Chuyện công đức trong không gian văn hoá tâm linh

08:15 04/05/2019
Những đồng tiền lẻ vứt tràn lan trong không gian văn hoá tâm linh, ghi tên, khắc logo doanh nghiệp một cách thô thiển và lộ liễu vào đồ cúng tiến, cầu xin thần phật ồn ã… đó là những hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa ở chốn tâm linh. Những hành động đáng phê phán ấy vẫn đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ ở nhiều di tích lịch sử, văn hoá.

Những ngày đại lễ Vesak 2019 đang đến gần (được tổ chức trong tháng 5 – 2019), đại biểu của hơn 100 quốc gia trên thế giới sẽ tới Việt Nam để tham dự đại lễ, và hàng vạn khách thập phương sẽ đổ về. Vậy, làm thế nào để Việt Nam lưu lại hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế? Làm thế nào để giữ được sự tôn nghiêm, kính quý nơi thờ tự?

Khi tâm linh nhuốm màu nhân thế

Câu chuyện thả tiền lẻ không còn là câu chuyên hi hữu xảy ra ở một nơi thờ tự nhất định, mà cảnh tượng này tràn lan ở khắp các đình, chùa, miếu, phủ... Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh có nhiều quầy đổi tiền lẻ ở trước Phủ Tây Hồ (Hà Nội), ở đền Bia Bà (Hà Đông), ở Phủ Dầy (Nam Định)... Lễ mọn lòng thành, đó cũng là một tâm lý phù hợp.

Tuy nhiên, việc làm đó đã khiến cho nhiều cơ sở tâm linh sau khi thu gom những đồng tiền lẻ chất đống hàng mấy bao tải lại phải mang đến ngân hàng đổi tiền mệnh giá cao hơn để cất cho vừa két sắt, để dễ chi tiêu…

Tiền lẻ xuất hiện ở khắp nơi trong chùa.

Và đặc biệt, kể cả những ban thờ rong di tích tâm linh đều có hòm công đức nhưng người đi lễ lại cứ thích đặt ở chân, tay, bụng, của tượng, thậm chí thả đầy ở trong hàng rào, giếng nước một cách thiếu văn hóa.

Đền Trần (Nam Định) nơi thờ 14 vị vua Trần là một di tích lịch sử và có vị trí tâm linh nổi tiếng của Việt Nam. Nơi đây khách thập phương vẫn đến lễ rất đông, nô nức kéo về vào ngày 14 tháng giêng âm lịch hàng năm để xin ấn. Người ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh khách đi lễ đặt tiền lên đùi các vị vua trong gian thờ tại ấn đường nơi đặt tượng 14 vị vua, mặc dù ngay bên cạnh là hòm công đức.

Thậm chí người đi lễ còn tiến sát đến các vị vua tôn nghiêm dùng tay xoa tiền lên đùi, lên bụng của các bức tượng đã được an toạ. Hình ảnh này không chỉ diễn ra ở nơi thờ tự mà còn ở khắp các đền, chùa từ thành thị cho tới các làng quê Việt.

Trong lịch sử, từ thời Văn Lang, các vua Hùng dựng nước, rồi qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn khi thiết triều, bá quan văn võ, thấy vua liền cung kính cúi xuống để lễ bái. Khi kiệu vua đi qua đường thì thần dân phải quỳ xuống hai bên đường nhường đường cho vua đi, thậm chí mắt còn không dám nhìn lên vì sẽ bị khép vào tội khi quân phạm thượng.

Khi vua đã viên tịch, người đời nay đã đúc tượng thờ các ngài và tôn các ngài là vị thánh nhưng người ta lại ngang nhiên đến rờ đùi, sờ chân, chạm tay rồi đặt tiền lẻ lên xiêm áo của các ngài. Không chỉ có các vị thánh thần mà ngay cả đến đức Phật thì người ta cũng ngang nhiên đặt tiền lẻ lên tượng. Chẳng nhẽ văn hoá phong bì đã đi cả vào các địa chỉ tâm linh rồi hay sao?

