Chơi tranh ngày Tết

09:37 08/02/2019
Còn nhớ thời sinh viên, quãng đầu 1990, mỗi dịp dậm dịch Tết, phố phường Hà Nội lại rực rỡ cờ hoa và tưng bừng với muôn vàn những bức vẽ đủ màu sặc sỡ in trên giấy bóng kính, treo khắp các quầy hàng. Dạo đó, hầu như gia đình nào, trải dài từ thôn quê đến thành thị, đều thửa một vài bức tranh xuất xứ Thái Lan về trang trí, tươi vui đón xuân mới.

Mấy năm đầu mở cửa, túng thiếu không còn là bức xúc thiết thân, nhưng đời sống xã hội cũng chưa dư dả nhàn tản để chăm chút cho những giá trị tinh thần tao nhã, chọn lọc... Cùng sự đi lên của kinh tế, thú chơi tranh Tết từng lưu hành bền vững trong quá khứ, đã trở lại, sang trọng, tinh tế và được đầu tư thỏa đáng hơn nhiều...

Thành lệ, độ trung tuần hoặc cuối tháng 12 dương lịch tùy giao thừa đến sớm hay muộn, họa sỹ Đặng Xuân Hòa lại gác bớt công việc thường nhật sang bên, tập trung vẽ tranh Tết. Những bức vẽ chủ yếu chất liệu bột màu trên giấy dó, giấy điệp tạo hình các con giống đã thành đích ngắm của rất nhiều nhà sưu tập chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư.

Mua tranh Tết Đặng Xuân Hòa về chơi Tết, để trưng, để khoe, và như để khẳng định một giá trị sống của không ít người yêu hội họa, có duyên tiếp cận hội họa. Với Đặng Xuân Hòa, vẽ tranh Tết giúp thư giãn sau cả năm trời lao động nghệ thuật, còn là lời chúc năm mới an lành mà họa sỹ gửi tới bạn bè, người thân, những nhà sưu tập, những khách hàng ngày một nhiều hơn của tranh Việt. Hơn thế nữa, đó chính là sự nối dài, tiếp biến nết ăn, nếp ở, truyền thống được cha ông lưu truyền mà có thời đã bị khốn khó mưu sinh làm cho lãng quên, mai một.

Cũng nổi tiếng trong giới mỹ thuật với duyên vẽ tranh Tết, họa sỹ Lê Trí Dũng lâu nay vẫn "mùa nào thức nấy", mỗi năm một tranh con giống khác nhau cho thiên hạ rinh về thưởng xuân. Được đồng nghiệp và giới mộ điệu ưu ái gọi tên Dũng "ngựa", bởi ông là một trong số những họa sỹ vẽ tranh ngựa nhiều và đẹp bậc nhất Việt Nam, Lê Trí Dũng luôn dồn toàn bộ những nồng nhiệt hồ hởi trong cuộc sống vào mỗi bức vẽ của mình. Treo tranh Lê Trí Dũng trong nhà vào khoảnh khắc bịn rịn giao hòa giữa năm cũ năm mới, sẽ giúp không gian vốn riêng tư của mỗi gia đình có thể sinh động, đầy tràn sức sống hơn nhiều.

Không riêng Đặng Xuân Hòa, Lê Trí Dũng, nhiều tên tuổi nổi danh khác cũng hào hứng tham gia các triển lãm tranh Tết, các "chợ phiên" tranh Tết cho người hâm mộ thêm cơ hội chọn lựa. Họa sỹ Thành Chương từng được trang trọng trưng bày triển lãm riêng về tranh gà nhân dịp đón năm mới Kỷ Dậu, và mỗi mùa qua đi, ông lại ăm ắp năng lượng sáng tạo những tác phẩm dành cho các nhà sưu tầm “ăn” Tết.

Tập quán lâu đời, ai cũng muốn rước may mắn điềm lành tới nhà vào ngày xuân, và xua đi rủi ro điềm xấu, mua tranh Tết, sắm tranh Tết, rước tranh Tết về nhà cũng chính là dấu chỉ thể hiện sự khấm khá, phong lưu ở mỗi gia đình. Nếp nghĩ này ăn sâu nhiều đời, thú chơi tranh Tết được nhiều nhà nghiên cứu nhận định hình thành từ thế kỷ 16, trở thành lẽ đương nhiên không thể thiếu.

