cho những cuộc chiến tranh du kích ở cả Bồ Đào Nha lẫn Tây Ban Nha, nhằm chống lại ách thống trị của nước Pháp, và gợi lên cho Metternich một số ý tưởng mới.

Tháng 5-1808, đế quốc Pháp bắt đầu có những biểu hiện suy thoái, sau cuộc nổi dậy của người dân Tây Ban Nha ở kinh đô Madrid. Năm 1809, những người dân miền núi Tyrol (Áo) cũng bắt đầu lăn xả vào quân xâm lược Pháp. Cùng lúc đó, Metternich cũng âm thầm từ bỏ thái độ náu mình chờ thời, để nung nấu các chiến lược cân bằng quyền lực tại châu Âu, và lợi dụng sự cân bằng đó đưa Áo trở lại hàng ngũ "liệt cường".

Sau khi Napoleon tiến quân vào đất Nga năm 1812, và chịu thảm bại ở Moskva, Metternich mới cảm thấy đã đến lúc an toàn để "nhúc nhắc". Quân đội Áo khi đó, dưới tay ông, bắt đầu thực sự được tái tổ chức. Song, kể cả khi đó, Metternich vẫn duy trì và chăm chút cái vỏ "trung lập" kỹ lưỡng nhất có thể, để che giấu mưu đồ quật khởi.

Năm 1813, Metternich khéo léo đảm nhận vai trò trung gian hòa đàm đình chiến giữa Pháp với Nga và Phổ, qua đó đường hoàng đưa nước Áo một lần nữa lên vũ đài chính trị cựu lục địa. Và ngày 24-6-1813, Hiệp ước Reichenbach được ký kết. Nhưng ở giai đoạn tiếp theo, Metternich cài được những điều khoản cho phép Áo tham gia liên minh chống Pháp, nếu Napoleon không chấp nhận hòa bình.

Chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán suốt mùa hè năm ấy, Metternich giúp quân đội Áo có thêm thời gian để tái vũ trang và kiện toàn đội ngũ. Tháng 8-1813, Áo mới chính thức tuyên chiến với Pháp. Nghĩa là, thông qua kỹ năng ngoại giao, Metternich giúp nước Áo lại trở thành một trong những cường quốc hàng đầu và có vai trò dẫn dắt châu Âu, về cả quân sự lẫn chính trị.

Hội nghị Wien, nơi nước Áo chính thức trở lại là một trong những cường quốc hàng đầu châu Âu.

Hội nghị Wien và "Hệ thống Metternich"

Với sự tiếp sức từ Áo, liên minh chống Pháp đã có thể dần dần đẩy lui quân Pháp về tận Saxonie - một xứ thuộc Liên bang sông Rhine. Tháng 10-1813, liên quân thắng một trận quyết định ở Leipzig - nơi mà người Đức gọi là "trận chiến đa sắc tộc (Volkrschlacht)".

Từ đó trở đi, Napoleon chỉ còn có thể vừa đánh vừa lùi, dù cho vẫn thể hiện được tài cầm quân xuất sắc trước khối địch thủ mạnh gấp bội. Có điều, với những tác động tinh tế từ Metternich, lần này, không còn cơ hội để Napoleon chia rẽ và làm suy thoái liên minh địch thủ ấy. Tháng 3-1814, theo Hiệp ước Chaumont, "Tứ quốc liên minh" Anh - Nga - Áo - Phổ cam kết không đàm phán hòa bình với Pháp riêng rẽ, và sẽ tiếp tục duy trì liên minh này trong ít nhất 20 năm. Thế công "hung hãn" này đã dẫn đến việc Napoleon buộc phải thoái vị ở Fontainebleau, chịu lưu đày ở đảo Elbe.

Sự gắn bó mà Tứ quốc liên minh cam kết đã phát huy được tác dụng, ngay khi Hoàng đế Pháp vượt biển trở về trong thời kỳ Bách nhật, trước khi nhận thất bại cuối cùng mang tên Waterloo. Ở Waterloo chỉ có quân Phổ và quân Anh, nhưng quân Nga cũng như quân Áo đều đã sẵn sàng (và quân Áo cũng đã lên đường hướng đến chiến trường), trong vai trò "thê đội 2" ngăn chặn Napoleon trỗi dậy một lần nữa.

Tháng 9-1814, Hội nghị Wien nhóm họp, với một hòa ước được ký kết vào tháng 6-1815, dưới sự lèo lái của Tứ quốc liên minh, với ảnh hưởng rất lớn của Klemens Von Metternich. Chính là ở đây, những tính toán tinh tế nhằm duy trì cân bằng chiến lược lại được nhà ngoại giao lão luyện nước Áo thể hiện.

