Hội nghị gia đình phạm nhân

11:15 16/05/2008
Cứ đến gần ngày 30/4 hàng năm, trại giam Xuân Lộc lại tổ chức Hội nghị Gia đình phạm nhân, cho hơn 150 phạm nhân được gặp người thân trong gia đình của mình. Tại hội nghị này, phạm nhân và cả gia đình đều được bày tỏ quan điểm, ước mong của mình với Ban Giám thị trại và những cán bộ quản giáo.

Chúng tôi có mặt tại trại Xuân Lộc từ tờ mờ sáng nhưng rất nhiều gia đình phạm nhân đã có mặt trước chúng tôi, từ 3 giờ sáng, không ít gia đình đến trại từ ngày hôm trước. Họ háo hức như thế cũng là dễ hiểu bởi một năm họ mới có một ngày sum họp, có dịp được gặp lại người thân của mình, được cùng người thân ăn bữa cơm thân mật, được nghe Ban giám thị trại thông báo về tình hình cải tạo, học tập của  phạm nhân, con em họ.

Một điều thật đặc biệt, ngày sum họp năm nay, Ban giám thị trại tiếp tục cho gia đình phạm nhân vào thăm nơi ăn chốn ở của phạm nhân. Thượng tá Lại Xuân Hùng cho biết, gia đình phạm nhân chắc hẳn sẽ yên tâm khi tận mắt nhìn thấy cuộc sống của người thân mình. Họ sẽ tác động tinh thần để phạm nhân cải tạo tốt hơn...

Mỗi ngày, các cán bộ quản giáo phân công cho 4 người trực làm các công việc như: lau dọn phòng, chăm sóc cây cảnh trong một khu bao gồm 2 phòng... Thượng úy Phạm Văn Tính, quản lý Khu 1 cho biết: “Trên thực tế, ngày nào các phòng cũng sạch như ngày nào. Không có chuyện vì hôm nay là ngày trại mở cửa cho người thân của phạm nhân tham quan mới sạch đâu”. Thấy chúng tôi có vẻ ngần ngừ, anh Tính nói như quả quyết: “Nếu anh không tin thì cứ đề nghị lãnh đạo, chúng tôi sẽ để anh xem bất cứ phòng nào anh muốn”.

Ông Nguyễn Văn Tiêm, nhà ở quận 1, TP HCM là chồng của nữ phạm nhân BTH, BTH bị kết án chung thân vì tội buôn bán ma túy. Sau khi  tham quan buồng giam, ông Tiêm rất bất ngờ,  cho biết: “Bà xã tôi thụ án ở đây được 5 năm rồi, đêm nào tôi cũng lo lắng vì không biết nơi ăn chốn ở của vợ mình như thế nào. Giờ được lãnh đạo Trại Z30A cho tham quan nơi giam giữ phạm nhân, tôi đã cảm thấy an tâm. Hơn nữa, có cảm giác đây không phải là trại giam mà như nơi ở bình thường, bởi nó ngăn nắp, nề nếp và sạch sẽ quá”.

Mỗi phòng giam ở Khu 1, Trại Z30A có khoảng 40 phạm nhân sinh hoạt gồm tầng trệt và gác lửng (dạng như giường tầng trong các khu ký túc xá). Mỗi phòng được trang bị 1 tivi hiệu Samsung, màn hình phẳng, 3 quạt trần... Nơi vệ sinh có nước máy và cách biệt hẳn với nơi sinh hoạt nên rất sạch.

Một phạm nhân được phân công trực ngày hôm ấy cho chúng tôi biết việc xem tivi ở đây ngoài chương trình quản lý bắt buộc phạm nhân phải theo dõi như chương trình thời sự những chương trình khác gần như phạm nhân được xem theo ý thích. Thêm nữa, mỗi khu đều có một ăngten parapol, nên sự chọn lựa về kênh truyền hình của các phạm nhân cũng thoải mái.

Khi Thượng tá Lại Xuân Hùng giải thích cho người thân phạm nhân về diện tích phòng, về nội quy giữ gìn vệ sinh, về giờ sinh hoạt của phạm nhân... họ đều thấy hoàn cảnh sống của con em mình trong trại không u ám như mình nghĩ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, nhà ở quận Gò Vấp, TP HCM thương con nên bà lên thăm từ đêm hôm trước. Các cán bộ quản giáo đã bố trí cho bà một chỗ nghỉ qua đêm để sáng nay gặp con. Bà Thanh kể, con bà trước đây học ĐH Kinh tế TP HCM, phạm tội bị mức án 12 năm tù giam. Cậu con trai bà Thanh đã thụ án được hơn 6 năm.

Trò chuyện với chúng tôi vừa gạt nước mắt, bà vừa nói: “Mừng lắm, cậu ạ. Bản thân tôi biết con tôi có tội, dù Nhà nước có phạt như thế nào mình cũng phải chấp nhận. Nay thấy nơi ăn ở của cháu được sạch sẽ, được quan tâm như thế này tôi cảm thấy yên tâm. Tôi cầu mong con mình sớm nhận ra lỗi lầm của nó, cải tạo tốt để về giới gia đình”.

Hay như vợ của phạm nhân Thanh Sơn, ở tận Châu Đốc (An Giang) lên thăm anh. Nay biết chỗ ở của chồng mình không như những gì đã tưởng tượng ra chị mừng lắm. Được gặp anh, chị chỉ biết lặng lẽ cầm tay anh khóc, khuyên anh yên tâm cải tạo...

