Kia
Mobifone

Chính trường - Nguồn đề tài mới cho điện ảnh Pháp

Thứ Sáu, 03/04/2015, 12:20
Các chính trị gia hàng đầu của Pháp luôn gợi cảm hứng cho các nhà làm phim. Từ những cuộc cạnh tranh cho đến những chuyện tình cảm, rồi những vụ bê bối về tài chính, các yếu tố đưa đến những quyết sách cho nền Cộng hòa thường là nguồn chất liệu cho những kịch bản hay nhất.

Những người giữ các chức vụ cao trong Chính phủ Pháp nếu có hành vi sai trái thường gây ra nhiều đề tài tranh cãi gay gắt trong  dân chúng. Giữa cuộc chạy đua vào Điện Elysee hay vào Quốc hội... mà trong đó mọi mánh khóe xấu xa đều được sử dụng, rồi thêm vào là những vụ hối lộ hay chuyện "đi đêm" tình cảm… sẽ là một “mỏ vàng” cho các nhà làm phim khai thác.

Do nắm bắt đúng cơ hội mà từ mấy năm nay họ đã thực hiện hàng chục cuốn phim chiếu rạp lẫn phim truyền hình. Ít nhiều có tính lãng mạn, các cuốn phim đó được lấy cảm hứng trực tiếp từ các vị lãnh đạo của nước Pháp như Nicolas Sarkozy, Jacques Chirac, hay Francois Hollande, Dominique Strass - Kahn và các đồng sự.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới D.S.Kahn - Nhân vật đầy tai tiếng (Ảnh lớn). Nam tài tử gạo cội G.Depardieu trong vai DSK. Ảnh nhỏ.
.

"Vì bây giờ báo chí đã nâng cấp các chính trị gia thành những diễn viên nổi tiếng, và công chúng lại rất chuộng loại phim này" - đó là lời giải thích của ông Philippe Labi, cựu chủ bút tờ Gala, Voici và VSD, và là nhà quan sát chuyên về đời sống chính trị (ông còn là người dẫn chương trình trong mục "Chính trị buổi sáng" trên kênh LCP). Đã qua rồi thời của những cuốn phim tài liệu tử tế, trong đó người ta thấy các vị lãnh đạo trong thời kỳ huy hoàng, bắt tay người hâm mộ, được mời tới nhà họ dùng bữa tối hoặc bông đùa thoải mái với những người dị hợm tại khu triển lãm nông nghiệp. Bây giờ thì việc lên phim có nhiều đòi hỏi gắt gao hơn.

Để làm hài lòng khán giả vốn bị nhồi nhét quá nhiều chuyện lùm xùm của các nghệ sĩ, cùng những tin tức lượm lặt được trên mạng xã hội, thì từ nay, phải cho họ biết những bí mật riêng tư nhất của các chính trị gia, những sai lầm trong đường lối chính sách của họ, những tật xấu không thể chịu nổi của họ.

Nói trắng ra là: "Thưa quý ông đầy quyền lực, xin hãy bước xuống khỏi bệ tượng!". Và đôi lúc, một số nhà chính trị tự biến thành sao lại càng có lợi cho báo chí! Như trường hợp của cựu Tổng thống Sarkozy: ông công khai hết mọi thứ, từ những buổi chạy bộ thể thao cho đến việc chính thức hóa chuyện tình của ông với cựu người mẫu, ca sĩ Carla Bruni. Ông Philippe Labi cho biết: "Sau khi đắc cử vào năm 2007, Tổng thống Sarkozy đã góp phần rất nhiều vào hiện tượng ngôi sao hóa này, qua việc hứa với người dân Pháp một sự trong suốt hoàn toàn. Vấn đề là biên giới giữa trong suốt và thói ưa nhìn trộm rất mỏng manh”.