Quyền lực Pháp đã lụn bại, nước Anh vốn chú trọng bành trướng thuộc địa ở hải ngoại hơn là tại Âu lục, nên Metternich cố gắng kiềm chế tham vọng của nước Nga cũng như một tân đế quốc là nước Phổ (tiền thân của nước Đức thống nhất sau này). Áo, do đó, kín đáo đứng về phía Anh, và Pháp (có người bạn cũ của Metternich là Talleyrand làm trưởng phái đoàn đàm phán). Metternich từ chối yêu cầu biến Ba Lan thành một vương quốc vệ tinh của Nga, mà đòi hỏi giữ nguyên hiện trạng từ lần xóa sổ Ba Lan trên bản đồ châu Âu, sau lần chia cắt thứ ba (năm 1795). Ông cũng tác động để giữ cho vùng Saxonie độc lập và nguyên vẹn, như một sự phòng hờ đối với Phổ.

Vấn đề là, ngay sau hội nghị Wien, điều được gọi là "hệ thống Metternich" lại được định vị ở châu Âu, cho đến tận Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Nói một cách ngắn gọn, đó là sự thỏa hiệp được bảo đảm bằng các công cụ và cơ chế ngoại giao, giữa hai cường quốc thực dân có khuynh hướng "tự do" hơn ở Tây Âu (là Anh và Pháp) với những hoàng gia quân chủ chuyên chế phía Đông (Áo, Phổ, Nga), nhằm duy trì một cục diện cân bằng. Cho đến tận lúc nước Đức thống nhất hình thành, để phá vỡ sự cân bằng ấy, ở châu Âu không diễn ra thêm cuộc chiến tranh lớn nào nữa.

* "Trước Austerlitz, nước Áo chính là địch thủ lớn nhất và dai dẳng nhất của nước Pháp ở châu Âu lục địa, và do đó đã bị đánh quỵ không thương xót. Bởi vậy, việc Metternich đưa nước Áo từ vị thế kẻ thất bại trở lại với hào quang chiến thắng trước Pháp đủ để ông kiêu hãnh nói: "Tôi làm nên lịch sử, nên chẳng có thời gian viết về nó".

* "Theo hòa ước của hội nghị Wien, Nga hoàng Alexandre chiếm vương quốc Ba Lan - nghĩa là phần lớn công quốc Varsovie thời Napoleon; Phổ chiếm lại phần đất phía Tây Ba Lan cũng như các vùng duyên hải phía nam biển Baltic. Còn họ Habsburg nước Áo không những được phục hồi uy thế, mà còn chiếm được thêm vùng Lombardia và Venezia trên bán đảo Italy, cũng như một dải Dalmatia (Croatia ngày nay) bên kia biển Adriatic.

Thiên Thư

Trên tinh thần bám sát vào sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSHS, Công an TP Hà Nội và các cục nghiệp vụ đã phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong làm sạch dữ liệu khách hàng vay, tạo môi trường “sạch”, thông thoáng cho những người dân thật sự cần nguồn vốn để đầu tư kinh doanh, sản xuất, tránh không để họ bị lôi kéo, mắc bẫy hay sa chân vào vũng lầy “tín dụng đen”.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội đạt 11,55 triệu lượt, tăng 14 %; tổng thu từ khách du lịch đạt 45.856 tỷ đồng, tăng 23 % so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, 6 tháng đầu năm, Hà Nội đón trên 14 triệu lượt khách, tăng 13,7%, thu 45.107 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Nắng nóng gay gắt tiếp tục duy trì ở Bắc Bộ và Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-38 độ C. Thời tiết nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các bệnh viêm hô hấp ở trẻ; đột quỵ, huyết áp ở người lớn tuổi. 

Tối 28/5, tại Nhà hát Hồ Gươm, Bộ Công an đã tổ chức gặp mặt, biểu dương các cháu là con liệt sĩ, con đỡ đầu, con nuôi Công an xã, con CBCS đạt các giải quốc gia, quốc tế năm học 2023-2024. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động của “Trại hè yêu thương” năm 2024 do Bộ Công an tổ chức.

Ngày 28/5, Viện KSND TP Hồ Chí Minh ra cáo trạng về vụ án bán “dự án ma” xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Phát An Gia (Công ty Phát An Gia), truy tố các bị can Hoàng Mạnh Cường (ngụ TP Thủ Đức, Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia); Hoàng Thị Hồng (ngụ quận Bình Thạnh); Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận Tân Bình) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文