Bí ẩn về tộc người Pygmy, đại diện cổ xưa nhất của lục địa đen
- Bí ẩn bộ lạc “săn đầu người” cuối cùng của Ấn Độ
- Bộ lạc sống trên cây ở Indonesia
- Những khoảnh khắc đắt giá của bộ lạc du mục tại "nơi tận cùng thế giới"
Nhà địa lý Philip Greenland từng sống 2 tháng với tộc người Pygmy, được ông gọi là “Những đứa con của rừng rậm”, đã kể lại trên tạp chí nổi tiếng National Geographic xuất bản ở Mỹ trong số chuyên đề về nhân chủng học mới đây.
Giấu mình trong huyền thoại
“Ánh đèn pha của chiếc xe tải cũ xuyên màn sương mù mỏng phủ trong rừng. Hàng cây cao lớn 2 bên đường như muốn đè bẹp “con bọ hung bằng sắt” cổ lỗ sĩ này, tiếng động cơ bị rừng sâu nuốt chửng. Thi thoảng có những ánh đèn đốt bằng dầu hỏa le lói của các ngôi làng ven đường… Đã 3 ngày trời chúng tôi đi theo con đường hẹp nhờ cỗ xe hơi - một vật hiếm có nơi đây.
Chuẩn bị cho lễ cúng thần linh. |
Chúng tôi đã qua đường xích đạo, hướng tới vùng đông bắc Cộng hòa Dân chủ Congo thuộc Trung Phi, tới lãnh thổ của sắc dân Pygmy nhỏ bé… Địa danh Epulu giống như một trái tim giữa rừng sâu thuộc hạ lưu sông Ituri. Trên khoảng rừng rậm là một nhóm các gia đình tộc người Pygmy da nâu, thuộc bộ lạc Bantu đang sinh sống. Họ đốt nương làm rẫy, nhưng rừng già thường lăm le “đòi” lại đất của mình.
Dân tộc Pygmy luôn giấu trong mình những huyền thoại, dù rằng chúng được biết tới từ thời xa xưa. Bằng chứng đầu tiên là từ những cuộc khai quật khảo cổ nghiên cứu vùng châu thổ sông Nile cách đây 4.000 năm. Người Hy Lạp cổ gọi sắc dân bé nhỏ này là “Pygmeiox”, có nghĩa là “Người có khuỷu tay to”. Nhưng lịch sử gần đây lại lãng quên họ và đưa tộc người Pygmy vào “vương quốc của những huyền thoại mới”, biến họ thành “dạng động vật cao cấp xếp sau loài người biết suy nghĩ”(!).
Người Pygmy sống trong những vùng rừng rậm sâu nhất, bởi vậy thế giới văn minh mới phát hiện ra họ rất muộn màng: mãi tới giữa thế kỷ XIX. Các khu vực nơi họ thường sống thật khó đặt chân tới - cũng là một nguyên nhân, nhưng chính nhờ vậy mà họ vẫn giữ được nguyên nét hoang sơ của mình.
Nền văn hóa cung nỏ là một trong những biểu tượng tiêu biểu của dân tộc này, trong khi nhiều sắc dân bộ tộc khác ở châu Phi đã chuyển qua trồng trọt - chăn nuôi từ lâu rồi. Người Pygmy là những đại diện cổ xưa nhất của lục địa đen Phi châu. Trong suốt 8.000 năm qua lối sống của họ hầu như không đổi. Bằng chứng duy nhất về sự tiến bộ của kỹ thuật trong họ là đồ sắt - mà họ trao đổi được với các bộ lạc khác.
