Giai thoại kỳ bí về ngôi mộ cổ Cô Năm Châu Đốc

17:45 27/08/2013

Trên đường Vòng Núi Sam (Châu Đốc, An Giang), từ miếu Bà đi về phía chùa Hang - Phước Điền vài cây số có một ngôi miếu lớn, cổng đề biển "Mộ Cô Năm". Với những tài xế, tài công đường dài trên cung đường này, mộ Cô Năm Châu Đốc là một địa chỉ tâm linh cứu rỗi nguy tai trong hành trình mưu sinh. Hầu như tài xế, tài công nào đi qua đây cũng phải ghé vào đốt vài nén hương khấn Cô phù trợ tay lái vững vàng. Còn những thương lái kỳ hồ xuyên Đông Dương thì xem Cô năm là nữ thần hộ mệnh, chống gian tặc dọc đường.

Ngôi mộ và niềm tin tâm linh đó hiện hữu suốt hơn 200 năm nay đối với người dân địa phương và khách vãng lai qua lại cung đường này. Và xung quanh đó có cả những chuyện lợi dụng “buôn thần, bán thánh”…

Đối với một số trường phái huyền thuật, "xác cô Năm Châu Đốc, cốt cậu Bảy Tây Ninh" là 2 vị thần linh ứng luôn cứu trợ, phò nguy những trường hợp tai nạn, tai họa bất ngờ.

Môn phái võ bùa gồng Trà Kha của người Khmer, khi lên đài giáp chiến tỉ thí, võ sĩ thường đọc một bài chú cầu an, trợ lực: "Ko nam chaudoc chau trakha puop khia á rập momo ni ni adi da phat" (Cầu xin cô Năm Châu Đốc ra oai thần trợ giúp, A Di Đà Phật).

Trước năm 1975, tại Sài Gòn, một số pháp sư thường mượn linh danh cô Năm để "nhập xác soi căn". Một số lính tráng thuộc lực lượng biệt động quân dùng ảnh cô Năm có vẽ bùa thần, ép nhựa rồi để trong túi áo ngực trái để "đạn né". Một số tài xế lái xe đường dài hoặc tài công lái tàu khu vực phía Nam dùng ảnh cô Năm treo trên cabin xe, tàu đốt nhang thờ phụng như thờ Phật Quán Thế Âm để cầu an.

Cho đến tận bây giờ, một số cư dân sinh sống ở vùng Châu Đốc vẫn còn thói quen: Mỗi khi đưa trẻ em đi trên quãng đường hơn 5 cây số, cha mẹ đều khấn xin phép cô Năm để… an toàn khi tham gia giao thông. Những bạn hàng ở chợ Châu Đốc, khi tranh chấp một "hợp đồng kinh tế miệng" thường cùng nhau đến mộ cô Năm thề độc: "Xin cô Năm chứng giám soi xét. Ai ăn gian, ăn lận, xin cô Năm vặn cổ, hộc máu chết tươi". Người ta đồn rằng, đã từng có trường hợp, sau khi khấn thề xong, người sai quấy lăn đùng ra ngất nên người ta càng tin vào sự linh nghiệm của cô (?).

Ngày nay, uy linh cô Năm đã lan sang cả đất Mỹ. Ở đường số 9, San Jose, California có thầy tướng số mang pháp danh Diệu Phượng dùng linh danh cô Năm Châu Đốc làm "bùa hộ mạng" câu khách mê tín. Một thầy pháp tên Jo ở Los Angeles thì dùng linh ảnh cô Năm "úm" thêm một vài món linh vật linh tinh để bán cho dân mê bài đeo vào cổ, gọi là "the witch's physics". Điều đó cho thấy cô Năm đã trở thành một vị thánh "nổi tiếng", không chỉ lẩn quẩn trong phạm vi núi Sam mà vượt đại dương tạo ảnh hưởng đối với cộng đồng dân cư ở nửa phía bên kia quả địa cầu. Vì sao cô Năm lại trở thành linh nghiệm như thế?

Giai thoại kể rằng, cô Năm là cô con gái xinh đẹp trong một gia đình người Tàu, họ Thái rất đông con, sinh sống bằng nghề bán thịt heo quay ở chợ Châu Đốc vào thời điểm giữa thế kỷ XVIII. Những buổi chợ ế, cô thường đội thúng heo quay trên đầu, rảo chân đi khắp khu vực rao bán heo quay. Tính tình cô Năm rất thẳng thắn và ghét kẻ mua già bán non nên nhiều người quý mến. Nhiều gia đình khá giả dạm hỏi cưới cô Năm cho con trai nhưng cô luôn từ chối. Cô thường nói "ở vậy để trả hiếu cho cha mẹ".

Khi cô Năm bước vào tuổi 18, sắc đẹp trở nên lung linh bởi làn da trắng hồng và màu môi đỏ như cánh sen.

