Kia
Mobifone

Tháp Qutub Minar, một kỳ quan không kém Đền Taj Mahal

Chủ Nhật, 16/06/2024, 09:27

Nằm giữa lòng thủ đô Delhi, Ấn Độ, tháp Qutub Minar được làm bằng đá sa thạch đỏ, xây dựng từ đầu thế kỷ 13 và quần thể danh lam thắng cảnh này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1993. Một số người cho rằng, Qutub Minar được dựng lên để đánh dấu sự khởi đầu của chế độ Hồi giáo ở Ấn Độ. Một số ít lại khẳng định, nó đóng vai trò như một cột tháp để kêu gọi các tín hữu cầu nguyện. 

Kiến trúc kỳ vĩ đáng tự hào

Với chiều cao 73m và lối kiến trúc rất riêng, Qutub Minar là kiệt tác của nghệ thuật và lịch sử. Tòa tháp được xây dựng trên tàn tích của Lal Kot, thành trì của Dhillika. Người ta thường cho rằng tòa tháp được đặt tên theo Qutb-ud-din Aibak, người đã xây dựng nên nó. Cũng có thể nó được đặt theo tên của Khwaja Qutbuddin Bakhtiar Kaki, một vị thánh Sufi Hồi giáo dòng Sunni bởi vì Shamsuddin Iltutmish - vị vua thứ 3 trong số các vị vua Mamluk cai trị các lãnh thổ Ghurid cũ ở miền Bắc Ấn Độ và là vị vua Hồi giáo đầu tiên cai trị Delhi, người sáng lập Vương quốc Hồi giáo Delhi, là một tín đồ của ông.

1000022754-1718073230373.jpg
Tháp Qutub Minar, một tuyệt tác kiến trúc lịch sử tọa lạc tại trung tâm thủ đô Delhi của Ấn Độ.

Bao quanh tòa tháp là một số di tích có ý nghĩa lịch sử của cả khu phức hợp. Nhà thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam, ở phía Đông Bắc của toà tháp được xây dựng bởi Qutub-ud-Din Aibak vào năm 1199 sau Công nguyên. Đây là nhà thờ Hồi giáo còn tồn tại sớm nhất được xây dựng bởi các Sultan Delhi. Nó bao gồm một sân hình chữ nhật được bao quanh bởi các tu viện, được dựng lên với các cột chạm khắc và các thành phần kiến trúc của 27 ngôi đền Jain và Hindu, đã bị Qutub-ud-Din Aibak phá hủy như những gì được ghi lại trên lối vào chính ở phía Đông.

Sau đó, một bức bình phong hình vòm cao ngất được dựng lên và nhà thờ Hồi giáo được mở rộng bởi Shams-ud- Din Itutmish (năm 1210–1235 sau Công nguyên) và Ala-ud-Din Khalji. Cây cột sắt trong sân có dòng chữ tiếng Phạn bằng chữ Brahmi của thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, được dựng lên như để tưởng nhớ một vị vua hùng mạnh tên là Chandra…

Theo các nhà văn hóa, Qutub Minar bao gồm các yếu tố của kiến trúc Hồi giáo truyền thống và thiết kế Tây Nam Á. Nghĩa là, kiến trúc của tòa tháp rất khác biệt so với phong cách và thiết kế điển hình của các nhà thờ Hồi giáo được xây dựng ở Trung Đông. Nó chịu ảnh hưởng của kiến trúc địa phương như các ngôi đền Ấn Độ, đặc biệt trong việc sử dụng vật liệu, kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật trang trí.

Cụ thể, trong lịch sử, cho đến thế kỷ 17, các tòa tháp Hồi giáo không mấy xuất hiện ở Nam Á. Vì thế, Qutb Minar được coi là "ví dụ sớm nhất và tốt nhất về sự kết hợp hoặc tổng hợp các truyền thống Hindu-Hồi giáo” khi được xây dựng bởi những người lao động và thợ thủ công theo đạo Hindu nhưng được giám sát bởi các kiến trúc sư Hồi giáo. Điều này càng thể hiện rõ ở các chữ khắc bởi một số thợ thủ công là người theo đạo Hindu và không quen thuộc với Kinh Koran nên các chữ khắc là sự tổng hợp các văn bản Kinh Koran bị xáo trộn và các cách diễn đạt bằng tiếng Arab.

Di sản văn hóa nhiều tầng

​​​​​​Qutub Minar có năm tầng riêng biệt, mỗi tầng được đánh dấu bởi một ban công nhô ra và các tầng thuôn nhọn từ đường kính 15m ở chân đến 2,5m ở đỉnh. Tuy là một công trình kiến trúc nhưng vật liệu xây tòa tháp ở mỗi tầng lại khác nhau bởi được xây bởi nhiều triều đại khác nhau. Tầng thấp nhất, còn được gọi là tầng trệt, được hoàn thành vào thời Ghiyath al-Din Muhammad, một vị vua của triều đại Ghurid. Người Ghurid, trong lịch sử được gọi là Shansabanis, là một gia tộc gốc Tajik đến từ Ghur, vùng núi phía Tây Afghanistan ngày nay.

