Những phát hiện "lần đầu tiên" ở cụm di chỉ Vườn Chuối

08:17 30/10/2024

Cuối tháng 3/2024, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội và Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp thực hiện công tác khai quật hiện trường cụm di chỉ Vườn Chuối thuộc thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) với diện tích 6.000 mét vuông.

Trên cơ sở những dấu tích xuất lộ, di vật được thu thập đã tiếp tục có những phát hiện đầy bất ngờ về giá trị lịch sử, văn hóa, nhân chủng học…, đem lại nhiều kết quả và tư liệu mới cho công tác nghiên cứu lịch sử, khảo cổ thời tiền sơ sử ở Hà Nội và khu vực.

Phát hiện những di tích lần đầu tiên được biết đến

Mới đây nhóm khai quật đã công bố kết quả sơ bộ hiện trường khảo cổ, theo đó cho biết đã phát hiện những dấu vết và chứng cứ đặc sắc trực tiếp góp thêm những nhận thức mới, quan trọng về quá trình cư trú, thay đổi, cải tạo và mở rộng địa bàn sinh sống của người Việt cổ trong suốt gần 2.000 năm.

Khu vực khai quật di chỉ Vườn Chuối rộng 6.000 mét vuông.

 Khu vực khai quật thành 60 hố, mỗi hố có diện tích 100m2 được mở theo dạng ô bàn cờ trên toàn bộ khu vực phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Theo TS Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học), người chủ trì khai quật, ngoài các di tích liên quan đến quá trình cư trú và mộ táng của cư dân Vườn Chuối được phát hiện trong những đợt khai quật trước đây, đợt khai quật này trên một diện tích rộng đã phát hiện những di tích lần đầu tiên được biết đến khi nghiên cứu về thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam. Đó là mặt bằng cư trú giai đoạn tiền Đông Sơn, các khu mộ táng tiền Đông Sơn, khu mộ táng văn hóa Đông Sơn từ sớm đến muộn; dấu tích gia cố mặt bằng sinh sống thời Đông Sơn; dấu vết hố cột của các kiến trúc dạng nhà dài thời Đông Sơn và một số dấu tích của thời hậu Đông Sơn.

Đối với các khu mộ táng, theo TS Nguyễn Ngọc Quý, những đợt khai quật từ trước đến nay đều khẳng định Vườn Chuối là khu di tích cư trú - mộ táng, trong đó mộ táng chủ yếu thuộc văn hóa Đông Sơn. Còn kết quả sơ bộ của đợt khai quật lần này ghi nhận mộ táng ở Vườn Chuối thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn muộn. Mộ táng tiền Đông Sơn đã phát hiện 70 ngôi mộ, có thể thuộc 2 giai đoạn: Khu mộ Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm được phân bố chủ yếu ở góc Tây Bắc của di tích cư trú hình lòng chảo. Những ngôi mộ phân bố khá quy củ.

Mặc dù khó xác định huyệt mộ nhưng dựa vào vị trí của di cốt vẫn có thể nhận diện mức độ toàn vẹn hay phá hủy của mộ. Người chết được chôn trong tư thế nằm thẳng đầu theo hướng đông bắc. Người trưởng thành có tục nhổ răng cửa. Nhiều mộ có chôn theo đồ tùy táng: Vòng đá đeo ở bắp tay và cổ tay. Một số trường hợp vòng tay tùy táng được đặt vào vị trí tay trước khi chôn. Một số mộ chôn theo hàm lợn và thường đặt ở dưới chân. Đồ gốm tùy táng thường đặt dưới chân. 

Về khu mộ Đồng Đậu - Gò Mun thì mộ giai đoạn này cũng được chôn trong khu vực mộ Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm. Nhiều mộ có hiện tượng cắt phá nhau. Về cơ bản táng thức của mộ Đồng Đậu - Gò Mun vẫn giống như giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm: Người chết được đặt nằm thẳng, đồ tùy táng có đồ gốm, đồ đá (chủ yếu là vòng tay), vẫn có hiện tượng chôn theo hàm lợn. Gốm tùy táng đặt dưới chân. Điểm khác biệt so với giai đoạn trước, đó là đầu người chết quay về hướng đông. Trên thực tế hướng của người chết phụ thuộc vào hướng của sườn các gò nhỏ theo nguyên tắc đầu đặt trên cao, chân ở thấp hơn. Điểm khác biệt quan trọng khác là không còn thấy dấu hiệu của tục nhổ răng cửa.

