20 năm nhặt đá làm đàn

08:00 21/08/2015
Hơn 20 năm họ miệt mài lượm từng hòn đá về nghiên cứu chế tạo nên bộ đàn đá 100 thanh độc đáo. Niềm đam mê nghiên cứu khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn. Nhưng họ vẫn không hề ân hận hay nuối tiếc con đường mình đã chọn. Đó là câu chuyện của hai anh em nghệ nhân Nguyễn Đức Lộc và Nguyễn Chí Trung, những người chế tác nên bộ đàn đá nổi tiếng.

Buổi sáng khi tôi ghé thăm ngôi nhà khá tuềnh toàng có thờ Đức Thánh Trần của họ ở trong con hẻm trên đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1, TP HCM, tôi đã được nghe những âm sắc lạ kỳ của cây đàn đá do hai anh em họ tấu diễn bài “Một cõi đi về” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cái khung cảnh bình lặng của buổi sáng ở Sài Gòn và chất nhạc đầy triết lý, phiêu bồng của Trịnh được diễn qua những giọt nhạc của cây đàn đá thô mộc thánh thót khiến lòng người như mộng mị, suy tưởng miên man…

Cây đàn đá 100 thanh do họ sáng chế có thể chơi được  tân nhạc, cổ nhạc như những nhạc cụ khác. Nhưng để có được thành công đó, họ đã phải trải qua những khó khăn, gian truân và tốn kém.

Sáng chế cây sáo trúc 16 lỗ

Chuyện nghiên cứu cây đàn đá bắt đầu từ năm 1981, đó là ngày mà hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Đức Lộc và Nguyễn Chí Trung báo cáo công trình cải tiến cây sáo trúc 16 lỗ của họ tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc TP HCM. Tại buổi báo cáo có Giáo sư - nhạc sĩ (GS-NS) Lưu Hữu Phước, GS-NS Tô Vũ, Giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê… tham dự.

Báo cáo thành công mỹ mãn, GS Trần Văn Khê đánh giá về cây sáo trúc này: "Sáo 16 lỗ mở rộng âm vực 3 quãng 8 là ngang bằng với quãng âm vực của sáo Flute của phương Tây. Và ưu điểm của cây sáo 16 lỗ là sử dụng luyến láy bằng hơi đóng của ngón tay, không dùng Cle's (phím) bấm như Flute".

Nghệ nhân Chí Trung và Đức Lộc đánh Đàn đá do mình chế tác.

Chuyện họ đi vào nghiên cứu để sáng tạo nên cây sáo 16 lỗ bắt nguồn từ chuyện hai anh em họ đam mê chơi nhạc cụ dân tộc. Nghệ nhân Chí Trung tâm sự: "Hai anh em tôi chơi nhạc dân tộc cho một số đoàn hát. Sáo cổ truyền chỉ chơi được âm nhạc ngũ cung với thang âm của Việt Nam 4 hò là Bắc - Nam - Xuôi - Ai. Nếu muốn thổi cho nhạc cải lương hay nhạc phương Tây thì chịu. Trong nhạc cải lương khi cần chuyển tông, chuyển giọng thì sáo cổ truyền của mình không theo kịp…". Từ đó hai anh em nghĩ đến chuyện cải tiến cây sáo dân tộc.

Lúc đó, trong hệ thống sáo dân tộc đã có cây sáo âm dương của nhạc sĩ Đặng Quốc Khánh sáng chế. Cây sáo này gồm hai cây sáo gộp lại, một cây sáo Do và một cây sáo Sol. Tuy đã có cải tiến và sáng tạo, nhưng khi sử dụng nó vẫn còn bị hạn chế cho người thổi. "Khi chơi sáo âm dương, muốn đổi tông, chuyển âm thì phải lật cây sáo lại, nên cũng chưa tiện cho việc sử dụng. Do vậy, anh em tôi nghĩ ra cách cải tiến lỗ bấm trên cây sáo thành 16 lỗ" - nghệ nhân Chí Trung nói.