Một ngày nọ, mẹ cô Năm đang ngồi bán ở chợ Châu Đốc thì thấy cô vào chợ đến khu vực bán vải mua 1 cây vải thô. Lấy làm lạ, mẹ cô chạy đến hỏi mua vải thô làm gì. Cô trả lời, mua về tẩn liệm. Nghe đến đó, mẹ cô tá hỏa vì nghĩ cha cô đã chết. Bà tức tốc bỏ ngang buổi chợ chạy về nhà thì thấy chồng mình cùng chòm xóm đang dựng rạp chuẩn bị đám tang. Bà mừng rỡ chạy vào nhà thì thấy tử thi cô con gái thứ Năm đang nằm giữa nhà chờ tẩn liệm.

Hỏi ra mới biết, cô Năm đang trên đường bán dạo thịt heo quay, bỗng dưng khuỵu chân nằm chúi xuống đường. Mọi người chạy đến thì thấy cô đã tắt thở... Tử thi cô được người dân tốt bụng thuê xe ngựa đưa về nhà. Thời đó, người ta cho rằng, những trường hợp đột tử như vậy là do "ngũ hành bắt hồn những người tốt để làm thánh". Mẹ cô Năm kể lại việc trông thấy cô đi chợ mua đồ tẩn liệm mình cho mọi người nghe nhưng không ai tin, cho đó là chuyện nhìn thấy người giống người.

Do nhà nghèo, ít đất nên cha mẹ cô Năm xin gia đình sui gia (bên vợ của người con trai thứ tư là hương chủ khu vực chân núi Sam) cho một thước đất ven triền núi Sam làm nơi yên nghỉ cho cô. Thuở đó, khu vực chân núi Sam còn hoang sơ hiu quạnh, khỉ ho, cò gáy. Nhờ gia đình nhà sui tốt bụng, mộ cô Năm được xây bằng hợp chất vôi, ô dước.

Chuyện đồn thổi rằng, một thời gian ngắn sau đó, những tài xế xe tải có tuyến chạy ngang núi Sam thường thấy một cô gái xinh đẹp đứng đón xe xin quá giang ở gần khu vực mộ cô Năm. Thời đó, dân xe đường dài thường tìm cách quấy rối tình dục những phụ nữ xin quá giang xe. Và những gã tài xế có máu xấu đó đều bất ngờ bị đau bụng lăn lộn cho đến khi đến tận mộ cô Năm tạ lỗi mới hết. Từ đó, khi chạy ngang đoạn đường này, các tài xế thường ghé vào đốt nhang khấn cô rồi mới tiếp tục hành trình. Có người quả quyết rằng, trên những cung đường xa, nhờ có cô Năm độ trì, họ đã thoát nhiều vụ tai nạn hy hữu (?!).

Những người nghèo khó buôn bán ế ẩm, khi đến khấn cô Năm đều được ban lộc mua may, bán đắt. (?!)

Còn một giai thoại cũng không kém phần huyền bí mà người dân địa phương hiện nay vẫn còn truyền tụng về sự linh ứng của cô Năm. Đó là chuyện tấm di ảnh. Thời cô Năm, máy ảnh chưa phổ biến, những gia đình khá giả thường thuê họa sĩ vẽ chân dung người lớn tuổi để khi qua đời có di ảnh thờ. Cô còn trẻ, chưa vẽ chân dung nên khi chết không có di ảnh thờ.

Cả trăm năm sau khi cô Năm chết, mới có một chiếc tàu là hiệu ảnh di động trên sông cập bến Châu Đốc. Chủ hiệu ảnh là Bằng Robert từ Mỹ Tho trôi dần về Châu Đốc. Một ngày nọ, đang ế ẩm, ông chủ hiệu ảnh đốt nhang khấn xin cô Năm trợ giúp. Vừa khấn xong, có một thiếu nữ xinh đẹp bước lên ghe yêu cầu chụp ảnh. Cô gái đề nghị thợ ảnh Bằng Robert lên bến, chụp cô đứng cạnh một chiếc xe hơi. Trên tay cô còn cầm 1 điếu thuốc hút đang nghi ngút khói. Chụp xong, cô gái đặt tiền cọc rồi lấy phiếu hẹn ngày đến lấy ảnh.

Trước khi rời đi, cô gái còn nói đùa: "Mai mốt đắt khách, anh phải mua con heo quay ở chợ Châu Đốc cám ơn tôi mở hàng". Sau đó, cô gái mất tăm, không đến lấy ảnh nữa. Điều lạ là từ ngày cô gái đến chụp ảnh thì chiếc tàu ảnh trở nên nhộn nhịp vì đắt khách (?).

Nghĩ rằng cô gái không có tiền lấy ảnh, người thợ lấy bức chân dung treo lên vách tàu làm ảnh mẫu. Con cháu của cô Năm đi ngang chiếc tàu chụp ảnh và nhận ra đó là chân dung… cô Năm. Họ báo cho Bằng Robert biết điều đó. Thế là Bằng Robert mua ngay 1 con heo quay đến tận mộ cô Năm tạ ơn. Ông ta còn bỏ tiền ra cất một ngôi miếu nhỏ thờ cô. Cho đến tận năm 1975, rất nhiều gia đình ở Châu Đốc vẫn dùng bức ảnh này để thờ trên bàn thờ gia tiên.

