Tháng 3 Giỗ Tổ Vua Hùng - vì sao?

15:08 27/04/2023

Thờ cúng tổ tiên là một tục phổ biến trong văn hóa loài người, có từ thời Đá Mới cách đây hàng chục ngàn năm. Về Vua Hùng cũng như về tục Giỗ Tổ Vua Hùng, còn có nhiều bí ẩn. Một trong những bí ẩn đó là: Vì sao ngày Giỗ Tổ lại vào tháng 3 Âm lịch?

Văn bia ở đền Thượng cho biết, trước năm 1917, triều đình tổ chức lễ Giỗ Tổ vào mùa thu hằng năm. Nhưng, từ năm 1917 (triều Vua Khải Định), triều đình ấn định ngày Giỗ Tổ là ngày 10/3, trước ngày 11/3 là ngày dân ở khu vực đền Hùng làm giỗ Vua Hùng thứ 18.

Về vị Vua Hùng cuối cùng thứ 18, “Đại Việt sử ký toàn thư” viết, khi quân Thục kéo đến, “vua hãy còn say mềm chưa tỉnh, thổ huyết nhảy xuống giếng chết”. Một truyền thuyết khác trong dân gian lại kể, khi quân Thục đến, “vua nhảy sông tự vẫn”. Tuy nhiên, lại có truyền thuyết kể Vua Hùng cuối cùng đã truyền ngôi cho Thục Phán, tức là ngài đã sống đến cuối đời...

100 con Lạc cháu Hồng rước cờ hội về đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ.

Dù sao, chúng ta chắc chắn không thể biết vị Vua Hùng cuối cùng đã qua đời như thế nào, vào ngày nào và vì sao người dân ở khu vực đền Hùng làm giỗ ngài vào ngày 11/3?

Theo tôi, việc người Việt vùng đất Tổ làm giỗ Vua Hùng vào tháng 3 không liên quan gì đến ngày mất của vị Vua Hùng cuối cùng, mà là sự kế thừa một truyền thống có từ tổ tiên họ. 

Tôi tin (và trong một cuốn sách đã chứng minh với nhiều bằng chứng sử học, ngôn ngữ học, khảo cổ học) rằng các vị Vua Hùng là có thực. Một khi các Vua Hùng là có thực thì Lạc Long Quân - phụ thân của ngài và Kinh Dương Vương - ông của ngài cũng phải có thực.

Tôi tin rằng, ngay từ thời vị Vua Hùng đầu tiên, với truyền thống vương quyền của mình (từ thời Kinh Dương Vương), triều đình Văn Lang đã tổ chức thờ cúng tổ tiên thuộc họ Hồng Bàng. Và, truyền thống ấy đã được duy trì cho tới đời vị vua cuối cùng. Từ đó, việc người dân ở khu vực đền Hùng làm giỗ Vua Hùng vào tháng 3 là sự tiếp nối một truyền thống khoảng 2.700 năm, kể từ khi vị Vua Hùng đầu tiên lập nước.

Việc thờ cúng tổ tiên là một tục phổ biến trong văn hóa loài người, có từ thời Đá Mới cách đây hàng chục ngàn năm. Con người thờ cúng tổ tiên, một phần do tình yêu và lòng kính trọng những người đã sinh ra mình, tức đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, một phần còn do niềm tin, rằng tổ tiên, những người đã chết nhưng vẫn tồn tại ở một nơi nào đó và hóa thành thần linh, tổ tiên sẽ chở che, phù hộ, đem lại may mắn, tốt lành cho con cháu, nếu con cháu thờ cúng tổ tiên thành tâm, chu đáo.

Đương nhiên, các Vua Hùng có tổ tiên của mình. Theo truyền thuyết họ Hồng Bàng: Vị Vua Hùng đầu tiên có ông nội là Kinh Dương Vương, có bố là Lạc Long Quân (Vua Rồng Lạc), có mẹ là Âu Cơ (Chim - Tiên) v.v...

Và, đương nhiên, các Vua Hùng cũng thờ cúng tổ tiên. Có điều, tổ tiên đó không phải là người, mà là một con vật linh thiêng. Cụ thể, đó là ông Tổ Rồng - bà Tổ Chim, điều được phản ánh trong các chữ tượng hình ghi tên gọi Hồng Bàng mang biểu tượng Chim và Rồng; ghi chữ Hùng mang biểu tượng chim trống; ghi các chữ Lạc chỉ người Lạc Việt mang biểu tượng một loài chim. Đó chính là cội nguồn của việc người Việt bao đời vẫn nhắc nhở mình là con Lạc cháu Hồng hay con Rồng cháu Tiên.

