Sự nhiệm màu đến từ đâu?
Chị Hoàng Thanh Thủy (NXB Kim Đồng) ngồi uống cà phê với tôi trong một ngày đầu năm, chia sẻ về những trải nghiệm của chị trong năm cũ. Chị bảo, một trong những “trải nghiệm” nhớ mãi chính là việc vào một ngày nọ, chị bất thình lình phát hiện ra mình không thể ngửi được bất cứ mùi vị nào. Chị bị nhiễm COVID-19, và một trong những triệu chứng đặc trưng nhất của căn bệnh này chính là “mất khứu giác”.
Thoạt tiên chị hy vọng đó chỉ là một mất mát thoáng qua, nhưng rồi từng ngày trôi qua, từng thí nghiệm được thực hiện, trong đó có thí nghiệm về việc đưa cả một lọ dầu gió vào sát mũi (mà chẳng thấy bất cứ khác biệt nào so với trước) thì chị buộc phải chấp nhận một sự thật: mình đã bị mất mùi toàn diện! Liệu có mất lâu dài? Mất mãi mãi không? Cùng với những câu hỏi đó, một nỗi lo âu xuất hiện trong lòng chị.
“Nỗi lo ấy lớn hơn tất cả những nỗi lo khác mà COVID-19 gây ra”, chị bảo. Và trong nỗi lo nhói lòng, chị chợt nhớ tới những ngày lang thang ở thủ đô Paris nước Pháp, nơi mà “mùi nước hoa của những cô gái trên đường phố cứ hòa quện vào nhau, tạo nên một đặc trưng Paris không lẫn đi đâu được”. Rồi chị nhớ tới những khu phố Ấn Độ ở nhiều quốc gia mà chị từng đi qua, nơi mà “cánh cửa taxi chỉ vừa mở, mình chỉ vừa đặt bước chân đầu tiên xuống là đã thấy rõ “một mùi cà ri cay nồng”.
Chị bảo, mỗi nền văn hóa dường như đều có một mùi vị đặc trưng. Nếu mình mất mùi vĩnh viễn thì cũng đồng nghĩa với việc mất đi một “ăng – ten văn hóa”, mất đi một công cụ quan trọng để thẩm thấu những giá trị văn hóa mà mình yêu mến. Trong cuộc đời mình, chưa bao giờ chị nghĩ lại có lúc lại phải đối diện với “nỗi đau mất mùi” như trong hoàn cảnh này.
Kể từ hôm đó ngày nào chị cũng đưa một lọ dầu gió lên mũi để xem mình đã dần dần lấy lại khứu giác hay chưa. Chị nhớ lại: “Mỗi một lần như thế là một lần thất vọng, vì lọ dầu gió và khứu giác mình giống như hai thế giới xa lạ, chẳng có bất cứ điểm liên quan nào. Cuối cùng tôi chán tới mức không còn đưa lọ dầu gió lên ngửi nữa…”.
Ấy thế mà vào một ngày, khi chị đang bóc một quả quýt thì đột nhiên lại ngửi thấy… mùi quýt thơm. Trời ạ, thơm nức mũi là đây. Thiên đường là đây. Sự nhiệm màu là đây. Ngửi thấy mùi thơm thơm cay cay của một quả quýt mà chị sung sướng như thể vừa được tắm trong suối nhiệm màu. “Thật đấy! Lúc đấy thấy sung sướng, kỳ diệu lắm. Bây giờ kể lại, vẫn còn nguyên cảm giác lâng lâng”. Rồi chị nói thêm, trước khi bị COVID-19, một mùi quýt bay qua nào có để lại cảm giác ghê gớm gì. Nó tất yếu, bình thường thôi mà. Nhưng sau khi trải qua nhiều ngày “mất mùi toàn diện”, sống với nỗi lo “có thể mất mùi mãi mãi” thì lúc này chỉ là một mùi quýt thôi cũng thấy cuộc sống nhiệm màu biết bao.
Tôi nghĩ mãi về hai chữ “nhiệm màu” mà chị nói đến. Trong đời sống của chúng ta, sự nhiệm màu đến từ đâu?
Hồi mới lớn, tôi từng nghĩ tất cả những gì thuộc về phạm trù nhiệm màu đều lóng lánh, phi thường lắm. Nó tựa như câu chuyện đẹp hơn cả một giấc mơ trong truyện ngắn “Lẵng quả thông” của Pautopxki thuở trước. Chuyện kể về cô bé Đanhi, là con của một người gác rừng. Một hôm, vào rừng dạo chơi, Đanhi vô tình gặp một ông lão và sau vài câu chuyện, ông lão hứa sẽ tặng cô một món quà. Nhưng khi hai ông cháu chia tay nhau thì chẳng có món quà nào được trao. Cô gái cũng chẳng thắc mắc gì, và câu chuyện cứ thế trôi đi cùng năm tháng. Đến năm 18 tuổi, Đanhi được gia đình một người bác đưa đi nghe hòa nhạc. Và trước khi bản nhạc đầu tiên vang lên thì nhạc công thông báo: “Chúng tôi sẽ trình bày tới quý vị một khúc nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Eđua Grgigơ, sáng tác tặng cô Đanhi nhân dịp cô 18 tuổi”. Nghe lời giới thiệu bất ngờ ấy, Đanhi bất thần nhớ lại ông lão mà mình gặp trong rừng, với lới hứa “sẽ tặng cháu một món quà” năm xưa. Ồ! Hóa ra món quà đó có thật. Nó đẹp quá và kỳ diệu quá. Nó tưới vào tâm hồn trong trẻo của một cô gái mười tám những hòa âm sóng sánh nhiệm màu.
