Hội họa bị “chép” từ ý tưởng, nói gì đến tác phẩm nổi tiếng
Trong số này có hơn 10 bức tranh sơn dầu và sơn mài, theo phía tổ chức, là của “tứ trụ” mỹ thuật Việt Nam: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái. Tuy nhiên, điều gây sửng sốt trong giới mỹ thuật là sau khi đến xem tận nơi những bức họa này, nhiều người đã cho rằng, 15/17 tranh được triển lãm là tranh giả hoặc tranh kém chất lượng, không đạt chuẩn…
Hai bức còn lại là bức sơn dầu “Trừu tượng” của Tạ Tỵ (sáng tác 1952) và bức sơn mài “Cô gái” của Nguyễn Sáng (sáng tác 1980) độ giả - thật có thể là 50/50. Nhân sự việc này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam về vấn nạn tranh thật, tranh giả tại Việt Nam...
Bức tranh Biển của tôi (Lương Xuân Đoàn). |
- PV: Thưa họa sĩ Lương Xuân Đoàn, cuộc triển lãm "Những bức tranh về từ Châu Âu" ngay khi vừa khai mạc đã gặp phải rất nhiều ý kiến từ các họa sĩ nổi tiếng cho rằng hầu hết đó là tranh giả. Bản thân ông, hẳn là có theo dõi và ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Thực ra, tất cả những thông tin tôi biết được cũng từ báo chí khi phỏng vấn các họa sĩ đến xem tranh. Bởi vì triển lãm diễn ra tại TP Hồ Chí Minh nên chúng tôi không có dịp đến để chiêm ngưỡng. Nhưng hầu hết những người lên tiếng đều có uy tín trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại nên dĩ nhiên không có chuyện hồ đồ trong phán xét. Chẳng hạn như ý kiến của anh Nguyễn Hào Hải về tranh của họa sĩ Dương Bích Liên thì tôi tin, bởi vì anh Hải vốn là bạn vong niên vào những năm tháng cuối đời của họa sĩ nên những thẩm định của anh chắc chắn là có cơ sở?
Trong một bài trả lời, nhà nghiên cứu Nguyễn Hào Hải, bạn vong niên của Dương Bích Liên, khẳng định bức “Ba cô gái” tại triển lãm (từng in trên báo Thanh niên ngày 7-7 với tên “Nét duyên dáng”, sơn mài, 90 x 120 cm) là tranh giả, vì hai bức gốc trên chất liệu sơn dầu và sơn mài có kích thước lớn hơn nhiều. Nó to tương đương với kiệt tác (sơn dầu, 147 x 200 cm, 1972) của Dương Bích Liên. Bức gốc theo Nguyễn Hào Hải có tên là Mùa xuân và thiếu nữ, từ lâu đã thuộc bộ sưu tập Đức Minh, hiện nó vẫn còn trưng bày tại bảo tàng tư nhân Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM).
Theo thông tin mới nhất tôi vừa biết thì họa sĩ Thành Chương khi vào xem triển lãm đã thấy một bức tranh của mình nhưng lại đề tên phía dưới là của Tạ Tỵ(!?). Rồi một số những bức khác thì bị đánh giá là sai về kích thước, năm sáng tác... Thực sự, với bất cứ một người họa sĩ có lòng tự trọng nào, khi nghe đến câu chuyện này đều cảm thấy bất bình và bức xúc kinh khủng. Bản thân tôi thì thấy thực sự là chua chát và cay đắng. Dù sao nó cũng gây tổn hại một cách ghê gớm lòng tự trọng nghề nghiệp của bất cứ người họa sĩ có tâm với nghề.
- PV: Xưa nay, ông có gặp phải những tình huống nào liên quan đến tranh giả, tranh thật hay chưa?
- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Nó là chuyện xưa như trái đất mà. Ở đây không bàn đến tranh chép nhé. Nghề chép tranh lại khác. Nó được phép vì chép tranh là một nghề công khai và nộp thuế cho nhà nước.