Tín ngưỡng vật tổ là một tín ngưỡng rất phổ biến thời xa xưa. Đạo thờ cúng ông Tổ Rồng - bà Tổ Chim là tín ngưỡng chung của người Bách Việt, đặc biệt được thể hiện rất rõ qua các biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn.

Rất có thể, các nghi lễ thờ cúng tổ tiên của các đời Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh là các nghi lễ thờ cúng bà Tổ Chim (Âu Cơ) - ông Tổ Rồng (Lạc Long Quân), trong đó bà Tổ Chim cũng là nữ thần Mặt trời - thần Mẹ Lúa; ông Tổ Rồng là thần Nước - thần Mưa - thần Đất.

Tổ tiên của các Vua Hùng và của người Bách Việt nói chung là các vị thần gắn với nghề trồng lúa nước. Với người trồng lúa, cả lúa trên đồng hay trên nương rẫy, thì nước, nước kênh mương hay nước mưa, luôn là thứ quan trọng nhất. Vì thế, với các vương triều xưa, nghi lễ cầu mưa cũng là nghi lễ quan trọng nhất.

Các nghi lễ cầu mưa, cầu mùa thực chất là các ma thuật mô phỏng hình hài, động tác của các vật tổ như múa chim (hướng về bà Tổ Chim, là cội nguồn của múa - hát Xoan), bơi thuyền rồng (hướng về ông Tổ Rồng). Đặc biệt, cúng tế tổ tiên các đồ ăn làm bằng gạo như bánh chưng, bánh giầy (mô phỏng hình trời tròn gắn với Chim, đất vuông gắn với Rồng).

Trong các nghi lễ cầu mưa, cầu mùa thời các Vua Hùng, rất có thể chính nhà vua là người chủ lễ.

Thời xưa, ở nhiều vương quốc phương Đông, vua luôn là người chủ trì các lễ thờ cúng thần tự nhiên (trời - đất, sông - núi) và tổ tiên hóa thần linh. Hơn nữa, trong các nghi lễ đó, vua còn có thể đóng vai trò pháp sư - tức người có thể giao tiếp với thần linh. Trong các xã hội cổ xưa, vương quyền thường được gắn chặt với thần quyền. Quyền lực chính trị của vua thường được củng cố nhờ các nghi lễ đó.

“Đại Việt sử lược” thời Trần có đoạn viết: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước Công nguyên), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, dựng nước Văn Lang (...), tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang (...), truyền được 18 đời”.

Dựa trên đoạn ghi chép trên và các bằng chứng khảo cổ học, các nhà sử học Việt Nam giờ đã thống nhất xác định thời gian nước Văn Lang của các Vua Hùng ra đời là vào khoảng đầu thế kỷ 7 trước Công nguyên.

Sử viết một người lạ (ý nói người từ nơi xa đến) đã lập nước xưng vua sau khi “dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc”. Từ “ảo thuật” ở đây có thể hiểu là ma thuật, tức các nghi thức mang tính thần bí của một pháp sư trong các nghi lễ. Có lẽ, vị Vua Hùng đầu tiên đã chủ trì một nghi lễ cầu mưa cho dân bản địa ở vùng đất Phú Thọ xưa và nghi lễ đã có hiệu nghiệm linh ứng khiến thủ lĩnh các bộ lạc phải thần phục, là cơ sở cho việc xưng vua lập nước.

Chúng ta cũng có thể liên hệ sự kiện trên với sự kiện được “Đại Việt sử ký toàn thư” thời Lê ghi lại: Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, vào ngày 10/3 năm 968, Đinh Bộ Lĩnh cho lập đàn tế Thiên ở Hoa Lư để tế cáo trời đất, thiên hạ, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.

Điều lý thú ở đây là ngày đăng quang của Đinh Tiên Hoàng cũng là 10/3. Về sự trùng hợp này, có người đã cho rằng Vua Đinh chủ ý chọn đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương làm lễ lên ngôi, để “khẳng định ý chí xây dựng một đất nước độc lập, kế tục các đời Vua Hùng”. Điều này cũng được thể hiện ở câu đối hiện còn ở nơi ngài đăng quang xưa viết: “Thượng kế Hồng Bàng Vương giả hậu/ Hạ khai Đại Việt Đế chi tiên” (đại ý: Trước nối dõi Hồng Bàng là vị vua cuối cùng/ Sau khai sinh nước Đại Việt là vị hoàng đế đầu tiên).

