GS Phan Huy Lê: Người thắp lửa đổi mới trong nghiên cứu lịch sử Việt

15:07 27/06/2018
Chỉ vài giờ sau khi giáo sư (GS) sử học Phan Huy Lê qua đời, các báo đều giăng kín niềm tiếc thương dành cho cây đại thụ của nền sử học Việt Nam. Sự kính trọng thấm đẫm trong từng con chữ. Nếu không phải là một tài năng lớn, một nhà văn hóa với trí tuệ minh triết, đặc biệt là một nhân cách khoa học đáng ngưỡng mộ, liệu có nhận được vinh dự này?

GS. Phan Huy Lê đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu lịch sử dân tộc với tài năng và tri thức đặc biệt. Hơn 500 công trình công bố trong nước và quốc tế, trong đó có những công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng quốc tế đã phần nào nói lên cống hiến của ông cho đất nước, cũng như phản ánh tinh thần lao động khoa học nghiêm cẩn của ông.

Đúng như nhận xét của GS. sử học Nguyễn Quang Ngọc: Hiếm học giả nào có khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn với tầm uyên bác như ông.

GS. Phan Huy Lê. 

Công bằng với lịch sử

Điều mà giới chuyên môn trân trọng, đánh giá cao GS. Phan Huy Lê chính là tư tưởng đổi mới trong nghiên cứu lịch sử. Tinh thần “khách quan, trung thực và công bằng” xuyên suốt trong các công trình khoa học của ông, đã mang đến cái nhìn đúng đắn về lịch sử dân tộc, góp phần giải mã nhiều khoảng trống, nhiều góc khuất của lịch sử.

Hơn 10 năm trước, việc nói về triều Nguyễn vẫn còn rất dè dặt thì với tư cách Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS. Phan Huy Lê đã tổ chức nhiều hội thảo trong nước và quốc tế về vương triều Nguyễn vì “Đã đến lúc cần nhìn rõ công, tội của nhà Nguyễn”.

Vượt lên những định kiến xã hội, những quan điểm trái chiều, ông mạnh dạn đưa ra các chứng cứ đánh giá công - tội của vương triều Nguyễn một cách khách quan, đầy sức thuyết phục, dựa trên kết quả nghiên cứu của ông suốt hơn nửa thế kỷ: Nhà Nguyễn có 2 tội lớn là để mất nước vào tay quân Pháp và quá bảo thủ, duy trì nền Nho học lúc đó đã trở nên lỗi thời, dẫn đến khước từ các đề nghị canh tân đất nước của những trí thức tiến bộ. Nhưng nhà Nguyễn lại có công khai phá, mở mang bờ cõi, thống nhất toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Tang lễ GS. Phan Huy Lê diễn ra sáng nay 27/6.

Nhiều năm qua, ông vẫn kiên tâm với quan điểm này và tiếp tục minh chứng bằng những tài liệu lịch sử xác đáng. Có thể nói, đây là một sự dũng cảm của một nhà khoa học có bản lĩnh.

Đặc biệt, trên con đường “minh oan” cho nhà Nguyễn, GS. Phan Huy Lê cũng góp phần làm sáng tỏ một vấn đề cực kỳ quan trọng là chủ quyền đất nước: Thời chúa Nguyễn, triều đình trực tiếp quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, nên những Châu bản của nhà Nguyễn là những tư liệu có cả giá trị lịch sử lẫn pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Những năm tháng cuối đời, GS. Phan Huy Lê dồn tâm sức cho bộ Quốc sử lớn gồm 30 tập. Với vai trò là chủ nhiệm đề án, kiêm tổng chủ biên, nhà sử học danh tiếng tiếp tục đưa ra nhiều quan điểm tiến bộ với cách trình bày và nhận thức rất sáng tạo, với mong muốn bộ Quốc sử sẽ trở thành bộ sử chuẩn mực, thể hiện các quan điểm về lịch sử mang tầm vóc quốc gia.

Đúc kết những bài học quá khứ

Điều tôi đặc biệt ấn tượng với vị giáo sư khả kính là ông không chỉ đằm mình vào lịch sử, mà còn đúc kết những kinh nghiệm trong quá khứ thành những bài học vô giá, cho hôm nay và cho hậu thế, đặc biệt, trở thành những “giáo trình” không thể bỏ qua cho các nhà lãnh đạo biết lắng nghe và khai thác.

Biết ông là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lịch sử chống ngoại xâm với số lượng công trình nghiên cứu và những tổng kết sâu sắc, nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng khi trong một cuộc họp ở Trung ương, ông đưa ra vấn đề vai trò của nhân dân thật sâu sắc: Lịch sử không chỉ để lại truyền thống mà còn để lại cả một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú với cả thành công và thất bại.


Lịch sử Việt Nam có 3 lần thất bại trong chống ngoại xâm đó là thời An Dương Vương chống Triệu Đà; thời nhà Hồ chống nhà Minh (phong kiến phương Bắc) và thời nhà Nguyễn chống Pháp. Cả 3 sự thất bại đó đều để lại những bài học vô cùng quý báu: An Dương Vương thất bại vì quá tin vào vũ khí mà mất liên hệ với nhân dân. Nhà Hồ thất bại do sai lầm về chiến lược, chiến thuật và không được lòng dân. Nhà Nguyễn thất bại cũng chủ yếu là mất lòng dân, sợ dân hơn sợ giặc...

