Bảo tồn di tích chưa xếp hạng: Tiêu chí nào?

12:39 25/02/2020
Những công trình trải qua trăm năm lịch sử, sau khi phát huy hết giá trị sử dụng, trong quá trình đô thị hóa, bị xem là xuống cấp, là trái quy hoạch và bị phá bỏ. Kiểu sử dụng “vắt chanh” này đang làm nhiều di tích có giá trị lịch sử, kiến trúc mà chưa kịp xếp hạng dần biến mất.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, khi chưa luật hóa được vấn đề này, cần xây dựng tiêu chí với những công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật.

Phân biệt đối xử

Là một di tích gắn với sự kiện lịch sử quan trọng nhưng căn biệt thự thuộc trạm phát sóng Bạch Mai đã bị dỡ bỏ một phần. Và nếu không được cấp thẩm quyền yêu cầu dừng lại, chắc chắn, di tích này đã biến mất hoàn toàn.

Căn biệt thự thuộc trạm phát sóng Bạch Mai (tại ngõ 128C Đại La, Hà Nội) gắn với sự kiện tối 19/12/1946 nữ phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam - Thanh Ngân - đã đọc bản tin được dùng làm hiệu lệnh Toàn quốc kháng chiến.

Trạm phát sóng Bạch Mai khi chưa bị dỡ bỏ...
...và khi đã bị dỡ bỏ một phần.

Điều đáng nói là di tích này bị dỡ bỏ trong khi Hà Nội đang chỉ đạo lập hồ sơ di tích và phần bị phá bỏ nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - ngã tư Vọng) do đơn vị tự ý phá dỡ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Mặc dù, trước đó, ngày 10/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam để lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với công trình này. 

Và sau đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã lập biên bản yêu cầu khôi phục lại phần bị phá bỏ nhưng cho đến thời điểm này, công trình vẫn bị hư hại nặng nề và chưa có dấu hiệu nào cho thấy đơn vị thi công sẽ phục hồi công trình.

Đáng tiếc, những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc bị phá bỏ mà chưa được pháp luật bảo vệ không phải là chuyện mới. Nếu như những di tích được xếp hạng được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt, ngăn cấm mọi hành vi vi phạm thì những di tích chưa được xếp hạng phải đối mặt với muôn vàn nguy cơ lấn chiếm, bị tàn phá mà chính quyền dẫu có biết cũng không mấy khi can thiệp.

Tình trạng phân chia rạch ròi một bên là các di tích xếp hạng và một bên là các di tích chưa (hay không) xếp hạng, nảy sinh thái độ "phân biệt đối xử" của xã hội đối với các di tích. Người ta trọng phía được xếp hạng chừng nào thì người ta lại bỏ mặc phía chưa xếp hạng chừng ấy. Và mặc nhiên, các di tích chưa được xếp hạng - những đứa con rơi phải đối mặt với cách sử dụng kiểu “vắt chanh”.

Số phận các di tích chưa xếp hạng thường bấp bênh cho đến khi, hoặc là được xếp hạng, hoặc là bị "thanh toán" nếu người dân sở tại không tự giác đứng ra bảo vệ, tôn tạo. Không chỉ công trình căn biệt thự thuộc trạm phát sóng Bạch Mai, ngược dòng thời gian, đã có nhiều công trình kiến trúc lịch sử phải đối mặt với nguy cơ bị phá bỏ hoàn toàn.

Cách đây hơn một năm, công trình dinh Thượng thư (số 59-61 Lý Tự Trọng, Q.1, TP Hồ Chí Minh) từng đứng trước nguy cơ bị phá bỏ. Đây là tòa nhà cổ có kiến trúc văn hóa độc đáo của Sài Gòn xưa.

Tòa nhà đã gần 130 năm tuổi và từng là dinh Thượng thư với 4 yếu tố đặc trưng: Dấu vết về một trong những công trình công quyền đầu tiên của Sài Gòn; khả năng liên kết hài hòa về không gian với nhiều di sản, mảng xanh khu vực xung quanh; tính đặc trưng về kỹ thuật xây dựng và có kiến trúc tiêu biểu; công trình ở tình trạng bảo quản tốt.

Dinh Thượng Thư.

Thế nhưng, thời điểm ấy, dự án mở rộng, nâng cấp cải tạo trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh đã đe dọa sự tồn tại hơn trăm năm của công trình này. Sau phản ứng mạnh mẽ từ công luận, các nhà khoa học và giới kiến trúc sư, sau nhiều cuộc bàn thảo, công trình dinh Thượng thư mới có phương án bảo tồn, trở thành nhà trưng bày thuộc UBND TP. Nhưng không phải di tích nào cũng may mắn như vậy.

Cùng là công trình hơn trăm năm tuổi nhưng nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) đang đứng trước nguy cơ biến mất không còn bóng dáng.

