Họa sĩ Việt: “Sống để vẽ tiếp điều mình thích”

17:01 06/05/2019
Bừng tỉnh sau một thời gian dài vì chiến tranh và bao vây cấm vận, công cuộc đổi mới đất nước đã giúp Mỹ thuật Việt Nam cởi bỏ khỏi những rào cản, những ý niệm xưa cũ để thăng hoa, cất cánh.


Tính đa dạng của thông tin, quan niệm thẩm mỹ cùng sự giao thoa văn hoá thời mở cửa… đã tạo ra sức bật sáng tạo hào hứng và mạnh mẽ. Phóng viên chuyên đề An ninh thế giới đã có cuộc trao đổi với các họa sĩ về sự đổi thay và xu hướng sáng tác của Hội họa Việt Nam trong dòng chảy đương đại.

Bừng tỉnh sau “Đổi mới”

Có thể thấy suốt những năm trường chinh chiến và hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước thời kỳ hậu chiến, hội họa Việt Nam là một trong những công cụ để phục vụ những nhiệm vụ chính trị, đáp ứng các yêu cầu của cuộc kháng chiến vệ quốc. Tuy vậy, với tư cách là một ngành nghệ thuật, dòng chảy ngầm những khát khao của người họa sĩ với thời cuộc và xã hội vẫn hiện ra trong mỹ thuật thời kỳ này.

Từ năm 1986, sự nghiệp đổi mới đã làm thay đổi căn bản tình hình đất nước, tác động lên rất nhiều lĩnh vực trong đời sống tinh thần xã hội, trong đó có hội họa. Nhận xét về vấn đề này, Họa sĩ Nguyễn Mạnh Thắng (Hà Nội) nói: “Việc mở cửa tiếp nhận quan niệm mới đối với nghệ thuật sau chiến tranh, đã tác động vào đời sống mỹ thuật Việt Nam một cách sâu sắc.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Thắng.

“Open Politic” hay “Đổi mới”, đã giúp cho các nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng có cách tiếp cận mới, phong phú hơn. Hệ quả của nó là sự thay đổi trong tư duy sáng tạo, từ sáng tác phục vụ sang sáng tạo cá nhân, vì những nhu cầu tự thân.

Cái tôi nghệ thuật của người họa sĩ như bừng tỉnh, được biểu hiện rõ ràng hơn so với trước đây, khi cảm thức về một thời đại mà yếu tố đội ngũ và đoàn kết hướng mục tiêu chiến thắng kẻ thù là chủ đạo. Đổi mới đã dần cho phép đề cập hơn về cái “tôi” của văn hóa biểu hiện, lấy nghệ sĩ làm trung tâm. Nghệ thuật được mở rộng biên độ hơn khi nói về những "tiểu tự sự".

Vấn đề lớn của thời đại sau một thời gian dài "lên gồng" trong thời chiến, đã nhường chỗ cho những xúc cảm cá nhân, nhân văn và mang tính "không nhiệm vụ" so với thời kỳ trước. Khái niệm hoạ sĩ tự do đã hình thành, chỉ đội ngũ nghệ sĩ sáng tác toàn phần thời gian, lấy việc cầm cọ làm kế mưu sinh”.

Trong cuộc thương mại hóa

Cùng luận bàn về các yếu tố tác động tới quan điểm sáng tác của hội họa Việt Nam hiện nay, họa sĩ Đào Hoàng Long (Yên Bái) cho rằng: “Kinh tế thị trường thời mở cửa đã góp phần quan trọng để mỹ thuật Việt Nam thăng hoa hơn, bởi vì sự thông thoáng đã tạo ra nền tảng bền vững cho hoạt động sáng tạo của họa sĩ. Người cầm cọ trong nước đã tích cực tham gia hoạt động thương mại trao đổi, mua bán các tác phẩm. Trong quá trình đó, họ tìm ra những hướng tiếp cận khôn ngoan và gần hơn với các xu hướng nhu cầu của thị trường”.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Mạnh Thắng.

Nói về những khởi sắc cho công việc sáng tạo của mình do kinh tế thị trường mang lại, hoạ sĩ Vũ Nguyên (Hà Nội) thẳng thắn: "Tôi đã vẽ điều mình thích và bán được. Hơi decor, nhưng cũng sống để vẽ tiếp điều mình thích".

Ông tỏ ra hài lòng với những cơ hội cho sự nghiệp sáng tác của mình. Trong giới hoạ sĩ Việt Nam, ông là một trong những điển hình của “tip” nghệ sĩ nhanh nhạy đón bắt các nhu cầu của thị trường mỹ thuật.

Tương tự, hoạ sĩ Vũ Mạnh (Hà Nội) cũng rất tích cực tham gia vào dòng chảy thương mại của hội họa hiện nay. Khi được chúng tôi hỏi về giá bán của tác phẩm, ông cho biết: “Tôi nghĩ nó bằng giá của chiếc xe máy mà tôi đang muốn đổi".

Đó là 2 trong số rất đông các họa sĩ nhìn nhận nghệ thuật như một cơ hội để thương mại hoá, giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Với sự linh hoạt, khôn khéo, các họa sĩ đương đại đã chia làm hai hướng, khai thác sự dị biệt trong các “motive” trong tác phẩm của mình.