Vào cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12, các giáo phái khác nhau của bộ tộc du mục này thống nhất lại, đánh mất nền văn hóa du mục. Trong thời gian này, họ cũng cải sang đạo Hồi. Sau đó, họ mở rộng sang Ấn Độ ngày nay và nhanh chóng nắm quyền kiểm soát một phần đáng kể đất nước. Người Ghurid sáp nhập Multan và Uch ở phía Tây Punjab vào năm 1175- 1176, các vùng Tây Bắc xung quanh Peshawar vào năm 1177, và vùng Sindh vào năm 1185- 1186. Năm 1193, Qutb al-Din Aibak chinh phục Delhi và thực hiện chức Thống đốc Ghurid trong tỉnh và nhà thờ Hồi giáo giáo đoàn, khu phức hợp Qutb Minar, được thành lập vào năm 1193.

Tháp Qutub Minar một kỳ quan không kém Đền Taj Mahal -0
Quần thể danh lam thắng cảnh Qutub Minar đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1993.

Sau này, tầng trệt của tòa tháp đã được tân trang lại với mười hai trụ đỡ hình bán nguyệt và mười hai trụ có mặt bích được đặt theo thứ tự xen kẽ. Tầng này được ngăn cách bởi các mặt bích và các ban công nhiều tầng, được đặt trên các tay đỡ của nghệ thuật trang trí kiến trúc Hồi giáo Muqarnas. Ngoài ra còn có sáu dải ngang có dòng chữ khắc bằng naskh, một phong cách thư pháp Hồi giáo và dòng chữ "Amir, vị chỉ huy vĩ đại và vinh quang nhất của quân đội”.

Tầng thứ hai, thứ ba và thứ tư được dựng lên bởi Sham ud-Din Iltutmish, vị vua Hồi giáo đầu tiên cai trị Delhi. Ông được coi là người đầu tiên của triều đại Delhi Sultan. Tầng thứ hai và thứ ba cũng được sửa lại với mười hai trụ đỡ hình bán nguyệt và mười hai trụ đỡ có mặt bích được đặt theo thứ tự xen kẽ. Những cột đá sa thạch màu đỏ này được ngăn cách bằng các mặt bích và bằng các ban công nhiều tầng. Tầng thứ tư được thu nhỏ lại nhưng cũng được trang trí bằng các tấm trụ hình bán nguyệt. Điểm khác biệt là nó được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng và tương đối đơn giản. 

Tháp Qutub Minar một kỳ quan không kém Đền Taj Mahal -0
Bên trong Nhà thờ Hồi giáo Quwwat Ul Islam.

Năm 1369, khi sửa chữa tầng thứ tư của tòa tháp do bị sét đánh, Sultan Firuz Shah Tughlaq đã quyết định giảm tiếp kích thước của tầng thứ tư và xây thêm một tầng thứ 5 bằng đá sa thạch. Về tổng thể, bên trong tòa tháp tuy rỗng nhưng có một cầu thang dẫn lên tận đỉnh tháp gồm 379 bậc. Khi lên được tới đỉnh, có thể ngắm khung cảnh nhộn nhịp của thành phố một cách trọn vẹn nhất mà không bị cản trở tầm nhìn. Theo thiết kế, Qutub Minar chỉ hơi nghiêng so với phương thẳng đứng từ độ cao 65cm, được coi là nằm trong giới hạn an toàn.

Bước vào khu vực di sản Qutub Minar, từ xa đã thấy cột tháp cao vút trên nền trời xanh, sân vườn rộng rãi, cây cối mát mẻ. Bao quanh tòa tháp còn có nhiều di tích mang ý nghĩa lịch sử. 

Cũng phải khẳng định thêm rằng, việc xây dựng Qutb Minar được lên kế hoạch và tài trợ bởi người Ghurids, những người đã di cư đến Ấn Độ và mang theo đạo Hồi. Trong quá khứ, các học giả tin rằng, khu phức hợp này được xây dựng để thúc đẩy sự chuyển đổi sang Hồi giáo của các thần dân mới dưới triều đại Ghurid cũng như là biểu tượng cho sự tuân thủ của người Ghurid đối với hệ thống tôn giáo xã hội. Và dù là xuất phát từ đâu thì tháp Qutub Minar vẫn là một công trình kiến trúc kỳ vĩ đáng tự hào cho người dân Ấn Độ và cả nhân loại. 

Sông Thương

.
.