Hội họa Việt Nam: Loay hoay tìm lối thoát
Đã qua rồi thời kỳ cực thịnh của các họa sĩ đương đại được xếp vào đẳng cấp “víp”. Đó là vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đó, một số họa sĩ trẻ có biệt tài nhanh chóng khẳng định danh tiếng và lên như diều gặp gió. Họ giới thiệu tranh, bán tranh, cuộc sống lật sang một trang khác với sự săn đón mời chào của các chủ gallery. Định vị được chỗ đứng, tạo dựng tên tuổi đã mang đến cho các họa sĩ khấm khá, đủ đầy về vật chất. Nhưng rồi, cũng là một quy luật, cơn sốt ảo qua đi, hội họa Việt Nam lại nhanh chóng rơi vào cơn khủng hoảng.
Vài năm trở lại đây, nhiều gallery phải “ngủ đông”. Và họa sĩ thì vẫn túc tắc vẽ nhưng kiếm tiền chật vật hơn vì giờ thị trường tranh ế ẩm. Các khoản tiền từ bán tranh kiếm được trước kia họ đầu tư vào cửa hàng, nhà đất, hoặc một tài khoản nào ở ngân hàng để dưỡng già, chứ giờ vẽ tranh chẳng qua chỉ để làm cho vui, cho có, cho đỡ nhớ nghề. Còn với những họa sĩ không may mắn khác, họ chưa kịp có chỗ đứng, chưa kịp có tiền giờ lại rơi vào cơn khủng hoảng hội họa, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Manh mún thiếu chuyên nghiệp
Chẳng phải đi xa, ngay tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân của Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, một ngôi trường nghệ thuật hội họa danh tiếng bậc nhất Việt Nam nơi đào tạo ra các họa sĩ xuất sắc như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên… Nơi mà xưa kia các học sinh ôm ấp tham vọng thi bằng được vào ngôi trường mỹ thuật dù có phải trải qua 5 lần thi không đỗ.
Đã có quá nhiều sĩ tử mang hoài bão phải đỗ bằng được vào ngôi trường mỹ thuật này dù tuổi xuân cứ vội vàng trôi đi, nên chuyện một thí sinh thi 3 hoặc 4, thậm chí 5 hay 6 năm cũng là chuyện thường. Nhưng, mấy năm trở lại đây học sinh nộp đơn thi vào trường ít hẳn. Câu chuyện buồn cười mà các họa sĩ thế hệ đàn anh tặc lưỡi không thể hiểu, giờ thi vào trường có hơn 100 thí sinh mà chỉ tiêu lấy 80 người. So với các trường đại học khác thì thi mỹ thuật quả là dễ ăn.
Có lẽ, bởi hội họa trước kia được xem trọng và là nghề hái ra tiền?! Còn giờ nền hội họa đang đì đẹt, cầm chừng, giậm chân tại chỗ, một tương lai mờ mịt với các cử nhân sau khi tốt nghiệp ra trường. Bản thân người trong nghề cũng quá ngán ngẩm với môi trường hội họa mà bấy lâu theo đuổi. Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm thuộc lứa họa sĩ sinh năm 1970 bức xúc: "Hội họa Việt Nam đang rối ren, chúng ta chưa có hoạt động cho nghệ thuật hội họa một cách chuyên nghiệp. Mỹ thuật cần sự quan tâm của xã hội chứ họa sĩ bây giờ vẫn tự phát, mạnh ai người nấy vẽ rồi tự tìm con đường bán tác phẩm riêng lẻ. Các gallery cũng thế, ông hoạ sĩ nào bán được tranh người ta đổ dồn vào ông đấy, ngày mai tranh ông ấy không bán được nữa người ta thôi, bỏ bê ông ấy".