Bị ngắt quãng một vài chục năm, dòng tranh Tết cổ truyền như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ tưởng lụi dần, đã nhen nhóm, le lói hồi sinh trong sự đón nhận, dẫu còn e ấp của dân tình. Mấy năm nay, tranh Tết Hàng Trống, tranh khắc gỗ Đông Hồ tươi sáng sắc màu, phồn thực tạo hình, những Phú Quý, Vinh Hoa, Đàn lợn Âm dương... đã cùng các nghệ nhân còn lại của những vùng văn hóa cổ truyền làm ấm áp thêm không gian phố phường những ngày mưa xuân lắc rắc...

Tranh của họa sĩ Lê Trí Dũng.

Hơn ba thập niên, một độ thời gian không hẳn ít nhưng cũng chưa là nhiều, khi tranh giấy bóng Thái Lan tràn lan xông vào mỗi mái nhà Việt dịp Tết, đến bây giờ, nhiều trong số những người từng xúng xính với món hàng chợ phổ cập xửa xưa đã ý thức dành dụm tiền, mua tranh của các họa sỹ nổi tiếng trong nước chơi xuân. Quãng cách nhận thức đó chính là bước tiến dài đo sự phát triển kinh tế và song hành với nó, là sự tiến bộ vượt bậc của đời sống tinh thần trong xã hội.

Thuở xưa, nhà giàu hay nghèo đều rước tranh về nhà vui Tết, những bản in khắc gỗ đủ phục vụ cho nhu cầu của mọi thành phần trong xã hội. Một số người giữ tập quán cha ông, mua tranh dân gian về trưng ngày Tết, cũng ý thức được rằng đó là cách hữu hiệu để dòng tranh truyền thống còn tồn tại mãi, chứ không trở thành hiện vật vô tri giác trong bảo tàng.

Người khá giả hơn, đam mê hơn, thì mua tranh Tết các họa sỹ nổi tiếng với giá tiền triệu, chục triệu, thậm chí trăm triệu về nhà, cũng là để khoe khéo phông văn hóa và sự phát tài phát lộc của chủ nhân trong năm cũ và hy vọng may mắn tiếp cùng trong năm mới.

Trái với định kiến của một số người, rằng tranh Việt chỉ bán cho người nước ngoài, riêng dành cho các nhà sưu tầm đến từ bên ngoài biên giới quốc gia, thực ra người Việt đã mua tranh ngày một nhiều, và đặc biệt, có những cá nhân mà bộ sưu tập của họ, nếu biết được thì nhiều bảo tàng quốc doanh cũng phải nghiêng mình vì nể. Họa sỹ Lê Thiết Cương, một người am hiểu thị trường mỹ thuật và từng chung tay tổ chức nhiều chợ tranh Tết, làm cầu nối cho các họa sỹ và người chơi tranh luôn lạc quan vì tranh Việt đẹp đã ở lại với người Việt giàu có tiền bạc lẫn tình yêu nghệ thuật hơn là tìm đường xuất ngoại.

"Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc", thói quen chơi tranh ngày Tết của người Việt từng được truyền tụng cả ở sử sách hành văn lẫn những giai thoại dân dã đã thực sự trở lại, tiếp nối dòng chảy xưa, trong sự vận động tự nhiên của cuộc sống. Người Việt chuyển trạng thái từ ăn Tết sang chơi Tết, và chơi cũng mỗi ngày thêm tao nhã, tinh tế mặc dù cũng không kém phần thực dụng bởi bức tranh, một tác phẩm nghệ thuật giá trị luôn là mặt hàng có giá trị nhất định.

Với nhiều họa sỹ thành đạt, tiền bạc không còn là mối bận tâm, nhưng tranh Tết vẫn được vẽ đều, tặng đều và bán đều, chính là cách thức họ chọn thúc đẩy nhu cầu thụ hưởng văn hóa gia tăng trong đời sống xã hội. Thêm một bức tranh gà lợn Đông Hồ được bán ra, thêm một tác phẩm của họa sỹ nổi tiếng được giữ lại ở quê nhà, là thêm minh chứng nhân gian đã vượt qua thời lam lũ, khốn khó.

Khi giá trị tinh thần ngày càng được nhìn nhận, nâng niu, trân trọng, khi sự gắn kết quá khứ hiện tại, truyền thống và đương đại ngày càng sâu sắc, bền chặt, bắt đầu từ những hiện tượng đang cố kết thành bản chất, thì sự nhân văn, sự tử tế trong xã hội sẽ được đắp bồi, lan tỏa thêm nhiều...

Ngô Hương Sen

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文