EU với Hiệp định RCEP
- RCEP giúp "cất cánh" đồng nhân dân tệ kỹ thuật số?
- Mỹ lo bị đứng ngoài cuộc chơi sau khi RCEP được ký tại Việt Nam
Người châu Âu có xu hướng chỉ quan tâm đến vấn đề nội bộ và nếu có hướng ra bên ngoài thì cũng chỉ nhìn về phía Tây. Tuy nhiên, thay đổi theo thời gian, nhiều hoạt động kinh tế và một số thay đổi địa chính trị quan trọng lại dần có xu hướng diễn ra ở phía Đông nhiều hơn.
Nhìn từ quan điểm của các công ty châu Âu, RCEP được hiểu là một hiệp định tự do thương mại giữa 3 cường quốc sản xuất: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Và họ cùng hướng tới một khu vực ngoại vi rộng lớn của châu Á. Chẳng hạn, trong khuôn khổ RCEP, Trung Quốc cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 86% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, bao gồm cả phụ tùng ô tô. Trong năm 2019, 3 quốc gia này cùng nhau tạo ra 5.300 tỷ USD giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất, nhiều hơn 1.000 tỷ USD so với Mỹ và EU cộng lại.
Trong khuôn khổ RCEP, Trung Quốc cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 86% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, bao gồm cả phụ tùng ô tô. |
Ngoài dân số 1,6 tỷ người của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, RCEP còn cho phép tiếp cận thêm 675 triệu người ở khu vực ASEAN, Australia và New Zealand, lớn hơn dân số của EU. Tại khu vực này, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, châu Á - Thái Bình Dương sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP gấp 2 đến 3 lần so với ở châu Âu và Mỹ trong vòng 10 năm tới. Ấn Độ, cho đến gần đây vẫn là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới, đã rút khỏi RCEP vào năm 2019, chủ yếu do lo ngại về sự cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và của Australia và Đông Nam Á trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng nước này hoàn toàn có thể gia nhập RCEP một ngày nào đó trong tương lai.
Việc thống nhất được các quy tắc xuất xứ trong nhiều hiệp định thương mại trước đó giữa 15 nước ký kết RCEP là một khía cạnh quan trọng của thỏa thuận mới này. Các quy tắc xuất xứ chung và đơn giản hóa được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các chuỗi giá trị khu vực. Do sự khác biệt về nguồn tài nguyên trong nhóm và những chênh lệch lớn về tiền lương và thu nhập - những khác biệt này lớn hơn nhiều so với những khác biệt trong EU và Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) - nên sẽ có cơ hội đáng kể để nâng cao tính hiệu quả và chuyên môn hóa theo hướng phù hợp với các lợi thế so sánh.
Như nhà kinh tế học Alicia Garcia Herrero đã lập luận, mặc dù Trung Quốc và Nhật Bản sẽ đóng vai trò chủ chốt với tư cách là những trung tâm sản xuất lớn nhất cho đến nay nhưng các quốc gia có dân số đông và mức lương thấp ở Đông Nam Á có thể sẽ có vai trò lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù được dự báo là tác động trực tiếp không nhiều đối với nền kinh tế châu Âu, song điều đáng nói nhất đối với EU là việc các mặt hàng xuất khẩu của khối này đến các nước thành viên RCEP bị thay thế do biên ưu đãi nghiêng về các bên ký kết khác, theo ngôn ngữ kinh tế được gọi là sự chuyển hướng thương mại. EU hiện có các hiệp định thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam nên hàng hóa xuất khẩu sang các nước này khó có thể bị thay thế.
Tuy nhiên, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của EU sang các nước tham gia RCEP năm 2019 không thuộc khuôn khổ các hiệp định thương mại, kể cả hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc - điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của EU và thuế quan áp theo trọng số thương mại cho nước này là 9,15% vào năm 2017. Các thị trường quan trọng khác bao gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan, nơi hàng hóa của EU phải đối mặt với mức thuế cao.
Khi tính đến việc hàng hóa xuất khẩu của EU sang Trung Quốc chủ yếu bao gồm máy móc và các sản phẩm có chế tạo khác, thì việc một số sản phẩm của Nhật Bản và Hàn Quốc có thể chiếm hết chỗ trên thị phần Trung Quốc rộng lớn là điều có thể xảy ra.
Tác động của các động thái khác đối với nền kinh tế châu Âu cũng đã được liệt kê, trong đó người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn đầu vào trung gian được nhập khẩu từ RCEP có khả năng hưởng lợi từ giá cả rẻ hơn, phản ánh sự gia tăng tính hiệu quả trong các chuỗi giá trị đặt tại khu vực này. Thứ hai, đó là các nhà xuất khẩu sang khu vực RCEP sẽ được hưởng lợi với biên độ chênh lệch thu nhập cao hơn và rất có khả năng tăng trưởng bền vững nhanh hơn của khu vực.
Cuối cùng, các công ty cạnh tranh với RCEP, dù ở châu Âu hay ở các thị trường thứ ba, sẽ gặp bất lợi nhất định, đặc biệt là nếu họ không thu được lợi ích từ các chuỗi giá trị tích hợp của khu vực.
Các nhà phân tích đã cố gắng đánh giá ảnh hưởng thực của các tác động khác nhau này bằng cách sử dụng các mô hình phức tạp nhưng kết luận thì vẫn chưa thể tin tưởng hoàn toàn bởi phần nhiều nó là giả định. Chẳng hạn như kết luận của Petri và Plummer, 2020 chỉ ra rằng EU có thể là khu vực được hưởng lợi ròng ít ỏi từ RCEP, khoảng 0,1% nhưng nhiều khả năng lợi ích thực đạt được chủ yếu là do giá hàng nhập khẩu từ RCEP thấp hơn và lợi ích này đủ để bù đắp cho tác động của việc chuyển hướng thương mại. Chỉ có điều, các nhà phân tích đều đồng ý rằng, ý nghĩa quan trọng hơn của thỏa thuận RCEP đối với EU là về khía cạnh địa chính trị.
Ở cấp độ kỹ thuật của các cuộc đàm phán thương mại, thỏa thuận RCEP và sự xuất hiện của chính quyền mới ở Mỹ sẽ thúc đẩy EU xác định một chiến lược thương mại mới với châu Á. Một chiến lược như vậy vừa phải nhằm mục đích duy trì liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhưng cũng phản ảnh tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và sự hội nhập của các chuỗi giá trị tập trung xoay quanh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.