Có một làng Xơ Đăng giữa Thủ đô Hà Nội

10:37 23/12/2020
Làng Xơ Đăng thuộc cụm làng 2, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) thực sự là một không gian Tây Nguyên ngay giữa thủ đô Hà Nội. Dành cả một ngày ở làng, được trò chuyện, ăn cơm, trồng cây với bà con mà ngỡ như được đặt chân tới vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum xa xôi. Nghe tiếng đàn T’rưng, đàn K’long Put, tiếng cồng chiêng mà như thấy tiếng gió, tiếng suối, tiếng của đại ngàn...


Ở làng không buồn đâu...

Buổi sáng mùa đông, trời hửng nắng nhưng hơi lạnh thì se sắt, gió lùa thốc vào những cụm nhà sàn nằm rải rác trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ven đường lớn trải nhựa phẳng lỳ, hoa dã quỳ đang vào mùa bung nở vàng ruộm. Nhưng, chỉ cần bước tới cổng làng Xơ Đăng là đã thấy khác. Khác từ con dốc đầu cổng xuống khoảng sân đất to rộng, những con đường mòn nhỏ trong làng, bụi tre kẽo kẹt. Một không gian rất khác với tiếng đàn T’rưng, đàn K’long Put và nhịp cồng chiêng tạo nên bản hòa tấu giai điệu của đại ngàn Tây Nguyên.

Cụm làng Xơ Đăng có 4 ngôi nhà sàn. Cao nhất là nhà rông bên tay trái, nóc và mái hệt như một lưỡi rìu khổng lồ. Khu nhà tiếp khách và trưng bày sản vật của đồng bào ở chính giữa. Bên tay phải là nhà ở, khu bếp và nhà kho, cách đều nhau vài chục mét và được xây dựng giống hệt nhà của đồng bào ở Kon Tum.

Du khách biểu diễn dân vũ cùng đồng bào Xơ Đăng.

Đầu buổi sáng, các bà, các cô đang túm tụm làm bánh quanh chiếc bàn tre dưới gốc cây xoài to trước sân. Những chiếc bánh nhỏ xinh của đồng bào Xơ Đăng làm từ gạo nếp và đỗ xanh, gói lại bằng lá chít đã luộc chín, giống hệt con ốc sên nên đồng bào gọi là bánh ốc sên. Họ nói chuyện rôm rả bằng tiếng của đồng bào Xơ Đăng. Dù không hiểu nhưng tôi vẫn thấy thú vị khi nghe được những chuỗi âm thanh sôi nổi cùng nhịp điệu gấp gáp, ngữ điệu lên bổng xuống trầm, cộng với cái nhíu mày, nụ cười hay cái huơ tay. Vẫn chưa quen cái lạnh miền Bắc, các cô quàng thêm khăn, khoác thêm áo bên ngoài bộ áo váy truyền thống dệt từ sợi bông. Thấy tôi, họ đều cười tươi và chào tôi bằng tiếng Kinh.

Tôi bắt chuyện với người phụ nữ mà tôi đoán là nhiều tuổi nhất ở đó. Bà Y Thu, 62 tuổi, người ở huyện Tu Mơ Rông xa xôi của tỉnh Kon Tum. “Má có hai người con gái đều đã lấy chồng, một cô làm giáo viên, một cô làm nương rẫy. Các con nói rằng má thấy ở đâu vui thì má ở. Má ra Hà Nội xây dựng làng văn hóa nhớ giữ gìn sức khỏe, chúng con sẽ gọi điện thoại hỏi thăm” - bà vừa thoăn thoắt gói bánh, vừa kể chuyện quê nhà. Năm 2018, Y Thu lần đầu đến làng văn hóa. Lần này, nhớ làng ở Thủ đô Hà Nội mà lại trở ra. 

Nghệ nhân ưu tú Y Sinh (thứ hai từ trái sang) cùng bà con Xơ Đăng hòa tấu giai điệu của núi rừng Tây Nguyên.

Ngôi nhà nhỏ của bà nằm gần núi Ngọc Linh, đằng trước núi, đằng sau núi, xa xa là nương lúa, là rừng xanh ngắt. Ra Thủ đô, lúc đầu chưa quen, thấy ở đâu đất cũng bằng phẳng, thiếu những con dốc nên đôi chân bước trở nên hẫng hụt. Tầm này, khi ở Hà Nội đang rét ngọt thì ở Tu Mơ Rông lại đang nắng rát và mưa gió dữ lắm. Lúa đã gặt xong, bà con lại bắt tay vào dỡ củ mỳ và thu hoạch cà phê.

Đứng cạnh Y Thu, cô gái trẻ Y Su có nụ cười tươi và gương mặt xinh xắn. Y Thu ra Hà Nội đã được 4 tháng. Cô gái giải thích cho tôi rằng tên của người Xơ Đăng không có họ kèm theo nhưng có từ chỉ định giới tính: nam là A, nữ là Y, sau đó ghép với tên. Và tên của đồng bào chỉ có một âm tiết giống tên người Kinh nên dễ gọi, dễ nhớ.

