Gia đình nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: Lớn lên từ lòng nhân hậu

08:10 26/12/2015
Năm nay, nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên tròn 90 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn sống một mình trong căn nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, xa cách các con. Ông sinh được 7 người con và điều may mắn nhất là “gien trội” hội họa, thi ca, nghệ thuật của ông đã truyền lại cho các con, họa sĩ nhà thơ Bàng Ái Thơ, Bàng Sĩ Trực, Bàng Thục Bân...

Người cha yêu nghệ thuật

Trong ký ức của các con ông, nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên là một người đam mê thơ ca và hội họa. Điều này bắt nguồn từ dòng dõi gia đình. Ông sinh trưởng trong một gia đình trí thức. Cha ông là Bàng Nguyên Dũng, từng theo học Trường Đông Kinh nghĩa thục. Anh ruột là nhà thơ Bàng Bá Lân, một người anh nữa là Bàng Thúc Long cũng theo nghiệp văn, nghiệp vẽ.

Nhà thơ - họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên.

Thuở nhỏ, ông học ở Trường Thăng Long - Hà Nội. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc, ông xung phong vào bộ đội và làm báo Quân Việt Bắc. Sau hòa bình lập lại năm 1954, ông tiếp tục học hết chương trình đại học tại chức. Ông từng làm biên tập tuần báo Văn nghệ, rồi làm biên tập cho NXB Văn học và NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn) cho tới khi nghỉ hưu.

Ông tự bạch: "Gia đình tôi gốc Nho học. Từ năm 1947, tôi đã được cùng công tác hoặc quen biết với các anh Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh.. và đọc nhiều các tác phẩm của các anh ấy. Tôi viết từ những năm ở Việt Bắc, khát vọng quỵ chiếu bản thân, cảm nhận, thâu nạp những điều gì nên viết thì viết. Cũng chẳng nhớ sự việc ấy trong trí nhớ, ký ức, thời gian nào, chỉ biết đó là những phút thăng hoa tâm thái mà viết như kiểu các thiền sư Ấn Độ vậy... Như cha tôi đã dạy: "Nhà ta ai cũng phải cầm lấy cây bút mà sống".

Bởi vậy, trong suốt mấy chục năm cầm bút, từ những ngày in ấn còn khó khăn, ông đã có nhiều tác phẩm thơ được xuất bản: “Mùa hoa trên núi” (1957), “Ban đầu” (1959), “Ánh thép” (1961), “Trên mảnh đất của tình thương” (1966), “Nay mình hái quả” (1972), “Người con gái Bắc Sơn” (1973), “Hồn nhiên” (1979), và các tập truyện ngắn: “Niềm vui”, “Cô giáo Tày Võ Thị Rinh” (truyện dài)...

Nhà thơ Ngô Văn Phú, đọc thơ của Bàng Sĩ Nguyên đã nhận định: "Những năm 50, Bàng Sĩ Nguyên đã nổi tiếng với bài thơ "Vợ chồng đi chợ xuân", và những bài thơ thiên nhiên, đặc biệt là cảnh sắc phong vị ở Việt Bắc, Tây Bắc. Có thể nói, ông là một nhà thơ người Việt viết thành công về đời sống phong tục của các dân tộc anh em. Thơ của ông bản năng hồn nhiên, lắm lúc như ở trạng thái vô thường. Chính lúc đó, thơ của ông mới hay, mới gây được tứ lạ, cảm xúc lạ mà nhiều người không có".

Sau này, khi bắt đầu cầm cọ để vẽ, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên chuyển sang vẽ tranh nhiều hơn. Có lần, ông được mời đi nghỉ và tham gia trại sáng tác thuộc vùng Hắc Hải (Liên Xô). Ở Hắc Hải, một người bạn Do Thái (nhà triết học, họa sĩ RifTruz) có nói với Bàng Sĩ Nguyên: "Ông làm thơ để làm gì, trong lúc, tranh ông lại đẹp như thế".