Đấy hoàn toàn là một câu chuyện có thật, lợi nhuận từ việc bán tranh của các họa sĩ ăn khách đã mang đến cho các chủ gallery số tiền hời, nhưng cũng vì cái kiểu làm ăn chộp giật nên các gallery lại làm tranh giả, tranh chép và rồi cái vòng tròn luẩn quẩn ấy đã giết chết uy tín thị trường tranh ở Việt Nam. Khách nước ngoài tỏ ra nghi ngờ về giá trị các bức vẽ bày bán tại các gallery.
Một số nhà sưu tầm hội họa trong nước và quốc tế bằng con đường cá nhân có thể sẽ liên kết trực tiếp với họa sĩ. Dĩ nhiên họa sĩ đấy phải là người có tiếng trong hội họa.
Người trong giới hội họa, hay những ai quan tâm đến hội họa chẳng hề ngạc nhiên khi một họa sĩ khá có tên tuổi thì gia đình bao gồm vợ và con anh ta ra sức "cày" ngoại ngữ. Việc "cày" ngoại ngữ cốt chỉ để cho tiện bề giao dịch với khách quốc tế.
Thực tế thị trường tranh ở Việt Nam từ thời kỳ mở cửa cho đến nay tự có con đường để ra thế giới, vượt qua thị trường tranh trong nước. Thị trường tranh nội địa hoàn toàn không có theo nghĩa chuẩn xác nhất. Nhớ lại những thập kỷ trước đây, hội họa ở ta là một thị trường tự phát, cũng manh mún và không chuyên nghiệp. Người ta thấy gallery đua nhau mọc lên, khắp trong Nam ngoài Bắc, đụng đầu vào gallery. Các gallery chủ yếu hoạt động thương mại, thế nhưng vẫn gọi là giới thiệu nghệ thuật Việt Nam. Bởi vì nếu đúng như một thị trường tranh chuyên nghiệp, gallery chuyên nghiệp thì phải có đủ tư cách pháp nhân để giới thiệu những gì là đặc sắc nhất của hội họa Việt Nam, đẩy lên được những tác giả xuất sắc nhất. Nhưng các gallery chỉ dừng lại ở mức quan hệ thương mại thuần túy.
Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm cho hay: "Phải có một cách giới thiệu quảng bá, quan trọng nhất là người ta phải có sự quan tâm của xã hội. Ở một số nước trên thế giới, những tranh mà bán được tiền triệu đô phần lớn là người trong nước tự bỏ tiền mua, bản thân người trong nước quan tâm đến nghệ sĩ của họ. Họ tôn vinh người nghệ sĩ của nước họ. Họa sĩ có đất để dụng võ".
Tranh hiện đại bây giờ cần vật chất, cần kinh phí. Chẳng hạn trước đây chỉ cần một hộp màu, một miếng toan vẽ có thể làm việc được rồi, bây giờ nghệ thuật không dừng lại ở đấy. Triển lãm bây giờ vô cùng tốn kém. Đóng hộp, lắp hệ thống đèn, mua tấm mica… Nghệ thuật mới đòi hỏi những tượng điêu khắc hoành tráng hàng trăm tấn.
Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm nói: "Xã hội phải quan tâm thì nguồn tiền ấy mới đến. Hay cuộc trình diễn huy động hàng nghìn con người. Nghệ thuật bây giờ là thế chứ không đơn thuần là nghệ thuật giá vẽ nữa. Nó đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn, chứ vẽ tranh túc tắc chỉ dừng lại ở tiền họa phẩm thì không nhiều. Chả nhẽ chỉ dừng lại ở đấy?!".
Tranh của Bùi Xuân Phái. |
Nhức nhối nạn tranh giả
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo TW) cho hay:
"Phải hiểu cái việc bán được tranh với xu thế phát triển của nền mỹ thuật hiện nay tại Việt Nam là hai việc khác nhau. Một mặt nuôi gallery bằng tranh của họa sĩ, còn khuôn mặt mới của hội họa Việt Nam thì chỉ dừng lại ở thời kỳ tiền đổi mới trong thập niên 90. Sang đầu thế kỷ XXI cho đến giờ hơn một thập niên ta lại thấy mỹ thuật đi xuống chứ không phải đang đi lên. Dù sao đây cũng là sự tất yếu của quy luật phát triển. Chắc hội họa phải khựng lại để còn đường cho xu thế phát triển mới".