Dưới bếp, A Bóc nhà ở thôn Đăk Song, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, 58 tuổi, đang chất củi đun nồi nước to để luộc bánh. A Bóc có gương mặt hiền khô, lúc đầu ít nói nhưng khi tôi bắt chuyện thì kể rất nhiều cho tôi nghe. “Chú ở đây có buồn không?”, tôi hỏi. Chú A Bóc lắc đầu: “Không, vì ban ngày có khách du lịch đến thăm làng. Họ hỏi han, trải nghiệm chơi đàn, học làm bánh, xem trình diễn nhạc cụ. Buổi tối cả làng đàn hát, xem tivi ở nhà chung. Được ở với người đồng bào mình, nói tiếng mình nên có cảm giác như ở Kon Tum vậy”.

Mang cả “Tây Nguyên” ra Hà Nội

9 giờ sáng, làng đón đoàn khách là các thầy cô giáo và các em học sinh đến tham quan trải nghiệm. Cả làng ồn ã, náo nhiệt. Nghệ nhân ưu tú Y Sinh hướng dẫn các em gói bánh ốc sên và chấm điểm. Đến gần trưa, khi đoàn học sinh rời đi, lại đến các tốp khách vào tham quan. 

Trưởng làng Y Sinh biểu diễn đàn T'rưng, đánh chiêng và vỗ ống K’long Put điệu nghệ, gương mặt tươi rói, giọng nói âm vang. Năm nay, bà Y Sinh 61 tuổi, điều hành mọi sinh hoạt chung trong làng và là đại diện của dân làng. Bà cũng là Trưởng Ban cộng đồng các dân tộc đang sinh sống và làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Năm 2015, bà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Nghệ nhân ưu tú của tỉnh Kon Tum.

Chú A Bóc chất củi luộc bánh chít.

Y Sinh từ thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô ra xây dựng làng Xơ Đăng ngay từ những ngày đầu, tính đến nay cũng đã 3 năm. Cây nêu giữa làng kia, bà đã dựng lại 3 lần. Y Sinh bảo, bà con Xơ Đăng ra Hà Nội dựng làng là mang theo cả Tây Nguyên theo cùng. Từ chiếc đàn T’rưng, đàn K’long Put, cồng chiêng được mang ra biểu diễn đến giống cây, giống hoa mang ra gieo trồng. Bởi thế, ở đầu cổng, những cây đu đủ dây đang leo lên giàn, ngọn xanh mướt mát. Từng bụi hoa sen đất - đồng bào gọi là hoa hạnh phúc chuẩn bị trổ hoa. Quanh nhà, những vạt rau xanh mơn mởn, những luống hoa cúc khiến không gian nên thơ, rực rỡ và rất “Tây Nguyên”.

Ngay cả nếp sinh hoạt ở bản làng của bà con cũng không thay đổi. Từ lúc trời còn mờ tối, cả làng đã trở dậy quét dọn khuôn viên sạch sẽ, tưới rau, tưới hoa, cho gà vịt ăn. Thứ hai hằng tuần là ngày duy nhất làng văn hóa không đón khách, bà con chia nhau đi kiếm củi về đun bếp. Trong khuôn viên nhỏ của làng mà gà vịt từng đàn, rau xanh bốn mùa đủ để phục vụ bữa ăn hằng ngày.  

Ở góc vườn, chàng trai Xơ Đăng tên A Ghim đang tỉ mỉ làm ống nứa bắc máng. Cây nứa dài được khoét lỗ và đục thông các mắt để nước thông dòng. A Ghim bảo máng nước thường được làm bằng thân cây lồ ô, cây săm lũ hoặc cây le. Người đi rừng có kinh nghiệm phải chọn được thân cây to và già, đảm bảo độ bền chắc. 

Người Xơ Đăng sống thành từng làng trên lưng chừng các ngọn núi, cuộc sống luôn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên nên máng nước của làng quan trọng lắm. Vạn vật hữu linh, mỗi ngọn núi, con sông, con suối đều có thần cai quản, nên người Xơ Đăng tổ chức nghi lễ bắc máng để xin được đón dòng nước tốt lành về làng, cầu xin nước quanh năm về dồi dào để phục vụ sinh hoạt và trồng cấy.

Buổi trưa, tôi ăn cơm cùng làng. Nắng chiếu xiên qua những tấm phên, rọi vào mâm cơm đặt giữa chiếc chiếu trải rộng trong nhà rông. Cả làng vừa ăn vừa nói chuyện, giản dị và ấm cúng. Tôi thích nhất vị muối chấm của đồng bào, muối hạt trộn với tiêu rừng xay nhuyễn cùng lá sả, ngò gai băm nhỏ xíu, chấm rất thơm. Món canh thân chuối dễ ăn vô cùng. Đang ăn thì có khách đến tham quan, cả làng vội vàng bỏ bát bỏ đũa dứng dậy tiếp khách, chơi nhạc cụ...