Tưởng chỉ là câu nói đãi bôi, ngờ đâu khi về lại Hà Nội, ông mở phòng tranh cá nhân đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1973. Thời gian này, Bàng Sĩ Nguyên vẽ nhiều. Ông vẽ nhiều đấy, nhưng có bao giờ Bàng Sĩ Nguyên quan tâm đến giá trị vật chất của mỗi bức tranh. Và cũng từ đây, đời sống của gia đình ông, vợ và 7 người con, trông nom hết cả vào phòng tranh của bố. Ngoài việc bán tranh kiếm tiền để trang trải cuộc sống, ông cũng đã truyền cho các con nguồn mạch cảm xúc thơ ca, hội họa để bây giờ, họ đã là những người đã đánh dấu tên tuổi của mình trong đời sống văn học nghệ thuật đương đại nước nhà.

Những bài học vỡ lòng đi theo mãi

Nữ sĩ Bàng Ái Thơ, nhà thơ, họa sĩ, con gái của ông chia sẻ rằng: Trong suốt cả những năm tháng ấu thơ, ký ức của chị về cha mình là những tháng ngày ông miệt mài đọc sách, vẽ tranh và viết văn. Chưa bao giờ ông ngừng làm việc, ngay cả khi ông ốm, thì liều thuốc giúp ông chữa lành bệnh nhanh nhất là làm việc.

Trong gia đình, cha chị là người toàn tay quán xuyến. Dạy con là việc của ông. Hồi còn nhà ở 96 Phố Huế, khi tiếng tàu điện chạy leng keng vào lúc 4 giờ 15 phút sáng, ông đã khua các con dậy, cho dù mùa hè nóng ran hay mùa đông buốt giá. Dậy học Tam tự kinh, Nhân chi sơ, 7 người con xếp hàng dài như học sinh. Tuy là có những quy tắc trong gia đình, nhưng đặc biệt, ông không bao giờ quát mắng hay đánh đập các con, ông để cho các con theo thiên hướng tự nhiên của mình. Cũng trong quá trình dạy học, ông phát hiện được năng khiếu của các con để sau này các con có những lựa chọn của riêng mình trong công việc cũng như cuộc sống.

Họa sĩ - Nhà thơ Bàng Ái Thơ.

Điều đặc biệt nhất, theo chị Bàng Ái Thơ, đó là vì ông am hiểu tử vi, nên khi các con chào đời, đều được ông gieo quẻ, xem lá số để đặt tên theo vận mạng của mình. Chẳng hạn, Bàng Ái Thơ trong lá số là một người yêu thơ ca nghệ thuật, nên ông đặt là Ái Thơ. Bàng Phương Chính, người con trai tính thẳng thắn, cứng cỏi, là nghệ sĩ thích bôn ba mới sống được. Sau này, anh Chính làm họa sĩ, nhà điêu khắc, thiết kế nhà cho các đại gia yêu vườn tược. Bàng Sĩ Trực cũng là người thẳng thắn, nhưng có tính nghệ sĩ, cũng chỉ làm nghệ thuật là sống được với tính cách của mình...

Suốt cả tuổi ấu thơ được gần bố, theo chị Ái Thơ, các con đã ảnh hưởng tính cách của cụ rất nhiều. Cụ dạy các con đến với nghệ thuật một cách rất hồn nhiên. Viết xong, vẽ xong một tác phẩm, không ai khác, chính các con là công chúng đầu tiên của bố. Ông từng mở những cuộc thi nhỏ trong gia đình, mà phần thưởng được trao có khi là phong lương khô, chiếc khăn mùi xoa, bánh xà phòng thơm để các con có tình yêu nghệ thuật. Ái Thơ là chị cả, lại có một tâm hồn nhạy cảm nên suốt ngày nhận giải. Ông cũng khẳng định rằng, chỉ cần nhìn các tác phẩm của con thì đã biết tính và nghề nghiệp sau này của con.

