Muôn cách kêu oan thời xưa

10:34 14/10/2022

Thời nào cũng vậy, dân có oan thì phải kêu, thế nên thời xưa có chuyện đón xe vua kêu oan không phải hiếm. Do đó, thời trước, triều đình các đời cũng nghĩ ra nhiều biện pháp giúp người dân thuận tiện trong việc kêu oan.

Bộ sử nhà Nguyễn "Đại Nam thực lục" cho biết, tháng 6 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Vua Minh Mạng cho lập công chính đường và treo trống Đăng văn. Đó là phỏng theo điển lệ Bắc triều, lấy 3 nha của Hình bộ, Đô sát viện và Đại lý tự, gọi riêng là Tam pháp ty, đặt làm dinh thự ở góc Đông Nam trong kinh thành, có tấm biển đề là "Công chính đường", đằng trước nhà này, về bên trái, treo một cái trống gọi là trống Đăng văn (tức tiếng trống đánh lên để thấu đến vua nghe).

Triều đình Vua Minh Mạng quy định mỗi tháng lấy những ngày 6, 16 và 26 làm nhật kỳ được đánh trống, nhận các đơn kêu, rồi các đường quan ở ty Tam pháp theo nhật kỳ đã định đem các thuộc viên lên ở công chính đường ngồi theo hàng lối: Bộ Hình ở giữa, bên trái là Đô sát viện, bên phải là Đại lý tự. Phàm thần dân ở trong kinh và ngoài các tỉnh ai có oan khuất thì đưa đơn đến kêu.

Quy định đơn kêu oan phải có 1 bản chính và 1 bản phụ, duy khi tố cáo bí mật về việc phản nghịch quan trọng và những việc có quan hệ đến lợi hại lớn thì mới cho làm 1 bản tấu phong kín lại. Hội đồng nhận đơn cứ chiếu lý bàn xử, cùng nhau làm thành tập tấu dâng lên. Sau khi được chỉ, việc nào quan hệ đến nha nào thì chép đưa cho nha ấy làm theo. Khi tiếp được tờ tâu phong kín thì lập tức dâng trình không được tự tiện phát đi. Còn những ngày khác, mỗi nơi cắt một thuộc viên đều thay phiên thường trực, nếu có người thần dân nào có tờ tấu phong kín tố việc bí mật hoặc sự việc thật cần kíp khẩn thiết không thể đợi đến nhật kỳ nhận đơn thì cho bất kỳ lúc nào cũng được đánh trống Đăng văn, đưa đơn kêu.

Người thường trực nhận lấy đơn ấy, một mặt đem người kêu ấy giao cho lính thủ hộ coi giữ, một mặt trình lên công chính đường. Còn tờ trạng phong kín ấy cùng lập tức được dâng trình. Các đơn khác thì trước hết tóm tắt lại, chép thành phiến để tâu biết, rồi phải theo lý bàn kỹ tâu lên ngay. Nếu tờ tâu phong kín dâng lên ấy xét ra là vu cáo càn bậy thì tới kỳ đợi chỉ sẽ xử trị nghiêm ngặt. Còn nếu không phải là sự việc khẩn thiết mà đánh trống đưa đơn kêu thì việc dẫu có thực, người đánh trống cũng phải đóng gông 10 ngày để ở ngoài sân nhà công chính đường, khi mãn hạn lại đánh ngay 100 trượng; nếu có vu cáo tức thì chiếu theo tội kiện vu cáo mà bắt chịu tội.

Tháng 12 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), quy định mỗi ngày cử một viên thuộc ty đến cùng với phái viên của ty Tam pháp phái đến ứng trực ở công đường. Hễ có ai đánh trống Đăng văn kêu việc gì, đơn kiện thì do ty Tam pháp nhận xét, nhưng thuộc viên ứng trực cũng đăng ký ngay những đơn ấy để trình công chính đường lưu chiểu. Nếu Tam pháp ty ỉm đi hay để chậm trễ không xét đơn thì tham hặc.