Viên quản lý Viện bảo vệ thiên nhiên ở Kinshasa đã cho người phiên dịch Ali, đồng thời cũng là người gác khu rừng cấm quốc gia Zaire đi cùng tôi vào rừng sâu. Chúng tôi mua các vật dụng thiết yếu, nhiều nhất là những tặng phẩm, bởi theo Ali thì chúng sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc thám hiểm của tôi. Để tới được bộ lạc Barulemba, những người chuyên sống bằng hái lượm - săn bắn dọc ven bờ Ituri cách Epulu 70km, phải mất trọn 2 ngày đường. Rừng rậm nuốt dần chúng tôi…
Trước khi tới đêm thứ 2, Ali chỉ cho tôi thấy những ký hiệu rất khó nhận biết, càng ngày càng nhiều: cây uốn cong, cành bị vát… Rồi những vết chân rất nhỏ, như chân trẻ em: người Pygmy! “Trại của họ chỉ quanh quẩn đâu đây”, Ali bảo. Có mùi củi cháy, một vài bước nữa thôi… Trước mắt chúng tôi là một khoảnh đất rộng. Những ánh lửa vẽ nên các vòng tròn ẩn hiện, tranh tối tranh sáng hắt vào tường các túp lều giữa rừng rậm đen kịt. Tôi đọc trong mắt “các chú lùn” những điều ngạc nhiên cũng như trong mắt tôi.
Phụ nữ và con trẻ tập trung nghe giải thích về giống vật linh thiêng. |
Tôi luôn mơ tưởng giây phút trọng đại này… và thực tiễn đã qua đi kể cả những lúc viễn tưởng nhất. Đám người Pygmy từ từ đi lại phía chúng tôi, với điệu cười rộng mở tôi hiểu đó là động tác đón chào - chúc mừng. Tại lãnh địa của mình họ rất ít gặp người da trắng khiến nét mặt họ hiện lên vẻ tò mò. Tôi xúc động đến bối rối, bởi qua vóc dáng bé nhỏ, tôi cứ ngỡ họ là… trẻ nít. Vị tù trưởng Zaili mời chúng tôi cùng các già làng tới ngồi quanh đống lửa của ông. Ali dịch lý do tôi xuất hiện tại đây.
Câu chuyện trở nên cởi mở hơn và tôi có thể vừa nói chuyện vừa quan sát xung quanh: 15 cái lều, dựng thành vòng tròn, làm chỗ trú cho khoảng 30 người. Tù trưởng xếp chúng tôi vào ngủ trong một túp lều có hình bán nguyệt, cao độ 1,5m và lợp bằng những tàu lá to. Với tôi cũng như Ali là quá chật. Khi ngả người, tôi thấy cặp chân của mình thò ra hẳn ngoài lều.
Tin vào thần linh
Những ngày sau đó tôi sống cùng tộc người Pygmy. Sáng ngày hôm sau, khi còn mờ sương chúng tôi đã lên đường đi săn. Đàn ông ra khỏi trại từng người một và tập trung sau Umudi - người đứng đầu và là tay thợ săn giỏi nhất của bộ tộc. Anh này cầm một cây nến nhỏ - biểu tượng của cuộc săn.
Tù trưởng Zaili (phải) của bộ lạc Barulemba thuộc tộc “người lùn Pygmy”. |
Người Pygmy rất tin vào thần linh, họ tin rằng rừng rậm là “Người mẹ vĩ đại” và tâm hồn của “Mẹ” làm toại nguyện những nhu cầu của họ. Khi cánh phụ nữ tới, các thợ săn bắt đầu đốt những lá cây xanh và tạo thành các luồng khói ẩn hiện. Sau đó họ tiến vào rừng hoàn toàn im lặng tuyệt đối. Sau khi Umudi ra hiệu, cánh nam giới lặng lẽ tản ra để bắt đầu căng một tấm lưới làm bằng rễ cây. Khi tấm lưới dài chừng 50m phủ một phần góc rừng, họ liền nấp sau đó và kiên nhẫn chờ. Thời gian như ngừng trôi… Đồng thời nữ giới cùng trẻ em tản vào những khoảng trống ngược lại với tấm lưới…
Rối bất thình lình là những tiếng la hét náo nhiệt làm thức giấc rừng già. Các con thú đang ngon giấc hoảng sợ bừng tỉnh lao tứ tung va vào lưới săn. Khắp nơi đều rộ lên tiếng người, cánh thợ săn chạy tới chạy lui dọc theo lưới… Họ tóm được 4 chú hoẵng lớn.