Chẳng hạn năm 6 tuổi, con gái Bàng Thục Bân khi được giao đề làm bài thơ đầy tính "lý luận": “Ve kêu ra rả rong chơi/ Làm cho ta phải tơi bời ruột gan/ Mùa thi thành thị, xóm làng/ Học trò tấp nập học ran khắp vườn". Hồi đó đọc thơ của con, ông bảo, thơ của Bân chưa có cảm xúc... Sau này, chị Thục Bân đã theo thiên hướng lý luận, giảng dạy lý luận, sau đó chị sang Mỹ định cư và làm giáo viên tại một trường đại học ở Mỹ

Khi nói về cha mình, họa sĩ, nhà thơ Bàng Ái Thơ đã chia sẻ: "Tôi ảnh hưởng cha rất lớn, đọc, nghiền ngẫm, thích tác phẩm của cha từ những ngày thơ bé. Trong ký ức của tôi, cha gắn với hình ảnh người đàn ông ngồi uống trà, thưởng cảnh đầy tao nhã, ông không bao giờ mắng mỏ chúng tôi, chỉ cùng con học và dạy con yêu nghệ thuật một cách tự nhiên. Ông có cách dạy để ngấm từ từ, chứ không dồn dập, không đao to búa lớn. Chúng tôi cũng thích đọc sách vì nhà tôi gia tài chẳng có gì khác ngoài tranh và sách. Chúng tôi dù học nhiều, đi nhiều nhưng tài năng không bằng bố, ông vẽ tranh chỉ là một sự rẽ ngang mà hiện tại ông có 5 bức tranh trong cung điện Hoàng gia của Nhật. Ông cũng là người vẽ tranh kỳ lạ bởi chỉ chấm tay vào mực và vẽ chứ không cần đến cọ. Cha tôi cho rằng vẽ bằng tay cảm xúc sẽ thật hơn, tay sẽ biết nhấn vào điểm nào, chỗ nào để thổi hồn vào tác phẩm”.

Họa sĩ Bàng Sĩ Trực, người "hợp chuyện" với bố nhất cũng chia sẻ: Nhiều người thường nói con trai và bố ít khi hợp nhau, nhưng tôi với bố tôi thì ngược lại, hợp đủ thứ: công việc, chuyện trò. Bố tôi là nhà văn, nhà thơ, nhưng 2/3 thời gian của cuộc đời, ông lại làm hội họa. Tôi ảnh hưởng ông từ thuở bé với tủ sách ông để lại, các loại sách triết học, hội họa, thơ ca đã ngấm vào người như một lẽ tự nhiên. Ông lập cho tôi một lá số tử vi trọn đời, thế mà đến giờ nó vẫn ứng đúng với tôi. Tôi từng đi học xây dựng, rồi bỏ, rồi học trường mỹ thuật Yết Kiêu, ở lại làm giảng dạy tại trường, nhưng rồi tôi nhận ra rằng, nghề hợp nhất với tôi là làm họa sĩ tự do. Khi là người tự do, tôi thả sức bay bổng với tác phẩm và các chặng đường đi của mình. Điều này, cũng đúng với lá số ông đã lập cho tôi. Hai bố con gặp nhau là chuyện trò hết đêm.

Có thời điểm, hai bố con quy ước nằm nói chuyện nhưng ai ngủ trước thì cứ ngủ, còn có thể nói chuyện thâu đêm suốt sáng. Thực ra bố tôi và tôi là hai trường phái, hai "gu" sáng tác khác nhau, nhưng điểm chung là chúng tôi cùng yêu nghệ thuật, tôi cảm ơn ông vì không có ông, không có tủ sách của ông thì không có tôi bây giờ ngồi đây để nói về hội họa. Bố tôi là nhà thơ, nên tranh của ông chủ yếu là vẽ lại các bài thơ của ông, ông cũng là người thu hẹp mình, hướng nội chứ không hướng ngoại như chúng tôi. Tôi đi nhiều, tranh tôi chủ yếu bán tại các gallery nước ngoài và chúng tôi sống được bằng nghề. Còn bố tôi, tranh ông vẽ chủ yếu để tặng, ông thích ai là ông tặng, hoặc bán với giá rất rẻ. Đó cũng là tính cách của ông.

