Ký ức một Triều đại từ những tư liệu lần đầu công bố

07:58 30/11/2023

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phối hợp tổ chức không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”. Hàng trăm hiện vật vốn là nguồn tư liệu gốc quý giá với những thông tin có độ tin cậy cao, phản ánh mọi mặt hoạt động của triều đình và đời sống xã hội của đất nước giai đoạn nhà Nguyễn, trong đó có những tư liệu chưa từng được công bố.

1. Triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam đã để lại cho hậu thế nhiều di sản quý giá, trong đó có Châu bản. Đây là hệ thống văn bản hành chính được hình thành trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền, bao gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành và văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực màu son đỏ.

Châu bản năm Minh Mạng 19 (1838) cho biết từ đây quốc hiệu nước ta là Đại Nam. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Hệ thống văn bản này được giao cho Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình. Đây là tài liệu hành chính gốc duy nhất ở Việt Nam, thuộc số ít trên thế giới còn lưu được bút tích phê duyệt trực tiếp, mang dấu “ngự phê”, “ngự lãm” bằng mực màu son đỏ của Hoàng đế và đóng ấn tín của triều đình nhà Nguyễn. Dấu ấn “ngự phê” khá phong phú gồm nhiều loại hình: Châu phê, Châu điểm, Châu mạt, Châu sổ, Châu cải, Châu khuyên...

Lần trưng bày này có hàng trăm trang tài liệu đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn đồ sộ hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, trong đó, có những văn bản đặc biệt lần đầu tiên được công bố như: Châu bản năm Minh Mạng 19 (1838); Văn bản năm Tự Đức 12 (1859) cho biết nỗi niềm trăn trở của nhà vua về sự vất vả của tướng sĩ nơi chiến trường; Bản Dụ Cần vương duy nhất trong Châu bản triều Nguyễn đề ngày 12 tháng 6 năm Hàm Nghi nguyên niên (1885)…

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, triều vua Tự Đức (1848-1883) là triều vua có nhiều Châu bản nhất được lưu giữ đến ngày nay. Người xem được tận mắt thấy ngự bút của vua Tự Đức. Châu bản cho thấy, Tự Đức không chỉ là vị vua yêu văn chương, mà còn rất quan tâm, lo lắng cho tướng sĩ nơi sa trường, trong đó có đoạn: “Từ ngày vùng biển có chiến sự đến nay, các tướng sĩ của ta vâng mệnh ra chiến trường, phải chịu giá lạnh nóng bức quanh năm. Trẫm nhìn về nam không bữa nào quên... Tổng đốc Nguyễn Tri Phương lòng son báo quốc, một mực trung thành. Gần đây trong Kinh liền mấy ngày mưa gió. Trẫm ở trong thâm cung còn thấy hơi lạnh, huống hồ sương gió nơi sa trường… bèn làm bài thơ thất ngôn, nhân đó cởi chiếc áo chống lạnh đang dùng gửi cùng bài thơ, giao cho tứ đẳng thị vệ mang ban cho tổng đốc...”.

2. Chị Nguyễn Hồng Nhung - cán bộ Phòng phát huy giá trị tài liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, hàng trăm văn bản đặc sắc được trưng bày lần này là kết quả của sự tìm tòi, giải mật từ kho tư liệu hơn 86.000 Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại trung tâm. Trong đó có những văn bản lần đầu được công bố trong một cuộc triển lãm như: Về Quốc hiệu, dưới triều vua Tự Đức nước ta từng có ý định đặt tên nước là Đại Hóa với ý nghĩa tốt đẹp của chữ Hóa trong Thanh Hóa là nơi phát tích của triều Nguyễn và Thuận Hóa là nơi phát triển cơ nghiệp của triều Nguyễn. Nhưng cái tên này mới dừng ở việc bàn định mà chưa được triển khai trong thực tế.

