Về kết quả bỏ phiếu của Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước

GS.TS. Lộc Phương Thủy: Có sự “vênh” giữa các lĩnh vực?

09:35 06/09/2016
Kết quả bỏ phiếu của Hội đồng (HĐ) cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (KHCN) năm 2016 đã loại 27/31 công trình/cụm công trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) ra khỏi danh sách giải thưởng. Trong đó, 100% công trình/cụm công trình ở lĩnh vực nghiên cứu văn học đều bị loại.

Đây thực sự là nỗi buồn không chỉ cho các ứng viên của giải thưởng, mà còn là cho cả giới chuyên môn. Bởi, các công trình/cụm công trình này đều đạt 90-100% số phiếu ở cả ba cấp HĐ đã lựa chọn là HĐ cơ sở, HĐ cấp bộ và HĐ chuyên ngành cấp nhà nước; dĩ nhiên, đều do các nhà khoa học đầu ngành thuộc diện "cây đa cây đề" là thành viên HĐ lựa chọn. 

Trước sự quan tâm của dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Lộc Phương Thủy, Chủ tịch HĐ chuyên ngành văn học cấp Nhà nước và là thành viên HĐ cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm nay, xung quanh vấn đề này.

GS.TS. Lộc Phương Thủy.

PV: Thưa Giáo sư, bà có thể chia sẻ suy nghĩ trước kết quả bỏ phiếu của HĐ cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN có tới 27/31 công trình/cụm công trình thuộc lĩnh vực KHXH&NV bị loại khỏi 2 giải thưởng danh giá nhất, nhất là chuyên ngành văn học 12/12 công trình đều bị loại?

GS.TS. Lộc Phương Thủy: Tôi rất "sốc" trước kết quả này. Đến như GS. Đinh Xuân Lâm, một trong 4 cây đại thụ đã được xếp vào hàng "tứ trụ" của ngành Sử học cũng bị loại là điều khó hiểu?

Khi HĐ họp, cũng như Chủ tịch các HĐ, tôi đã trình bày từng công trình/cụm công trình của chuyên ngành mình. Nhưng với chuyên ngành Văn học nói riêng, KHXH nói chung mà để cạnh các công trình chuyên ngành KHCN thì có sự vênh nhau về thước đo. Ví như các công trình KHCN có thể thấy rất rõ ràng về việc làm lợi cho Nhà nước bao nhiêu tiền và thường là các công trình tập thể, có công trình có tới 249 đồng tác giả, còn các công trình của văn học, do đặc thù của chuyên ngành hầu hết là nghiên cứu cá nhân.

Tôi đã nói rõ trong Hội đồng là mong các thành viên HĐ không nên đưa các tiêu chí của KHCN áp vào lĩnh vực KHXH, vì tôi đã cảm giác sẽ có độ vênh trong đánh giá và điều đó làm khó cho các thành viên, cũng như khó cho chính các ứng viên. Ví như ở lĩnh vực KHCN thì rất rõ về kết quả, như các công trình lai giống lúa, lọc máu nhân tạo, chữa ung thư v.v… giá trị và tác động lớn đối với xã hội có thể  "đo, đong, đếm" được, còn đây là các công trình về KHXH, đều là tâm huyết trọn đời của các nhà nghiên cứu, ít nhất cả chục năm, hai chục năm, thậm chí, cả đời họ mới ra được các công trình như thế. Giá trị tinh thần hầu như "vô hình" của các công trình này mà nếu lấy thước đo "triệu đô" ra thì rõ ràng là khó và có lẽ điều này đưa đến vướng mắc đầu tiên.

PV: Thưa Giáo sư, theo bà thì vấn đề tiêu chí là yếu tố chủ yếu "đánh đổ" cả 27/31 công trình/cụm công trình khỏi giải thưởng?

