Chạy bộ theo phong trào - Thận trọng để tránh điều đáng tiếc

14:23 09/06/2021
Những ngày qua, thông tin một hoa hậu - được biết đến là người rất chăm tập thể thao với hai môn chạy bộ và Yoga - đột ngột qua đời đã gây xôn xao dư luận cũng như các runner (vận động viên chạy bộ). Trước đó hơn 20 runner Trung Quốc tử nạn khi đang tham gia một cuộc thi Marathon cũng khiến làng điền kinh choáng váng.

Không thể phủ nhận những ích lợi mà môn thể thao chạy bộ nói riêng và các môn thể thao nói chung đem lại cho người tập, song có lẽ mỗi người cần một kế hoạch tập luyện khoa học, hiểu rõ cơ thể mình để không phải chịu những hậu quả đáng tiếc.

Nở rộ phong trào chạy bộ

Có thể nói vài năm trở lại đây phong trào chạy bộ ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác của nước ta có sự phát triển hết sức mạnh mẽ. Mỗi buổi sáng - tối tại nhiều công viên cũng như cung đường đẹp, nhiều cây cối, khu ven hồ... người ta có thể dễ dàng gặp nam phụ lão ấu miệt mài "cày đường".

Chạy bộ là môn thể thao tốt cho sức khỏe của nhiều người dân.

Hàng trăm hội nhóm dành cho những vận động viên (VĐV) chạy bộ được lập trong một thời gian ngắn, thu hút rất nhiều thành viên. Không chỉ chạy quanh quẩn tại một số công viên, hồ nước trong nội thành, nhiều nhóm thường xuyên rủ nhau tìm đến những cung đường độc, lạ như khu hồ Đồng Đò (Sóc Sơn), đi trekking ở Pù Luông (Thanh Hóa), chạy trail (địa hình) ở Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Nhìu Cồ San (Bát Xát, Lào Cai).

Giải thích về phong trào chạy bộ ngày càng phát triển mạnh, Tuấn Anh - một VĐV giàu kinh nghiệm cho biết, các nhà khoa học cũng như thực tế đã chứng minh chạy bộ là một trong những môn thể thao rất tốt cho sức khỏe. Khi tập luyện thường xuyên, có kế hoạch, sức khỏe của người chạy sẽ được cải thiện đáng kể. Một số bệnh về tim mạch, đường tiêu hóa... cũng sẽ được đẩy lùi. Bên cạnh đó, chạy bộ thường xuyên, cơ thể sẽ tiết ra những chất có thể gây hưng phấn, xả stress.

Thêm vào đó, đây là một môn thể thao hết sức đơn giản, gần như không tốn trang thiết bị như các môn "sành điệu" đắt đỏ khác như golf hay tennis - đòi hỏi sân bãi, phụ kiện đắt tiền. Chỉ cần quần đùi, áo phông và một đôi giày là có thể bắt đầu luyện tập. Thậm chí, với các VĐV người dân tộc miền núi, họ chỉ chạy bằng chân trần hoặc đôi giày vải rẻ tiền.

Như được tiếp thêm cảm hứng, trong vài năm gần đây mỗi năm ở Hà Nội có hàng chục các cuộc thi Marathon được tổ chức hoành tráng, chuyên nghiệp. Từ các giải đường trường như VNE Marathon, VPbank Marathon, Long Biên Marathon, Ecopark Marathon... cho đến chạy trail thuộc hệ thống VMM (Vietnam Moutain Marathon) như Sapa Marathon đều có số lượng VĐV tham gia rất đông. Mỗi giải đều có nhiều độ dài vừa sức với nhiều VĐV (5, 10, 21, 42km).

Chấn thương dễ xảy đến với những runner cố chạy mà không lắng nghe cảnh báo của cơ thể.

Việc tổ chức các giải chạy cũng đã làm giàu cho các doanh nghiệp tổ chức. Chỉ đơn cử, mỗi giải có khoảng 2.000-5.000 runner tham gia, ban tổ chức sẽ bán BIB (thẻ có gắp chip phục vụ thi đấu) cùng bộ racekit với giá trung bình 500.000 đồng/bộ đã có thể thu về một vài tỷ đồng. Chưa kể nguồn tài trợ từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Cùng với đó là số lượng thiết bị đeo (đồng hồ thông minh, vòng đeo thông minh), các loại giày hỗ trợ môn thể thao này cũng bán chạy chưa từng thấy. Hàng chục đầu sách dành cho runner được xuất bản, tái bản rầm rộ như "Sinh ra để chạy", "Tôi nghĩ gì khi chạy bộ", "Phương pháp chạy bộ của người Kenya"...

Rõ ràng, chạy bộ là môn thể thao rất tốt, dành cho đại chúng. Và so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới như Singapore, Mỹ, Nhật Bản... thì số lượng các cuộc thi Marathon cũng như phần trăm dân số tham gia môn thể thao này ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.