Nó vừa là cái lạ thỏa sức được bày tỏ của nghệ sĩ, vừa có tính thức thời để "quyến rũ" thị trường sưu tập tranh phương Tây - một lực lượng đang khao khát khám phá và sở hữu một châu Á nhỏ bé, anh hùng với bề dày lịch sử và vừa thoát khỏi chiến tranh. Hoạ sĩ Thành Duy (Hà Nội) – người bán được rất nhiều tranh về đề tài mỹ nghệ dân tộc Việt, nói: "Tôi không muốn nhìn rộng hơn quanh quẩn cuộc sống của tôi, tôi chỉ vẽ những gì thân quen, rất may Tây họ thích".

Đánh giá về tác động 2 chiều của xu hướng thương mại hóa tác phẩm hội họa, họa sĩ Nguyễn Mạnh Thắng bình luận: “Rõ ràng cơ chế thị trường, với xu hướng thương mại hóa đã tạo ra cho người họa sĩ cơ hội thoát nghèo. Nghệ thuật đã trở thành một công cụ giúp giải quyết rất nhiều nhu cầu vật chất đặt ra trong cuộc sống của họa sĩ.

Tuy nhiên, có thể thấy việc sáng tác theo nhu cầu thị trường, không tránh khỏi việc gây hụt hẫng cho một hướng nghệ thuật chân chính thuần nhất của nghệ thuật tự sinh. Và thị trường tất nhiên làm thay đổi nhiều, trong đó văn hoá nghệ thuật là những phạm trù bị tác động sâu sắc theo nhiều chiều hướng”.

Các xu hướng “lạ”

Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, hiện nay mỹ thuật Việt Nam đi theo 2 hướng chính. Thứ nhất là khai thác văn minh thủ công mỹ nghệ cổ truyền Việt Nam. Các họa sĩ đi theo hướng sáng tác này suy ngẫm, thấu cảm, chọn lựa tất cả mọi yếu đồ đồ vật trong đời sống đặc trưng của dân tộc Việt đang chuyển dần từ nông thôn lên thành thị.

Tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hòa.

“Đèn dầu, thúng, cối gạo, nồi niêu, con gà, tiến sĩ giấy, mèo, con trâu, cậu bé đồng dao, cánh diều... là “motive” chủ đạo trong nhiều sáng tác của các họa sĩ thập niên 90. Nhiều nhóm sáng tác cùng nhau như “Gang of five” là ví dụ điển hình của việc gặp nhau trong các “motive” có vẻ thuần Việt như sen, cá, phụ nữ, hoa, trâu, sư cầm đèn dầu...

Ngôn ngữ hội họa của các nhóm này đôi khi rất khác biệt nhau, hẳn là họ không ý thức được việc hệ ngôn ngữ nghệ thuật lại quá khác biệt. Nhóm họa sĩ này có lẽ chỉ gắn kết được vì các tác phẩm của họ đều phản ánh các “motive” theo kiểu "nửa quê nửa tỉnh" mà họ cũng không ý thức được.

Cầm trịch về tư tưởng cổ vũ cho họ là các nhà văn, nhà thơ, nên ít nhiều “chất thơ văn học” trong các sáng tác của họ lộ rõ như một kỹ năng tinh khôn thâm nhập vào một thị trường nghệ thuật đậm chất tự sự. Cũng có thể nhìn nhận nó như một sự phản ứng lại đối với thời kỳ mà mỹ thuật phải sáng tác đề cập tới những vấn đề to lớn của xã hội” – ông Thắng cho biết.

Vẫn theo ông Thắng, các họa sĩ độc lập sáng tác về chủ đề chim, hoa, cá, phụ nữ, đèn, trâu, sen, nón… có mục tiêu tiếp cận tới thị trường sưu tập các yếu tố dị biệt, vật chất cụ thể của người phương Tây. Đồng thời, hướng sáng tác này cũng lấy được sự đồng thuận của một tầng lớp yêu tranh sưu tập ở Việt Nam. Bởi tính dung dị, đề cập về những trải nghiệm nguồn gốc nông dân thành thị hóa của đại đa số ngưòi yêu tranh. Xu hướng tranh này hiện nay vẫn tồn tại, bởi tính kéo theo luôn chậm của xã hội, đi sau đối với nghệ sĩ, đặc biệt là họa sĩ.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Đàn bình luận về dòng tranh này như sau: “Nó không thay đổi, nó chống lại sự thay đổi bằng sự duy mỹ đầy công phu của nó. Nó làm nghệ sĩ Việt Nam trở thành các thợ vẽ lành nghề, mà nếu bất kỳ ai học 5 năm ở trường đào tạo mỹ thuật chuyên ra đều có thể vẽ được như vậy".

Một nhà phê bình mỹ thuật khác, ông Nguyễn Quân, đã hóm hỉnh nhận xét: “Chúng tôi đẩy cánh cửa mỹ thuật Việt Nam ra thế giới, nhưng các nghệ sĩ bày toàn hàng xén ra bán". Xin nói thêm, chính nhà phê bình này cùng nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê đã có những tác động tích cực tạo nên sự thay đổi diện mạo mỹ thuật Việt Nam trong thập niên 90 thế kỷ 20.