GS.TS. Lộc Phương Thủy: Bên cạnh tiêu chí, yêu cầu các công trình/cụm công trình phải đạt được 90% số phiếu bầu, tức là phải 21/23 người đồng ý, cũng là một "thách đố" cho các ứng viên và với các thành viên trong HĐ. Bởi chỉ cần 2 phiếu, có nghĩa là 2 người có thể phủ nhận được kết quả của 19 người.

Nghiên cứu văn học nói riêng, nghiên cứu các ngành KHXH nói chung là nghề khó khăn, vất vả, phải mua rất nhiều sách, phải đọc nhiều và phải rất tâm huyết mới viết ra được cuốn sách. Nhiều người trong giới vẫn đùa nhau là "đã đủ độ điên chưa khi vào nghề này", vì lương thấp, nhưng yêu cầu lại rất cao, phải rất đam mê mới làm được. Lĩnh vực này có những đặc trưng riêng mà khi trong HĐ chỉ có 5/23 người thuộc lĩnh vực KHXH thì tiếng nói đương nhiên sẽ là "thiểu số".

PV: Trước những vấn đề chưa hợp lý như vậy, Giáo sư có ý kiến gì, thưa bà?

GS.TS. Lộc Phương Thủy:  Tôi cũng có nói trước HĐ một số vấn đề. Thứ nhất thước đo giữa các lĩnh vực KHTN-CN và KHXH có độ vênh nhau, thứ hai là yêu cầu phải có bài báo đăng ở quốc tế. Lâu nay trong ngành KHXH vẫn có yêu cầu đó, kể cả trong việc xét phong giáo sư, phó giáo sư, nhưng cho đến nay hầu như vẫn chưa làm được. Chúng ta nghiên cứu KHXH trước hết theo nhu cầu của đất nước Việt Nam, làm cho công chúng Việt Nam, độc giả Việt Nam, nên có thước đo của người Việt Nam. Như vậy, làm sao ở nước ngoài người ta công bố được, chưa bàn đến sự khác biệt về vấn đề chính trị, xã hội  hay các vấn đề khác?

Một số yêu cầu của HĐ về KHCN khi áp vào bên KHXH sẽ gây thiệt thòi. Xin nêu một ví dụ: mảng văn học nước ngoài năm nay có 3 ứng viên: nghiên cứu văn học Mỹ, văn học Pháp và văn học Nga. Một thành viên HĐ yêu cầu tác giả nghiên cứu văn học Mỹ phải in sách đó ở Mỹ hay Anh rồi nghe công chúng bên đó phản hồi thế nào và cũng tương tự thế với các công trình nghiên cứu văn học các nước khác? Tôi trả lời ngay là đây là điều gần như không thể thực hiện được. Một công trình khoảng 1.000 trang ai sẽ là người dịch, ai đầu tư dịch, cơ quan nào đầu tư in ở nước ngoài?

Trong KHCN thường ở các nước có những mối quan tâm chung, nên có thể ngồi ở nhà là có thể nối thông tin qua mạng, còn ở lĩnh vực KHXH có những đặc thù rất riêng mà đưa tiêu chí của KHCN áp vào thì việc xác định giá trị dễ có những độ chênh ngoài ý muốn.

PV: Như vậy, lỗi do ai, thưa Giáo sư?

GS.TS. Lộc Phương Thủy: Có những cái không phải lỗi của HĐ, cũng không phải lỗi của các ứng viên, vì các ứng viên đều là những người tâm huyết và hy sinh tất cả để làm nghề. Nhưng khi để trên bàn cân với những tiêu chí đó thì rõ ràng là chênh, nhất là với tiêu chí trên 90% số phiếu. HĐ làm việc cũng khách quan, các chủ tịch HĐ chuyên ngành đều đứng lên bảo vệ từng công trình/cụm công trình và nói rõ công trình mới ở chỗ nào, ảnh hưởng đến xã hội ra sao.

Tôi cũng nói rõ ảnh hưởng đến xã hội của từng công trình/cụm công trình chuyên ngành có ảnh hưởng không chỉ đến chuyên ngành đó, đến công tác đào tạo ở các bậc đại học, sau đại học, mà cả những đóng góp trong hoạch định đường lối, lý luận. Những công trình này có giá trị tinh thần rất lớn, có giá trị tham khảo cho nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.