Tôi nhớ ông có một bộ tranh nuy về Kiều rất đẹp, nhưng không biết hiện tại nhà sưu tập nào đang giữ. Hiện nay, tôi cũng đang vẽ tranh nuy, một chủ đề mà tôi sẽ triển lãm vào giờ này năm sau, tôi vẽ về các cô cái điếm, đi tìm cái đẹp còn sót lại của các cô gái tận cùng xã hội, nhưng vẫn muốn thấy một vẻ đẹp lấp lánh phía sau đó. Những lúc ngồi vẽ, tôi nghĩ về bộ tranh Kiều của ông. Giá mà ông còn giữ được và bố con tôi có một triển lãm chung thì sẽ rất tuyệt vời".

Người họa sĩ và tuổi già cô đơn chốn Sài Thành

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên có 7 người con, nhưng năm nay, ông đã 90 tuổi, vẫn sống một mình ở Sài Gòn, tự lo mọi sự cho bản thân mình. Hàng ngày, ông vẫn đạp xe đi uống và phê và mua sách ở những hàng sách cũ như một thói quen từ thời trai trẻ. Cha ông từng mở hiệu thuốc Bắc ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội, nên bản thân ông tự chữa bệnh cho mình. Ông sinh năm Ất Sửu, tự chấm số tử vi của mình là "Ất biến vi vong", có nghĩa là phận luôn gặp những biến cố, điều này như là một định mệnh đã an bài.

Nhà thơ Bàng sĩ Nguyên và các cháu nội ngoại.

Ông lấy người phụ nữ vốn là du kích Sông Thao từ ngày kháng chiến, ở với nhau đến gần hết cuộc đời thì ông ly hôn bà vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông kết hôn với một người vợ khác, rồi cuộc đời cũng không cho ông yên ổn, khi người vợ ấy cũng đã một lần nữa bỏ ông ra đi. Ông ở vậy với tuổi già và niềm đam mê nghệ thuật đến tột cùng. Ông nghiện vẽ và vẽ ở bất cứ nơi nào.

Họa sĩ Bàng Sĩ Trực kể: "Có năm bố tôi bỗng dưng mắt bị mù không nhìn thấy gì, một bạn sưu tập tranh bảo đưa ông đi khám nhưng ông nhất định phải chờ con trai từ Hà Nội vào đưa đi mới chịu đi. Rồi trong khi đang băng hai mắt lại (như người mù), ông đòi tôi căng toan lên để vẽ, ông vẽ trong bóng tối mà vẫn thành một bức tranh với đầy đủ bố cục, màu sắc. Có nghĩa là ông vẽ tranh không cần nhìn, không cần ánh sáng, chỉ bằng cảm nhận của tâm hồn và sự căn chỉnh của đôi tay. Điều này hoàn toàn đúng với suy nghĩ ông đã tự bạch từ thời còn trẻ: "Khó nhất là làm sao có cảm hứng, nghĩa là những yếu tố hào hứng để nhập trong trạng thái sáng tạo, với tâm thái hồn nhiên tự nhiên. Chỉ lúc ấy tôi mới cảm thấy hình thành một nội lực bên trong, cứ như là từ trạng thái chân không, với nhân cách chân không mà Huy Cận cho là ở dạng tinh vân vũ trụ vậy...".

Họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên đã để lại cho các con ông một gia tài trí thức về hội họa và một gia sản tinh thần lớn là nội lực của ông truyền lại với lòng đam mê với nghề. Các con ông hầu hết đi theo nghệ thuật như một cái gien di truyền và đều là những người sống được bằng cây cọ, bằng ngòi bút như chính cha mình mấy chục năm đã sống. Từ Hà Nội, tôi gọi vào cho nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên, ông bắt máy giọng vang và rõ ràng: "Ai đấy, à, cô à, tôi quý trọng các nhà báo lắm, tôi từng là nhà báo mà, cô vào Sài Gòn lúc nào đến nhà tôi chơi, tôi sẽ vẽ tranh tặng. Nhớ nhé!"...

Trần Hoàng Thiên Kim

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文