Đối với khu mộ táng Đông Sơn thì đến nay đã phát hiện hơn 40 mộ chia thành 2 giai đoạn. Mộ Đông Sơn sớm phân bố tập trung ở khu vực từ giữa gò đến phía Nam gò Vườn Chuối. Mộ được chôn khá sâu khoảng 1,5m bên dưới mặt đất, huyệt mộ đào sâu vào sinh thổ. Những ngôi mộ giai đoạn Đông Sơn sớm này tiếp tục có những đặc điểm như mộ Đồng Đậu - Gò Mun, người chết được chôn trong tư thế nằm thẳng, không có hướng cố định, nhiều mộ chôn theo đồ tùy táng bằng đá, đồ  gốm và đồ đồng. Tục đặt xương hàm lợn ở dưới chân vẫn thấy ở một số mộ.

Đa số mộ không xác định được quan tài ngoài phát hiện 1 mộ có di cốt được phủ vải vỏ cây trước khi chôn. Mộ Đông Sơn thường chôn theo nhiều đồ tùy táng bằng đồng có giá trị nên khu mộ này bị đào trộm rất nhiều trong những năm trước. Mộ Đông Sơn muộn phân bố rải rác ở toàn bộ khu vực di chỉ Vườn Chuối, độ sâu phát hiện chủ yếu ở khoảng 0,5m bên dưới mặt đất. Đa số mộ di cốt đã bị phân hủy mục nát chỉ còn vết tích. Đồ tùy táng gồm các đồ gốm Đông Sơn giai đoạn muộn, đồ gốm in ô vuông phong cách Hán, tiền Ngũ Thù…

Trong đợt khai quật này, di tích kiến trúc dạng nhà ở được phát hiện gồm nền đất đắp bằng sét vàng và các hố chân cột phân bố thẳng hàng theo quy luật tạo thành 2 đơn nguyên kiến trúc hai hàng cột. Đây là kiến trúc gồm có 2 hàng cột theo hướng Tây Bắc - Đông Nam dài 22,4m, rộng 2,8m; các hố chân cột xuất lộ từ mặt bằng trên một nền đất sét màu nâu vàng được đào sâu xuống lớp văn hóa Đồng Đậu.

Về mặt quy mô thì đơn nguyên kiến trúc thứ hai có kích thước lớn hơn đơn nguyên kiến trúc thứ nhất nhưng về hình dáng đều là một dạng kiến trúc nhà dài. Nghiên cứu nhận diện di tích dựa trên mặt bằng xuất hiện ở hiện trường bước đầu xác định các di tích kiến trúc này có thể thuộc giai đoạn Đông Sơn. Bên cạnh hai đơn nguyên kiến trúc hai hàng cột này những hố kiểu hố cột nhà cũng được nhận diện ở nhiều hố khai quật. Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện nhiều dấu tích bếp lửa, lò đúc, nấu đồng, hố đất đen nhiều kích cỡ, và một số di tích sinh hoạt khác.

Các di tích trên có đặc điểm và loại hình tương tự những di tích cùng loại đã được phát hiện qua các đợt khai quật trước đây. Tính đến nay, đợt khai quật đã thu được nhiều di vật thuộc các nhóm chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, xương, sắt… thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn đến Đông Sơn muộn. Trong số này, đồ gốm vụn có số lượng nhiều nhất, với khoảng trên 10 tấn gốm đã thu về lưu trữ trong kho tạm và còn nhiều cụm gốm tùy táng vẫn đang được lưu giữ tại hiện trường.

Nhóm khai quật khảo cổ lần này cho biết, kết quả thu được qua đợt khai quật tiếp tục bổ sung tư liệu khẳng định về giá trị lịch sử văn hóa quan trọng của di chỉ Vườn Chuối trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam. Địa điểm Vườn Chuối là di chỉ cư trú - mộ táng phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn. Địa tầng di chỉ Vườn Chuối tồn tại nhiều lớp văn hóa trải qua các giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và hậu Đông Sơn. Do đặc điểm cư trú ở các giai đoạn khác nhau từ sớm đến muộn có sự chuyển dịch từ phía Bắc xuống phía Nam nên sự phân bố địa tầng văn hóa ở mỗi giai đoạn văn hóa cũng có sự chuyển dịch tương ứng.

Mộ táng phát hiện tại di chỉ Vườn Chuối.

