"Anh sẽ về xóm nhỏ. Nơi cỏ xanh bóng làng"
- Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Một tấm gương tự học2
- Nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển - Thầy tôi!
- Nhà thơ Trần Hùng: “Muốn tắt mình mà không công tắc”
Ông là người có "tem, mác" nhưng ẩn sâu trong con người đầy gân guốc, ăn to nói lớn, thậm chí có vẻ bề ngoài đầy dữ dằn ấy là một thi sĩ đích thực, một người yêu quê hương, yêu đồng đội, yêu con người và luôn mềm lòng trước thiên nhiên, cây cỏ.
Nhà thơ Hoàng Cầm sinh thời từng nhận xét về thơ Hoàng Trần Cương: Phải yêu quê hương, gắn bó máu thịt với quê hương như thế nào thì anh mới viết được đến thế. Đọc thơ Cương mà tôi cứ ứa nước mắt và có thể nhặt ra được nhiều câu thơ như những viên kim cương lấp lánh...
Tôi có nhiều dịp được ngồi chuyện trò cùng nhà thơ Hoàng Trần Cương trong những thời điểm khác nhau của cuộc đời ông. Khi ông còn là Tổng Biên tập Thời báo Tài chính, khi ông rời nhiệm sở về hưu, một mình một cây bút và một quyển sổ tay bé, đầu đội một chiếc mũ phớt lang thang tản bộ để tìm tứ thơ trên những con đường Hà Nội, rồi vào nhâm nhi vài vại bia cỏ ở quán quen để ngồi ngẫm nghĩ về sự đời, để viết nên những câu thơ trong bất chợt.
Và sau này, trong những ngày tháng ông bị tai biến, chúng tôi vào thăm ông trong bệnh viện. Cho dù ở thời điểm nào thì nhà thơ Hoàng Trần Cương luôn không thay đổi tâm trạng và tình bạn dành cho những người ông yêu quý. Và ngược lại, ai đã yêu quý con người miền Trung trong ông thì thực sự bỏ qua hết mọi điều và đối đãi với ông bằng cả sự chân thành, quý mến.
Nhà thơ Hoàng Trần Cương được biết đến là “dân” tài chính “thứ thiệt”. Năm 1967 ông trúng tuyển trường Tài chính kế toán Hà nội. Năm 1970 đang học dở năm thứ 4, Hoàng Trần Cương tình nguyện đi bộ đội trong binh chủng phòng không.
Nhà thơ Hoàng Trần Cương. |
Trong biên chế của Sư đoàn 367 anh hùng, Hoàng Trần Cương đã chiến đấu trên nhiều mặt trận: Bản Đông - Đường 9 Nam Lào 1971, giải phóng Quảng Trị năm 1972. Cuối năm đó trở ra Hà Nội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, rồi quay lại chiến trường B và đánh trận cuối cùng giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trở về ông làm chuyên viên cao cấp và có thâm niên trên 15 năm làm kế toán trưởng báo Nông nghiệp Việt Nam và Thời báo Tài chính Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Báo chí ngành Tài chính. Dù vậy nhưng ông luôn thừa nhận, thứ giúp ông “sống” được lại chính là thơ.
Ông đến với văn chương khá sớm và từng được giải A về văn xuôi đề tài lực lượng vũ trang (1970-1972) của Tạp chí Văn nghệ quân đội, giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (1989-1990). Nhưng phải đến trường ca “Trầm tích”, nhà thơ Hoàng Trần Cương mới thực sự tìm được chính mình. “Trầm tích” ngay sau đó đã đoạt được giải thưởng văn học (giải B, không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2000).