Tháng tư, năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Vua Minh Mạng đi tuần chơi tỉnh Quảng Nam, đã sai đặt ở trước các sở hành cung tỉnh Quảng Nam mỗi nơi một cái trống Đăng văn, để người dân nào có điều gì oan uổng, cho được đánh trống bày kêu, các đường quan 6 bộ cùng khoa quan đạo đi theo vua, cắt lượt nhau thu nhận đơn, cứ thực tâu lên, để biết hết tình dân. Nhà vua cũng quy định mỗi ban trực một ngày một đêm, đường quan cùng khoa đạo đều cử ra 2 người.

Đến tháng 12 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua lại sai thông dụ cho các trực tỉnh, từ nay phàm các án đã bị quan phủ nêu ra hặc tội, nếu oan uổng thực, cho được ủy người đến kinh thành đánh trống Đăng văn, bày tỏ kêu lên không được viện lệ làm sớ riêng đệ thẳng. Nếu có gửi phong thư kín tự phải viết giấy phát đi, ty bưu truyền cũng không được nhận đệ, trái lệnh thì có tội.

Ngược dòng lịch sử, thời trước, chưa có trống Đăng văn, các triều đình trước đó cũng đều có các biện pháp để người dân thực hiện quyền kêu oan của mình. Đầu tiên, có thể thấy trong "Đại Việt sử ký toàn thư", thời Vua Lý Nhân Tông, năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ tư (1052), nhà vua đã cho đúc một quả chuông lớn đặt ở Long Trì (sân rồng) để ai bị oan ức điều gì được đến đánh chuông tâu lên. Đây chính là hình thức sơ khởi của chiếc trống Đăng văn thời Nguyễn về sau.

Cách làm này cũng được tiếp nối ở thời Lê trung hưng, như vào đời Cảnh Hưng (Vua Lê Hiển Tông), chúa Trịnh Doanh cho đặt chuông, mõ ở cổng phủ đường để người nào thấy mình có tài, muốn tự tiến cử thì đánh chuông và người bị oan ức thì đánh mõ kêu lên. Các khiếu nại phải được ghi thành văn bản và phong kín để chuyển lên phủ chúa xem xét.

Một hình thức khác được vua quan nhà Lý thực hiện khi bắt chước quy chế của nhà Tống bên Trung Quốc. Đó là câu chuyện diễn ra năm Đại Định thứ 19 (1158), Nguyễn Quốc vừa đi sứ ở nước Tống về, dâng thư nói: "Thần sang nước Tống, thấy ở giữa sân vua có một cái hòm bằng đồng để thu các chương tấu của bốn phương, thần xin bắt chước mà làm như thế để bề trên rõ được tình người dưới". Vua y theo, cho đặt cái hòm đồng ở giữa sân, để ai có nói việc gì thì bỏ thư vào trong ấy. Nhưng, trong số thư thu được có thư nặc danh tố cáo viên quyền thần là Thái úy Đỗ Anh Vũ làm loạn. Dù không biết thư của ai nhưng Đỗ Anh Vũ nghi ngờ Nguyễn Quốc, người đưa ra sáng kiến này, khiến Nguyễn Quốc phải uống thuốc độc tự tử.

Việc đặt hòm ở phủ chúa để nhân dân đệ đơn kêu oan cũng được chúa Trịnh Giang thực hiện vào những năm niên hiệu Vĩnh Khánh (đời Lê Đế Duy Phường).

Còn thời Trần, có chuyện đón đường ngăn xa giá nhà vua để kêu oan. "Toàn thư" cho biết, năm Thiệu Bảo thứ 2, đời Trần Nhân Tông (1280), em của Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư kiện nhau với người, tình lý đều trái. Người kia đón xa giá nhà vua để kêu bày. Vua hỏi quan xử kiện, viên quan đó trả lời rằng: "Án xử đã xong nhưng hình quan thoái thác không chịu chuẩn định đó thôi". Nhà vua biết hình quan né tránh Đỗ Khắc Chung vì ông là cận thần, mới sai Chánh chưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao (hoạn quan) kiêm chức kiểm pháp quan để chuẩn định lại sự việc thì thấy rằng Đỗ Thiên Thư quả thực là trái lý. Kể từ đó, nhà Trần cho quan áo xanh (hoạn quan) được làm việc kiểm pháp.