Có thêm cơ sở cho việc nghiên cứu Nhân chủng học

"Có thể nói Vườn Chuối là một ngôi làng Việt cổ đã được con người thời đại Kim khí khai phá, làm chủ một cách lâu dài trên 2000 năm, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn. Những kết quả nghiên cứu từ đây đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người từ rất sớm trên địa bàn Hà Nội. Hơn nữa còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử, khẳng định thời đại Hùng Vương dựng nước trong lịch sử dân tộc không hề là truyền thuyết", TS Nguyễn Ngọc Quý nhận định.

Cũng theo TS Quý, cuộc khai quật Vườn Chuối lần này đã phát hiện mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn. Đây là phát hiện rất quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam. Phát hiện này giúp chúng ta có những hiểu biết rõ hơn về cách thức xử lý các không gian cư trú nhằm ứng phó với những hiểm nguy từ môi trường tự nhiên cũng như xã hội cổ đại. Đồng thời, việc xây dựng công trình quy mô như trên cũng phần nào phản ánh về một xã hội có tổ chức và phân công lao động ở trình độ khá cao.

Một phát hiện quan trọng khác là về khu mộ táng có niên đại kéo dài từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến giai đoạn muộn của văn hoá Đông Sơn. Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

Cũng trong cuộc khai quật này, những dấu tích vật chất của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn lần đầu được tìm thấy tại Vườn Chuối. Bước đầu nhận diện khả năng người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài kiểu như những ngôi nhà dài của một số tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên vẫn còn sử dụng cho đến gần đây. Phát hiện này mở ra triển vọng mới về việc tìm hiểu kiến trúc nhà ở thường nhật trong một ngôi làng Việt cổ thời Đông Sơn, cũng như cách thức bố trí không gian cư trú trong làng…

Nguyễn Thanh Sương

Việc đưa môn Hà Nội học vào dạy tại các trường ở Thủ đô là cần thiết. Điều này giúp cho học sinh hiểu hơn về vùng đất, con người Hà Nội, phát huy các giá trị vốn có của mảnh đất ngàn năm văn hiến, từ đó tăng thêm lòng tự hào, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ để xây dựng Thủ đô tương xứng với vị thế vốn có.

Đại diện của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) nhấn mạnh rằng việc Moscow có tương tác quân sự với Bình Nhưỡng không vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời, gọi các báo cáo rằng quân đội Triều Tiên có mặt ở tuyến đầu trong cuộc chiến với Ukraine là “lời nói dối trắng trợn”.

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục triệt phá các sự vụ liên quan đến "khí cười", "bóng cười" (khí N2O). Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh "bóng cười" trái phép tại quán bar, cà phê và nhà hàng vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng rất lớn tới người dùng đặc biệt là giới trẻ.

Nguồn tin PV Báo CAND cho biết, không chỉ khám xét tại tỉnh Thừa Thiên Huế; cùng ngày Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động Bộ Công an cũng đã tổ chức khám xét một số địa điểm có liên quan ở tỉnh Bình Định, TP Hồ Chí Minh…

Thủ đô Hà Nội cùng với các tỉnh thành ở miền Bắc hôm nay được dự báo có sương mù vào sáng sớm, ngày nắng hanh, vùng núi cao có nơi rét dưới 18 độ C. Tại miền Trung vẫn có mưa nhiều nơi.

Những con người bình thường không ai biết đến, chẳng có học hàm, học vị, chuyên môn thực tế, bỗng một ngày khoác tấm áo blouse trắng chễm chệ bắt bệnh, kê đơn bốc thuốc. Nạn bác sĩ “ma” đã hoành hành, gây ra hệ lụy tiềm tàng với sức khỏe người bệnh, trở thành nỗi nhức nhối cho xã hội…

Cuối tháng 3/2024, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội và Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp thực hiện công tác khai quật hiện trường cụm di chỉ Vườn Chuối thuộc thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) với diện tích 6.000 mét vuông.

Ngụy trang ma túy trong các hộp sữa rồi vận chuyển từ châu Âu về Việt Nam qua đường hàng không, Nguyễn Văn Ba bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội, Cục Hải quan TP Hà Nội và Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bắt quả tang, thu giữ 9,3 kg ketamin.

Ca ghép tim cho bệnh nhân T. là ca ghép tim thứ 13 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công. Với ca ghép tim này, Bệnh viện Trung ương Huế xác lập kỷ lục mới về ghép tim xuyên Việt khi thời gian đưa quả tim vào lồng ngực người nhận đến lúc tim đập trở lại chỉ mất hơn 50 phút.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm phương án giải quyết tốt nhất trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các sai phạm của trường theo quy định.

Ngày 30/10, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết vừa cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát hiện, bắt giữ thêm một vụ nhập lậu hơn 300 viên kim cương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文