Tôi rất thích và chắc hẳn nhiều gia đình phạm nhân, nhiều phạm nhân cũng ấm lòng khi nghe lời bộc bạch của Đại tá Nguyễn Trung Binh, Giám thị Trại Xuân Lộc, Đại tá Binh đã nói trước đông đảo phạm nhân rằng: “Với tội lỗi mắc phải, các anh chị đã bị tước quyền công dân, nhưng trong trại, chúng tôi bảo đảm quyền con người của anh chị em...”.

Phạm nhân Đàm Trọng Thắng, bị kết án tù chung thân đã thụ án ở đây từ năm 1995 tâm sự: “Hơn 13 năm trước, tôi từ trại tạm giam chuyển về Xuân Lộc học tập, cải tạo, điều kiện cơ sở vật chất của trại còn khó khăn, điều kiện ăn ở sinh hoạt còn nhiều hạn chế, nhiều phạm nhân chúng tôi rất bỡ ngỡ, hoang mang, với người chịu mức án không thời hạn như tôi, lúc đó, tôi đã tự đặt câu hỏi: Cuộc đời mình rồi sẽ ra sao?

Thế nhưng, không bao lâu sau, chúng tôi đã được Ban giám thị và các cán bộ quản giáo động viên giúp đỡ, tạo điều kiện về vật chất, chăm sóc và giáo dục tư tưởng cho chúng tôi thông suốt, từ đó, chúng tôi dần hiểu được, nơi đây là một “ngôi trường” dành cho những ai biết chuộc lại lỗi lầm, biết rèn luyện, lao động và học tập"...

13 năm qua, Trại Xuân Lộc đã từng ngày đổi mới, những phân trại cũ đã được xây mới với đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt và học tập của phạm nhân, buồng giam được xây dựng khang trang, thoáng mát, phân trại nào cũng có hội trường, khu vui chơi giải trí cho phạm nhân, nhà văn hóa, khu bệnh xá...

Trong lời tâm sự chân tình của mình, Thắng nhắc đi nhắc lại rằng, Thắng coi Trại Xuân Lộc không phải là một... nhà tù, mà là một ngôi trường, ngôi trường nghiêm khắc nhưng đầy tình yêu thương dành cho phạm nhân...

Nguyễn Hà Tân, 32 tuổi,  án chung thân về tội “giết người”, vào trại từ năm 2000. Tân kể với chúng tôi rằng, Tân đã học được rất nhiều. Hướng về Trung tá Cơ, Tân bảo, cán bộ Cơ như là người thầy đầu tiên của Tân, đã dạy Tân rất nhiều.

Còn Trung tá Cơ, hiện là Đội trưởng Đội Tổng hợp của trại thì cho rằng: "Ở đây, chúng tôi ít dùng những hình phạt để phạm nhân sợ, mà dùng lý, tình giáo dục, thuyết phục làm cho phạm nhân nể và tự giác chấp hành mọi quy định!".

Phạm nhân Tân phụ họa, ở trong tù, dân anh chị không thiếu, chuyện va chạm đánh nhau thỉnh thoảng cũng diễn ra, khi ấy, cán bộ tìm lời khuyên, giải quyết mâu thuẫn, anh em cùng chung cảnh tù dễ thông cảm với nhau.

Được đánh giá là một trong những phạm nhân học tập, cải tạo tốt, bây giờ, Hà Tân đã được giao quản lý hẳn một đàn heo hơn 40 con. Tân cười hiền nói ngày ra tù, Tân sẽ trở thành một chủ trang trại...

Thượng tá Lại Xuân Hùng, Phó giám thị trại cho biết: Thể hiện truyền thống “gạn đục, khơi trong”, “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”, gắn liền với công tác quản lý, trại luôn chú trọng đến công tác giáo dục, xác định đây là mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản xuyên suốt mọi hoạt động của trại, thông qua công tác giáo dục để tác động đến con người phạm nhân giúp họ nhận rõ các hành vi vi phạm pháp luật của mình trong quá khứ, để họ an tâm chấp hành bản án, tự giác học tập rèn luyện, tu dưỡng bản thân...

Trong nhiều năm qua, anh em cán bộ quản giáo Trại Xuân Lộc đã cố gắng thực hiện một số biện pháp để cải thiện đời sống phạm nhân. Trại đã xây dựng lại nơi ăn, chốn ở sạch sẽ ngăn nắp cho phạm nhân. Trại đầu tư hàng tỉ đồng cho việc lắp đặt hệ thống lò hơi cho toàn trại để đảm bảo phạm nhân được ăn chín, uống sôi. Trại còn tổ chức sản xuất nước uống tinh khiết, đủ để cung cấp cho một phạm nhân tiêu chuẩn 2lít/ngày...

Hàng năm, vào các dịp lễ, Giám thị trại lại tổ chức trực tiếp đối thoại với anh chị em phạm nhân tại 5 phân trại để nghe họ bày tỏ tâm tư nguyện vọng, những gì phạm nhân chưa hiểu, chưa thông.

Đại tá Hồ Thanh Đình, Cục phó Cục Cải tạo và Quản lý phạm nhân - Bộ Công an cho biết, mô hình giáo dục và quản lý phạm nhân của Trại Xuân Lộc sẽ được nhân rộng. Nhiều năm qua, Lực lượng Công an nói chung, các trại giam nói riêng đã có rất nhiều cố gắng trong công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân. Anh em cán bộ quản giáo đã gặp nhiều khó khăn, gian khổ, kể cả hy sinh, phạm nhân mới được hưởng nhiều quyền lợi như ngày hôm nay...

Nhà tù, hình phạt, luật pháp... cũng chỉ với mục đích giúp phạm nhân hướng thiện. Lầm lỗi nhưng biết ăn năn, hối cải, quyết tâm vươn lên hoàn thiện chính mình thì tin rằng phạm nhân sẽ được trở về với gia đình và xã hội

Thuận Thiên – Kinh Luân

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文