Ông đã tổng kết những bài học lịch sử đầy ý nghĩa, thành kinh nghiệm quý báu cho hôm nay: thời Lý - Trần - Lê biết gắn liền, dựa vào dân và chính sách “khoan thư sức dân” trong xây dựng đất nước; hay bài học từ thời Lê Thánh Tông còn nóng hổi: không để tập trung quyền lực và xây dựng được Bộ luật Hồng Đức, thể chế hóa thành pháp luật từ tập tục đến văn hóa, xã hội...

Đặc biệt, ông nhẹ nhàng mà sâu sắc khi nhấn mạnh bài học về đối ngoại với các nước phương Bắc và phương Nam của cha ông ta: rất “mềm”, nhưng khi cần thì kiên quyết đến cùng bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Đau đáu với Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội

Một trong những dấu ấn GS. Phan Huy Lê để lại là các nghiên cứu khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Là một trong những nhà báo bám sát quá trình hồ sơ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trình UNESCO để được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, tôi phần nào thấy được vai trò quan trọng cũng như tấm lòng của ông với di sản trong suốt những năm tháng xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Bởi thế, bất cứ điều gì liên quan đến di sản này, chúng tôi đều hỏi ông và đều được ông trả lời báo giới một cách thông tỏ với niềm say mê chân thành.

Từ năm 2004, tại nhiều hội thảo toàn quốc, khi các nhà khoa học còn chưa đồng thuận về phương án bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, GS. Phan Huy Lê đã khẩn thiết kêu gọi các nhà khoa học sớm thống nhất kiến nghị bảo tồn để có thể bắt đầu tiến hành đăng ký Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới.

Mong muốn của ông đến tháng 6-2006 đã được Thủ tướng Phan Văn Khải kết luận và khởi đầu việc đăng ký Di sản Văn hóa thế giới và nghiên cứu quy hoạch, giải pháp bảo tồn Hoàng thành Thăng Long. Ông đã song hành cùng hồ sơ Di sản Hoàng thành Thăng Long Hà Nội từ phút đầu tiên cho đến khi di sản này được xướng tên ở Brazil vào ngày 1-8-2010 và cả về sau này.

Ông đã dành thời gian, tâm huyết và cả tình yêu Hà Nội để tìm tòi, nghiên cứu, ghi chép và phân tích không biết bao nhiêu trang tư liệu, đi đến bao vùng đất để lật giở từng trầm tích, từng di chỉ của quá khứ, mà nghĩ suy, khám phá và luận giải trước khi đưa ra những kết luận quan trọng về lịch sử mảnh đất này. Ông là người tập hợp những trang đầu tiên, giải đáp những thắc mắc của UNESCO về di sản một cách khoa học. Những nghiên cứu uyên thâm, những luận giải mang tính khoa học lịch sử, có sức thuyết phục cao nên hồ sơ Di sản Hoàng thành Thăng Long được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao, để người dân cả nước tự hào đón danh hiệu Di sản Văn hóa thế giới vào đúng dịp Thăng Long - Hà Nội 1000 năm...

Ông kể lại, đêm trước ngày UNESCO công bố chính thức, ông đã gần như thức trắng để chờ đợi tin vui. Với ông, danh hiệu đó như một món quà vô giá trong dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi Hoàng thành Thăng Long đã trở thành Di sản Văn hóa thế giới, GS. Phan Huy Lê tiếp tục cùng các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế tổ chức nhiều hội thảo khoa học để tìm các biện pháp bảo tồn và phát huy di sản này. Ý kiến của ông luôn được lãnh đạo UBND TP Hà Nội ghi nhận để biến thành hiện thực.

Còn nhớ khi Hoàng thành vừa được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, một doanh nghiệp đề nghị tổ chức lễ hội dài ngày tại đây với dự kiến hàng vạn người tham gia. Trước tình hình này, tôi đã viết bài phản ánh. Nhưng các chuyên gia dù đều cho rằng việc tổ chức lễ hội trong di tích là không nên, song không dám nêu ý kiến.

Nhưng khi tôi trình bày với GS. Phan Huy Lê, ông lập tức bày tỏ thái độ phản đối và đồng ý đăng báo, vì nếu di sản bị ảnh hưởng, tức là Việt Nam không thực hiện đúng cam kết với UNESCO và bài báo đã góp phần ngăn chặn lễ hội diễn ra, dù sự kiện đã được các cấp ngành chức năng đồng ý.

Người thầy lớn

Là một nhà nghiên cứu, GS. Phan Huy Lê còn là một người thầy khả kính với nhiều thế hệ học trò thành đạt... Ông không chỉ giảng dạy trong nước mà còn tham gia đào tạo ở Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan). Nhiều học trò đã thành danh vẫn luôn tự hào vì có một người thầy đáng trọng cả về tài năng lẫn nhân cách như ông. Bởi vậy, tin ông đi xa, như một vết nhói trong tim với nhiều người.

