Hiểm họa từ truyền thông xã hội

10:45 17/05/2018
Năm 2014, thông tin chấn động về Danny Bowman, một công dân Anh 19 tuổi tự tử bất thành sau khi bị ám ảnh quá mức về việc chụp hình “tự sướng”, đã khiến dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ và suy nghĩ về cả hai mặt tốt xấu của truyền thông xã hội.

Không còn gì để bàn cãi, chúng ta đang dần lệ thuộc vào một sự phát triển công nghệ cho phép hàng tỷ cá nhân trên toàn thế giới kết nối với nhau. Nhưng, liệu chúng ta đã nghiện? 

Bác sĩ tâm lý trẻ em Karrie Lager cho biết: “Ở một chừng mực vừa phải, truyền thông xã hội là một phương pháp tốt giúp các bạn trẻ kết nối với nhau, tạo mối quan hệ với bạn đồng trang lứa và thể hiện bản thân. Tuy nhiên, sử dụng internet quá mức có thể mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng”.

Đam mê phương tiện truyền thông xã hội dễ dẫn đến nghiện chất kích thích

Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Columbia (Mỹ) - CASA Columbia - đã khám phá ra mối liên hệ giữa thanh thiếu niên, thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và sự lạm dụng chất kích thích.

Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy 70% thiếu niên tuổi từ 12 đến 17 - khoảng 17 triệu người dùng - dành phần lớn thời gian mỗi ngày trên các trang mạng xã hội. Qua đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra những thanh thiếu niên dùng mạng xã hội với tần suất thường xuyên sẽ có xác suất sử dụng thuốc lá cao gấp 5 lần, cao gấp 3 lần với rượu và cao gấp đôi với cần sa.

Rất nhiều bạn trẻ đang phải chống chọi với những hậu quả nặng nề do việc lạm dụng mạng xã hội trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, khoảng 40% những thanh thiếu niên được khảo sát nói trên đều thừa nhận việc nhìn thấy hình ảnh của những người đang say thuốc trên mạng xã hội khiến họ cảm thấy hứng thú với cần sa hơn gấp 4 lần so với những ai không tiếp xúc với những hình ảnh này. Những dữ liệu thu thập được đã cho thấy những ai nhìn thấy những hình ảnh về ma túy và rượu sẽ có xu hướng tò mò và muốn thử.

Bác sĩ tâm lý Charles Sophy, Giám đốc y khoa của Tổ chức Chăm sóc trẻ em và gia đình tại Los Angeles (DCFS) giải thích: “Mặc cho tất cả khác biệt về gene di truyền, phần đông trẻ em đều rất dễ bị ảnh hưởng và việc chúng ta xem truyền thông xã hội như một trong những áp lực từ bạn bè đồng trang lứa phổ biến chỉ làm cho tình hình tệ hơn”. Sophy đã từng chữa trị cho rất nhiều bạn trẻ đang phải chống chọi với những hậu quả nặng nề do việc lạm dụng mạng xã hội trong thời gian dài.

Bác sĩ Karrie Lager quan ngại việc tiếp xúc với hình ảnh của người nghiện sẽ khuyến khích trẻ mới lớn sớm lao vào rượu và ma túy. Lager cho biết: “Khả năng nhận thức vấn đề của thanh thiếu niên sẽ dần tê liệt và họ cho rằng khi mọi người đều đã dùng thì họ cũng nên thử”.

Thật sự có thứ gọi là chứng nghiện mạng xã hội hay không? Các nhà nghiên cứu đã tìm ra sự tương đồng trong hành vi giữa những tín đồ trung thành quá mức của Internet và những người lạm dụng chất kích thích, song bác sĩ Lager khẳng định chúng ta còn phải nghiên cứu thêm rất nhiều để có thể đi đến kết luận. Trong khi chúng ta hết lời ca ngợi Facebook vì đã thay đổi hoàn toàn bối cảnh xã hội bằng cách kết nối hàng triệu con người với nhau thì việc xem xét nghiêm túc những tác hại khôn lường khi lệ thuộc vào trang mạng này lại không được quan tâm đúng mực.