Tạo tác cây đàn đá 100 thanh

Thành công với cây sáo cải tiến, nhận thấy ở họ có khả năng nghiên cứu, GS-NS Lưu Hữu Phước, (lúc đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc TP HCM), đã nhờ nhạc sĩ Phan Chí Thanh chuyển đến họ một thanh đá trong bộ đàn đá Khánh Sơn. Thanh đá nặng 6kg, với lời nhắn nhủ chân tình của GS-NS Lưu Hữu Phước: "Các anh đã nghiên cứu thành công cây sáo, tôi mong các anh làm sao thu gọn, nhẹ lại bộ đàn đá này và mở rộng tầm âm vực”.

"Lúc đó, anh em tôi rất cảm kích vì lời nhắn gửi của một nhạc sĩ tài hoa như GS Lưu Hữu Phước. Và chúng tôi quyết tâm lao vào nghiên cứu, dù chúng tôi phải bỏ diễn, cuộc sống khó khăn. Bởi vì đó cũng là khát vọng của chúng tôi, khát vọng cải tiến nhạc cụ dân tộc" - nghệ nhân Chí Trung bộc bạch.

Trước tiên họ phải tìm ra loại đá phát ra tiếng kêu. Vì đàn đá xưa nay được chế tác bằng loại đá này. Họ dành tiền đi tìm kiếm đá khắp nơi rồi mua vác về, đẽo gọt, chế tác. Trong đống đá họ mang về, có hòn kêu, hòn không. Việc nghiên cứu thêm phần gian nan, gần như rơi vào bế tắc.

"Chúng tôi lao vào đọc tài liệu về đàn đá. Trong số tài liệu tôi đọc mới phát hiện ra ngày xưa cha ông từng đào đất, lót rơm rạ ở dưới rồi bỏ đá lên để đánh. Vậy là chúng tôi đã tìm ra bí quyết. Nhưng để đá lên hố đất thì không thể diễn ở nhiều nơi và bị tạp âm lẫn vào, tiếng đàn không rõ. Lại phải lao vào nghiên cứu tiếp" - nghệ nhân Đức Lộc nói.

Bộ đàn đá 100 thanh.

Sau một thời gian nghiên cứu, họ đã nghĩ ra phải làm hộp cộng hưởng cho đàn đá. Đầu tiên, họ dùng tre nứa khoét lỗ để làm hộp cộng hưởng. Nhưng tre nứa thì không bền, khó đo kích thước để chỉnh âm. Sau cùng họ dùng ống nhựa để làm hộp cộng hưởng. Tìm ra hộp cộng hưởng coi như nắm chắc 50% thành công. Vì khi có hộp cộng hưởng thì loại đá nào đặt lên cũng phát ra tiếng.

Dáng đàn và câu chuyện bọc trăm trứng

Tiếp đó là việc tạo dáng cho cây đàn. "Đàn đá là nhạc cụ dân tộc Việt Nam vì vậy không chỉ âm sắc mà ngay cả hình dáng cũng phải có tính dân tộc. Chúng tôi suy nghĩ nhiều đêm để tìm cho ra hình dáng cây đàn sao cho vừa có bản sắc dân tộc, vừa hiện đại, đẹp mắt. Chúng tôi chợt nhớ đến Lạc Long Quân - Âu Cơ và truyền thuyết trăm trứng. Vậy là chúng tôi quyết định làm ra bộ đàn 100 thanh gồm hai cây, mỗi cây 50 thanh. Một cây tạo hình dáng chim Lạc, bay lên rừng. Một cây tạo hình dáng con thuyền đi xuống biển" - nghệ nhân Chí Trung cho biết.