Nhiều người đẹp Việt Nam cũng là những runner chăm chỉ.

Nhưng, xung quanh phong trào chạy bộ đang lên ở Hà Nội nói riêng và nhiều tỉnh, thành phố lớn khác cũng xuất hiện những câu chuyện phi thể thao, phản sức khỏe mà bản thân các runner cần phải tự nhìn lại mình, để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Những tai nạn đáng tiếc

Cuối tháng 5 vừa qua, cộng đồng người yêu chạy bộ thế giới bàng hoàng trước thông tin nhiều VĐV thiệt mạng khi tham gia giải ultramarathon-trail (giải chạy siêu địa hình) mà độ dài lên tới 100km tại Cam Túc (Trung Quốc). Không ai có thể ngờ giải chạy này là lần tham dự cuối của hơn 20 VĐV, trong đó có cả những nhà vô địch, “Vua leo núi” như Liang Jing - người chiến thắng 3 năm liên tiếp giải đấu này.

Nhà chức trách địa phương đưa ra nguyên nhân cái chết của các nạn nhân là do nhiệt độ giảm đột ngột, điều kiện thời tiết xấu kèm mưa đá, gió lớn khiến nhiều VĐV bị mất liên lạc, mắc kẹt trên núi quá lâu. Điều đáng nói, trước cuộc thi diễn ra sáng 22-5-2021, không có dự báo thời tiết xấu trong ngày đua. VĐV tham dự cuộc thi đa phần mặc quần áo ngắn, rất ít người mặc quần áo chạy mùa đông. Các VĐV sau khi được giải cứu, đều khẳng định thời tiết cực đoan chính là nguyên nhân số 1 dẫn đến thảm kịch.

Các giải chạy tổ chức thời gian gần đây thu hút rất đông người tham gia.

Ở Việt Nam, giải chạy siêu địa hình Dalat Ultra Trail  tại Đà Lạt (Lâm Đồng) hồi tháng 6-2020 phải dừng lại giữa chừng khi một nam VĐV gặp nạn trên đường đua 70km. Cơn mưa to bất ngờ khiến nước lũ đầu nguồn đổ về và một nam VĐV đã bị nước cuốn trôi khi đang vượt suối.

Ngoài nguyên nhân khách quan đã ảnh hưởng đến chất lượng một vài cuộc thi, đến tính mạng của VĐV, còn lại đa phần các tai nạn xảy ra là do các nguyên nhân chủ quan.

Runner nghiệp dư Lê Hoa cho biết, chị bắt đầu đến với môn chạy bộ khoảng 4 năm về trước. Do có người nhà là giáo viên dạy thể dục và thần tượng trong công việc của chị là một runner chuyên nghiệp nên chị cũng bắt đầu mua giày về để “cày đường”. Hai người lên kế hoạch mỗi ngày phải chạy ít nhất 10km (được xác định thông qua phần mềm cài trên điện thoại di động), nếu ai không thực hiện sẽ bị phạt.

Do tập luyện đều đặn, có phương pháp nên sức khỏe của chị được cải thiện rõ rệt. Từ mốc 10km ban đầu, chỉ vài tháng chị đã nâng lên 21km (còn gọi là Half-marathon), rồi lên 42 km Full-marathon. Chị thường xuyên tham gia nhiều cuộc thi Marathon tại Hà Nội cũng như những giải chạy trail ở nhiều tỉnh miền núi. Chị cũng tham gia vào một số club để có bạn chạy cùng cho vui, thêm động lực.

Trong nhóm này có một thành viên nam (tên Thành) tỏ ra hết sức có "năng khiếu". Từ chỗ suốt 30 năm tuổi đời chỉ biết lên xe xuống ngựa, bỗng một ngày đẹp trời muốn trở thành runner chuyên nghiệp. Thực ra ý tưởng đó cũng tốt, chỉ là chàng muốn đốt cháy giai đoạn, vừa tập luyện được vài ngày đã tham gia cuộc thi Full-marathon với "pace" khủng là 4,5 (chạy 1km trong thời gian trung bình 4 phút rưỡi). Và hậu quả là chạy chưa được nửa đường thì Thành đã bị tụt huyết áp, gục ngã giữa đường. May có bộ phận cứu hộ kịp thời có mặt đưa chàng đi bệnh viện cấp cứu mới giữ được tính mạng.

Đường chạy trail là thử thách với nhiều runner.

Trong các nhóm chạy ở Hà Nội, nhóm nào hầu như cũng có thành viên ảo tưởng sức mạnh, nghĩ là mình "sinh ra để chạy". Dù chỉ luyện tập một thời gian ngắn nhưng hễ có giải là tham gia. Thấy sức không theo được thì tìm mua các loại thuốc tăng lực, thuốc giảm đau... để đua với những VĐV chuyên nghiệp, có quá trình luyện tập lâu dài.

