Biến đổi khí hậu: Chuyện không của riêng ai!

13:03 18/12/2020
Tại Thượng đỉnh Tham Vọng Khí Hậu, do Paris, London và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đồng tổ chức ngày 12-12 nhằm thúc đẩy trở lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới “tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, bởi thế giới hiện giờ vẫn chưa đi đúng con đường để có thể đạt mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C như mục tiêu ấn định trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015.

Ông Guterres cho rằng các nước mới chỉ dừng lại ở những con số báo cáo chứ chưa có hành động cụ thể, thiết thực.

Đưa ra thông điệp trong hội nghị kỷ niệm 5 năm ký kết Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, ông Antonio Guterres đề nghị các nước cần hướng đến mục tiêu trung hòa lượng khí thải carbon (CO2). Để thực hiện được việc này, đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phải được giảm 45% từ mốc 2010.

Các biện pháp được đưa ra bao gồm: Định giá carbon; Dừng cấp tài chính và trợ cấp sản xuất nhiên liệu hóa thạch; Dừng xây dựng các nhà máy điện than; Đánh thuế phát thải carbon và chuyển gánh nặng thuế sang người gây ô nhiễm; Yêu cầu công bố thông tin về rủi ro tài chính liên quan đến ảnh hưởng khí hậu; Đưa mục tiêu đạt được tính trung lập carbon vào trong tất cả các quyết định và chiến lược kinh tế và tài chính.

Trong bối cảnh các quốc gia đang tích cực đưa ra các gói kích thích nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Tổng Thư ký LHQ cảnh báo việc nhiều quốc gia đang có xu hướng gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch thay vì năng lượng sạch và có thể tái tạo. Trong đó, các nước trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã chi nhiều hơn 50% cho những lĩnh vực kích thích sử dụng nhiên liệu hóa thạch thay vì năng lượng sạch.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, tính tổng số các cam kết như hiện nay, nhiệt độ Trái đất vẫn trên lộ trình tăng thêm 3°C.

Cũng trong hội nghị này, một số quốc gia đưa ra các cam kết giảm phát thải khí carbon bao gồm: Chính phủ Anh cam kết sẽ ngừng hỗ trợ các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục cam kết đưa mức phát thải CO2 về 0 trước năm 2050.

Trước đó, vào tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ giảm mức phát thải khí CO2 về 0 vào năm 2060. Trung Quốc hiện là nước phát thải CO2 nhiều nhất thế giới - là loại khí được xem là thủ phạm chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu dẫn tới biến đổi khí hậu.

Theo số liệu của LHQ, tính tổng số các cam kết như hiện nay, nhiệt độ trái đất vẫn trên lộ trình tăng thêm 3°C, hoặc cao hơn, vượt xa mục tiêu của cộng đồng quốc tế trong Hiệp định Paris. Các quốc gia có nỗ lực yếu trong cuộc chiến khí hậu như Brazil hay Úc không có mặt tại thượng đỉnh.

Trước thượng đỉnh, Tổng Thư ký LHQ cảnh báo, nhiệt độ trái đất “mới” tăng hơn 1,2°C, mà trong hiện tại nhân loại đã phải đương đầu với những biến đổi khí hậu ghê gớm. Nhà tranh đấu khí hậu nổi tiếng Greta Thunberg đã cực lực chỉ trích giới lãnh đạo chính trị thế giới, đã đề ra “các mục tiêu xa vời” và “những lời hứa hẹn trống rỗng”. Thiếu nữ người Thụy Điển kêu gọi cần có các hành động ngay tức khắc. Nhiều người cho rằng những chỉ trích của Greta Thunberg là quá cực đoan.

Tuy nhiên, giới chuyên gia về môi trường cũng có một số nhận định tương tự. Theo Chương trình Môi trường LHQ, sản lượng các năng lượng hóa thạch, như than, dầu và khí đốt, vẫn tiếp tục tăng 2% hằng năm cho đến năm 2030, trong lúc phải giảm 6%/năm thì mới có thể đạt mục tiêu Hiệp định Paris đề ra. Điểm đặc biệt nghiêm trọng là các ngân hàng thế giới vẫn tiếp tục đầu tư ồ ạt cho năng lượng hóa thạch. Từ năm 2016 đến 2019, khoảng 2.700 tỉ đô la đã được cấp cho 2.100 doanh nghiệp năng lượng hóa thạch và số tiền vẫn tiếp tục tăng lên.