Đó, hồi mới lớn tôi từng nghĩ rằng sự nhiệm màu phải nằm trong những quĩ đạo phi thường như thế. Và tôi cũng đi kiếm tìm những cái phi thường, theo cách của riêng mình. Cuộc tìm kiếm ấy có thành công không? Có! Tôi đã bắt gặp những tín điều mà tôi cho là phi thường. Và tôi vẫn cất giữ nó ở một góc nhỏ khuất lấp nào đó bên trong con người mình. Tuy nhiên càng sống, càng trải nghiệm tôi lại càng nhận ra một con đường nhiệm màu thứ hai, một con đường hiện hữu trong những va đập đời thường nhất.
Khi chúng ta ăn, đấy có phải là một sự nhiệm màu không?
Khi chúng ta uống, đấy có phải là một sự nhiệm màu không?
Khi chúng ta còn đủ năng lực để nhìn, để nghe, để ngửi, để nếm tất thảy những hương vị của đời sống, đấy có phải là một sự nhiệm màu không?
Không! Có thể bạn sẽ trả lời như vậy. Bởi bạn cho rằng tất cả những hành động/hành vi/cảm nhận đó đều là những thứ tất yếu của một con người bình thường, trong một đời sống bình thường. Mà đã bình thường thì không thể chạm vào biên giới của sự nhiệm màu. Bạn có lý. Rất có lý. Chính tôi cũng từng tin vào cái lý ấy, cho đến một ngày tôi gặp một vị thiền sư, và vị thiền sư ấy chỉ cho tôi biết thế nào là sự nhiệm màu của ngay cả một miếng ăn. Vị thiền sư ấy bảo nếu chúng ta đưa những miếng cơm vào miệng, và chỉ coi nó như một nguồn thực phẩm duy trì quá trình sinh hóa bên trong cơ thể thì đúng là chẳng có một sự nhiệm màu nào hết. Nhưng nếu chúng ta đủ tĩnh lặng để ngậm và cảm nhận độ ngọt của chỉ một hạt cơm thì câu chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Đã bao giờ bạn thử ngậm chỉ một hạt cơm và cảm nhận vị ngọt của hạt cơm ấy hay chưa? Đằng sau vị ngọt ấy là gì, bạn biết không? Vị thiền sư nói cho tôi biết, những chất dinh dưỡng trong lòng đất cùng với mây mưa nắng gió đã giúp từng cây lúa lớn lên, và từ những cây lúa đó, chúng ta làm ra thóc, gạo, và từng hạt cơm nuôi sống cơ thể mình. Vậy thì hãy nghĩ sâu thêm một chút: trong thẳm sâu của những chất dinh dưỡng trong lòng đất kia chứa đựng những gì? Nó chứa đựng biết bao biến động thăng trầm của thời gian. Nó chứa đựng thân xác của không biết bao nhiêu loài côn trùng, muông thú. Nó còn chứa đựng không biết bao nhiêu xương cốt của không biết bao nhiêu lớp người. Trong những lớp người ấy, biết đâu lại chẳng có xương cốt của chính chúng ta, trong một tiền kiếp nào đó của ta? Thành thử một hạt cơm là sản phẩm được nuôi nấng và tích tụ của không biết bao nhiêu yếu tố trong vũ trụ. Nếu đủ chiều sâu tĩnh lặng, khi ngậm một hạt cơm trong miệng, ta hẳn sẽ thấy nó không chỉ là một quá trình sinh học để nuôi một cơ thể, mà sẽ phải là quá trình một cơ thể chạm vào linh hồn vũ trụ.
Sự màu nhiệm nằm ở đấy. Nằm ở cách mà chúng ta tư duy, chiêm nghiệm, và lắng lòng cảm thấu về tất cả những chiều kích mà những điều giản dị nhất có thể tạo ra. “Hãy rửa một cái chén như đang tắm cho một vị phật” – một thiền sư Nhật Bản nói mà như trao cho chúng ta một chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa của sự nhiệm màu.
Chị Thanh Thủy, người tôi nhắc đến ở đầu bài viết nhận ra sự nhiệm màu của khứu giác sau những quãng ngày mất khứu giác. Ai đó có thể nhận ra sự nhiệm màu của thính giác sau những quãng ngày mất thính giác. Ai đó khác có thể nhận ra sự nhiệm màu của thị giác sau những quãng ngày mất thị giác. Những mất mát (không ai muốn xảy ra) sau đó lại điều chỉnh chúng ta, giúp chúng ta nhận ra những giá trị kỳ diệu ngay trong những thứ mà trước đó chúng ta cứ nghĩ là hết sức bình thường. Nhưng ngay cả khi không trải qua mất mát, nếu đủ tĩnh tại để đối thoại với chính con người bên trong của mình, và nhìn sâu, đối thoại với những khối vật chất ngoài mình, từ một miếng cơm đến một ngụm nước, từ một chiếc lá đến một cánh hoa…, chắc chắn chúng ta sẽ khám phá ra một thế giới màu nhiệm vô cùng.
Thấy được thế giới đó, chúng ta sẽ yêu và sẽ thành thật với những gì mình đang có nhiều hơn!