Để nâng cao chất lượng phim Việt

14:04 01/12/2019
Điện ảnh Việt làm thế nào để phát triển, hội nhập với thế giới? Câu hỏi đặt ra nhiều năm qua nhưng không dễ tìm lời giải.

Liên hoan Phim Việt Nam - ngày hội của những người làm điện ảnh diễn ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 11. Những bộ phim tham gia liên hoan phim phần nào cho thấy diện mạo của điện ảnh Việt Nam đương đại. Và điện ảnh Việt làm thế nào để phát triển, hội nhập với thế giới? Câu hỏi đặt ra nhiều năm qua nhưng không dễ tìm lời giải.

Khi điện ảnh chưa định hình được bản sắc

Chỉ 3 năm trở lại đây, số lượng phim Việt Nam sản xuất và phát hành trên thị trường chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% tổng số phim được phát hành tại rạp, mang về hơn 23% tổng doanh thu phim chiếu rạp (doanh thu phim Việt hơn 700 tỷ đồng trong tổng số hơn 3.000 tỷ đồng doanh thu phim chiếu rạp). 

Các đại biểu dự Hội thảo nâng cao chất lượng phim Việt tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI.

Với một đội ngũ sáng tác trẻ, đa dạng trong cách thể hiện, điện ảnh Việt Nam đang có những màu sắc mới, nhiều phim thương mại doanh thu cao bên cạnh một số phim được đánh giá tốt về tay nghề, kỹ thuật, kỹ xảo. Những tác phẩm điện ảnh của thế hệ sáng tác mới đã có những thành công được ghi nhận tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế.

Theo nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng, gần chục năm trở lại đây chúng ta ghi nhận những nỗ lực, những cố gắng của nhiều đạo diễn, quay phim của một thế hệ làm phim mới hướng tới việc làm cho những gì lạ, độc đáo, thuần chất Việt Nam hiện trên màn ảnh. Những con vịt, chú lợn, chú bò... tức những gia súc rất thân thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam, nói không quá rằng chúng đã trở thành những nhân vật đáng yêu, có vị trí riêng trong nhiều bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. 

Những gương mặt xinh hiện đại, trẻ trung, hồn nhiên của những cô gái Việt Nam trong thập niên này được khắc họa khá thành công trong nhiều bộ phim của các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh. 

Các nhà quay phim K.Linh, Lý Thái Dũng, Nguyễn Nam đã miêu tả bằng ống kính sông suối, đồi núi, làng mạc, đô thị Việt Nam trong những khuôn hình, những góc máy vừa kết hợp được sự hiện đại với chất thơ, chất dung dị, mộc mạc của riêng Việt Nam. 

Đặc biệt đáng kể là nỗ lực đầy tâm huyết và sự táo bạo thể nghiệm của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân trong loạt phim như: “Tấm Cám - chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Song lang”, “Hai Phượng”.

Dẫu vậy, cái mới, cái lạ của quê hương đất nước Việt Nam trong phim vẫn dừng ở mức các mặt hàng để tìm khách hàng mới. “Cha mẹ đẻ” của những bộ phim này vẫn còn là những người đi buôn nghèo vốn, gắng gỏi vét rương hòm ra những đồng tiền ít ỏi để gồng mình thỏa mãn thị hiếu của thị  trường phim ảnh thế giới. Chẳng lẽ cái lạ, cái mới để hấp dẫn người xem các nước về Việt Nam chỉ là những băng đảng chém giết nhau máu khô, máu tươi, máu thật máu giả nhuộm đỏ màn ảnh đến như thế? 

Chẳng lẽ cái mới, cái lạ của Việt Nam được thể hiện ở cảnh vợ lớn mách vợ bé cách làm tình để đức ông chồng được thỏa mãn? Chẳng lẽ phim chúng ta chuyển thông điệp cho người xem năm châu bốn biển rằng vì tình mẫu tử, một người mẹ Việt Nam đã phô diễn mọi ngón võ trừng trị đối thủ từ trên ghe thuyền miền Tây, qua các ngõ ngách Sài Gòn đến trong các toa xe lửa của con tàu đang lăn bánh? 

Đến đây, người ta tự nhiên nảy sinh câu hỏi: Vậy điều gì đáng được coi là cái lạ, cái đặc trưng, cái mà thế giới chứng kiến phải ồ lên: “Đúng là Việt Nam”! “Đó là Việt Nam”, “Việt Nam là như thế đấy!” - tức là cái được gọi bằng mấy tiếng “bản sắc”. Hàng chục năm rồi, chất lượng điện ảnh hầu như chỉ được ao làng, cân đong bằng một thước đo duy nhất: lời hay lỗ?

Nhà phê bình Tô Hoàng phát biểu tại hội thảo nâng cao chất lượng phim Việt Nam.