Chùa Phật Tích là một di tích nổi tiếng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Mặc dù nhà chùa đã có những dòng chữ nhắc nhở người đi lễ; “Quý vị không nên đặt tiền lên tượng” dán ở nhiều nơi trong khuôn viên chùa. Thậm chí để bảo vệ bức tượng Phật quý giá, nhà chùa đã cho làm một hàng rào bảo vệ xung quanh, nhưng dòng người đổ về đây nhiều người rất thiếu ý thức.

Họ, trẻ, già, trai, gái, lớn bé vẫn ngang nhiên cố kiễng chân, nhoài người, với tay đặt tiền lên đùi đức Phật, thậm chí xoa tay vào người đức Phật, rồi tung tẩy thả đầy những đồng tiền lẻ qua hàng rào bảo vệ nơi an vị tượng.  

Về vấn đề ứng xử văn hoá dùng tiền trong nơi thờ tự, Thượng toạ Thích Chân Quang, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, trong một bài pháp thoại có nói với các Phật tử: “Lấy tiền mệnh giá cực thấp, mệnh giá không mua được gì đem để vô tượng, thậm chí còn đặt trên tay, chân, bụng, Phật hở tay thì nhét vào tay, hở ngón tay thì nhét vào kẽ ngón tay, nhét vào bụng... thì như vậy có phải là sự tôn kính với Đức Phật không? Đó là một sự xúc phạm. Mà sự xúc phạm thì không có phước hay thậm chí tổn phước. Tổn phước thì không được may mắn.”

GS.TS, Nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá kể: “Chán lắm, kinh khủng lắm! Có lần tôi vào hậu cung ở đền Hùng, mà phải di chân, khua chân một lúc để khỏi phải giẫm lên những đồng tiền đang tràn ngập trên mặt đất. Đấy là những đồng tiền lẻ, không có nhiều giá trị, nhưng nói gì thì nói nó cũng là hình ảnh, danh dự của quốc gia. Người nước ngoài nhìn thấy sẽ nghĩ gì khi chúng ta phải cố khua chân một lúc để không phải giẫm lên tiền như thế?

Ở đền Hùng có nhiều nhân viên, vậy thì tại sao người ta không chuyển tiền cho người đứng trong hậu cung của những người đi lễ lên ban thờ, thay vì cứ để họ ném vô tội vạ, ném không ngừng nghỉ qua song cửa. Tiếc thay sự việc này không chỉ xảy ra ở đền Hùng mà rất nhiều di tích lịch sử.

Ngày tôi còn bé, tôi đi lễ với mẹ, bà cúng tiền giọt dầu bằng cách để tiền vào đĩa rồi đưa cho thầy cúng một cách rất thành kính. Bây giờ người ta đi lễ đền chùa nhiều nhưng văn hoá lễ bái rất kém”.

Làm công đức sao cho văn hoá, văn minh

Nhiều năm trở lại đây, đời sống kinh tế phát triển hơn, nhiều gia đình khấm khá và người ta nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, hay “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, quan niệm ấy, đạo nghĩa ấy thôi thúc người ta muốn được làm công đức. Việc làm công đức là điều thiện, điều nên làm, và trong kinh nhân quả của nhà Phật cũng có ghi và khuyến khích việc làm công đức. Nhưng làm công đức nên như thế nào một cách có văn minh, văn hoá lại là một câu chuyện khác.

Tiền lẻ rải đầy dưới chân tượng Phật.

Ngày nay, dạo quanh các đền, chùa, miếu, phủ người ta vẫn bắt gặp những cái tên của cả đại gia đình cung tiến trên những quả chuông bằng đồng, trên bia khắc giữa di tích, trên những lọ hoa cung tiến thờ Phật, hoặc thờ Thánh, Mẫu, trên những ghế đá đặt trong khuôn viên…

Chùa Vàm Rai, lớn nhất huyện Trà Cú (Trà Vinh). Cổng chùa, chánh điện, tượng Phật nhiều công trình trong chùa được sơn son thiếp vàng. Ông Châu Khương, Phó ban quản trị chùa Vàm Rai, cho biết ông Trầm Bê đã đầu tư vốn về quê nhà xây chùa Vàm Rai: “Bên cạnh tượng Phật nằm giá trị 12,5 tỷ, chánh điện trên dưới 10 tỷ, cổng chùa gần 4 tỷ, ông còn xây tượng Phật đản sanh, cột cờ... cộng lại trên 40 tỷ đồng”.