Xây dựng năm 1884, nhà thờ Bùi Chu được các chuyên gia đánh giá cao về giá trị kiến trúc - văn hóa mỹ thuật. Kiến trúc nhà thờ Bùi Chu vừa kế thừa lối kiến trúc châu Âu, vừa kết hợp với phương Đông. Các chất liệu xây dựng của bản địa cũng góp phần tạo nên sự giao thoa văn hóa Đông - Tây độc đáo.

Ngày 1/5/2019, có tới 25 nhà khoa học, kiến trúc sư, gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, đề nghị xem xét can thiệp giữ lại nhà thờ chánh tòa Bùi Chu.

Sau gần một năm, với nhiều đoàn khảo sát về nhà thờ Bùi Chu, vẫn chưa có một quyết định chính thức nào được đưa ra. Còn với những chủ sở hữu nhà thờ, công việc không thể đình trệ mãi. Vì vậy, họ quyết định tháo dỡ toàn bộ nội thất trong nhà thờ và di dời về một nhà thờ mới dựng tạm trong khuôn viên để sinh hoạt tôn giáo. Sau đó sẽ tiến hành hạ giải nhà thờ.

Chưa Luật hóa được thì cần xây dựng tiêu chí

Hà Nội từng có thời kỳ hàng loạt công trình kiến trúc Pháp cổ bị đập bỏ để thay thế bằng những công trình hiện đại. Vì sao nhiều công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc chưa được xếp hạng cứ lần lượt biến mất?

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính lý giải: “Thứ nhất là do thời gian không được trùng tu theo đúng khái niệm trùng tu, không được nâng cấp vì không có vốn liếng, không có sự chăm sóc mà chủ yếu bị khai thác. Thứ hai, chúng ta sử dụng công trình này hoàn toàn theo kiểu “vắt chanh”, “vắt kiệt” và nếu có sửa chữa thì chủ yếu theo nhu cầu phục vụ hoạt động hiện thời, sửa chữa theo kiểu hành chính quản trị không theo cách mà người ta ứng xử với những kiến trúc văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, trong một thời gian rất dài chúng ta chưa đánh giá đủ, đúng, công bằng với tài sản kiến trúc đô thị”.

Bảo tồn những kiến trúc văn hóa, nghệ thuật, lịch sử gắn với các đô thị lớn, chưa được xếp hạng là một thách thức mà không ít địa phương phải đối mặt. Thay vì chỉ xử lý ở từng vụ việc riêng lẻ, đã đến lúc phải luật hóa. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vấn đề vẫn dừng lại ở hội thảo mà chưa tiến tới luật hóa, nghĩa là chưa đánh giá hết các tiêu chí cần phải bảo tồn của một công trình di sản.

Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) từng chia sẻ: “Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị luôn là nhu cầu cấp cách trong mọi đô thị đã và đang phát triển. Ở nước ta, thời gian qua việc phát triển đô thị diễn ra một cách nhanh chóng và quá mức kiểm soát. Vì vậy các công trình di sản kiến trúc đô thị bị mai một, số lượng và khu vực bảo tồn trong đô thị ngày càng bị thu hẹp. Thực trạng đó hiện nay được báo động...”.

Nhà thờ Bùi Chu.

Theo các nhà khoa học, các kiến trúc sư, Luật Di sản văn hóa cần tiếp tục nhanh chóng được sửa đổi để đáp ứng sự phát triển của xã hội. Trong thời điểm trước mắt, khi chưa sửa đổi, bổ sung được Luật Di sản văn hóa thì cần có các tiêu chí để áp dụng cho các trường hợp di tích chưa được xếp hạng nhưng có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử.

TS Nguyễn Đức Hiệp - chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học và di sản (Bộ Môi trường và Di sản, bang New South Wales, Úc) cho rằng, cần xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá đó là một di tích cần được đưa vào danh sách bảo tồn.

Ông đưa ra một số tiêu chuẩn dựa vào tiêu chuẩn quốc tế được nhiều nước chấp nhận qua Hiến chương Burra như: Một hiện vật quan trọng đã được biết và ghi trong quá trình lịch sử văn hóa và thiên nhiên; Một hiện vật có liên hệ chặt chẽ và đặc biệt đến cuộc đời hay tác phẩm của một người, hay một nhóm người, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa của một địa phương; Một hiện vật quan trọng có đặc tính mỹ thuật hay có độ sáng tạo hay kỹ thuật cao; Một hiện vật có liên hệ chặt chẽ và đặc biệt với một cộng đồng về phương diện xã hội, văn hóa hay tâm linh; Một hiện vật có khả năng cho biết nhiều thông tin đóng góp vào sự hiểu biết lịch sử văn hóa hay thiên nhiên của địa phương.

“Nếu một trong những tiêu chuẩn trên được đáp ứng thì di tích đấy có thể được đưa vào danh sách bảo tồn” - TS Nguyễn Đức Hiệp khẳng định.