Châu bản triều Nguyễn cho thấy nỗi niềm trăn trở của Vua Tự Đức đối với các tướng sĩ nơi chiến trường, văn bản năm Tự Đức 12 (1859). (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Ngoài ra còn có văn bản như: thời vua Minh Mạng khẳng định Thế tổ Cao Hoàng đế (Gia Long) là người thống nhất đất nước sau hàng trăm năm chia cắt; văn bản thời vua Tự Đức khiến hậu thế có cái nhìn khách quan, đa chiều, toàn diện hơn về những quyết sách, tâm tư trăn trở của vua đối với đất nước, về sự vất vả của tướng sĩ nơi chiến trường. Ngoài ra, vua Tự Đức còn cho người ngầm đi tìm hiểu, dò la thông tin về những người có công trong cuộc nổi dậy chống Pháp để ghi nhận công lao của những người đó. Trước nay, chính sách cấm đạo nghiêm ngặt dưới thời Vua Minh Mạng bị các sử gia và một số nhà truyền giáo phương Tây cho rằng ông là “bạo chúa”, nhưng qua Châu bản triều Nguyễn lại toát lên chân dung một vị hoàng đế vì dân với các chính sách “chống thiên tai”, “chống nhân tai”. Việc ông đưa ra luật pháp nghiêm minh với tính răn đe mạnh mẽ cũng chính là vì nước vì dân, để đảm bảo công bằng cho nhân dân…”.

Không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại” cũng lần đầu trưng bày nhiều văn bản mang tính dấu ấn quan trọng trong lịch sử thuộc triều Vua Minh Mạng về các nội dung như: việc thống nhất giang sơn, đặt quốc hiệu, xác lập chủ quyền, quan hệ bang giao, kiến thiết kinh đô, kinh tế - văn hóa -  giáo dục, đời sống xã hội, thiết chế hành chính, chế định luật pháp, khoa cử, thư tịch… Trong đó có bản tâu của Bộ Hộ năm Minh Mạng 12 (1831) về việc vâng thượng: “…Phàm các công việc có quan hệ đến lợi hại cho dân sinh, hay như quan lại hiền - gian và việc kiến nghị có ích nước lợi dân thì cho tâu trình đầy đủ…”. Triều Vua Minh Mạng cũng để lại nhiều Châu bản quý giá liên quan đến chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (16/19 Châu bản đã được phát hiện và công bố thuộc triều Vua Minh Mạng), trở thành những thư tịch có giá trị pháp lý quan trọng cho đến ngày hôm nay.

Chị Nguyễn Hồng Nhung cũng cho biết thêm: “Thực ra, Châu bản còn rất nhiều tài liệu quý, nhưng trong phạm vi của cuộc trưng bày lần này với 9 chủ đề phổ khắp các dấu ấn mà triều Nguyễn để lại, ban tổ chức chỉ chọn một số văn bản tiêu biểu, đặc sắc để trưng bày, số còn lại sẽ tiếp tục được “giải mã”. Vẫn còn nhiều các văn bản liên quan đến luật pháp có bút tích phê duyệt của Hoàng đế vẫn chưa được công bố như bút tích của Vua Thiệu Trị về vụ án Tả quân Lê Văn Duyệt cho đến những vụ án về thường dân...”.

TS. Rujaya Abhakorn - Chuyên gia lịch sử, Đại sứ thiện chí chương trình “Ký ức thế giới” khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Mặc dù các tư liệu quý giá này chỉ là một phần còn sót lại qua các cuộc chiến tranh và sự hủy hoại của thiên nhiên, nhưng những bản gốc nguyên vẹn còn lại không có gì để nghi ngờ về tính xác thực và độc đáo. Bộ sưu tập này cho thấy các khía cạnh khác nhau của lịch sử Việt Nam, của khu vực Đông Nam Á và một phần quan trọng của lịch sử thế giới…”.