Tôi là người cũng từng được mời đi làm những cuốn tuyển tập tranh của một số nhà sưu tầm khá nổi tiếng ở Việt Nam, có cụ đã mất nên tôi cũng không tiện nêu tên ở đây. Có lần, khi soạn tranh thì tôi chắc chắn đó là những bức tranh nguyên bản của các họa sĩ Đông Dương vẽ tặng cụ, vì cụ chơi thân thiết với các họa sĩ. Nhưng khi sách hàng trăm trang đến nhà in, thì một số bức tranh đã bị thay đổi, chẳng hạn như nét bút vẽ mới, khác với bức tranh nguyên bản; hay bản gốc là nét bút chì than đã nhòe, thì tranh in lại là sơn dầu. Bức tranh in ra bìa sách cũng bị thay đổi…
Tôi sau đó, với tư cách nhà tuyển chọn, bị chỉ trích vì như thế rõ ràng tôi đang cổ xúy cho tranh... giả! Tôi cho rằng, trong quá trình làm việc, đưa đi nhà in, có thể có những câu chuyện gì đó đã xảy ra mà bản thân chủ nhân cuốn sách đã có những thay đổi mà tôi, với tư cách là nhà biên soạn, không được thông báo. Ngày xưa, thời mà việc in ấn còn mất rất nhiều thời gian thì để in một bức tranh vào sách còn rất nhiều công đoạn và cẩn trọng lắm mới giữ được cho giống nguyên bản.
Chẳng hạn tôi có bức tranh "Biển của tôi", khi xem tranh thì nhà văn Nguyễn Minh Châu rất thích hình ảnh cậu bé ở biển và ông muốn tôi vẽ lại hình tượng chú bé ấy trong trong cuốn tiểu thuyết "Mảnh đất tình yêu" (xuất bản năm 1987). Tôi đã mất cả tuần vẽ lại trên bản can theo ngôn ngữ đồ họa. Dĩ nhiên, công nghệ in ấn thời ấy không được như bây giờ nên giữa tranh thật và một bìa sách rất khác nhau. Nhưng khi cuốn sách ra đời, nhà văn Nguyễn Minh Châu rất xúc động vì nó giữ được cái thần thái của bức tranh mà ông thích.
Một lần khác, trong quá trình đi thẩm định tranh của bác tôi - họa sĩ Lương Xuân Nhị giúp cho một người mua, tôi phát hiện ra bức tranh bị làm giả hoàn toàn. Bởi vì, với những người thân thiết, khi mình hiểu về phong cách sáng tác, cảm quan nghệ thuật, cách xử lý màu sắc, ánh sáng, bố cục... mình có thể biết đó là tranh giả hay thật.
Tôi còn nhớ năm 2011, đã có một vụ hủy hoại tranh khá hi hữu ở Hà Nội. Họa sĩ Văn Thơ phát hiện bức tranh "Ông công nhân già" của mình bị làm giả và đã dùng dao nhọn rạch vào bức tranh ấy tại Gallery Viet Fine Arts ở Tràng Tiền. Ông cho biết, trước đó, tác phẩm gốc đã được chính ông gửi bán tại Gallery này...
Bìa sách của nhà văn Nguyễn Minh Châu được vẽ lại. |
- PV: Nỗi bức xúc về vấn nạn tranh thật, tranh giả đã "xưa như trái đất" nhưng rõ ràng là chúng ta chưa có một giải pháp nào để ngăn chặn. Ai cũng bất bình nhưng vì sao không đưa ra một quy chế nào xử phạt để có thể giảm thiểu những chuyện đáng tiếc trong việc này, thưa ông?
- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Tôi hay bất cứ họa sĩ tử tế nào cũng bức xúc bởi vì câu chuyện về thị trường tranh giả đã lưu cữu quá lâu rồi. Nó là một thực tại đáng buồn, nhưng rõ ràng là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa giải quyết được. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát vì chưa có một chính sách, chế tài rõ ràng, chưa có sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan quản lý Nhà nước. Mà thực sự là cũng rất khó trong việc tìm cho ra nguồn cơn.