Đại học Michigan (Mỹ) đã chỉ ra vấn đề này trong một nghiên cứu vào tháng 8-2013 khi theo dõi mối quan hệ giữa thói quen sử dụng Facebook và mức độ hạnh phúc. Bằng cách nhắn tin cho các tình nguyện viên 5 lần mỗi ngày liên tục trong 2 tuần để kiểm tra về cảm xúc của họ sau khi sử dụng Facebook và mức độ thỏa mãn cuộc sống của họ sau 2 tuần nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nhận thấy Facebook có tác động tiêu cực đến mỗi tình nguyện viên ở nhiều mức độ khác nhau.

Truyền thông xã hội thường được so sánh với các chất gây nghiện.

Có thể nói, càng sử dụng Facebook, người dùng càng cảm thấy tâm trạng tệ hơn và mức độ thỏa mãn với cuộc sống của họ cũng đồng thời giảm theo. Vậy, câu hỏi đặt ra là: Nếu Facebook làm tâm trạng chúng ta trở nên tệ hơn thì tại sao chúng ta lại không thể hạn chế sử dụng?

Lý do khiến chúng ta không thể cưỡng lại trước những hoạt động trên mạng xã hội Facebook đã được giải đáp bởi một nghiên cứu được thực hiện bởi Khoa Tâm lý học Đại học Harvard (Mỹ). Nghiên cứu này cho rằng con người sẽ nhận được một “phần thưởng sinh học” cho việc phơi bày chuyện cá nhân với cộng đồng.

“Phần thưởng” này càng to lớn khi những người dùng mạng xã hội nhận thức được suy nghĩ của mình sẽ được truyền tải đến người khác. Vậy tại sao chúng ta lại bị mắc vào lưới của truyền thông xã hội? Suy cho cùng, tất cả cũng vì tạo hóa đã lập trình cho bộ não của chúng ta như vậy. Sự khát khao được tiết lộ cuộc sống cá nhân cho cộng đồng xung quanh đã từ lâu ăn sâu vào mỗi con người - chúng không chỉ là hậu quả do truyền thông xã hội gây ra.

Tâm lý này đã ngấm sâu vào bản chất đến mức mọi người có thể bỏ tiền để được nói về bản thân hơn là bàn luận về người khác. Song, mặc dù việc cởi mở bản thân một cách quá mức cần thiết không phải là một hiện tượng do hệ thống truyền thông xã hội tạo ra nhưng chính những hệ thống mang tính quần chúng rộng rãi này đã cung cấp cho người sử dụng một nền tảng để có thể tiếp cận với số đông các cá thể khác và nhận được những phản hồi tức thì từ xã hội. 

Bác sĩ Adi Jaffe, Giám đốc nghiên cứu, giáo dục và đổi mới tại chương trình điều trị các thói nghiện Alternatives (Mỹ), đã phát biểu về mặt trái của hiện tượng này khi cho rằng các phương tiện truyền thông xã hội (đặc biệt thông qua các thiết bị di động) sẽ khiến một bộ phận nhỏ người dùng phải trải nghiệm những triệu chứng của người nghiện.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên có người so sánh tác động của truyền thông xã hội với chất gây nghiện. Rameet Chawla, một lập trình viên không mấy cuồng nhiệt với các kênh truyền thông xã hội, đã bắt gặp một viễn cảnh cho thấy sức mạnh cực đoan có thể nắm giữ cả mạng sống con người của phương tiện kết nối trực tuyến này. Ban đầu, các bạn của Chawla bắt đầu tỏ ra rất khó chịu khi anh không phản hồi lại những hoạt động của họ trên mạng xã hội.

Để giải quyết mâu thuẫn, Chawla đã phải tự viết một phần mềm có khả năng tự động vào trang cập nhật tin tức của mình và “like” toàn bộ những tin từ bạn bè. Thật đáng ngạc nhiên, sau khi phần mềm hoạt động một thời gian, Chawla trở nên rất nổi tiếng với số người theo dõi tăng vọt, ảnh của anh cũng được nhiều “like” hơn và thậm chí nhiều người còn nhận ra anh trên đường.