Cố nhà thơ Hoàng Cầm, trong Hội thảo về tập thơ “Trầm tích” đã từng nhận xét: "Với tôi, “Trầm tích” là một tác phẩm lớn, một tác phẩm còn lại của văn học Việt Nam sau 50 năm qua”. Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong một bài viết đã đăng trên Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã nói: “Tôi đã có trường ca “Đồng Lộc - Con đường của những vì sao” và vẫn ấp ủ một trường ca về đất và người xứ Nghệ nhưng sau khi đọc trường ca “Trầm tích”, tôi đã từ bỏ ý định của mình vì không thể viết về xứ Nghệ hay hơn Hoàng Trần Cương”.
Ông viết những câu thơ như rút ruột gan mình: "Ôi quê hương. Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước. Gió bão thù chi với mảnh đất này. Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển. Mưa giờ Ngọ chưa qua gió giờ Mùi đã đến. Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh. Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh. Ngửng mặt nhìn trời xanh nhức mắt. Dằng dặc dải làng quê thưa thắt. Tảng cháy cạy đi rồi. Còn hằn vết móng tay. Cày lên. Sưng cả đáy nồi".
Tác phẩm "Trầm tích" của nhà thơ Hoàng Trần Cương. |
Tôi từng hỏi nhà thơ Hoàng Trần Cương, ông bôn ba khắp nơi, chiến đấu ác liệt trong những năm tháng chiến trường để trở về với hòa bình lại tiếp tục với những cuộc chiến mới trong thời kinh tế thị trường, ở ông, nếu nhiều người gặp, sẽ nghĩ ông hợp tạng với những cuốn tiểu thuyết đầy phong ba bão táp hơn là một thi nhân.
Ông cười bảo, thơ mới là mạch nguồn, là căn cốt trong ông. Ông gốc Nghệ, chôn rau cắt rốn ở mảnh đất nhiều thương khó này nhưng ông lại trưởng thành ở miền Bắc và đổ máu ở chiến trường miền Nam,Ông luôn nghĩ, viết về miền nào cũng là điều không quan trọng vì cũng chính là Việt Nam đấy thôi.
“Trầm tích” là những con chữ được lắng tụ khi những va đập với cuộc đời đã đến tận cùng. Thường trực trong ông khi cất bút thành lời thơ, chính là những lúc cảm xúc hoặc là dâng đến tận cùng, hoặc rơi xuống đáy. Không có khoảng giữa.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, một người cùng thế hệ với nhà thơ Hoàng Trần Cương chia sẻ: "Thơ của Hoàng Trần Cương đã buồn thì buồn đến não cả lòng. Cay thì cay hơn ớt chỉ thiên, đọc lên cay đến xóc óc. Một thứ thơ đọc xong, im lặng không được, bởi trong lòng cứ thấy rấm rứt, hậm hực, mình đã muốn quên đi rồi, muốn cho nguôi ngoai cái thứ tình cảm bi lụy ấy đi rồi, vậy mà hắn xới lại không nguôi ngoai cho. Vậy thì mình phải tự bảo với mình rằng, hiểu được thơ hắn, hiểu được tâm can hắn phức tạp lắm.
Muốn gì thì cũng phải gần gũi hắn và sau đó phải đọc lại hắn để rồi phải nghe ngóng chính mình cái đã, rồi mới nhận ra Hoàng Trần Cương là người tài. Cái tài không bình thường. Cái tài chỉ biết gọi theo cách gọi của hắn là kinh khủng. Hiền. Hoàng Trần Cương cũng là người hiền. Hiền kinh khủng. Và thơ, tất nhiên là thơ cũng rõ là thơ hay kinh khủng”.
Nhà thơ Hoàng Trần Cương có những câu thơ, bài thơ về mẹ đọc lên ứa nước mắt: "Để giữ lại dù chỉ vài mụn cám. Mẹ vén vun cưng nựng nụ cười. Trên gương mặt thời gian còn rác rưởi. Củ khoai ri gầy như sợi lạt. Mẹ tha về nhà. Chùm rễ trắng mọc vào đêm. Cái rễ khoai lang thành khúc ruột mềm. Chưa hề đứt. Nên bầy con không ngửa tay ăn mày ngoài chợ" Hay: "Cái nón mê mẹ đội nửa đời người. Khi chóp thủng lại trùm lên vại nhút".