Ai cũng biết, nặng nề nhất là thị trường tranh giả tiếp tục tồn tại và không cách gì có thể chặn nạn tranh giả ở Việt Nam. Sự à uôm của thị trường tranh giả gây tai tiếng và làm hỏng đi khuôn mặt đẹp đẽ trước đây ở thời kỳ đầu đổi mới. Nạn tranh giả phát triển ở từng gallery và từng nhà sưu tập, cứ len lỏi bán và bản thân những nhà sưu tập và các nhà đấu giá quốc tế cũng bị tai tiếng vì nhầm phải những tranh giả.
Nhắc về vấn đề này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cắt nghĩa: "Đây là do luật pháp của ta không đủ mạnh để ngăn chặn được việc này. Mặc dù có một số nghị định của Bộ Văn hóa - Thể Thao & Du lịch về quản lý hoạt động mỹ thuật nhưng chưa đủ giải quyết triệt để việc này".
Người ta có thể nhìn thấy tranh giả, các chuyên gia có thể biết, những người lão luyện ở trong nghề nhìn thấy ngay nhưng tìm ra được bản gốc để phanh phui nó ra thì lại là cả một câu chuyện khó. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho hay: Để giải quyết việc này trước pháp luật thì có tìm ra tác phẩm gốc, tác phẩm nguyên bản đâu để xử lý?! Nguồn tranh thật đã ở nước ngoài, hay ở trong viện bảo tàng hoặc trong tay một số các nhà sưu tập. Tranh thật vẫn có ở trong nước nhưng như phép tàng hình, người ta không có cách gì tìm ra được.
Có thể vẽ theo lối Phái, vẽ theo lối ông Nghiêm, Sáng, Vân, Cẩn nhưng lại ký tên tác giả một cách đàng hoàng, điều đó xúc phạm đến uy tín của các danh họa Việt Nam đã được thiết lập lâu nay. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn kể ông đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhìn thấy có cả phiên bản chứ không phải tác phẩm gốc nữa. Tác phẩm gốc của bảo tàng đi đâu thì cũng chịu?!
Nếu thời kỳ trước đây mình trưng bày phiên bản thôi thì cũng có lý do, nhưng bây giờ đất nước thống nhất trên 30 năm nên không thể trưng bày lẫn lộn giữa tác phẩm gốc và tranh phiên bản được. Tranh phiên bản lại không có chú thích nữa. Nếu đã là phiên bản thì phải được đóng mở ngoặc đây là phiên bản, đề cho rõ ra. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
Cách đây không lâu, một gallery làm tranh giả khi báo đài ầm ĩ, gây nên một làn sóng phẫn nộ nhưng cuối cùng thì người ta cũng chỉ xử phạt hành chính có vài triệu đồng. Ở các nước trên thế giới, một gallery bị phanh phui phát hiện tranh giả chắc chắn là sập tiệm. Nhiều họa sĩ sau khi đã sang ngó nghiêng thị trường tranh quốc tế đều nhận định: Bởi vì các gallery ở quốc tế hoạt động chuyên nghiệp, chịu sự kiểm soát của pháp luật nhà nước, không ai dám công khai làm tranh giả. Có thể nước họ có những con đường bí mật làm tranh giả chứ không phải bày bán công khai trong các gallery như ở Việt Nam. Nhiều người hy vọng: Phải có người am hiểu chuyên môn có giám sát thường xuyên trả lại sự trong lành cho môi trường mỹ thuật Việt Nam.