Chawla chia sẻ: “Chúng ta bị nghiện. Chúng ta trải qua những cảm giác vật vã. Chúng ta bị kích thích bởi loại “thuốc phiện” này, chỉ cần một liều sẽ nhận được phản hồi thật lạ kỳ”. Phép so sánh truyền thông xã hội với cocaine nguyên chất của Chawla có vẻ cực đoan, song cách liên tưởng này đang trở thành một phép ẩn dụ phổ biến.

Sự tác động tiêu cực đến tâm lý giới trẻ

Người dùng cảm thấy phấn khích khi trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội và bác sĩ Sophy cho đây chính là cách mà mạng xã hội tác động mạnh mẽ đến tâm lý thanh thiếu niên. Sophy cho biết: “Tôi từng tiếp xúc với nhiều trẻ em, thanh thiếu niên và cả người lớn bị ám ảnh mạng xã hội, xem đó như là thước đo lòng tự tôn và giá trị bản thân”.

Tuy nhiên, đây là những tiêu chuẩn đánh giá ảo, đến khi trở lại cuộc sống thực đầy lo âu và chán nản, một số trục trặc tinh thần bắt đầu xuất hiện. Như vậy, truyền thông xã hội đã nảy sinh ra một rắc rối mới chưa từng xuất hiện trước đây hay đã làm trầm trọng thêm những vấn đề cơ bản có sẵn?

Sophy nhận định: “Truyền thông xã hội chỉ đơn giản đẩy nhanh tiến trình, dù gì trong hầu hết trường hợp vấn đề cũng đã có sẵn từ trước”. Sophy tin rằng có những tương đồng trong quan niệm và hành vi khiến con người nghiện chất kích thích hoặc truyền thông xã hội.

 Sophy chia sẻ: “Có người lạm dụng những thứ nguy hiểm (tình dục, chất kích thích, thức ăn, truyền thông xã hội...) để xoa dịu bản thân do di truyền. Song, bên cạnh đó cũng có một số người tiếp nhận những hành vi này bởi hoàn cảnh và sự kiện trong cuộc sống”. Như vậy chúng ta nên làm gì? Bác sĩ Adi Jaffe cảm thấy tái định hướng mục tiêu là hướng giải quyết tốt nhất.

Adi Jaffe giải thích: “Như vậy, chúng ta nên tập trung nghiên cứu hay dồn mọi nguồn lực để tăng cường hiểu biết và cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho những người đang phải chật vật vượt qua thói nghiện”. Hầu hết những người đang cai nghiện đều hiểu rằng nhiều người vẫn trải nghiệm chất kích thích hay rượu bia mà không hề bị nghiện. Chính vì thế, thay vì ra sức giới hạn hệ thống truyền thông xã hội, chúng ta cần có những phương pháp chữa trị cần thiết.

Lager cho rằng hiểu biết chúng ta vẫn còn rất mập mờ, ông phân tích: “Liệu lệ thuộc quá mức vào Internet chính là nguyên nhân gây ra trầm cảm hay chỉ đơn thuần thanh thiếu niên bị trầm cảm và các trục trặc tâm lý khác thường có xu hướng lạm dụng Internet. Tại phòng khám riêng, tôi thường tiếp xúc với những bạn trẻ mắc chứng lo âu và trầm cảm phải sử dụng Internet để tìm sự giúp đỡ và cổ vũ từ xã hội và vấn đề chỉ nảy sinh khi chúng lạm dụng Internet như một cách để thoát khỏi cảm xúc và rắc rối của bản thân”.

Danny Bowman.

Trước vụ tự tử bất thành gây chấn động dư luận của Danny Bowman, bác sĩ Bernard Luskin, Chủ tịch Hội Tâm lý học truyền thông và Công nghệ thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa kỳ (APA), nhận định: “Truyền thông xã hội là một con dao hai lưỡi. Danny Bowman đã mắc phải chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và truyền thông xã hội chỉ vô tình là phương tiện để bệnh phát triển, nếu không phải là phương tiện này thì cũng sẽ có một phương tiện khác. Đây là trường hợp khi OCD nằm ngoài kiểm soát”.