Theo nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng, điện ảnh Việt đang đi lùi so với những thành tựu đã có. Ông bày tỏ tiếc nuối về những năm tháng điện ảnh hoàng kim đã qua. “Làm thế nào để trong các bộ phim xuất xưởng không lai căng, không vọng ngoại, in đậm bản sắc dân tộc. Đó là những năm cuối thập niên 80 và nửa đầu thập niên những năm 90. 

Ở thời kỳ này, các tác giả làm phim đã được hưởng không khí tự do, trở nên dám nghĩ, dám nói hơn sau khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới. Đồng thời điện ảnh nước nhà cũng đã kịp xuất hiện một thế hệ đạo diễn, biên kịch, quay phim được trang bị kiến thức bài bản, đang vào độ “chín” của nghề nay được dịp “cất cánh”. Và điều kiện cất cánh ấy được tiếp năng lượng bởi đồng tiền tài trợ làm phim từ phía Nhà nước” - nhà phê bình Tô Hoàng cho biết. 

Thành tựu điện ảnh thời kỳ đó, để giúp bạn bè và giới điện ảnh quốc tế hiểu biết hơn về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, chúng ta có “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, “Đời cát” và “Người đàn bà mộng du” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. 

Để hiểu về người nông dân Việt Nam “hai sương một nắng” nay vẫn còn nghèo, còn cơ cực trong cơ chế thị trường, điện ảnh Việt Nam có “Thời xa vắng” của đạo diễn Hồ Quang Minh; “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Nói về những thử thách, những quằn quại của con người Việt Nam bước từ chiến tranh sang những năm hậu chiến, rồi vọt thẳng sang cơ chế thị trường chúng ta có “Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, “Những người thợ xẻ” và “Rừng đen” của đạo diễn Vương Đức... 

Đó là những bộ phim có nghề, thực sự cung cấp cho bè bạn thế giới nói chung và màn ảnh thế giới nói riêng bức tranh toàn cảnh in dấu ấn khá rõ của một “bản sắc dân tộc” Việt Nam chúng ta.

Chưa có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới

Nhìn lại khoảng 5 năm gần đây, số phim Việt Nam đoạt giải ở các LHQ quốc tế khá đa dạng và phong phú trải dài các châu lục nhưng cũng chỉ loanh quanh ở một số cái tên. Và chúng ta cũng chỉ mới chỉ đạt thành công ở một số LHP quốc tế khá và trung bình, chưa phải là những LHP hạng A thế giới.

“Hai Phượng” - bộ phim Việt Nam đang đạt kỷ lục doanh thu phòng vé.

Trong bối cảnh điện ảnh Việt còn chưa có dấu ấn thật đậm nét trên bản đồ điện ảnh thế giới, (dù một số phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tiêu biểu như “Bao giờ cho đến tháng Mười” được CNN vinh danh...) thì việc đem phim đi dự các LHP quốc tế nhỏ, vừa tầm là lựa chọn đúng của các nhà sản xuất phim Việt. 

Ít nhất, nó đem lại thắng lợi về tinh thần và cả tiền bạc ở một số LHP, nó cũng giúp phim đó có thể được mua và phát hành ở một vài thị trường nào đó. Và nó cũng như một sự tập dượt để các đạo diễn Việt thêm nhiều trải nghiệm khi bước ra biển lớn. Tuy nhiên, câu hỏi về bản sắc dân tộc, về mùi vị Việt Nam trong những phim Việt thắng giải quốc tế đó, nằm ở đâu?

Xu hướng “remake” một số phim Hàn gần đây không phải là một tín hiệu vui cho điện ảnh Việt dù nhiều phim remake doanh thu “khủng” như “Em là bà nội của anh” là ví dụ. Ở một khía cạnh nào đó nó cho thấy sự bế tắc của đội ngũ biên kịch. 

“Điện ảnh Việt với những nhà làm phim trẻ đang mâu thuẫn. Những đạo diễn trẻ năng động, giỏi công nghệ, nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng điện ảnh đương đại thế giới lại thiên về làm phim theo gu ban giám khảo ngoại quốc, nhiều khi lấn át cả cái tiếng nói nhỏ bé từ trong nội tâm bản thân. Một số khác làm phim khá sạch, thiên về truyền thống lại sa vào cách thể hiện cũ kỹ, lạc hậu, thậm chí như phim làm những năm 60. Và không có một ai duy trì được trạng thái cân bằng động hiểu theo nghĩa bóng trong làm phim” - nhà báo, nhà phê bình Trần Việt Văn nhận định.

Không cần học ở đâu xa, ngay với LHP Haniff 2018 tại Hà Nội, các phim nước ngoài tham dự LHP của chúng ta đều là đại sứ văn hóa cho quốc gia họ, với những nét văn hóa độc đáo, riêng biệt... Không gian vật lý, những phong tục tập quán riêng và đặc biệt những bài hát với giai điệu quyến rũ trong phim “Bức thư gửi tổng thống” của Afganistan làm khán giả hiểu thêm về vùng đất này. 

