Thảm sát Armenia: Cột mốc ghê rợn xây trên hận thù

09:57 03/05/2022

Sáng ngày 24/4/1915, 250 nhân sĩ trí thức người gốc Armenia tại Istanbul bị chính quyền đế chế Ottoman vây bắt, và ra lệnh trục xuất. Đó là điểm khởi đầu của một tiến trình khủng khiếp – cuộc diệt chủng Armenia, vốn được giới nghiên cứu lịch sử quốc tế xem là cuộc thảm sát quy mô lớn đầu tiên trong thế kỷ XX. Hay nói cách khác, là tiền đề của những cuộc thảm sát mà chế độ Đức Quốc xã thực hiện trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Núi xương sông máu

Vô vàn hình ảnh vẫn còn lưu lại trong các kho lưu trữ, các thư viện và thậm chí trên internet, về cuộc thanh lọc sắc tộc tàn khốc này, để bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy. Chỉ cần đơn giản gõ cụm từ khóa “The Armenian genocide” vào ô tìm kiếm, hàng chục kết quả sẽ xuất hiện, với hàng trăm tấm ảnh ghê rợn, đến mức độ việc tái đăng tải chúng cũng có thể làm chúng ta rùng mình, vì bất nhẫn.

Một cách ngắn gọn, trang Holocaust Encyclopedia (Bách khoa toàn thư Diệt chủng - https://encyclopedia.ushmm.org) mô tả: “Các nạn nhân của cuộc diệt chủng Armenia bao gồm những người bị giết trong các cuộc thảm sát địa phương bắt đầu vào mùa xuân năm 1915; những người khác chết trong thời gian bị trục xuất, trong điều kiện đói, mất nước, phơi nhiễm và bệnh tật; và những người Armenia đã chết trong hoặc trên đường di chuyển đến các vùng sa mạc phía nam Đế quốc (Ottoman) – tức là miền bắc và miền đông Syria, miền bắc Saudi Arabia và Iraq hiện đại. Ngoài ra, hàng chục nghìn trẻ em Armenia đã bị buộc rời khỏi gia đình và cải sang đạo Hồi”.

Theo Britanica: “Vào đầu thế kỷ 20, có khoảng 2,5 triệu người Armenia sống trong đế chế Ottoman, phần lớn tập trung ở sáu tỉnh miền Đông khu vực Anatolia. Một số lượng đáng kể người Armenia khác cũng sống bên ngoài biên giới phía đông của đế chế Ottoman, trên lãnh thổ do Nga nắm giữ. Ở Đông Anatolia, người Armenia sống xen kẽ với những người Kurd du mục thống trị. Người Armenia không chiếm đa số ở bất kỳ vùng nào mà họ sinh sống, mặc dù họ thường cư trú trong các làng và khu phố thuần nhất trong các thị trấn và thành phố”.

Nhưng vậy thì, vì sao người Armenia lại phải chịu đựng và trải qua cơn tai ách đó? Để rồi sau những đợt thảm sát còn kéo dài âm ỉ đến tận sau Đại chiến Thế giới thứ nhất, những dấu tích nghìn năm của dân tộc Armenia ở Tiểu Á đã gần như bị xóa sổ hoàn toàn? Và người Armenia, theo nhiều cách, phải tề tựu ở một quê hương mới – Nước cộng hòa Armenia, một trong 5 nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ (nay đã độc lập)?

Một cuộc thanh lọc ghê rợn.

Tôn giáo, sắc tộc, và nhất là lợi ích

Câu trả lời hoàn toàn không có gì bất ngờ. Cũng như mọi cuộc xung đột khác, nguyên nhân cốt lõi của nó là mâu thuẫn về lợi ích. Mâu thuẫn này được gia tăng bởi những khác biệt về sắc tộc hay tôn giáo, rồi cuối cùng được khuếch đại bởi lòng hận thù, trong một bối cảnh hỗn loạn của tình hình địa chính trị châu Âu thời điểm ấy.

Mâu thuẫn lợi ích ở đây là gì? Thật đáng buồn, không phải là người Armenia được trao những đặc quyền nhiều hơn các công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề chính, là mâu thuẫn lợi ích giữa Ottoman với các cường quốc khác.