Suy đoán trên nghe khá hay, nhưng rất tiếc lại hơi sai, bởi như đã nêu, ngày Giỗ Tổ 10/3 chỉ được ấn định vào năm 1917, thời Nguyễn.

Nhưng, rõ ràng, hai sự kiện trên diễn ra cùng vào tháng 3 và đó đúng là sự trùng hợp nhưng không hề ngẫu nhiên.

Tháng 3 Âm lịch ở nước ta cũng như ở các nước láng giềng là một tháng đặc biệt, tháng đầu mùa mưa - mùa trồng cấy. Đó là tháng cây lúa khát nước đợi trời cho sấm động mưa dông. Câu ca dao “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên” mô tả đồng lúa tháng 3.

Lễ rước bánh chưng, bánh giầy tại lễ hội đền Hùng.

Tháng 3 là mùa hoa gạo bừng nở. Nhiều tộc người trên thế giới gọi loài cây này là cây bông, chỉ người Việt gọi là cây gạo bởi với sức sống mạnh mẽ, màu hoa đỏ rực như mặt trời, có thể sống lâu hàng trăm năm, trong tâm thức Việt cổ, loài cây này đã trở thành một biểu tượng cho Cây Đời - cây của Sự Sống bất diệt. Từ đó, trong các nghi lễ hiến sinh trâu cầu mưa, cầu mùa thời Đông Sơn, người Bách Việt dùng thân gạo làm cột lễ tượng trưng cho thần Mẹ Lúa - Cây Lúa, với niềm tin cây lúa sẽ có sức sống mạnh mẽ, trường tồn như cây gạo.

Tháng 3 Âm ở Việt Nam tương ứng với tháng đầu năm mới theo Phật lịch ở các nước láng giềng. Với căn cốt nông nghiệp, hội lễ đón năm mới ở các nước này (Chol Chnam Thmay ở Campuchia, Songkran ở Thái Lan, Lào) cũng gắn với tục té nước - cũng là một ma thuật cầu mưa.

Tháng 3 cũng là tháng nông nhàn. Người dân có thời gian để tham gia các lễ hội, thực hiện các nghi lễ hướng về tổ tiên như lễ tảo mộ tiết Thanh Minh.

Mặt khác, tháng 3 cũng là tháng giáp hạt đầy bất an với nhà nông nếu vụ trước mất mùa, vụ sau chưa biết ra sao. Việc tiến hành các lễ cầu mưa, cầu mùa lúc này có tác dụng an dân, tăng tính cộng cảm, cố kết giữa mọi nhà với làng với nước. 

Các nghi lễ thờ cúng tổ tiên - cầu mưa, cầu mùa thời các Vua Hùng có mục đích không khác các nghi lễ mà các triều đại từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn tiến hành ở đàn Xã Tắc, nơi cúng tế thần Đất và thần Lúa để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm.

Như vậy, xét 3 yếu tố thiên - địa - nhân, tháng 3 là thời gian thích hợp nhất cho các nghi lễ cầu mưa, cầu mùa và các nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Việc tổ chức lễ Giỗ Tổ vào tháng 3 ở khu vực đền Hùng - kinh đô của nước Văn Lang xưa là một truyền thống hơn 2.700 năm lịch sử.

Tạ Đức (Nhà dân tộc học)

Chiều 6/11, tại buổi họp cung cấp thông tin về Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lấn thứ 2 năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền cho biết, hội chợ được tổ chức từ ngày 21- 23/11, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) số 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Theo dự báo, Thủ đô Hà Nội hôm nay trời nắng đẹp, nhiệt độ nhịch tăng nhẹ. Khu vực từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 100mm.

Bộ Công an đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cơ quan điều tra các cấp về điều tra tài chính, điều tra tội phạm nguồn gắn với điều tra tội rửa tiền; đẩy mạnh phối hợp với nhiều quốc gia trong công tác xác minh, xử lý các vụ án, vụ việc về tội phạm nguồn nói chung, tội phạm rửa tiền nói riêng

Các phương tiện truyền thông của Mỹ chính thức gọi tên ông Donald Trump là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, có thể nói ông là người từng và sẽ trở thành Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên trong lịch sử, từng có người làm điều này trước ông Trump. 

Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ trì phối hợp với các lực lượng của Quân khu 5 và các địa phương khẩn trương tổ chức lực lượng, phương tiện tìm kiếm cấp cứu mặt đất và trên không.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文