Một góc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”

Những năm gần đây, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tổ chức khá nhiều hoạt động trưng bày triển lãm, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một trưng bày được thực hiện với sự tham gia phối hợp của nhiều đơn vị trong việc cung cấp hiện vật gốc cũng như hỗ trợ một số phần mềm công nghệ.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia đã khẳng định: “Châu bản triều Nguyễn là một trong những Di sản đặc biệt của nhân loại. Bởi lẽ đây là các tài liệu hiếm hoi trên thế giới lưu giữ được rất nhiều bút tích trực tiếp của các Hoàng đế trên văn bản. Các bút phê này ngoài ý nghĩa về nội dung, thể hiện vai trò quyền lực của người đứng đầu đất nước, còn mang những giá trị nghệ thuật vô cùng đặc sắc...”.

Trải qua những biến động của lịch sử, chiến tranh, thiên tai, thời tiết... hiện nay Châu bản triều Nguyễn còn lại khoảng hơn 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Trong đó, có 10 vị vua để lại bút tích phê duyệt bằng mực son trên văn bản và 2 triều vua không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa do thời gian trị vì quá ngắn.

Theo ước tính của GS. Trần Kính Hòa - học giả đi đầu trong nghiên cứu Châu bản triều Nguyễn, con số này ước tính chỉ bằng 1/5 số lượng Châu bản mà triều Nguyễn đã ban hành, số còn lại phần nhiều bị hư hỏng, thất lạc hoặc nằm trong các bộ sưu tập cá nhân. Với những giá trị đặc biệt về nội dung và hình thức, năm 2014, tại Hội nghị Toàn thể Chương trình “Ký ức thế giới” tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.

Nguyệt Hà

Ngày 11/5, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã gửi Thư khen Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an tỉnh Phú Yên về thành tích đấu tranh chuyên án, triệt phá đường dây thu thập, sử dụng thông tin cá nhân để mở và bán tài khoản ngân hàng trái phép.

Bất chấp làn sóng lên án và phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, chính phủ và quân đội Israel tiếp tục thúc đẩy thực hiện kế hoạch tấn công bộ binh vào TP Rafah đông dân cư ở phía Nam Gaza.

Nắng nóng gay gắt, oi bức với nền nhiệt trên 37 độ C tiếp tục diễn ra tại Nam Bộ trong ngày hôm nay (12/5), về chiều tối khả năng có mưa dông. Thủ đô Hà Nội trời mưa mát mẻ.

Đối với các bất động sản tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh (thuộc dự án Bắc Phước Kiển) có liên quan bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang được Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) tiếp tục điều tra, làm rõ.

Căn cứ hợp đồng của dự án đã ký giữa UBND thành phố và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam, thì lịch thu hồi nợ vay của BIDV với Công ty Trung Nam và lịch thu hồi nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND thành phố theo quy định tại hợp đồng BT của dự án. Thực chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư khi ngân sách thành phố chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư.

Chiều 11/5, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) phối hợp đơn vị chức năng đã xác định được danh tính nghi can vờ hỏi mua xe tô tô, sau đó phóng xe bỏ chạy từ huyện Thanh Trì về hồ Đền Lừ, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (Ban Giao thông), 1,3 triệu m3 cát tạp chất được nạo vét dọc khu vực sông Cổ Cò từ TP Hội An, thị xã Điện Bàn ra TP Đà Nẵng đã nhiều lần tổ chức đấu giá nhưng không có đơn vị nào tham gia do giá khởi điểm cao, khối lượng cát đấu giá lớn.

Ngày 11/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Lò Minh Phương (SN1991, trú tại tổ 2, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La), nguyên nhân viên ngân hàng trên địa bàn TP Sơn La về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viên thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 11/5, Phòng CSHS phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị chức năng đã triệt phá nhóm đối tượng có hành vi Lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee tại tỉnh Cao Bằng và tỉnh Thái Nguyên.

Liên quan đến thông tin Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam Hoàng Đình Tùng và vợ Trần Thị Hồng Nga về hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, chiều 11/5, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết đang tiếp tục điều tra, xác minh mở rộng các đối tượng môi giới trong đường dây này và xác minh, làm rõ thêm nhiều người đã được tổ chức cho xuất cảnh hoặc đã đăng ký, nộp tiền cho cặp vợ chồng này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文