Sau khi tôi trình bày, đã có nhiều ý kiến phát biểu. Mọi người bàn luận khá cụ thể và những người được phân công đọc đều đọc kỹ. Thái độ làm việc của các thành viên trong HĐ đều rất nghiêm túc. Tất nhiên, những người không bỏ phiếu có thể do hoàn cảnh khách quan, hoặc không đọc hết hồ sơ từng ứng viên chứ không phải vì ghét hay kỳ thị, coi thường chuyên ngành KHXH.

Một điểm nữa, tôi và một số thành viên trong HĐ có cảm giác như năm nay xét chặt chẽ hơn năm trước: ứng viên Giải thưởng Nhà nước có 44, bầu chỉ được 7 người, đạt 16%, một tỉ lệ quá thấp. Điều này khiến mọi người lấn cấn: phía dưới là các HĐ chuyên ngành gồm các chuyên gia đầu ngành, đủ trình độ để đánh giá các công trình chuyên ngành, nên việc đánh giá sẽ chuẩn hơn. Còn ở HĐ cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN như trên đã nói do việc thước đo của từng chuyên ngành rất khác nhau dẫn đến độ vênh nhất định trong đánh giá, trong khi đó lại yêu cầu tỉ lệ phiếu rất cao như thế quả là thách đố quá lớn.

PV: Thưa Giáo sư, những năm trước có xảy ra những vướng mắc như thế này không?

GS.TS. Lộc Phương Thủy: Mọi năm tôi không "ngồi" ở HĐ này nên không rõ, cũng vì nói chung tôi không quan tâm lắm đến vấn đề giải thưởng.

PV: Quan điểm của bà trước việc này thế nào, thưa Giáo sư?

GS.TS. Lộc Phương Thủy: Tôi tham gia HĐ phong chức danh giáo sư, phó giáo sư thì thấy thông thường Hội đồng cấp Nhà nước xem xét trên nguyên tắc tôn trọng ý kiến của HĐ chuyên ngành, chỉ xét những trường hợp nghiêm trọng như kiện cáo hay có vấn đề về chính trị v.v…

Bởi thường HĐ chuyên ngành lựa chọn xong là có kết quả rõ ràng và thuyết phục, do các giáo sư đầu ngành xét công khai, khách quan và công tâm. Như thế hợp lý hơn. Nếu không thì  vai trò của HĐ chuyên ngành tự nhiên bị coi nhẹ khi kết quả làm việc một cách nghiêm túc của cả một tập thể các nhà khoa học bị "xóa sổ" khi chuyển lên HĐ cấp cao hơn.

Có lẽ nên có sự thay đổi hợp lý để không thiệt thòi cho các nhà khoa học về KHXH&NV. Có lẽ vì tình trạng này nên khi cơ cấu tổ chức HĐ chuyên ngành văn học cấp Nhà nước, nhiều người đã từ chối, kể cả tôi. Tôi sợ rằng, những năm sau không ai dám ngồi ở HĐ này nữa.

PV: Vướng ở nguyên tắc đúng không thưa Giáo sư? Văn học mà đòi hỏi tiêu chí đóng góp được bao nhiêu tiền là khó?

GS.TS. Lộc Phương Thủy:  Thực ra không ai đòi hỏi trực tiếp các công trình đóng góp quy ra tiền. Nhưng tôi có cảm giác khi ta đã quen với thước đo này đưa ra để đánh giá một lĩnh vực khác thì không tránh khỏi độ chênh. Công trình KHCN đa số là đồng tác giả, có khi đến hàng 100, 200 đồng tác giả; trong khi, tác giả của công trình KHXH thường chỉ có một người, chuyện đó rõ ràng là thấy vênh. Ai cũng thấy những công trình về lọc máu, chữa ung thư là thiết thực ngay với xã hội, còn các công trình về KHXH phục vụ cụ thể như thế nào là điều không phải ai cũng hiểu nếu ở khác lĩnh vực nghiên cứu.