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, một người dành nhiều tình cảm cho nhà thơ Hoàng Trần Cương đã chia sẻ: Nhà thơ Hoàng Trần Cương là một thi sĩ, yếu đuối, đa cảm, đau đời nhưng yêu đời, luôn trầm buồn, tĩnh lặng song hành cùng một Hoàng Trần Cương mạnh mẽ, ồn ào, sống hết mình, làm việc hết mình, nồng nhiệt, chân thành trong tình cảm nhưng rành rẽ mọi chuyện, mọi nhẽ như cái nghề kế toán anh vận vào thân.
Hoàng Trần Cương nghiêm nghị, chính xác, quyết đoán, mạnh mẽ trong trách vụ của một viên chức ngành tài chính, để rồi đêm đến anh trở về ngôi nhà thân yêu với những người thân yêu của mình.
Lại một Hoàng Trần Cương khác, trầm buồn, khắc khoải nhân tình thế thái, đau đáu với những con chữ mang tình yêu, nỗi đau, hạnh phúc của đất đai, con người: "Mẹ ơi - Khoản vay nào rồi cũng phải trả - Chưa trả được bây giờ - Thì khất đến ngày mai - Nhưng sẽ không có nhiều ngày mai lắm đâu - Và con càng không thể - Gán cho mai sau - Dù một cắc nợ nần…".
Những câu thơ không thể lẫn với ai, thảng thốt, ám ảnh, da diết rất quyết liệt và sòng phẳng kiểu Hoàng Trần Cương".
Nhà thơ Hoàng Trần Cương mang trong mình dòng máu người xứ Nghệ có chút độc đoán, gia trưởng, ăn to nói lớn nhưng trong ông cũng có sự đắm đuối của miền Kinh Bắc, cái vùng quê ngọt ngào đã mang đến cho ông một người vợ dịu hiền, tần tảo nhưng cũng cho ông một tâm hồn “liền anh, liền chị”.
Bảy tuổi đầu ông theo cha ra sống ở mảnh đất Hà Thành. Trong ông có cái lãng mạn của chất Bắc nhưng lại có sự dữ dội của miền Trung. Ông lại là một người thương binh đi qua chiến trận, bàn tay ông từng vuốt mắt của bao đồng đội đã hy sinh.
Hiển hiện trong ông là người mẹ, là những người thân, là vùng trời miền Trung và trên hết đó là những “trầm tích” của tổ tiên, dòng họ, là những tháng năm chiến chinh đổ máu, là hy sinh của bạn bè đồng đội, cả nỗi đau tê nhức của mảnh đạn vẫn đang nằm trong cơ thể ông suốt mấy chục năm trời...
Có lần tôi về thăm quê ông ở Nghệ An. Họ Hoàng của ông ở làng Đặng Lâm, xã Đặng Sơn, huyện Đô lương, Nghệ An thuộc gốc Mạc, phái hệ phó Quốc vương Mạc Đăng Lượng. Mạc Đăng Lượng là chú ruột Mạc Đăng Dung và là cháu 11 đời của lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
Lịch sử thăng trầm, Mạc Đăng Lượng sau cải họ tên thành Hoàng Đăng Quang và là tổ phụ của họ Hoàng Trần hiện nay (nhà thờ dòng họ được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa). Hoàng Trần Cương chính là cháu đời thứ 12 của Hoàng Đăng Quang.
Hơn ai hết, ông luôn tự hào về dòng dõi văn võ song toàn của mình. Phả hệ những đời gần nhất, ông nội của nhà thơ Hoàng Trần Cương là Hoàng Trần Siêu đậu cử nhân, được phong Hàn lâm viện học sĩ, từ chối làm quan. Bố và chú ruột của ông đều tham gia Cách mạng từ rất sớm. Chú ruột ông là Hoàng Trần Thâm, tỉnh ủy viên hy sinh năm 1931 ở tuổi đời 23.