Phải nói rằng, với nhiều runner thì chạy trail là một thử thách hết sức khó nhằn. Bởi thường xuyên phải chạy qua những dốc đứng mà đi bộ đã thở không ra hơi, đừng nói là chạy. Lại nữa, cuộc thi thường bắt đầu vào buổi sáng sớm, trên địa hình núi cao không khí loãng hơn ở đồng bằng khiến cho các VĐV rất dễ mất sức.

Giải chạy Trail-marathon ở Sa Pa vào đầu năm 2021 vừa qua là một kỷ niệm hãi hùng đối với Xuân Thắng (một VĐV nghiệp dư hiện sống tại Văn Giang, Hưng Yên). Tại giải này, Xuân Thắng đăng ký cung đường 70km, xuất phát lúc 0h. Tuy nhiên, khi anh mới chạy được khoảng 25km thì cảm thấy cơ thể có những biến đổi bất thường, mồ hôi trên người toát ra như tắm đồng thời cảm thấy lạnh ghê gớm. Mắt cũng hoa lên không còn nhìn thấy đường nữa. Gục xuống lề đường nghỉ một lúc lâu vẫn không đỡ. Thắng cố uống nước điện giải, ăn socola, cắn gel... song vừa nuốt được tý gì cũng đều nôn sạch, đành phải bỏ cuộc giữa chừng.

Nguy hiểm hơn, một số runner thấy chạy mãi không vượt được ngưỡng của mình thì nghĩ đến các loại thuốc, các loại nước uống để tăng cơ bắp cũng như chống co cơ, thuốc giảm đau các loại. Một khi lạm dụng những loại thuốc này, VĐV có cảm giác mình như "siêu nhân" có thể chạy cả ngày không biết mệt. Song, thực tế, đã có nhiều runner phải trả giá khi không nghe được cơ thể cảnh báo, không phát hiện được huyết áp tăng cao bất thường nên vẫn cố chạy và kết cục là phải cấp cứu trong bệnh viện.

Theo anh Cao Minh Tùng, Giám đốc kỹ thuật của một trung tâm Yoga-Fitness, các VĐV muốn có sức khỏe tốt thì phải một kế hoạch luyện tập, biết lượng sức mình trong tập luyện cũng như trong thi đấu. Bên cạnh đó, những người bị bệnh tim, huyết áp, các bệnh về xương khớp... thì tuyệt đối không nên chạy bộ mà có thể tham gia nhiều môn khác như đạp xe, Yoga...

Với các VĐV chạy bộ, khi mới luyện tập thì chỉ nên bắt đầu với 3-5km trong vài tuần đầu. Sau đó tăng lên 7-10km các tuần tiếp theo. Trước khi tập luyện cũng như thi đấu cần phải khởi động rất kỹ, làm nóng các cơ... Đặc biệt, hạn chế việc dùng các loại thuốc kháng đau, kháng viêm hoặc thực phẩm chức năng. Bởi nó sẽ làm giảm khả năng phát hiện các dấu hiệu bất thường của bản thân, nhất là những thay đổi nhỏ. Bên cạnh các bài tập cũng nên bổ sung dinh dưỡng bằng cách uống nước canh (xương hầm, súp) làm đường dẫn để cơ thể hấp thụ thức ăn từ từ. Ăn nhiều rau củ hơn để giữ lại chất dinh dưỡng, rồi đến chất đạm (thịt cá) và protein (cơm, khoai, ngũ cốc...). Giấc ngủ cũng cần được chăm sóc, ngủ đủ và đúng chu kỳ...

M. Tiến

Mỗi quốc gia đều có những chế tài xử phạt khác nhau đối với người vi phạm giao thông, đặc biệt là đối với hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn chỉ dẫn. Tại Đông Nam Á, nhằm nâng cao tính răn đe, các mức phạt với hành vi vi phạm lặp lại có thể được tính lũy tiến hoặc thậm chí ngồi tù.

Chiều  2/1, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cùng đại diện chỉ huy một số phòng chức năng Công an TP đã đến Bệnh viện E thăm hỏi, động viên Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Tổ công tác Y19B-141H, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Ngày 2/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Sỹ Mạnh để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng.

Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với phạm nhân, trại viên, học sinh, nhất là đã triển khai phương án kịp thời, đảm bảo an toàn cho các phạm nhân trong cơn bão số 3, trong đó có 1 cán bộ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ tính mạng cho phạm nhân.

Quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật bị phạt từ 80-100 triệu đồng; cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bị phạt tối đa 100.000.000 đồng, đối với tổ chức tối đa là 200.000.000 đồng…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文