Quan điểm này trùng với quan điểm của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính. Ông từng cho rằng, cần lập ra một quỹ và một danh mục công trình có giá trị đối với lịch sử ở mỗi địa phương. “Muốn bảo tồn cần có tư duy chiến lược, tức là chọn ra, phân loại cái gì thực sự là cốt yếu, tinh hoa, cái gì giữ và vì sao, cuối cùng là có giữ được hay không..., GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết.

Tạo nguồn lực bảo tồn di sản, tại sao không?

Nguồn kinh phí nào để bảo tồn các di tích chưa có “danh hiệu” không đơn giản. Với các di tích đã được xếp hạng, thì theo thống kê của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hầu hết kinh phí bảo tồn, tôn tạo 60-70% vẫn từ nguồn xã hội hóa. Nhưng, nếu chỉ trông chờ với những người nông dân thu nhập mới chỉ đủ ăn thì lấy đâu ra hàng chục tỷ đồng để tu bổ di tích.

Theo New Zealand Historic Places Trust (NZHPT) - cơ quan bảo tồn di sản của New Zealand, từ năm 2003 New Zealand đã có Quỹ Bảo tồn di sản quốc gia theo Luật Di sản với ngân sách hằng năm do quốc hội thông qua, chủ yếu lấy từ nguồn xổ số của Lottery Grants Board. Chủ sở hữu các công trình cổ sau khi đăng ký và được cấp chứng chỉ công nhận di tích loại 1, có thể đến văn phòng của NZHPT gần nhất để đăng ký xin kinh phí của quỹ.

Về nguyên tắc, quỹ có thể tài trợ đến 50% giá trị sửa chữa, bảo tồn công trình nhưng không quá 100.000 NZ đô la. Ngân sách được xét duyệt dựa trên các tiêu chí như tầm quan trọng quốc gia của di tích, lợi ích công cộng mà di tích mang lại, mức độ khẩn cấp, yêu cầu bảo tồn và hiệu quả của ngân sách bỏ ra. Bên cạnh đó cũng có các tiêu chí phụ để xem xét như sự quan tâm của cộng đồng, phân bổ địa lý, phân loại di tích.

Kinh nghiệm New Zealand cho thấy, bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và của các chủ sở hữu thì doanh nghiệp du lịch, cộng đồng và các nhà hảo tâm cũng nên có những đóng góp nhất định.

Bởi vì bảo tồn được những làng cổ, phố cổ, những công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, kiến trúc qua các thời đại chính là để phát triển bền vững ngành công nghiệp xuất khẩu tại chỗ là du lịch. New Zealand sử dụng hệ thống tiêu chí chuẩn mực như một công cụ thực tế để đánh giá giá trị các công trình, qua đó có kế hoạch và thứ tự ưu tiên sửa chữa, gia cố bảo tồn. 

Để có được quỹ bảo tồn di sản không phải là chuyện một sớm một chiều nhưng rõ ràng, cần có một chính sách để tạo nguồn kinh phí bền vững cho việc bảo tồn di sản, không thể trông chờ ngân sách cũng như sự “bấp bênh” từ việc xã hội hóa.

Tựu trung, để bảo tồn và phát huy các giá trị của những di tích chưa được xếp hạng, điều tiên quyết cần phải có là một chính sách rất rõ ràng, kèm theo đó là sự đầu tư bài bản có chiều sâu, không vội mà phải chắc chắn.

Thảo Nguyên

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng việc khan hiếm tăng giá vật liệu xây dựng, 6 đối tượng 9X từ Nghệ An vào Đà Nẵng lập nhóm "cung cấp sắt thép công trình giá rẻ" trên mạng xã hội để kết nối, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiền cọc hàng của hàng loạt nạn nhân tại Đà Nẵng.

Bỏ học, lêu lổng, không có sự quản lý của gia đình, người thân và bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi đám bạn xấu, mạng xã hội độc hại, không ít thanh, thiếu niên đã tụ tập với nhau trở thành tội phạm đường phố. Với bản tính "chưa biết sợ", những đối tượng này manh động gây ra nhiều vụ án khiến người dân bất bình, bức xúc, lo lắng.

Theo kết luận mới đây của Thanh tra TP Hồ Chí Minh, 3 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Thực phẩm và Sản xuất Thương mại Sài Gòn 1, Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp 2 thuê 6 địa chỉ nhà, đất phát sinh nợ đọng tiền thuê nhà trong nhiều năm với tổng cộng hơn 20,4 tỷ đồng nhưng chậm thanh lý hợp đồng, chấm dứt việc cho thuê.

ĐT Việt Nam không tham dự FIFA Days tháng 11. V.League cũng là giải hiếm hoi được nghỉ khi AFF Cup diễn ra. Nhưng chính sự lạ đời đến nghịch lý ấy lại ủng hộ “Những chiến binh sao Vàng” hướng tới ngôi vô địch.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文