Trước Đệ nhất Thế chiến, sau hai cuộc Chiến tranh Balkan (1912-1913), đế quốc Ottoman đã mất gần như toàn bộ phần lãnh thổ ở châu Âu vào tay Liên minh Balkan (Hy Lạp, Serbia, Montenegro và Bulgaria – những quốc gia nổi lên đòi độc lập). Song song với việc người Hồi giáo bị trục xuất khỏi Balkan (điều khiến tâm trạng xã hội Ottoman tích tụ lòng căm giận đối với các cộng đồng phi Hồi giáo), sự suy yếu về vị thế của Ottoman cũng biến đại cường một thời ấy trở thành miếng mồi ngon để liệt cường châu Âu (Anh, Pháp, Ý, Nga, Áo – Hung, Phổ) nhăm nhe xâu xé.

Tháng 10/1914, Ottoman dấn thân vào Đệ nhất Thế chiến trong tâm thế hằn học đó. Họ tuyên chiến với Nga (nhằm giành lại các cảng quan trọng ở Biển Đen), và trước đó, đại diện của Constantinople (nay là Istanbul) đã “ướm thử” ý của cộng đồng người Armenia (sinh sống trải dài trên cả lãnh thổ của Ottoman lẫn Nga). Đương nhiên, Constantinople muốn người Armenia lựa chọn dứt khoát: cùng Ottoman chống Nga. Song, câu trả lời được đưa ra, thông qua biểu quyết, là: Người Armenia sẽ chiến đấu cho quốc gia nơi mà họ sinh sống.

Do đó, “không phải bạn ta thì sẽ là kẻ thù của ta”, quy luật khắc nghiệt của thời chiến đẩy đưa thời cuộc đến những bước ngoặt đẫm máu. Từ tháng 11/1914, thống đốc các tỉnh Van, Bitlis, và Erzurum gửi hàng loạt điện tín cho chính quyền trung ương Constantinople đề xuất thực hành các biện pháp khắt khe chống lại người Armenia, cả trong vùng và trên toàn đế quốc. Các quan chức gốc Armenia bị bãi nhiệm hàng loạt, bắt đầu từ cuối năm 1914 đến đầu năm 1915.

Ngày 3/1/1915, một cuộc hành quân của quân đội Ottoman bị quân Nga đập tan trên dãy Kavkaz. 95.000 lính Ottoman tham chiến, chỉ còn 18.000 trở về. Những tin đồn về chuyện lính Armenia đảo ngũ sang phía Nga nhanh chóng lan truyền. Và nối tiếp là một chuỗi hành động sắt máu.

Ngày 25/2/1915, nhà lãnh đạo phong trào Young Turks (hay gọi tắt là CUP - Committee of Union and Progress) Enver Pasha ra lệnh đuổi tất cả những người không theo đạo Hồi khỏi quân đội Ottoman và chuyển sang các đơn vị trừng giới. Từ đầu năm 1915, binh lính Armenia trong các tiểu đoàn lao công bị tử hình có hệ thống (tuy nhiên cũng có nhiều lao động trình độ cao được tha cho đến năm 1916).

Các sĩ quan quân sự gốc Armenia bị bỏ tù. Theo sắc lệnh mới được ban hành, kể từ đó, người Armenia không được phép mang vũ khí, hệ quả là  cuộc truy tìm các vũ khí cất giấu bí mật trong cộng đồng Armenia được tiến hành gắt gao. Điều này xảy ra cùng lúc với việc bắt đầu cuộc ném bom và tấn công vào bờ của hải quân Anh để hủy diệt các vị trí quân sự trên bán đảo Gallipoli. Người dân Constantinople bắt buộc phải đi sơ tán. Cho nên, chính quyền bắt giữ những nhân sĩ Armenia quan trọng, các nhà văn, nhà giáo, luật sư… Và họ đều bị hành quyết.