Chẳng hạn, với những bức tranh của các họa sĩ Đông Dương, họ là những tên tuổi đã đi về cõi khác, những nhà phê bình tranh giỏi thì cũng đã ra đi... Vậy lấy đâu ra những chứng cứ rõ ràng để phân biệt tranh giả tranh thật, nếu không phải là những người thật sự giỏi, có cơ sở để xác nhận điều đó giúp người yêu tranh? Hiện nay những ai còn giữ được bản gốc, những ai đã bán để lấy tiền, những bức tranh lưu lạc nơi đâu... luôn là một câu hỏi lớn không lời đáp.
Như vụ việc vừa xảy ra, tôi cho rằng nhà sưu tập tranh Nguyễn Xuân Chung cũng chỉ là một nạn nhân của nạn tranh thật tranh giả. Ông Chung trả lời báo chí cho biết, 17 bức tranh này ông mua từ ông Jean Francois Hubert - một chuyên gia thẩm định tranh Việt Nam tại sàn đấu giá Christies Hong Kong. Mỗi bức tranh ông mua đều có giấy xác nhận của ông J. F. Hubert. Tuy nhiên, khi đến xem triển lãm. Tận mắt nhìn những bức tranh này nhiều người trong giới hội họa đã cho rằng, 15/17 tranh được triển lãm là tranh giả hoặc tranh kém chất lượng, không đạt chuẩn…
Vậy nguyên nhân là vì đâu? Thứ nhất là do, bản thân ông không có "con mắt xanh" để nhìn tác phẩm, vì thực tế là nó không có một cơ sở nào để kiểm định. Thứ hai, người nước ngoài bán tranh cho ông Chung cũng là người bị... lừa vì bản thân họ khi mua lại bức tranh đó cũng đã mua phải tranh rởm mà không biết? Thực ra việc phân định này rất khó, bởi vì những cuộc mua bán tranh quý hiếm của các tác giả này thường lại diễn ra rất âm thầm, không công khai, thường là chỉ mua bằng lòng tin, cũng có thể có thẩm định nhưng người thẩm định không tinh tường và hiểu biết tranh gốc. Vấn đề này nó là một cái vòng luẩn quẩn và đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của những nhà sưu tập, thậm chí ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước và là một thực tại đáng buồn.
Thị trường nước ngoài đã vậy, nhưng thị trường nội địa còn phức tạp hơn và hỗn loạn hơn nhiều thì hỏi sao họa sĩ không buồn cho được khi tâm thế sáng tác của mình luôn bị ám ảnh bởi việc tranh giả, tranh nhái. Chẳng nói gì đến những tác phẩm nổi tiếng của các bậc cha ông; ngay ở trong thời kỳ đương đại, cùng với sự cởi mở của công nghệ thông tin, chỉ cần một ý tưởng xuất hiện, ngay lập tức đã bị ăn cắp rồi ấy chứ.
- PV: Theo ông, ở Việt Nam hiện nay có những nhà phê bình tranh nào có "con mắt xanh" trong phê bình tranh?
- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Nói cụ thể là ai thì cũng rất khó, mỗi người giỏi một lĩnh vực, "thuộc" tranh của lớp cha chú là vì những mối liên quan thân thiết, hiểu biết về tầng sâu văn hóa, tư chất... Nhà sưu tập giỏi người ta thường thận trọng, họ chơi với các họa sĩ như tri âm tri kỷ, để hiểu các tác phẩm nghệ thuật với các gốc tích rõ ràng, từ tác phẩm mà hiểu được cả một thời đại...
Ngày xưa, có nhà sưu tập Đức Minh (Bùi Đình Thản), ông cho rằng, đồng tiền để mua tranh là không sinh lợi, bởi vì những tác phẩm hội họa nó là vô giá, sự vô giá của nghệ thuật. Ông trở thành bạn vong niên của một số họa sĩ ngay từ khi họ mới ở chiến khu về như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Sĩ Ngọc, nhạc sĩ Văn Cao...
Khu biệt thự ba tầng ở 53 phố Quang Trung Hà Nội nhìn ra Hồ Thiền Quang vừa là tư gia vừa là một Gallery đầu tiên của Hà Nội: Gallery Đức Minh. Nơi ấy luôn mở cửa đón bạn bốn phương. Chủ nhà - ông Đức Minh là một người đôn hậu, vui tính, mến khách, ông không hề tiếc bạn một điều gì bởi vậy ông trở thành một người bạn lớn của Bảo tàng Mỹ thuật ngay từ những ngày đầu thành lập.
