Ngày nhân loại hồi sinh

21:19 24/01/2022

Tất cả những ngày đầu năm mới đã từng diễn ra trong lịch sử nhân loại, có lẽ không ngày nào mang tầm vóc của một dấu mốc đáng nhớ như ngày 1-1-1942. Tròn 80 năm ngày Tuyên ngôn Liên hợp quốc (Declaration by United Nations) ra đời, giữa bom đạn Đại chiến thế giới lần thứ hai, trong thời điểm mà chính tổ chức ấy cũng còn chưa xác lập được rõ hình hài. Mặc dù vậy, đó vẫn là điểm khởi đầu của một sự hồi sinh.

Chiến thư

Thực chất, Tuyên ngôn Liên hợp quốc ngày 1-1-1942 không phải là một bản tuyên bố hòa bình. Ngược lại, tuyên bố chung ấy thể hiện lòng quyết tâm chiến đấu, đẩy lùi và tiêu diệt chủ nghĩa phát xít quốc tế - "bóng ma" khi đó vẫn còn đang "hoành hành" khắp thế giới, từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương.

"…Tin chắc rằng chiến thắng hoàn toàn trước kẻ thù là điều cần thiết để bảo vệ cuộc sống, quyền tự do, độc lập và tự do tôn giáo, cũng như bảo vệ nhân quyền và công lý ở đất nước của họ cũng như ở các vùng đất khác, và rằng họ đang tham gia vào một cuộc đấu tranh chung chống lại các lực lượng dã man và tàn bạo đang tìm cách khuất phục thế giới

(Các chính phủ) Tuyên bố:

(1) Mỗi Chính phủ cam kết sử dụng toàn bộ nguồn lực của mình, cả về quân sự hoặc kinh tế, chống lại các thành viên của Hiệp ước Ba bên và đồng minh hay chư hầu đang tham gia vào cuộc chiến.

(2) Mỗi Chính phủ cam kết hợp tác với các Chính phủ ký kết theo Tuyên ngôn này và không thực hiện một hiệp định đình chiến hoặc hòa bình riêng rẽ với kẻ thù.

Tuyên bố trên có thể được các quốc gia khác tuân theo, hoặc thể hiện sự hỗ trợ và đóng góp vật chất trong cuộc đấu tranh giành chiến thắng trước Chủ nghĩa Hitler (Hitlerism)".

Đại diện của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký vào văn bản này, như một lời tuyên chiến chung, như sự xác nhận việc thành lập một mặt trận thống nhất chống lại các cường quốc phe Trục (Axis Powers - Đức Quốc xã, Ý và Nhật Bản), và như một cam kết tối thượng nhằm bảo vệ lương tri nhân loại.

Một mặt trận thống nhất chống phát xít, cũng là một dấu mốc thay đổi lớn.

Điều không thể khác

Nói một cách chính xác, Tuyên ngôn Liên hợp quốc thoát thai từ những đòi hỏi cấp thiết từ thực tế.

Vào thời điểm đó, Đại chiến Thế giới lần thứ hai vẫn còn đang diễn ra vô cùng khốc liệt, và chưa ai dám khẳng định rằng phe Trục đã bị đẩy lùi sang thế thua. Nhận định đó chỉ có thể được đưa ra sau những khoảng lùi cần thiết sau này, để chiêm nghiệm rõ ràng và thấu đáo hơn về các biến thiên của lịch sử.

Còn vào ngày 1-1-1942 ấy, cho dù đã bắt đầu bị đánh bật khỏi ngoại vi Moskva, cũng như để tuột thế chủ động tại Mặt trận phía Đông, cũng như không còn duy trì được mạch toàn thắng, sức mạnh quân sự của nước Đức Quốc xã vẫn còn vô cùng đáng sợ (đặc biệt là với mệnh lệnh: "Không được lùi một bước nào!" của Adolf Hitler).

Trong khi đó, cuộc tập kích Trân Châu Cảng của Hải quân Nhật Bản đã mở màn Mặt trận Thái Bình Dương, kéo nước Mỹ vào cuộc chiến, trong khi quân đội Nhật Bản vẫn đang khống chế toàn bộ các khu vực "trọng địa" ở duyên hải Đông - Đông Nam Á. Về tầm ảnh hưởng của sự kiện này, ta có thể tham chiếu những phản ứng từ chính nước Đức, khi họ theo chân Nhật Bản tuyên chiến với Mỹ.

Bất chấp việc phải đối đầu với ba cường quốc công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới (Liên Xô, Mỹ, Anh), tâm trạng chung ở Berlin vẫn là khá lạc quan. Thủy sư đô đốc Raeder thậm chí còn hòa giọng với Hitler, trấn an binh sĩ, tướng lĩnh và công dân Đức, rằng "Tình hình trên Đại Tây Dương sẽ bớt căng thẳng, nhờ sự can thiệp thành công của Nhật Bản (ở Thái Bình Dương)".

Ông ta phân tích thêm: "Trong vài tháng tới, Mỹ sẽ tập trung tất cả sức mạnh ở Thái Bình Dương. Còn nước Anh, sau khi đã mất vài tàu hạng nặng, họ sẽ không thể mạo hiểm tấn công". Điều Reader nhắc tới, là chuyện ngày 20-12-1941, máy bay Nhật Bản đánh chìm hai thiết giáp hạm của Anh ngoài khơi Malaya (Malyasia hiện đại). Chiến công này giúp hải quân Nhật Bản hoàn toàn chiếm ưu thế ở cả Biển Đông, Ấn Độ Dương lẫn Tây Thái Bình Dương, và khiến Thủ tướng Anh Winston Churchill phải cay đắng thốt lên: "Tôi chưa bao giờ phải nhận cú sốc nào như thế này!".