Chép về vụ kiện này, sử thần thời Lê, Ngô Sĩ Liên đã bình luận: "Người kiện có điều oan uổng mà được dễ dàng kêu bày, hình quan để chậm án, không thấy có lời trách hỏi, hoạn quan nội thần lạm cử làm pháp quan, vua làm việc này có 3 lầm lỗi kèm theo nhưng như vậy thì dân tình được thấu lên trên". Tuy nhiên, Ngô Sĩ Liên cũng nhận xét về cách trị nước của vua Trần rằng: "Việc cai trị kẻ dưới thà sai để khoan thứ để cho án kiện đọng lại được xử ngay, cũng thấy được lòng trung hậu của vua".

Nhưng, sang đến thời Nguyễn thì Vua Tự Đức, vào năm thứ 6 (1853), đã cấm tiệt chuyện đón xa giá vua để kêu oan. Đó là khi nhà vua đưa mẫu hậu đi chơi hành cung thành Trấn Hải ở cửa biển Thuận An, vào đầu tháng Giêng, duyệt thủy quân 2 ngày rồi trở về. Trên đường về, có người đón đường kêu kiện, thị vệ bắt ngăn lại. Nhân thế, vua hạ lệnh cho quan dân, ai có tình trạng bị sách nhiễu, bức bách mà khiếu khống không được thì phải đánh trống Đăng văn để tố cáo. Nếu có việc gì quan hệ đến việc quân, việc nước mà khẩn, mật, mới được cúi rạp xuống mà kêu ở mé ngoài nghi trượng; còn ai đón xa giá khi vua đang đi mà kêu thì cấm chỉ.

Ngoài ra, sử sách cũng ghi lại nhiều hình thức thu thập ý kiến của dân chúng và bày tỏ nỗi oan ức khác, như vào năm Ất Tỵ, niên hiệu Bảo Thái (1725 - đời Vua Lê Dụ Tông), chúa Trịnh Cương cho yết bảng ở các lị sở, ngã ba đường để dân chúng phản ánh điều hay dở, thiện ác của các quan trong địa hạt và nỗi oan của mình. Hoặc năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751 - đời Vua Lê Hiển Tông), chúa Trịnh Doanh cho phép nhân dân cả nước được phép viết thư trình bày nỗi oan ức, dán kín dâng lên.

Ở Đàng Trong, từ năm 1788, chúa Nguyễn Ánh cũng cho đặt một hòm ở cửa phủ chúa để ai có oan khuất hay bị người khác hãm hại thì viết đơn trình bày rõ sự việc, ghi rõ họ tên quê quán bỏ vào hòm để tiện tra xét, người nào bỏ thư nặc danh, vu tội cho người khác thì bị trị tội nặng.

Sau khi lên ngôi, ngay năm Gia Long thứ 2 (1803), khi đi chơi Quảng Bình, Quảng Trị, Vua Gia Long đã có cho phép nhân dân ai có sự gì oan khuất thì cho đến hành tại tâu bày, nhà vua sẽ thân tự xét định. Đến năm 1804, theo lời tâu của các quan trấn Bắc Thành, Vua Gia Long cho dựng nhà coi việc ở cửa Nam thành Thăng Long, cứ 5 ngày một lần, họp quan lại để bàn việc, ai có việc gì bị oan ức đã qua 3 nha trấn, phủ, huyện mà chưa được phục tình thì cho đầu đơn để xét cho rõ lý.

Tiếng trống Đăng văn thời Nguyễn được nhắc nhiều nhất đến câu chuyện của bà vợ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, tức bà Nguyễn Thị Tồn, từ Nam Bộ đi thuyền ra kinh thành Phú Xuân kêu oan cho chồng vào năm Tự Đức thứ nhất (1848).

Sau khi Vua Minh Mạng qua đời, các quan bàn việc đặt miếu hiệu cho nhà vua, đã ca ngợi công đức của cố vương, trong đó có đoạn kể những thành tựu về luật pháp: "Đặt công chính đường để sự đau khổ của dân gian được đạt lên, đặt trống Đăng văn để sự oan uổng của kẻ dưới được thấu tới".

Nối tiếp cha, Vua Thiệu Trị sau khi lên ngôi, ngay mùa xuân năm 1842, khi tuần du Bắc thành, cũng quy định rằng phàm vua đi đến đâu đều đặt nhà công chính đường và trống Đăng văn, thu nhận các đơn kêu, để cho tình dân được đạt lên, oan uổng được xét rõ.

Lê Tiên Long

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文