Ông cũng là người sở hữu một lượng tranh đồ sộ của các họa sĩ nổi tiếng. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện phía đằng sau, ông ấy biết chân giá trị mà tác giả đã sáng tạo ra nó, bức tranh mang giá trị sử liệu nghệ thuật rất cao. Đáng tiếc là sau này, khi ông mất đi, gia tài tranh ấy đã không được lưu giữ theo cách của ông nữa, thậm chí nó còn bị biến tướng, làm giả để tuồn ra nước ngoài, không ai có thể kiểm soát được.
- PV: Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, trong việc tranh giả - tranh thật này, thì Hội có vai trò gì không, và liệu trong một tương lai không xa thì nạn tranh giả, theo ông, nên có chế tài nào để có thể mang ra xử lý?
- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Hội Mỹ thuật Việt Nam chúng tôi vẫn đang nỗ lực để các anh chị em họa sĩ có một nơi để quy tụ nhau, ngồi cùng nhau. Một hội nghề nghiệp thì chỉ thúc đẩy tinh thần sáng tác của các Hội viên, tạo mọi điều kiện, cơ hội cho các Hội viên phát triển khả năng sáng tạo của mình, chứ chúng tôi không có chức năng quản lý hay giải quyết các vấn đề tranh thật, tranh giả. Đây thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý như là Sở Văn hóa, các cơ quan cấp phép cho triển lãm hoạt động.
Thực ra, vấn đề tranh giả không còn là vấn nạn nữa, mà là quốc nạn, nó tồn tại quá lâu rồi nhưng thực sự là chưa có một chế tài nào xử lý. Có một số người cũng đã đưa ra vấn đề mời luật sư để kiện, nhưng khó lắm, khó ở chỗ, tác giả thì hầu hết đã qua đời, sẽ không ai chịu ai. Mà kiện thì phải có chi phí. Chi phí thì không rẻ. Những họa sĩ chân chính thì không đủ tiền, không đủ thời gian vật chất và tinh thần để theo kiện vì nó sẽ triệt tiêu cảm hứng sáng tạo, những nhà sưu tập thì cũng không phải ai cũng có đủ những yếu tố khách quan chủ quan để xác lập những yếu tố cần và đủ cho tác phẩm mình đã sở hữu... Tóm lại, có rất nhiều yếu tố để đưa ra ánh sáng, dù biết mười mươi nó là giả hay thật.
Hiện nay có khá nhiều các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ, năng động, khá giả tìm đến thú sưu tập tranh. Đặc biệt là tranh của những tác giả đương đại. Và đó là một tín hiệu vui vì dẫu sao nó cũng có đủ cơ sở để xác minh tranh thật, tranh giả ngay khi tác giả còn sáng tác để tránh những nhầm lẫn về sau này. Lẽ dĩ nhiên, tất cả còn đang mới mẻ và bắt đầu xác lập những căn bản cho sau này nên chúng ta còn phải chờ đợi. Đó cũng là lý do nhiều họa sĩ vẽ tranh mà họ không thích triển lãm hay bán tranh. Không phải họ không cần tiền mà họ sợ lạc vào mê cung của tranh giả tranh thật.
Thời này, nếu cần có thể có ngay một phiên bản nên dĩ nhiên không ai có thể đảm bảo tác phẩm của mình là duy nhất có. Có lẽ khi xuất hiện những nhà sưu tập mới, những doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có tầm văn hóa, học thức sẽ nhanh chóng tiếp cận thị trường nội địa, tiếp cận vào đời sống đương đại để tạo nên một xu thế mới. Giải quyết câu chuyện giá cả ngay từ thị trường trong nước, chứ không phải đẩy giá cao ngất ngưởng để tự lòe nhau. Giải quyết tốt chuyện trong nhà mình trước, hy vọng sẽ không tạo nên những cái ảo ở thị trường quốc tế...
- Xin cảm ơn họa sĩ Lương Xuân Đoàn!