Phụ nữ liền xẻ thịt chúng ngay tại chỗ cho dễ bỏ vào gùi - được đeo bằng sợi dây to bản vắt ngang trán họ. Trên đường về họ còn hái lá rừng ăn được - có khối lượng nhiều vô kể. Trong bảng thực đơn của người Pygmy có tới 40 loại lá rừng có thể chế biến, chưa kể 14 loại nấm khác. Trung bình một ngày đi săn như vậy người Pygmy tiến hành khoảng 5-6 “vụ”. Đôi khi họ còn mở cả các chiến dịch nguy hiểm như săn voi nữa.
Lều trại của người Pygmy. |
Tất nhiên “Những đứa con của rừng rậm” không phải hôm nào cũng đi săn. Trong những “ngày nghỉ” họ làm các công việc sửa soạn như bện lưới mới, tẩm thuốc độc vào cung tên, hay các công việc gia đình khác. Nhiều đồ dùng được cánh phụ nữ khéo tay tô điểm bằng các hình vẽ. Một vài thợ săn còn đi một mình hoặc đi theo nhóm để lấy mật. Mọi người ai cũng thích ăn mật cả và hầu như ngày nào người Pygmy cũng dùng mật chút ít. Họ phải trèo lên những cây cao có khi tới 60m, nhằm tìm tổ ong rừng giữa đàn ong dày đặc bu quanh…
Dân Pygmy sống chủ yếu bằng săn bắn, nên khi thú săn trong vùng đã giảm, họ chuyển chỗ ở của mình. Như vậy một tháng sau chúng tôi dời đi chỗ khác, xa sông Ituri hơn. Họ chỉ mang theo những vật dụng thiết yếu nhất, gọn nhẹ cho dễ đi lại nơi rừng sâu. Tù trưởng đi đầu, theo “lối của dã thú” nhắm đến trại mới. Phụ nữ nhanh chóng dựng lều mới và chỉ sau vài giờ ánh lửa lại bùng lên.
Trong khoảng thời gian cuối của cuộc viếng thăm, tôi có điều kiện thâm nhập vào một khía cạnh khác của người Pygmy: một đứa trẻ bị chết yểu. Mỗi khi có điều bất hạnh nào đó xảy ra, người Pygmy thường cho rằng “người mẹ - rừng già” đã bỏ rơi họ. Do vậy họ phải làm lễ lại, với tất cả sinh lực nhằm liên kết mọi linh hồn - giữa người và thần linh của tự nhiên. Màn đêm phủ xuống trại, ngọn lửa được chất cao ngất. Phụ nữ nhảy múa và ca hát giữa ánh lửa bập bùng hắt lên người họ. Tiếng hát kỳ lạ của người Pygmy sẽ làm rung động rừng già, tha thứ cho họ…
Sau đó là thứ âm thanh siêu tự nhiên: từ yếu, rồi mạnh dần và át hẳn tiếng hát. Khi mọi người yên lặng, âm thanh nghe rõ hơn, cao lên và ngập tràn trong cả khu trại. Đó là tiếng của Thần Cầu nguyện, tiếng của “Mẹ”, cũng như tiếng của mọi đấng thần linh. Đàn ông đang giải thích cho đàn bà con gái tin rằng, âm thanh này do một loài vật quý của vị thần trong rừng sâu phát ra, chỉ có nam giới mới được phép thấy và lại gần giống vật linh thiêng đó… Phụ nữ và trẻ em lui vào trong các lều, bởi sắp đến lúc Thần Cầu nguyện tới trại.
Tôi ở lại với nhóm đàn ông cùng lời hứa là giữ kín điều bí mật của họ. Bất thình lình có 2 chàng thanh niên xuất hiện, người quấn bởi lá cây, vác một cái ống dài và người đằng sau đang thổi vào đó. Âm thanh lúc trước lại vang lên, nhưng nghe thô, không giống như nhiều âm thanh tế lễ “cực chuẩn” của các bộ tộc khác.
Tiếng âm thanh ấy ngày càng réo rắt, như thể vọng tới đây từ một con thú to bị thương ở vùng gần trại. Những người đàn ông còn lại thì dùng gậy đập xuống đất, giả làm bước đi của dã thú khiến đám đàn bà con trẻ thêm tin hơn…
Thần Cầu nguyện tiếp tục “ở lại” cả đêm, tới khi rừng già không nhẫn tâm với người Pygmy nữa, nhất là với thế hệ con trẻ tiếp nối dòng tộc của họ.