Hầu hết người dùng Internet tuổi từ 20 đến 30 bác bỏ sự tồn tại khái niệm “nghiện truyền thông xã hội”. Trong khi đó, hầu hết những người trẻ tuổi hơn đều đồng tình rằng họ cần nhiều sự khen ngợi từ mọi người và cảm thấy ổn khi cuộc sống có Myspace và Facebook. Bác sĩ Luskin cho rằng giới trẻ ngày nay là những “người bản xứ” của thế giới công nghệ, khác với những người đã có tuổi chỉ là thành phần “nhập cư”. Bởi vì, những người đã trưởng thành ở thời điểm hiên tại sẽ không thể thật sự hiểu hết được cảm giác khi được sinh ra và lớn lên trong một thế giới được thống trị bởi công nghệ.

Ranh giới mong manh giữa thực và ảo

Truyền thông xã hội như một bộ phận đã ăn quá sâu và không thể nào tách rời với giới trẻ ngày nay và chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định về tâm lý mà những người “nhập cư” như chúng ta không thể nào hiểu thấu. Như vậy, có thể xem ám ảnh truyền thông xã hội là một thói nghiện hay không?

Luskin chia sẻ: “Chúng ta vẽ ra ranh giới giữa thói quen và thói nghiện khi có một thứ bắt đầu gây trở ngại đến cuộc sống bình thường của mình”. Chúng ta không thể phủ nhận thói nghiện truyền thông xã hội đã xuất hiện ở một số người dùng. Luskin giải thích: “Một số ít người bị nghiện và may thay chúng ta vẫn có thể giúp được họ. Đối với một số người, truyền thông xã hội có khả năng gây nghiện và hoàn toàn có thể gây chết người như tất cả các thứ gây nghiện khác - ngay cả nước cũng nguy hiểm chết người và mọi người vẫn cứ chết đuối vì nước đấy thôi. Chúng ta cần phải cẩn trọng và không nên cứ trốn tránh vấn đề rồi cấm đoán”.

Rõ ràng, xu hướng gây nghiện bắt đầu nảy sinh trong mối quan hệ giữa chúng ta với các phương tiện truyền thông xã hội và trong khi chúng ta vẫn chưa đi đến sự nhất trí trong cách nhìn nhận truyền thông xã hội thì vấn đề vẫn ngày một lớn.

Ngày nay, truyền thông xã hội được các nhà tuyển dụng xem như một kỹ năng năng nghề nghiệp quan trọng. Song, sẽ ra sao nếu như công cụ này gây hại cho giới trẻ sau này, những thế hệ thậm chí không thể mường tượng được cuộc sống không có các phương tiện truyền thông xã hội sẽ ra sao?

Thiên Minh (tổng hợp)

Nói về sự cần thiết, bắt buộc phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều đảng viên, cán bộ, nhân dân đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ trương này, coi đây là một “cuộc cách mạng” quan trọng và cấp thiết, không thể trì hoãn…

Vào ngày 31/12/2024, sau hơn 3 năm áp dụng, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ sẽ chính thức dừng lại. Thay vào đó, từ 1/1/2025, Thông tư số 34/2024/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ sẽ bắt đầu có hiệu lực với hàng loạt các điểm mới phù hợp hơn với thực tế.

Yonhap đưa tin, rạng sáng 4/12 theo giờ địa phương, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật. Trước đó, 190 nghị sĩ có mặt tại phiên họp khẩn quốc hội Hàn Quốc lúc 0h47 (giờ địa phương), đều nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật mà tổng thống ban bố. 

Ngày 3/12, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với các đối tượng liên quan vi phạm quy định đấu giá quyền sử dụng đất ở tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.

Ngày 3/12, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có thông báo chính thức về lịch nghỉ Tết Nguyên đán và các dịp lễ lớn trong năm 2025. Đáng chú ý, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ kéo dài 9 ngày, kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 kéo dài 5 ngày, còn kỳ nghỉ lễ 2/9 cũng lên đến 4 ngày.

Để thúc giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文