Sau 4 năm xây dựng, ngày 9-9-2008 chánh điện chùa Vàm Rai hoàn thành và tên của vợ chồng ông được khắc lên tường ở vị trí trang trọng nhất. Trong đó, ông Trầm Bê có pháp danh Tắc Hậu và vợ pháp danh là Tắc Lượng.

Một bên hông tường khu chánh điện có tên của ba người con ông Trầm Bê. Bức tường thứ ba của chánh điện là tượng bán thân cha, mẹ quá cố của ông Trầm Bê. Khắp trong ngôi chùa từ chánh điện, lối lên chánh điện, khu nhà ở và phòng làm việc của phó trụ trì nơi nào cũng có tên và hình ảnh đại gia đình vị đại gia đã phát tâm công đức xây chùa này…

Năm 2017, sau khi biến cố xảy ra với vụ đại án ngân hàng, người ta đặt câu hỏi có phải cứ nhiều tiền công đức là được phước hay không? Công đức nên từ tâm, hay cứ nhiều tiền cho thật to, thật đẹp là thành công quả?

Hiện nay, có rất nhiều ngôi chùa trong cả nước đang trong quá trình trùng tu tôn tạo, nhiều sư trụ trì biết là không nên in tên của các gia đình Phật tử cung tiến lên các đồ thờ tự, hoặc để tên người công đức trong không gian văn hoá tâm linh nhưng vì nếu không in tên của họ thì họ sẽ không cung tiến nhiều tiền, hoặc sẽ cung tiến ít hơn nên các sư trụ trì ngại nói ra sợ việc xây dựng sẽ bị trì hoãn vì thiếu kinh phí.

PGS.TS, Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho biết: “Những vật thiêng ở trong kiến trúc chùa, đền, miếu, phủ là nơi của thế giới bên kia, anh đến đó anh không nghiêm chỉnh, anh lại ghi tên kỉ niệm của mình vào đấy có nghĩa là anh ghi tên của mình vào không gian của di sản văn hoá tâm linh bởi vì đấy là thế giới bên kia, mà anh ghi tên vào thế giới bên kia có nghĩa là ghi tên vào sổ tử(?)”.

Ông nói: “Ví dụ như lọ độc bình, độc có nghĩa là một, biểu hiện về tâm không của đạo, có nghĩa là cái cốt lỗi của bất cứ đạo nào. Bây giờ người ta lại để song bình (hai bình) là đồ chơi, đã là đồ chơi thì đừng đem vào chỗ thờ, mà lại cố tình làm thật to để khoe mẽ. Khoe mẽ gì với thế giới bên kia? Thần linh là trong sáng tuyệt đối, không ai có thể kéo chân thần linh về với cuộc đời trần tục này, chỉ có thể đem giáo lý của đạo hoà vào cuộc đời để cứu vớt người ta. Đó là kiểu hoà quang đồng trần, tránh làm những điều xấu mà hướng đến điều thiện chứ không phải đem thần linh theo lối trần tục”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh: “Người ta tin rằng cứ lễ nhiều là được lộc nhiều, cứ tiến đến sát sàn sạt vào tượng Phật, hay nói thật to là sẽ được Phật Thánh thấu hiểu, chứng tâm, cứ nhét tiền vào đầy tay Phật, Thánh thì được phù hộ. Quyền được tin vào tín ngưỡng, tôn giáo là quyền rất tự nhiên của con người.

Từ khi có con người thì đã có quyền ấy rồi. Nhưng khi đến nơi tôn nghiêm thì hành vi cần phải có văn hoá. Tôi rất thích câu: “Lòng thành thắp một nén nhang”. Đi lễ, lòng thành là điều quan trọng nhất”.

Trần Mỹ Hiền

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文