Hiểm họa từ cây xanh trong phố

17:45 11/07/2017
Những hàng cây xanh dọc hai bên đường là lá phổi xanh của thành phố. Đô thị hóa, bê tông hóa vỉa hè và mưa bão, giông lốc bất chợt nổi lên, nhiều cây xanh cổ thụ cao tuổi bỗng dưng bật gốc, ngã đổ, tét nhánh rơi xuống đường gây nguy hiểm đến tính mạng con người và thiệt hại không nhỏ về tài sản.

Nhưng cũng có khi, trời không mưa bão, không giông lốc, cây xanh cũng bất ngờ bật gốc ngã đổ… Cây xanh cổ thụ của thành phố như một bệnh nhân cao tuổi, đang thiếu bác sỹ chữa trị và cũng không có thuốc thang điều trị.

Khoảng 23h40 tối ngày 2-7 một người đàn ông khoảng 50 tuổi đang điều khiển xe ô tô 4 chỗ mang biển số 51F-79889 lưu thông trên đường Cách mạng Tháng Tám hướng về Chợ Bến Thành, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Khi đến gần ngã giao nhau với đường Bùi Thị Xuân, thì một cây xà cừ cao hơn 10 mét, đường kính gần 1m bất thần ngã bật gốc đè bẹp ngang xe. Rất may là tài xế không bị thương đã thoát ra ngoài an toàn.

Những vụ cây xanh cổ thụ  bất ngờ bật gốc…

Thời tiết khá đẹp, yên lành, cây xanh bật gốc ngã ngang đường đe dọa tính mạng và gây thiệt hại không nhỏ về tài sản đã khiến người dân rất hoang mang, lo lắng bất an trong mùa mưa bão.

Thống kê chỉ hơn 2 tháng, từ ngày 26-8 đến ngày 2-9-2016, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp xảy ra 60 vụ cây xanh ngã đổ, tét nhánh làm 2 người chết, 1 người bị thương nặng, hư hỏng 6 xe gắn máy, 1 xe ô tô và nhiều công trình nhà cửa… Chỉ riêng trong ngày 28-8 đã có 25 cây xanh ngã đổ, bật gốc, 32 nhánh cây rơi xuống đường…

Những cái chết không được báo trước. Bà Trương Thị Ngọc Mai, 60 tuổi ngụ quận 1 đang tập thể dục trong Công viên văn hóa Tao Đàn bất thần bị một nhánh cây rơi trúng đầu dẫn đến tử vong. Hai ngày sau, anh Từ Văn Khải 25 tuổi, quê ở Kon Tum đang học nghề tại một cơ sở trên đường An Dương Vương, quận 5 bị một cây dầu cổ thụ "chết khô bộ rễ" ngã xuống bất ngờ đè chết tại chỗ cùng với nhiều xe máy, ô tô, nhà cửa người dân bị thiệt hại.

Cơ quan quản lý cây xanh thành phố chỉ thường xuyên kiểm tra bên ngoài, tiến hành cắt nhánh tỉa cành khô, mục theo định kỳ "chăm sóc", không có điều kiện và phương tiện kiểm tra sức khỏe, siêu âm phần bên trong thân cây, phần rễ dưới gốc đang bủa vây bởi bê tông bó bọc làm chết khô bộ rễ do thiếu nước và độ ẩm, dẫn đến tình trạng cây xanh chết bất đắc kỳ tử. Cây xanh càng cao, những cành, nhánh mục khô thường rơi rụng khi có gió lớn cũng có thể dẫn đến thiệt mạng con người.

Sau nhiều vụ tai nạn chết người do cây xanh ngã đổ, bật gốc, cơ quan quản lý cây xanh đều quy vào tình trạng "bất khả kháng" do trời gây ra, ngoài ý muốn chủ quan của con người. Các kết quả giám định hiện trường đều thể hiện tình hình sức khỏe cây tốt, không bệnh, đang sinh tồn, phát triển.

Tuy nhiên cũng có trường hợp rễ cây mục, chết khi gặp gió giông bất thình lình ngã đổ. Lỗi gây ra thiệt mạng cho người dân và thiệt hại tài sản hầu hết tất cả đều không thuộc về cơ quan quản lý, đơn vị chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh. Đến nay, gần như trận mưa, giông lốc nào cũng có thể làm nhiều cây xanh ngã đổ, tét nhánh và cũng có những trường hợp không mưa gió cây vẫn bật gốc, ngã đổ… tất thảy đều do trời.

Các chuyên gia về đô thị, cây xanh cảnh báo: cây cổ thụ liên tục ngã đổ hầu hết đều do tuổi đã quá già, gần 100 năm. Cây càng lão, luôn tiềm ẩn những khuyết lõm bên trong thân dù vẻ ngoài vẫn xanh tốt, khỏe mạnh. Thêm vào đó, tình trạng bê tông hóa các vỉa hè đã ngăn nước thấm, làm mất độ ẩm nuôi sống rễ cây, đặc biệt là phần rễ chuột, rễ bàng bám chặt vào đất để giữ cho thân cây chống chọi lại mọi thời tiết, mưa gió thất thường. Một số hàng cây xanh cổ thụ lọt thỏm vào các khu nhà cao tầng, tạo sức gió hút tăng lên mạnh hơn bình thường cũng dễ dẫn đến cây ngã đổ, gây nguy hiểm.

Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm - Hiệp hội cây xanh Việt Nam cho biết: TP Hồ Chí Minh cần có kế hoạch thay thế dần các loại cây cổ thụ quá già tuổi như: dầu, sao, xà cừ, lim xẹt, sọ khỉ…Cần phân loại nhóm tuổi tồn tại, sinh trưởng cho phép của từng loại cổ thụ để có những biện pháp thích hợp bảo vệ, chăm sóc, thay thế. Hiện thành phố đang có khoảng 5.000 cây dầu loại 3 có chiều cao từ 12m trở lên. Đây là những cây cổ thụ đã già tuổi luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, gây nguy hiểm cho con người và tài sản.

Để quản lý cây xanh cổ thụ, cơ quan quản lý cây xanh cần phải tiến hành các bước khảo sát, phân nhóm loại và chẩn bệnh từng nhóm cây theo độ tuổi, tình trạng thực tế và đưa vào hệ thống dữ liệu để dễ dàng can thiệp, xử lý. Công ty công viên cây xanh thành phố hiện đang quản lý khoảng 90.000 cây xanh các loại. Sở GTVT TP đã lập danh sách khoảng 5.000 cây cổ thụ trong đó có nhiều cây thuộc loại 3 có dấu hiệu bị nghiêng có thể ngã đổ gây nguy hiểm đến tính mạng con người và thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng.

Trước mắt, khuyến cáo cho mọi người dân nên hạn chế lưu thông trên những con đường có nhiều cây cao cổ thụ khi trời mưa giông. Tuyệt đối không ẩn nấp dưới gốc cây khi thời tiết có mưa gió giật mạnh. Càng tránh xa cây cao cổ thụ càng được an toàn hơn khi trời mưa gió, giông lốc.

Hoàng Châu

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文