Do điều kiện eo hẹp, để tạo chân đế cho bộ đàn này họ phải tận dụng những dụng cụ đã bỏ đi rồi chế tác làm chân đàn. Chỉ từng bộ phận của chân đế cây đàn hình chiếc thuyền, nghệ nhân Đức Lộc cười nói: "Hai chân đế này là hai chân bàn cũ, hai con cóc cũng vậy. Cái thanh cong là cái vòng nôi em bé… Anh em tôi gom từng thứ về làm”. Từ sự nghiên cứu, cải tiến của họ, bộ đàn đá này tạo nên những âm thanh vang hơn, sâu lắng hơn.

Nhạc công Nguyễn Văn Doanh, bạn thân của hai nghệ nhân, nói: "Đàn đá kết hợp xen kẽ giữa hệ thống ngũ cung, thể hiện được tiếng Á trong âm nhạc dân tộc và hệ thống thất âm của âm nhạc phương Tây. Chiếc dùi đánh cây Đàn đá hình chim Lạc (gần giống đàn T'rưng của người dân tộc vùng Tây Nguyên - NV) cũng được nghệ nhân Đức Lộc cải tiến. Thoạt nhìn chiếc dùi có hai đầu gần giống hình dáng chiếc dùi của đàn T'rưng. Nhưng ở mỗi đầu được tách ra làm hai. Một bên là gỗ, khi đánh tạo âm sắc đanh. Bên kia bịt cao su, tạo âm sắc mềm mại hơn. Khi đánh nếu dùng kỹ thuật vuốt đàn sẽ tạo ra âm sắc như đàn T'rưng”.

Bằng xác lập kỷ lục của họ.

Ước vọng cho đàn đá

Ngoài đàn đá, họ còn cải tiến thêm loại đàn Bămboo (một nhạc cụ của dân tộc Thái ở Tây Bắc) và nhạc cụ Ăngkalung (một nhạc cụ của Indonesia). Hơn 20 năm nghiên cứu đàn đá bằng tiền túi của mình đã khiến cuộc sống sinh hoạt của họ lâm vào khó khăn. Nghệ nhân Chí Trung cho biết, số tiền 10 triệu đồng mà vợ ông vay của Hội Phụ nữ quận 1 từ hơn 10 năm trước cũng chưa trả hết. Đam mê nghiên cứu, sáng tạo nhạc cụ dân tộc, giờ tuổi đã gần 60, nghệ nhân Đức Lộc vẫn chưa lập gia đình. Ông cười, tâm sự: "Mình đam mê quá nên nhiều lúc không còn thời gian dành cho việc hẹn hò nữa. Riết rồi thời thanh xuân qua đi, mình cũng không để ý".

Dù bây giờ đàn đá 100 thanh đã được công nhận, xác lập Kỷ lục Việt Nam, nhưng việc phổ biến nhạc cụ này vẫn còn hạn chế. Nguyện ước của hai nghệ nhân là có tiền sửa lại nhà, đưa ngai thờ Đức Thánh Trần lên tầng trên để dưới có chỗ cho đàn đá và những nhạc cụ dân tộc mà họ đang cải tiến. Từ đó mới có điều kiện giảng dạy, quảng bá cho cây đàn đá độc đáo này.

"Một số công ty du lịch muốn mở tour cho du khách tham quan cây đàn của chúng tôi. Cũng có một số người muốn xin tới học đàn đá. Nhưng như anh thấy đó, nhà cửa chật chội, dột tứ tung… làm sao tôi dám nhận lời" - nghệ nhân Chí Trung tâm sự.

Có thể nói, cây đàn đá do hai nghệ nhân này sáng chế ra là nhạc cụ độc nhất vô nhị và mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là nó giúp bảo tồn và phát huy một loại nhạc cụ có từ lâu đời của dân tộc. Nếu nó được đưa đi biểu diễn, được dạy trong trường hay nhạc viện và giới thiệu cho du khách thì sẽ có lợi nhiều cho việc quảng bá nền văn hóa và âm nhạc dân tộc.

Phạm Huy Văn

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文