Tất cả những điều đó, với ông, nó có sức nặng bom tấn để từ trong trái tim ông ngân lên những khúc ca bi tráng về những gì ông đã trải qua trong cuộc đời này và buộc ông phải cầm bút viết: “Nhiều lúc anh muốn bứt đi dòng hồi tưởng của mình/ Những ký ức từng làm em xây xẩm/ Khi sốt rét quật anh ngã sấp/ Buổi động trời vết thương cũ nghiến răng/ Nhiều lúc một mình ngồi muốn nuốt chửng cả mùa trăng/ Khi rạng lên trong anh những gương mặt đã tản vào năm tháng/ Những chiếc áo của đồng đội anh nếu đem ghép lại/ Chắc cũng đủ căng lên thêm một bầu trời/ Nhiều lúc quá khứ bị chính anh lơ đãng bỏ rơi/ Ngước lên bàn thờ bắt gặp đôi nén hương đói lửa/ Những nén hương khắc khoải cong xoắn vòng vấn hỏi/ Khói bay tìm trời xưa/ Vuốt nỗi nhớ cồn cào xuống ngực/ Và nằm xoài anh ôm anh trên đất/ Chợt gặp lại những tấm bia đã mờ tên đồng đội/ Đứng im lìm giữa dãy dọc, hàng ngang/ Không hiểu sao những tấm bia đều ngoảnh mặt về làng”...
Nhà thơ Hoàng Trần Cương có một thói quen nhiều người biết, đó là trong những lúc ngồi cùng bạn bè, chiến hữu, ông có thói quen vuốt đuôi lông mày rậm rạp của mình những lúc buồn vui, xúc động hoặc sắp có thơ. Có nhiều bài thơ của ông ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Ông xuất khẩu thành thơ, nhớ luôn hoặc nhờ bạn bè chép lại. Những lúc đó, gương mặt ông vô thường và dị nhân đến lạ. Có lúc ông nhìn chằm chằm vào khoảng không gian bất động phía trước như một tảng đá đang ngẫm ngợi về nhân tình thế thái.
Có lần ông bảo, ông nhiều lần nằm mơ thấy mình là đá và hơn một lần đứng trước đá, ông tự hỏi, không biết liệu đá có buồn hơn không khi được ví là mình: “Mặt anh buồn như đá/ Ai vứt ra ngoài đồng”.
Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã trút bỏ được những gánh nặng phàm trần, trút bỏ được những nỗi đớn đau thể xác của những ngày tật bệnh và ra đi trong những ngày tháng vất vả của dân tộc, của đất nước đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19, nhưng có lẽ, tôi tin rằng, ông thanh thản nhắm mắt, xuôi tay, bởi với ông, chết không phải là hết mà có thể sẽ là một sự khởi đầu ở một nơi khác đâu đó đang đợi chờ ông. Ông sẽ lại được lang thang về với vùng đất quê hương xứ Nghệ, để lắng hồn mình với những dư âm, như ào xuống mạch nước trong của dòng sông Lam trước cửa nhà, đẫm mình vào hồn cốt núi sông, để tìm lại mình trong tuổi nhỏ, gọi về những trưa hè nắng chói chang cùng lũ bạn bè bắt cá, để hiện về những đêm trăng sáng lấm láp bò toài trên cát, mặc nắng, mặc mưa, mặc tiếng mẹ gọi khản giọng sau lũy tre ngà...
“Thật ra mặt đất cũng là bầu trời/ Nới rộng vòng tay/ Sẽ có ngày với được/ Bởi quen ngước lên/ Anh thường không thấy/ Một thế giới mộng mơ ở ngay dưới chân mình...” để rồi "Mỗi ngày tôi để lại một vạt lo toan, một miền khắc khoải/ Nơi lưỡi cày vừa mới đi qua/ Chiều đứng lặng nghe tiếng người cuối bãi/ Trăng lại treo mơ mộng trước hiên nhà...".