Chùm phim Iran giản dị mà sâu sắc phản ánh được bộ mặt xã hội Iran từng thời kỳ và tính cách con người, cách ứng xử, đối đãi với nhau cứ rõ mồn một từ “Quả bóng trắng” đến “Căn phòng tối”... Hay những phim của Nga, Ba Lan, Hungary... tất cả bên cạnh giá trị nghệ thuật - thẩm mỹ họ hướng tới thì đều mang một mùi vị riêng của nước họ. Điện ảnh Việt đang thiếu những phim như thế!

Ra biển lớn bằng cách nào?

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, điện ảnh Việt Nam cần phải xây dựng cho mình một “thương hiệu” riêng và thương hiệu ấy trước hết phải gắn liền với bản sắc văn hóa. Sở dĩ nói như vậy, bởi lẽ điện ảnh là một trong các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam gia tăng sức mạnh trong xây dựng một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo từ chính tiềm năng vốn có.

Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. 

Thị trường điện ảnh sôi động hơn với sự ra đời của các hãng phim tư nhân, song kèm theo đó là sự ra đời của không ít bộ phim chiều theo thị hiếu thẩm mỹ dễ dãi, thấp kém của một bộ phận khán giả, nội dung xa rời thực tế đời sống, bóp méo lịch sử dân tộc, thiếu tính nhân văn, gây chú ý khán giả bằng yếu tố kinh dị, bạo lực, đồng tính, cảnh nóng trần trụi, hài nhảm, xa lạ với phong tục, tập quán, chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó phải kể đến vai trò của các nhà sản xuất. Nếu như ở các nền điện ảnh mạnh trên thế giới, các nhà sản xuất bao giờ cũng là những người không chỉ giỏi về kinh doanh mà còn am tường về chuyên môn nghệ thuật thì ở Việt Nam, không ít nhà sản xuất, phát hành chỉ chú ý đến doanh thu, lợi nhuận, lấy kinh tế làm thước đo mọi giá trị của tác phẩm.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực điện ảnh (biên kịch, đạo diễn, diễn viên...) có tài năng nổi trội, làm việc chuyên nghiệp, khoa học, được đào tạo bài bản như điện ảnh phương Tây và am hiểu văn hóa dân tộc rất hiếm hoi. Điện ảnh, giống như các loại hình nghệ thuật khác, là tấm gương phản ánh cuộc sống. Một tác phẩm điện ảnh chỉ có sức sống lâu bền khi chứa đựng trong nó giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn sâu sắc. Một nền điện ảnh dân tộc chỉ có chỗ đứng trong nền điện ảnh thế giới khi nó không chỉ chứa đựng tính quốc tế vốn có của điện ảnh mà còn phải chứa đựng những giá trị cốt lõi thuộc về bản sắc văn hóa để làm nên thương hiệu điện ảnh của quốc gia dân tộc.

NSND Trà Giang cho rằng, điện ảnh Việt Nam phải làm sao để mang được màu sắc văn hóa Việt Nam, tâm hồn người Việt Nam, tính nhân văn Việt Nam vào trong các bộ phim nhiều hơn thì mới có thể giới thiệu ra nước ngoài. 

“Thông qua các bộ phim đó, người ta mới hiểu được đời sống của người Việt Nam như thế nào, tâm hồn người Việt Nam như thế nào, dân tộc Việt Nam đã trải qua như thế nào để có Việt Nam ngày hôm nay. Đó là những yếu tố sống trong mọi thời đại. Anh có thể làm phim bây giờ nhưng 10, 20 năm hay lâu hơn nữa, người ta xem những bộ phim đó vẫn cảm nhận được” - NSND Trà Giang chia sẻ.

Đồng quan điểm này, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, điện ảnh Việt Nam ít được bên ngoài biết vì không có những giải thưởng tại các LHP quốc tế lớn, các LHP hạng A như Cannes, Venise, Berlin. Bên cạnh đó, người bên ngoài không có thông tin gì về điện ảnh Việt Nam. Gần đây các hãng phim tư nhân đã quan tâm tới việc quảng bá tiếp thị hơn. 

Nhưng đa số chỉ là những phim giải trí hành động nên sự quan tâm của khán giả nước ngoài cũng chưa được như kỳ vọng. Những người làm điện ảnh trẻ cần có nhiều hơn nữa những bộ phim về thân phận con người, dân tộc để có sức hấp dẫn lớn hơn.

Rõ ràng, để thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh mang “thương hiệu Việt”, gắn liền với bản sắc văn hóa Việt, không thể không chú trọng đến vai trò của nhà quản lý; sự hoàn thiện, bứt phá của cơ chế, chính sách và nhất là nhận thức của những người làm điện ảnh.

Thảo Nguyên

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文