Đoạn phim quảng cáo bộ phim "Well come to New York" (năm 2004), lấy cảm hứng từ vụ DSK (Dominique Strass - Kahn), đủ để cho thấy điều đó. Bộ phim của đạo diễn Abel Ferrara tiết lộ một nhân vật đồi trụy do Gérard Depardieu đóng đã gây sốc cho dư luận đến mức nó được chuyển thẳng qua đĩa DVD, không cần phải chiếu rạp. Khi được dò hỏi ý kiến để đóng vai Anne Sinclair, nữ diễn viên Isabelle Adjani đã từ chối lời mời vì cảm thấy kịch bản sẽ gây cho cô rất nhiều phiền toái.

Vào năm 2011, Tổng thống Sarkozy là diễn viên chính bất đắc dĩ của một bộ phim giả tưởng. Trong phim "La Conquête", Denis Podalydès đóng vai một Sarkozy đang thăng tiến trong sự nghiệp chính trị, nhưng lại bất lực trước sự xa cách dần dần của bà vợ Cécilia. Khi đó, ông Sarkozy chẳng có một lời nào chỉ trích bộ phim. Một nhân vật khác cũng được khắc họa chân dung, đó là ông Dominique de Villepin. Năm 2013, trong phim "Quai d'Orsay", Thierry Lhermitte đóng vai một ông bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầy kích động và cường điệu.

Nữ diễn viên Julie Gayet cũng xuất hiện trên màn ảnh, 2 năm trước khi phát hiện ra quan hệ của cô với Francois Hollande. Chính ông này cũng đã chấp nhận cho việc thực hiện một bộ phim tài liệu về những bước đầu tiên của mình vào Điện Élyseé năm 2012.

Nếu có một thời báo chí giữ kín đời tư thầm kín của các vị lãnh đạo nước Pháp, thì nay mọi thứ đã thay đổi. Ông chủ cũ của tờ Voici ghi nhận: "Hiện nay, các nhà báo không có chung những giới hạn nữa, họ tiết lộ những thông tin, nhưng không lưu tâm đến hệ quả”.

Khi đã có chủ đề, các nhà làm phim tự do chuyển thể thành kịch bản để lên màn ảnh: phía sau vụ tự sát của Bérégovoy "Un homme d'honneur" (năm 2009), căn bệnh của Tổng thống Georges Pompidou “Mort d'un Président” (năm 2010), mối nghi ngờ đối với tướng De Gaulle vào năm 1968 ("Adieu de Galle, adieu" (năm 2009)…

Năm 1984, bộ phim "Le Bon Plaisir" của Francis Giroud ra rạp. Trong phim này, Jean-Louis Tritignant đóng vai tổng thống, phải đối đầu với tiết lộ việc ông ta có người tình và có đứa con ngoài giá thú. Đây là chuyển thể từ cuốn sách của Francoise Giroud, do Nhà xuất bản Mazarine phát hành, là một cuốn sách được mã hóa từ cuộc đời rất riêng tư của cố Tổng thống Francois Mitterrand.

Được khởi chiếu từ tháng 2/2014, bộ phim kinh dị "L' Enquête" nói về chuyện hậu trường của vụ Clearstream. Bà Saida Jawad, vợ cũ của Gérard Jugnot, hứa sẽ chuyển thể cuốn sách bán chạy nhất của bà Valérie Trierweiler, vợ cũ Tổng thống Francois Hollande, cuốn "Merci pour ce moment", thành kịch bản phim. Nhưng cựu đệ nhất phu nhân phải vượt qua giới hạn khi cho xuất bản cuốn tiểu thuyết của bà trước khi ông Hollande kết thúc nhiệm kỳ. Bà đã loan tin là đợi đến năm 2017 mới cho chuyển thể sang kịch bản phim, sau chiến dịch vận động bầu cử tổng thống sắp tới. Nhưng liệu sẽ ra sao nếu ông Hollande lại ứng cử lần nữa?

Minh Thu (tổng hợp)

.