Đau đáu truyền nghề

Chiều đến, A Ghim tất bật ngả những cây tre xanh óng và to dài xuống để làm hàng rào mới quanh làng, chuẩn bị làm lễ ăn cuối mùa và đuổi tà ma của đồng bào Xơ Đăng. Lúc này khi lúa đã đầy bồ, làng làm lễ cúng Giàng, cầu xin cho dân làng luôn mạnh khỏe. Nhà nào cũng bắt cá, tôm, cua bỏ ngoài cổng và đốt cơm lam dâng Giàng... A Ghim sinh năm 1989, từ huyện Tu Mơ Rông đã ra Hà Nội được vài tháng. Ở bản, A Ghim làm nương rẫy và đan lát, đã có vợ và 2 con. Cứ rảnh rỗi là A Ghim lại gọi điện về cho gia đình kể chuyện ngoài Hà Nội.

Các cô, các chị gói bánh chít ở làng Xơ Đăng.

Chú A Bóc thường lên nhà rông ngồi đan gùi. Chú bảo đàn ông Xơ Đăng ai cũng phải biết đan lát. Họ thường tập trung ở nhà rông để cùng đan, cùng nói chuyện cho vui. Từ chiếc gùi, sọt, mẹt, rá vo gạo, chiếu, đến ghế ngồi, phên che chắn,... đều được đan từ tre nứa. 

Gùi được coi như “vật bất ly thân” của đồng bào, theo chân người dân đi rẫy, gùi các nông sản đi bán ở chợ rồi lại gùi hàng hóa mua về nhà dùng. Có gùi để đựng lúa, lại có gùi đựng quần áo trong nhà. Gùi to cho người lớn, gùi nhỏ cho trẻ con, gùi đan thưa, gùi đan dày, gùi có nắp, gùi không nắp, loại nào cũng có.

Giữa khoảng sân rộng, nghệ nhân Y Sinh tranh thủ dạy các cháu gái đánh đàn và hát dân ca. Y Thanh sinh năm 1979, nhà ở Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, ra ở làng đã được 2 năm. Từng ấy thời gian được Y Sinh truyền dạy, giờ đây Y Thanh đánh đàn T’rưng và vỗ ống K’long Put đã thuần thục. Hai người phụ nữ một già một trẻ đứng khom lưng, đôi bàn chân đánh nhịp, đôi tay điệu nghệ vỗ đều vào các đầu ống lồ ô để hơi gió lọt vào ống tạo thành những chuỗi âm thanh nghe mộc mạc nhưng sâu lắng và chứa chan tình cảm. Cây đàn quý đã theo Y Sinh đi biểu diễn khắp cả nước. Y Sinh từng tham gia trình diễn tại “Tuần đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019. Đầu tháng 12 vừa rồi, Y Sinh biểu diễn nhân “Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc thiểu số Việt Nam” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Y Sinh chẳng những biết chơi đàn điệu nghệ mà còn là người nắm giữ kĩ thuật làm đàn thành thạo. Bà nhớ tầm này, người đàn ông vào rừng, chọn lựa những cây nứa 3-4 năm tuổi mang về làm đàn K’long Put. Ngày xa xưa, khi lúa, bắp lên, đồng bào làm những ống nứa, ống lồ ô để vỗ, phát ra âm thanh ngăn không cho con chim, con chuột ăn hoa màu. Người xưa nào nghĩ những ống vỗ ấy sau này thành đàn K’Long Put - một nhạc cụ nổi tiếng của đồng bào.

Y Sinh không những thuộc nằm lòng nhiều bài dân ca, nhiều bản nhạc của đồng bào Xơ Đăng mà còn phổ lời mới cho những điệu dân ca ấy. Những bản nhạc, bài hát dân gian của người Xơ Đăng không được lưu truyền trong sách vở, chủ yếu là truyền tai, truyền tay, truyền miệng, bởi vậy mà có nguy cơ mai một dần. Hơn ai hết, Y Sinh hiểu rằng muốn bảo tồn được các nét văn hóa của dân tộc thì mình thì phải truyền lại cho các thế hệ sau. 

3 năm qua ở làng văn hóa, Y Sinh kiên trì truyền dạy cho lớp trẻ. Cô bé Y Thiết, sinh năm 2002, là cháu gái của Y Thu, mới ra làng văn hóa được 2 tuần. Vì yêu những làn điệu dân ca, muốn hát và biểu diễn thật hay những bài dân ca dân vũ của đồng bào mình mà Y Thiết quyết định ra Hà Nội để được Y Sinh truyền dạy. Đó cũng là cách để giữ gìn văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng...

Huyền Châm

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文