PV: Theo Giáo sư, có thể khắc phục những vướng mắc này bằng cách nào?

GS.TS. Lộc Phương Thủy:  Lý tưởng nhất có lẽ là nên có 2 HĐ KHCN và KHXH để xem xét. HĐ của KHXH đương nhiên là không nhiều người như HĐ KHCN và TN. Bên cạnh đó cũng cần xem lại tiêu chí 90% số phiếu mới đạt vì như thế sẽ đỡ hơn chăng?

PV: Nếu cứ duy trì tình trạng này, theo bà, cần phải lường trước những điều gì?

GS.TS. Lộc Phương Thủy: Bộ KHCN có Quỹ phát triển KH và CN, tôi nghe nói năm nay khi xét đầu vào của các đề tài ở mảng văn học kết quả cũng "trắng", vì yêu cầu phải có công trình in ở nước ngoài. Thậm chí, theo chỗ tôi biết, một số bạn trẻ có bài in ở nước ngoài nhưng cũng không được xét duyệt vì các bài đã đăng không thuộc 100 trường đại học quốc tế trong danh sách.

Việt Nam muốn vươn ra để hội nhập quốc tế là cần thiết, nhưng phải có lộ trình, để có sự chuẩn bị, nếu không "đầu vào" của lĩnh vực văn học sẽ trống như đã xảy ra. Trong khi đó, kết quả xét giải thưởng như hiện nay cũng sẽ góp phần đưa đến hệ quả là tương lai của những ngành này sẽ ra sao? Trẻ đã sợ học Văn, học Sử, giờ lại thấy các bậc tiền bối cũng không được trọng dụng, thì thấy tương lai càng mờ mịt, trong khi hiện tại lương rất thấp.

Rõ ràng giá trị về mặt tinh thần của các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội nói chung, về văn học nói riêng là rất lớn, nhưng vì nó vô hình không "đong đếm" được, không nhìn thấy cụ thể nên chưa thấy cấp thiết. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cũng chỉ là một vấn đề lớn. Còn có những vấn đề lớn hơn cần phải quan tâm. Khi đội ngũ đã có không được quan tâm thì các thế hệ sau nhìn sẽ ngại.

Nếu không có chính sách phát triển đội ngũ thì vô cùng nguy hiểm vì nó liên quan đến những vấn đề văn hóa - văn nghệ Việt Nam, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Khi thế hệ trẻ coi nhẹ các ngành KHXH, chỉ lo đi kiếm các công việc tiền nhiều hơn thì cái đó nguy cơ còn lớn hơn. Bởi bao nhiêu vấn đề liên quan đến lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam, đến niềm tự hào dân tộc Việt Nam lại nằm ở lĩnh vực KHXH và NV, chính đội ngũ này là những người giữ "hồn vía" đất nước và có tiếng nói với quốc tế thông qua việc nghiên cứu về ngôn ngữ, về văn học, về tâm hồn con người, về giao lưu văn hóa, văn học v.v….

Thậm chí giờ đây đã có hiện tượng có những người không quan tâm đến việc phấn đấu để trở thành giáo sư, phó giáo sư và cho rằng chỉ những người thích chức tước mới "lao tâm khổ tứ" với chuyện đó và điều đó khiến mối nguy càng đáng sợ hơn. Điều này sẽ xảy ra không phải xa xôi trong 30-50 năm đâu, mà là tương lai rất gần, chỉ 5-10 năm thôi. Khi đội ngũ làm KHXH mỏng dần, thiếu người "nối dõi", ai sẽ là người gìn giữ "hồn vía" đất nước?

PV: Cám ơn Giáo sư về cuộc trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt ưebsite, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12 do Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá mới đây là rất kịp thời, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của các lực lượng tham gia phá án.

Lê Phương Nam đã lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các Chi cục Kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng/suất; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200 - 450 triệu đồng/suất; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát có giá từ 450-700 triệu đồng/suất…

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文