Theo Liên minh Climate Transparency, 54% ngân sách dành cho năng lượng trong các kế hoạch chấn hưng hậu COVID là đầu tư cho năng lượng hóa thạch, trong đó có đến 86% số tài trợ không hề bị ràng buộc bởi các đòi hỏi về môi trường.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong suốt nhiệm kỳ của mình, đã tiến hành dỡ bỏ hay giảm nhẹ gần 150 tiêu chuẩn về môi trường, trong đó có các quy định chống ô nhiễm, được áp đặt đối với các nhà sản xuất xe hơi. Năm 2017, ông Trump lạnh lùng thông báo đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Khí hậu, bị ông đánh giá là thảm họa. Quyết định ra khỏi Hiệp định có hiệu lực năm nay 2020. Không quốc gia nào theo chân Mỹ trong việc này.

Tuy nhiên, lượng khí thải của nước Mỹ đã không tăng dưới thời ông Donald Trump một phần là nhờ ở sự kháng cự của 25 bang và hơn 400 thành phố, gần như do đảng Dân chủ lãnh đạo. Các địa phương này khẳng định sẽ kháng cự lại quyết định của chính quyền liên bang và thực thi Hiệp định Khí hậu Paris ở tầm mức của mình. Tuy nhiên, thật khó mà giới hạn việc nhiệt độ trái đất gia tăng mà không có sự tham gia của chính quyền liên bang. Mỹ vẫn là quốc gia phát khí thải đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Nước Mỹ chịu trách nhiệm 15% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cũng trong hội nghị hôm 12-12, Tổng Thư ký LHQ lấy làm tiếc là ngoài các mục tiêu được thể hiện qua con số, việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng bảo vệ bầu khí hậu không được chú ý nhiều hơn trong các cuộc tranh luận.

“Quá trình chuyển đổi này phải công bằng, với một chế độ an sinh xã hội và hỗ trợ cho công nhân và những người bị ảnh hưởng bởi tiến trình loại bỏ phát thải khí carbon. Và các nước phát triển phải duy trì cam kết chi 100 tỷ đô la mỗi năm cho các nước đang phát triển kể từ năm nay, một nỗ lực vốn dĩ chậm hơn nhiều so với kế hoạch. Chúng tôi cần nhiều nguồn lực hơn và cần phân bổ lại quỹ, dành một phần nhiều hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng”, Tổng Thư ký LHQ phát biểu.

Tạm thời, mới chỉ có 20% số tiền thu thập được cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được dành cho việc cải thiện khả năng thích ứng của các vùng và cộng đồng sẽ phải chịu tác động nặng nề từ các cuộc khủng hoảng khí hậu.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Sau nhiều ngày dao động nhẹ trong biên độ hẹp, giá vàng đã có phiên tăng tốc, mỗi lượng vàng tăng thêm 1,7 triệu đồng chỉ sau vài tiếng giao dịch buổi sáng 21/5.

Ngày 21/5, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện đơn vị đã bố trí tổ công tác sử dụng máy quay để ghi hình các trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm giao thông tại tất cả các nút giao thông trên địa bàn đơn vị quản lý.

Thủ tướng chỉ đạo kể từ ngày đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính được phê duyệt, các bộ ngành, địa phương phải thực hiện sắp xếp, điều hòa các cơ sở nhà, đất, bảo đảm trụ sở làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; hoàn thành trong thời hạn 3 tháng.

Ngày 20/5, Công an xã Tân Châu, huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, đã bắt được K’ Lộc (SN 1999, trú tại thôn 3, xã Tân Châu, huyện Di Linh), đối tượng bị Công an tỉnh Bình Thuận truy nã về hành vi nhiều lần dùng súng bắn đe dọa nạn nhân và cướp tài sản.

Những kết quả từ việc khai quật, khảo cổ học thu được tại Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) thời gian qua đã minh chứng tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này. Đây là nguồn tư liệu có giá trị lịch sử, văn hóa cao, góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử và là cơ sở để phục vụ các dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành Nhà Hồ trong tương lai.

Chiều tối 20/5, Sở Y tế Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra công ty liên quan đến hai sản phẩm bị đình chỉ lưu hành. Đây là công ty trực tiếp sản xuất sản phẩm dầu gội, kem chống nắng, sau đó giao cho doanh nghiệp của chồng ca sĩ Đoàn Di Băng phân phối ra thị trường và ca sĩ này đã tham gia quảng cáo, giới thiệu về chất lượng sản phẩm…

Theo tin từ TAND cấp cao tại Hà Nội, ngày 30/5, cơ quan này sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân). Phiên tòa phúc thẩm diễn ra dưới sự điều hành của Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Thái Duy Nhiệm.

Tiếp tục thực hiệu hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, chỉ trong vòng 20 giờ, các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Điện Biên đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ các đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ số lượng lớn heroin.

Chính quyền Kiev đang có cơ hội cuối cùng để duy trì một hình thức nhà nước nào đó sau khi cuộc xung đột ở Ukraine chắc chắn đi đến hồi kết, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, đồng thời kêu gọi Kiev tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.