Nghe đồn rằng, sau này, một số người được "cô Năm phù hộ" kinh doanh khấm khá đã đến xây thêm vòng rào và mái che toàn bộ ngôi mộ. Những người trong gia tộc cô Năm khi qua đời đều được an táng cạnh mộ cô dưới mái che. Thế là ngôi miếu trở thành một nhà mồ gia tộc cho đến tận bây giờ.

Tất cả những điều trên chỉ là giai thoại xuất phát từ niềm tin tâm linh của những người di dân mở cõi phương Nam. Ông Bảy Sàng - một bậc kỳ lão sinh sống gần cả đời tại núi Sam lý giải những chuyện huyền bí xảy ra tại mộ cô Năm: "Khi tranh chấp những giao kèo làm ăn, người ta thường kéo nhau ra mộ cô Năm để thề. Những người này mang tâm lý cô Năm rất linh thiêng. Vì vậy, người gian sẽ lo sợ cô Năm hiển linh vặn cổ thật. Lo sợ quá dẫn đến việc lăn ra ngất, co giật. Từ hiện tượng đó, người ta càng tin rằng, cô Năm rất linh. Việc hàng trăm năm sau cô Năm đi chụp ảnh chân dung thì không ai kiểm chứng được. Không ai có ảnh thật của cô Năm để so sánh".

Để tìm hiểu sự tích thật ngôi mộ cổ huyền bí, chúng tôi tìm đến tận nhà ông Lại Văn Hung (sinh năm 1925, cư ngụ ấp Vĩnh Tây, phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) là người trong tộc họ của chủ phần đất có mộ cô Năm Châu Đốc. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn minh mẫn nói chuyện rành mạch.

Ông Lại Văn Hung đang kể chuyện sự tích ngôi mộ cổ.

Ông cho biết, ngày xưa khi còn là đứa trẻ ông đã thấy ngôi mộ cô Năm Châu Đốc hiện diện trên phần đất của gia tộc. Thuở đó, ông nghe những bậc cao niên kể rằng, phần mộ cô Năm có từ thời ông nội Lại Văn Bài. Lại Văn Bài là hương chủ giàu có thời Pháp thuộc. Ông Bài có rất nhiều con. Trong đó, có người con gái thứ sáu tên Lại Thị Báu lấy chồng tên Tư là người Hoa. Cô Năm Châu Đốc là em ruột của ông Tư.

Khi cô Năm chết, ông Lại Văn Bài thấy cảnh nghèo của gia đình cô Năm nên cho chôn cất cô tại phần đất gia tộc. Hiện nay, hàng chục ngôi mộ nằm trong khuôn viên miếu đều là người trong gia tộc họ Lại. Tuy nhiên, những người đang thay phiên nhau làm thủ từ trong miếu lại là những người cháu của cô Năm, không liên quan gì đến họ Lại.

Những ngôi mộ gia tộc họ Lại trong miếu.

Tham khảo thêm người dân địa phương, chúng tôi nhận được một số ý kiến phàn nàn về việc hiện nay người ta đã lạm dụng những giai thoại trên để thực hiện nhiều hành vi mê tín dị đoan tại mộ cô Năm Châu Đốc như bói toán, xin số đề.

Sự thực dụng của một số người đã làm giảm một phần uy linh của cô Năm Châu Đốc. Giá như, người ta không buôn thần, bán thánh, làm hoen ố những giai thoại mang tính răn thiện như từ xưa vốn có, để mộ cô Năm trở thành một địa chỉ lưu dấu văn hóa tín ngưỡng của tiền nhân thì đáng quý biết bao. Tiếc thay!

Nông Huyền Sơn

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động giai đoạn 2021-2023 của các cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa.

Tối 4/1, tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công an, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) - Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức Chương trình “Người truyền lửa” năm 2025 với chủ đề “Lửa ấm Cao Nguyên”.

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Ngày 4/1, Cục CSGT cho biết, kể từ ngày 1/1/2025, lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Nội dung này được căn cứ theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 71/2024/TT-BCA của Bộ Công an.

Ít nhất 8 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong vụ hoả hoạn nghiêm trọng tại chợ dân sinh ở thành phố Trương Gia Khẩu thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc.

* Thu giữ 10 bánh heroin và 15kg nghi là ma tuý tổng hợp dạng đá

Ngày 4/1, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Trị cho biết vừa tổ chức khen thưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh, truy xét và làm rõ đối tượng liên quan vụ phát hiện số lượng lớn ma túy trên xe ô tô khách bị TNGT.

Ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thanh Tùng và Phan Văn Tiến, là phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại Điều 170 BLHS.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文