Phố Hàng Trống nổi tiếng với tranh Đông Hồ, nay vẫn là nơi tập trung nhiều gallery và cửa hàng bán tranh chép. Ảnh: Bùi Dũng. |
Không chỉ có tranh giả trong bộ sưu tập của các chủ tiệm tranh mà còn đổ bộ trong sách cũng rất nhiều. Các họa sĩ chân chính gọi đấy là câu chuyện đau lòng của hội họa. Nếu tranh giả trôi nổi trên thị trường thì không nói làm gì nhưng tranh giả lại vào sách thì không thể tha thứ được. Nhưng ngay cả in vào sách thì cũng không có cách gì để đưa nó ra khỏi cuốn sách khi có quá nhiều tranh giả - nhiều họa sĩ nhận định.
Đan cài tranh giả và tranh thật thì chủ các gallery phải chủ động, nghĩa là người chủ các tiệm tranh này không thể không biết đấy là tranh giả bởi vì kể cả khi anh nghiệp dư mà anh làm chủ gallery thì cũng có một trình độ nhất định để có thể làm được công việc của một chủ gallery. Điều này có thể giải thích hết sức đơn giản "lóa mắt vì tiền" hay "lợi nhuận là trên hết".
Một vài năm gần đây, có khá nhiều gallery phải "ngủ đông". Các họa sĩ nói với nhau "Bây giờ tranh ế ẩm và bán rất khó". Tại sao lại ra nông nỗi? Điều này phản ánh tính không chuyên nghiệp của thị trường tranh, hệ thống gallery Việt Nam. Tuy nhiên, trong số đó cũng có gallery hướng tới chuyên nghiệp nhưng tiếc thay nó còi cọc và quá ít ỏi, không đủ mạnh để thay đổi lại khuôn mặt của thị trường chung. Vì là còi cọc, ít ỏi, nên cũng không đủ mạnh để xây dựng một thị trường tranh trong nước theo nghĩa tích cực. Bản thân mỹ thuật trong nước không có hỗ trợ, hậu thuẫn của công chúng, của nhà sưu tập.
Theo tiết lộ của các họa sĩ thì gần đây thấp thoáng cũng có khách trong nước mua tranh của các họa sĩ trong nước để làm đẹp ngôi nhà của mình. Họ mua tranh của các họa sĩ yêu thích chứ không mua tranh chợ, tranh chép, tuy nhiên con số này vẫn rất là hữu hạn. Các họa sĩ cho hay, ngay kể cả những nơi sang trọng nhất thì cũng vẫn chỉ là những cái tranh chép thuần túy thôi. Tác phẩm chưa thực sự là của các tác giả nổi tiếng. Chừng nào tác phẩm hội họa phải là bộ mặt văn hóa quốc gia thì rất cần sự góp mặt của các tác giả nổi tiếng từ trước đến nay của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Mọi người hy vọng trong một vài thập niên tới sẽ có bước xoay chuyển.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định: Nhìn theo trục đi của mỹ thuật Việt Nam từ thế kỷ XX đến giờ lên bổng xuống trầm và sau hậu đổi mới, thời kỳ mới của mỹ thuật thế kỷ XXI chắc chắn phải xuất hiện những năm bản lề để làm xoay chuyển và phải có sự chuyển kênh thế hệ. Trong xu thế mới của mỹ thuật ta vẫn tìm thấy những điều vui nhưng còn thưa thớt. Đời sống mỹ thuật của ta hiện nay khá mệt mỏi. Bản thân anh em họa sĩ cũng đang loay hoay tìm cách thoát ra. Vẽ mà cũng chưa tìm được hướng đi tích cực nhất của xu thế thế giới hiện nay.
Thậm chí, nói hội họa khủng hoảng hay bế tắc thì cũng đừng sợ, sẽ có một thời kỳ mới của mỹ thuật Việt Nam, tin rằng sẽ không xa đâu. Về những nhà quản lý phải thực sự chăm lo, áp sát, trách nhiệm luôn luôn phát hiện được những sự biến đổi từng ngày của nền mỹ thuật nước nhà