TS. Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo đã dành những lời xúc động gửi người thầy cũ: “Nhờ vào các bài giảng rất công phu của thầy Lê, thầy Vượng và thầy Tấn v.v... mà chúng tôi có được một cái nhìn độc lập về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của tổ tiên ta đối với các cuộc xâm lược của kẻ thù phương Bắc. Rất may mắn là thế hệ chúng tôi có được các thầy dạy dỗ... Thầy Lê chỉn chu từ câu chữ, phong thái và cử chỉ bao nhiêu thì thầy Vượng phóng khoáng, ào ạt và truyền lửa bấy nhiêu. Các thầy mỗi người một cá tính, một hoàn cảnh và thân phận, nhưng đều là các nhân vật xuất sắc”.

TS. Nguyễn Thị Hậu nhắc nhớ: “Thầy Phan Huy Lê luôn là một người thầy điềm đạm, chu đáo và cẩn trọng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhân hậu và tình cảm với mọi người...

Còn nhớ khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào Biển Đông, được phân công phỏng vấn các chuyên gia, người đầu tiên tôi mong được gặp là ông. Dù rất bận, nhưng ông đã đồng ý cho phỏng vấn ngoài giờ tại nhà riêng. Những thông tin ông đưa ra đầy ắp, chi tiết và cụ thể, đặc biệt là việc phân tích giá trị đặc biệt của Châu bản là sự kết hợp giá trị sử liệu đó với giá trị pháp lý, khẳng định Việt Nam đã quản lý và thực thi chủ quyền liên tục 2 quần đảo này ít nhất từ thế kỷ XVII. Ông còn sửa từng từ, từng chi tiết cho bài viết để đảm bảo sự chính xác tuyệt đối vì ông bảo, đây là vấn đề hệ trọng của đất nước.

Ông còn cho biết thêm nguồn gốc “bản đồ đường lưỡi bò” là do năm 1947, một cán bộ Cục Nội chính của Trung Hoa dân quốc tùy tiện vẽ vào chứ không phải được xây dựng bài bản. Cũng trong cuộc trò chuyện này, ông cho biết một chi tiết thú vị: “Các triều vua trước của Việt Nam đều không để lại Châu bản cùng bút tích, riêng triều Nguyễn, các hoàng đế đều để lại bút tích trên Châu bản. Nhờ đó, tôi biết được điều bất ngờ thú vị là vua Bảo Đại không những thạo tiếng Pháp, biết chữ quốc ngữ mà còn biết chữ Hán để lại những bút tích châu phê viết khá đẹp v.v...”.

Tình yêu với lịch sử dân tộc và trách nhiệm công dân cao cả luôn song hành ở ông - cây đại thụ của nền sử học Việt Nam... Bởi thế, sự ra đi của ông chắc chắn sẽ trở thành một “khoảng trống chơi vơi” cho sử học.

Thanh Hằng

Không chỉ sử dụng chữ ký “khô” (dấu chữ ký) của GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường để điều hành các hoạt động, HUBT hiện cũng chưa hoàn thành việc chuyển đổi mô hình từ trường đại học dân lập sang mô hình đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa thành lập được Hội đồng trường (HĐT) theo quy định. Điều đó dẫn tới việc HUBT nhiều năm nay rơi vào tình trạng khủng hoảng công tác quản trị, nội bộ mất đoàn kết; các vụ tố cáo, khiếu nại kéo dài.

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

Tờ Telegraph (Anh) dẫn thông báo của AstraZeneca ngày 8/5 cho biết, hãng sẽ thu hồi toàn bộ vaccine COVID-19 trên toàn thế giới. Telegraph cũng cho hay, đơn xin rút giấy phép kinh doanh vaccine COVID-19 tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) đã được AstraZeneca nộp hôm 5/3.

Những năm vừa qua, chứng khoán luôn là một kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia thử vận may. Bên cạnh những người có kiến thức, chịu khó tìm hiểu thì cũng không ít người nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức đầu tư tài chính nhưng mong muốn đổi đời, giàu nhanh nên đã mất không ít tiền của để đi học và bị các “thầy” dạy chứng khoán online lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên từ vài trăm đến vài tỉ đồng.

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…

Hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas vừa được nhen nhóm vào cuối tuần trước đã có nguy cơ tắt ngấm sau khi Hamas tấn công một cửa khẩu ở Gaza và Israel đóng cửa văn phòng của Đài truyền hình Al Jazeera tại nước này.

Để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm ngay từ cấp cơ sở. Điển hình, việc xử lý sai phạm tại dự án Khu dân cư (KDC) Nọc Nạng, phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bằng chiêu trò ủy quyền qua nhiều đầu mối trung gian, các đối tượng đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư mua những mảnh đất giá rẻ, sau đó âm thầm khởi kiện hoặc đưa ra kịch bản đang tranh chấp để lấy lại đất từ chính người được ủy quyền mà không hề thông báo cho người mua cuối cùng được biết.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文