Bối cảnh ấy đặt ra cho phe Đồng Minh một câu hỏi: Liệu họ có đủ sự kiên định và lòng can trường để đi đến tận cùng cuộc chiến này không, trước sự "hùng hổ" cũng như các cố gắng lung lạc từ phe Trục?

Và bởi vậy, ngày 22-12-1941, Churchill đến Washington, D.C. để tham dự Hội nghị Arcadia, và nhằm thảo luận với Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt về một chiến lược chiến tranh thống nhất giữa Anh và Mỹ. Tại đó, sau những cuộc bàn thảo, hai vị nguyên thủ đã không chỉ kiến tạo một bộ tổng tham mưu nhằm phối hợp chiến lược quân sự chống lại cả Đức và Nhật, cũng như phác thảo kế hoạch phối hợp chiến đấu ở châu Âu lục địa, mà còn đề cập đến vấn đề xây dựng một nền hòa bình tương lai. Như thế, một cách gián tiếp, họ kín đáo thể hiện niềm tin tất thắng trước chủ nghĩa phát-xít quốc tế.

Một poster cổ động năm 1943, trong đó danh xưng Liên hợp quốc (United Nations) được dùng chính thức.

Vĩnh biệt Hội Quốc Liên

Vượt qua ý nghĩa quân sự thuần túy, cuối cùng, Hội nghị Arcadia với Tuyên ngôn Liên hợp quốc lại đóng một vai trò lớn lao hơn nhiều, trên tiến trình phát triển của loài người.

Dẫn đầu bởi Mỹ, Anh và Liên Xô, các bên ký kết đã đồng ý sử dụng tất cả các nguồn lực có sẵn để đánh bại các thế lực thuộc phe Trục. Các chính quyền quốc gia và vùng lãnh thổ đồng ý rằng không một bên nào theo đuổi hòa bình riêng lẻ với Đức, Ý hoặc Nhật, mà chắc chắn sẽ hành động nhất quán với nhau, vì thắng lợi cuối cùng. Đây là lời hứa hẹn với Hồng quân Liên Xô đang chiến đấu vô cùng dũng cảm ở Mặt trận phía Đông, rằng họ sẽ không lẻ loi, rằng sẽ có những mặt trận khác được mở, và rằng mọi bất đồng cũng như hiềm khích trong quá khứ đều được xếp lại, vì mục tiêu cuối cùng là chiến thắng kẻ thù chung.

Song, hơn thế, họ còn cam kết sẽ theo đuổi việc thành lập một tổ chức gìn giữ hòa bình quốc tế trong tương lai, nhằm bảo đảm "cuộc sống, tự do, độc lập quốc gia, tự do tôn giáo, bảo vệ quyền con người và công lý". Đó là những nhiệm vụ đã được trông cậy ở một tổ chức toàn cầu, một thiết chế quyền lực quốc tế khác - Hội Quốc Liên (Nations League), trong quãng thời gian sau Đệ nhất Thế chiến.

Tuy nhiên, Hội Quốc Liên đã không chứng tỏ được bất cứ sự "hữu dụng" nào nhằm ngăn chặn Đệ nhị Thế chiến bùng nổ. Từ việc nước Đức Quốc xã tái vũ trang, đến chuyện đoàn quân ấy tiến vào Hành lang sông Rhine, qua những cuộc sáp nhập Áo, chia xẻ và thôn tính Tiệp Khắc rồi tấn công Ba Lan…, Hội Quốc Liên chỉ ở đó để "làm vì", khi quá thiếu các chế tài cũng như ý chí chính trị cần thiết.

 Và vào ngày 1-1-1942, Hội Quốc Liên chính thức bị khai tử, để thay thế bằng khái niệm mới "Liên hợp quốc" - cho dù khi ấy, "Liên hợp quốc" cũng chính là "phe Đồng Minh".

80 năm sau, Liên hợp quốc cũng đang đối diện những đòi hỏi cải tổ và thay đổi quyết liệt từ thực tế, trước những thách thức mỗi lúc một ngặt nghèo hơn dành cho sự tồn vong chung của nhân loại. Song, ở điểm khởi đầu năm 1942 đó, tôn chỉ mà Tuyên ngôn Liên hợp quốc thể hiện vẫn vô cùng đáng trân trọng. Đó chính là lòng tin tưởng vào những quyền cơ bản, sự bình đẳng giữa các quốc gia hay nhân phẩm và giá trị của con người…

"26 quốc gia và vùng lãnh thổ cử đại diện ký Tuyên ngôn Liên hợp quốc 1-1-1942 bao gồm: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết, Trung Hoa Dân Quốc, Úc, Canada, Tiệp Khắc (Czechoslovakia), Costa Rica, Cuba, Dominican, El Salvador, Ấn Độ, Hy Lạp, Guatemala, Haiti, Honduras, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Nicaragua, Na Uy, Panama, Ba Lan, Nam Tư (Yugoslavia), Nam Phi, Bỉ.  Trong số này, có cả chính phủ của những quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn còn đang bị phe Trục chiếm đóng, và không ít những nơi chưa được trao trả độc lập.

"Ngay sau khi Đại chiến Thế giới lần thứ hai kết thúc, có thêm 21 quốc gia và vùng lãnh thổ tuyên bố gia nhập Tuyên ngôn Liên hợp quốc, bao gồm Pháp, toàn bộ châu Mỹ Latin (trừ Argentina), các nước Trung Đông và châu Phi…Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số chính quyền (phe Trục hoặc có mối liên hệ mật thiết với phe Trục trong chiến tranh) không được chấp thuận cho tham dự Tuyên ngôn này. 

Thiên Thư

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文