Trong thời gian ngưng chiến tại bán đảo Gallipoli, Enver bắt đầu chương trình xua đuổi người Armenia khỏi quê hương. Tất cả những nỗ lực phản kháng đều bị trấn áp. Những người cố gắng bỏ chạy chỉ có thể trốn vào sa mạc, nơi họ tìm thấy kết cục tương tự như những đồng hương bị bỏ đói đến chết trong các trại tập trung.

Người phụ nữ Armenia bị ép phải rời bỏ quê hương.

Cái bẫy của hận thù

Song, cũng phải nói rằng, từ sâu thẳm, chính quyền Ottoman từ lâu đã manh nha những ý tưởng thanh lọc na ná với “không gian sinh tồn” của Đức Quốc xã sau này. Với họ, những người không theo đạo Hồi là “những khối ung nhọt cần được cắt bỏ”. Với họ, người Armenia – theo Chính thống giáo Đông phương và có quê nhà ở chính Anatolia – là những mầm bệnh nguy hiểm nhất. Bởi vậy, các biện pháp thanh lọc được thực hiện không hề khoan nhượng. Chưa kể, những mâu thuẫn về quyền sở hữu đất đai giữa người Armenia với các sắc dân Ottoman Hồi giáo cũng càng lúc càng trở nên gay gắt.

Có điều, thực tế, cuộc thanh lọc sắc tộc này hoàn toàn không giúp gì được cho Ottoman, trong việc duy trì vị thế cường quốc của mình. Đệ nhất Thế chiến khép lại, Ottoman ở phe thua trận, và lãnh thổ của họ tiếp tục bị chia thành nhiều mảnh. Phần còn lại trở thành nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, sau cuộc đảo chính do Mustafa Kemal Ataturk dẫn dắt.

Cho đến tận thời điểm kỷ niệm 100 năm cuộc thảm sát này, những cuộc tranh luận xem liệu cuộc giết chóc đó có bị coi là hành động diệt chủng hay không lại bùng lên. Việc Ankara vẫn nhất quyết bảo vệ lập trường, rằng “cuộc tàn sát người Armenia là những hành động bộc phát và là điều không may do sự hỗn loạn trong Thế Chiến I cùng với sự tan rã của đế chế Ottoman”, theo một số nhà nghiên cứu, chỉ khiến gia tăng tâm lý bài Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp châu Âu và cả những nơi khác.

Và với Armenia, vết thương này sẽ vĩnh viễn không liền miệng. Cũng như việc những gì đã xảy ra với họ sẽ vĩnh viễn là một bài học đẫm máu cho nhân loại, về sức hủy diệt của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

* Theo các thư tịch, người Armenia đã sống ở Tiểu Á từ thế kỷ thứ 6 TCN, hơn một ngàn năm trước khi Turk nhập cư và sinh sống tại đây. Vào thế kỷ 4, Vương quốc Armenia lấy Cơ Đốc giáo (Đông phương Chính thống giáo) làm quốc giáo. Năm 1453, sau khi Đế quốc Byzantine sụp đổ, vùng lãnh thổ phía Tây Armenia bị chia cắt khỏi miền Đông, theo Hòa ước Zuhab năm 1639 giữa đế quốc Ottoman và đế quốc Safavid (ở Iran). Pháp luật Ottoman coi người không theo đạo Hồi là thấp kém, nhưng cũng cho người Armenia nhiều quyền tự chủ.

* Trong hai năm 1915-1916, như đánh giá của giới nghiên cứu lịch sử quốc tế, khoảng 800.000 đến 1,2 triệu phụ nữ, trẻ em và người già Armenia đã bị cưỡng bức di dời đến hoang mạc Syria. Tại đây, họ bị đưa vào một loạt các trại tập trung và tiếp tục bị thảm sát. Đến cuối năm 1916, số người bị trục xuất còn sống sót chỉ vào khoảng 200.000 người. Khoảng 100.000 đến 200.000 phụ nữ và trẻ em Armenia bị ép đổi sang đạo Hồi và sống trong những gia đình Hồi giáo. Thảm sát và thanh lọc chủng tộc còn tiếp tục được thực hiện cho tới sau Thế chiến thứ nhất.

Thiên Thư

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文