Hướng sáng tạo hội họa thứ 2, được nhà nghiên cứu Fracoise Julien (người Pháp, rất am hiểu về mỹ thuật Việt Nam) gọi với cái tên "nước sốt Phật giáo”. Đó là xu hướng sáng tác dựa vào nhu cầu muốn thêm các yếu tố triết học của châu Á vào tác phẩm, như một phản ứng vô thức đối với tính siêu hình tư tưởng của mỹ thuật phương Tây.

“Đây là phản ứng khá nhạy của họa sĩ Việt Nam khi nhìn thấy các hình mẫu của nghệ thuật có tính triết lý tư tưởng của Tây phương. Để dễ dàng tóm bắt vào truyền thống lịch sử, bề dày văn hóa nhằm "trang điểm" cho tác phẩm của mình, cho có độ sâu về suy tưởng hơn, các nghệ sỹ dòng tranh này thường áp dụng các motive Phật giáo, như chân dung Đức Phật, lễ hội, sư sãi…

Lúc này, nội hàm của tác phẩm không còn quan trọng nữa, mà quan trọng là nó phải có "nước sốt" tốt. Nó giống như kiểu thực đơn món Âu có gà sốt nấm hay gà sốt bơ. Sự hiện hữu “motive” Phật giáo hay các yếu tố triết lý luôn được khai thác một cách "chân thực" nhất đúng với tất cả nghĩa đen của nó.

Đầu Phật, tay Phật, các quẻ Dịch, chữ Vạn, Thiền định… không chỉ còn là các tựa đề của tác phẩm, mà nó luôn thường trực trong các “motive” của nghệ sĩ bày lên mặt tranh. Vài người khôn lỏi hơn lấy tư tưởng triết lý của Phật giáo diễn giải nó ra thành lối phong cách vẽ. Có thể là sự đồng hiện "thiên biến vạn biến", có thể theo lối “vô vi” tối giản.

Tuy nhiên, rất tiếc cho cố gắng của họa sĩ sáng tác lối này, bởi đã sai lầm trong vấn đề cốt lõi của hội họa. Hội họa bản thân là một tư tưởng triết lý, nó tuyệt đối không phải là minh họa của loại triết học nào. Dẫu vậy, vẻ Ecxotic (kỳ lạ do ngoại lai đưa vào) của Phật giáo, truyền thống, tôn giáo… là một thành tố để cuốn hút lực lượng sưu tập phương Tây có đầu óc Colonial Mind (đầu óc thực dân) say mê” – họa sĩ Thắng giải thích.

Phân tích rõ hơn về xu hướng sáng tác này, họa sĩ Long nói: “Cách vẽ này diễn ra từ thập niên 90 tới nay, và ngày nay nó vẫn rất phổ biến trên toàn bộ vùng Đông Nam Á. Từ Thái Lan, Philippines, Lào, Campuchia, Hà Nội… nơi đâu bạn cũng có thể thấy dòng tranh này. Nó phổ biến tới mức tất cả các gallery rẻ tiền bán tranh chép dọc phố Hàng Trống (Hà Nội), hay các khu phố chợ Bangkok (Thái Lan) đều có sự hiện hữu motive “sư cầm ô đi trong nắng”; “Đức Phật thiền định hoang sơ”…

Nhiều người có nhà đẹp, to nếu muốn sưu tập tranh, như dấu hiệu của sự thay đổi tầng lớp địa vị và có sự sâu sắc, thì đều cất công sưu tầm một vài tác phẩm kiểu này. Nó như ngầm minh chứng cho các yếu tố trang trí (decoration) sâu sắc phô bày tính văn hóa của chủ nhân”.

Ông Long kể, có những họa sĩ luôn vẽ chân dung mình với vẻ duyên dáng, thiền định qua nhiều thập niên, nó vẫn luôn được giới mộ điệu "Colonial mind" sưu tầm. Nhiều người kiếm sống và thành danh bằng cách vẽ hàng ngàn bức tranh "Sư cầm ô đi trong nắng". Rõ ràng yếu tố nghệ thuật đã bị yếu tố thị trường xâm kích, chi phối. Không đánh giá xu hướng này là xấu hay tốt, đúng hay sai, vì đó chỉ là một phản ứng rất tức thời của một nền văn hóa nghệ thuật bản địa, trong cơn lốc cuốn đi của chủ nghĩa toàn cầu (globalism). 

“Tất nhiên, mỹ thuật Việt Nam còn những biểu hiện, xu hướng dị biệt khác, nhưng ở các quy mô cá nhân, thiểu số hơn nếu so với hai "dòng " nghệ thuật tỏ ra khá "ranh mãnh" kể trên. Nhưng cũng thông qua đó để thấy được  tính thích ứng của mỹ thuật Việt Nam trong cuộc hội nhập hội họa với thế giới như hiện nay” – ông Long bình luận.

Đào Trung Hiếu

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文